Tiểu Lục Thần Phong

Thế rồi cái ngày ấy vẫn đến, cái ngày mà không một ai trên thế gian này muốn cả, cái ngày mà mọi người luôn né tránh nói đến. Dù cho có muốn hay không muốn thì nó vẫn cứ đến. Ngày Ngoại tôi ra đi về miền miên viễn.

Chín mươi sáu năm bôn ba trên cõi đời này, phần nhiều nhọc nhằn, khổ lụy, Ngoại một mình bươn chải nuôi lấy đàn con. Ngoại là người đàn bà cứng rắn và lanh lợi. Ngay từ thời Pháp thuộc ngoại đã ra Bắc vào Nam buôn chuyến. Những chuyến hàng đường phèn, đường phổi, mạch nha… danh tiếng một thời!

Cũng như những con dân nước Việt cùng thế hệ, Ngoại đã trải qua ba cuộc chiến long trời lở đất, vận nước lênh đênh thì người dân cũng bấp bênh sống chết. Ấy vậy mà Ngoại vẫn vững vàng vượt qua! Những ngày còn thơ tôi vẫn thường được Ngoại dắt về ngôi nhà trên quê ngủ, trên đường đi ngang qua một Ðề Bô (depot) xe lửa, ở đấy có những gánh hàng rong bán quà quê nào là: chè, bánh bò, bánh bèo, sương sa, sương xáo… Tôi là đứa trẻ thích ăn vặt hơn ăn cơm nên Ngoại luôn luôn ghé mua quà cho tôi ăn.

Tôi vẫn thắc mắc sao không ngủ ở ngôi nhà trong thị trấn mà cứ phải về ngôi nhà trên quê để ngủ? Nhưng chẳng có ai nói rõ lý do. Sau này lớn lên tôi mới biết tại sao, tại vì Ngoại chôn giấu vàng ở trong ngôi nhà đó. Ngôi nhà trên quê yên ả biết bao, hai hàng tre kẽo kẹt mát rượi những trưa hè. Người xưa cất nhà rất khoa học, nhà nào cũng luôn luôn có một khoảng sân ở giữa nhà vừa thoáng mát, lấy ánh sáng, lại thoát nước mưa. Ngày nay những ngôi nhà hiện đại không còn khoảng giếng trời giữa nhà tuyệt vời như vậy, kể cũng tiếc thay!

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

ngoai

Ngoại vẫn thường dạy con cái ăn chay niệm Phật. Ngoại giữ thập trai rất nghiêm túc, dù thế nào cũng không vi phạm. Những ngày rằm, mùng một Ngoại lên chùa lễ Phật. Có lẽ nhờ thế mà chúng tôi lớn lên ai ai cũng tin theo Phật, có lẽ đây là cái nhân duyên ban đầu tiếp xúc Phật Pháp của tôi! Tạ ơn Phật, tạ ơn Ngoại!

Chín mươi sáu năm trên cõi đời này kể cũng thượng thọ rồi; đời người vốn thoạt có thoạt không, thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Trải qua ba cuộc chiến, trải qua những tháng năm gian khó biết bao, nuôi cả đàn con cháu, công lao như trời bể. Ngoại ra đi tôi không về viếng ngoại được, dù lòng tha thiết muốn biết bao. Lòng tôi đau nhưng lực bất tòng tâm. Lương công nhân ngày ngày kéo thẻ không là bao, rồi thê nhi ràng buộc; với tôi còn có cái khó hơn người khác vì nhân duyên của mình không tốt, lòng người không rộng rãi lại đa nghi… nên đành vọng từ ngoài ngàn dặm xa xôi! Dẫu biết sống chết là lẽ thường nhưng khi biết Ngoại ra đi lòng không sao cầm đặng! Chín mươi sáu năm trong cõi vô thường kể cũng phù du bèo bọt nếu so với chín vạn đại kiếp! Không biết đã bao bận thay hình đổi dạng, đã bao lần tử sanh? Chỉ có con số là vô lượng mà thôi! Dẫu biết khứ lai hiện tại cùng thập phương hư không vẫn không ngoài một niệm, nhưng cũng từ một niệm này mà trùng trùng vô tận duyên khởi sanh ra.

