1

Bạn nhắn tin lúc đó tôi sắp đi ngủ: “Lụt khắp nơi, cả một xa lộ dài chìm trong nước chỉ còn đoạn ngắn nổi lên”, kèm theo mấy tấm hình. Tôi xem mà ngỡ như bạn đang tường thuật mưa lụt miền Trung Việt Nam tháng Mười âm lịch.

Tôi nhắn lại: “Nhà bạn ở khu vực an toàn không?”

Bạn không trả lời mà gửi tiếp loạt hình nữa khiến tôi tỉnh ngủ luôn. Những con đường trong phố ngập nước; nước mênh mông, loạt ngôi nhà chỉ còn thấy nhô lên những cái mái. Con đường dài ngoằng, hai bên trắng nước. Xuồng, nhân viên cấp cứu đưa người đến vùng an toàn… Những bảng giao thông chỉ còn một phần phía trên…

Bạn trả lời câu hỏi của tôi: “Nhà mình trên đồi, chỉ sợ lở đất”. Tôi chưa kịp cười trấn an thì bạn tiếp: “Chắc phải đi mua cái xuồng cao su”.  Khiến tôi suy nghĩ về những câu xem ra rất “chõi” nhau. Tại sao nhà trên đồi mà lại tính chuyện mua xuồng? Rồi làm như lở đất là chuyện giỡn chơi vậy. Miền Trung Việt Nam “trời hành cơn lụt mỗi năm”, phá rừng lấy gỗ, phá núi xây dựng nhà cửa vô tội vạ mới bị lở đất, sạt núi. Nơi bạn sống lâu nay hạn hán liên miên khiến bạn than trời nóng quá tôi vẫn còn nhớ như in, vả lại nhà cửa xây dựng đâu ra đó, người ta bảo vệ môi trường, ai phá rừng chặt cây đâu mà có chuyện đất lở…

Tôi chưa kịp chuyển những thắc mắc của mình qua màn hình điện thoại thì có câu nhắn: “Chút nữa đi hái trái cây chứ không ngập hết”. Tiếp đó là tấm hình với dòng chú thích “Con đường vào vườn trái cây cũng ngập, không có xuồng làm sao đi hái?” khiến tôi cười ngất. Thì ra là bạn đang suy nghĩ tích cực và có chút mơ mộng về một việc nên làm trong lúc mưa gió, chứ không lý bó gối trong nhà “tự kỷ” ngó ra chờ hết bão lái xe đi ăn tô phở?

Từ tuần trước nữa bạn nhắn tin dự báo sẽ có bốn cơn bão ghé thăm Cali. Thú thật, tôi đọc một cách rất thờ ơ, bão có quét qua