Xem thêm:   Những điều lý thú của tháng Ba

Tôi ở ngoài muôn dặm, Ngoại từ trong cố quận xa xăm, nhưng lòng tôi vẫn luôn có bóng hình Ngoại trong tâm. Cái thân tứ đại vô cùng thô này làm sao mà vượt không gian thời gian để về viếng Ngoại? Tôi lên chùa lễ Phật, quỳ dưới chân Như Lai nguyện cầu Tam Bảo gia hộ Ngoại. Cầu mà không cầu, ở đây không phải cầu tài lộc; ở đây cầu năng lực từ bi, trí huệ vô biên của chư Phật, chư Bồ tát, chư Thánh hiền gia hộ cho hương linh Ngoại siêu thoát, tái sanh về cảnh giới an lành, tốt đẹp!

Thời gian như nước chảy mây bay, như hoa rơi lá rụng… Thấm thoắt đã ba năm trôi qua. Không biết giờ Ngoại đã tái sanh về đâu? Tây Phương Cực lạc, cõi thiên, cõi người? Dù về đâu thì hình bóng Ngoại vẫn mãi mãi trong tâm tôi! Ngoại đã về một vùng phương ngoại, ở đấy không còn những khổ đau, phiền não của một kiếp người, nhất là thân phận con người ở những nước nhược tiểu. Nơi ấy bị thao túng bởi cường quyền, nơi ấy thân phận con người càng nhỏ bé hẩm hiu và bất an biết là bao! Vùng phương ngoại ấy vẫn lung linh huyền diệu như có như không, vùng phương ngoại ấy cũng không ngoài tâm mà cũng là thật có! Nếu không có cái vùng phương ngoại ấy thì ta biết sống làm sao nổi với cuộc đời này. Nếu không có vùng phương ngoại ấy thì kiếp người sẽ cô đơn và khổ sở biết bao trong cõi đi về này!

Thế gian này dù có ra sao đi nữa thì vùng phương ngoại vẫn lung linh trong tâm Ngoại, tâm tôi, tâm tất cả mọi người! Ngoại đã về với vùng phương ngoại ấy thì ngoại hãy yên lòng, rồi mai đây sẽ đến lượt con cháu. Mọi người sẽ lần lượt đến phiên mình; tử-sanh vốn bất tận. Phật từng cảm thán: “Sinh tử bì lao”, dù thế nào ta cũng phải sống, sống trong từng phút giây hiện tại, an lạc trong từng phút giây hiện tại. Không có ai có thể biết được khi nào sẽ đến phiên mình. Ðiều quan trọng là hãy sống hết mình cho hôm nay!

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Thời gian như nước qua cầu,  năm xưa cụ Bá Trác từng viết: “Hồ trường nay biết rót về đâu?” Người Phật tử không uống rượu nhưng “nước xuôi làm rượu quan hà chuốc say”– (thơ Phạm Thiên Thư). Nhớ thương Ngoại, nhớ quê hương thiết tha, dù sống ở hải ngoại vật chất có đủ đầy đi nữa vẫn không sao xoá mờ hình ảnh cố quận trong tim tôi. Có danh nhân nào đó từng nói: “Chỉ có thể rứt người ta ra khỏi quê hương, chứ không thể rứt quê hương ra khỏi trái tim người”.

Hải ngoại những ngày cuối năm, người ta rộn ràng cho mùa lễ. Tôi vẫn lang thang như một người đi tìm một vùng phương ngoại nào đấy trong tâm hồn tôi! Không biết nhân duyên thế nào mà những người con nước Việt lao đao lận đận vậy? Người ở đã khổ, kẻ ra đi cũng chẳng hơn gì! Tâm tư vẫn đau đáu về cố quận xa xôi. Người con nước Việt vốn ngàn đời sống với quê hương, tổ tiên đâu có ai muốn làm viễn khách ly hương. Nhân duyên thì trùng trùng vô tận, kiếp người thì ngắn hạn, trí tuệ thì không… Vô tình khách vẫn lang thang trên nẻo đường đời, vẫn mơ về cố quận!

TLTP

Ất Lăng thành, 2018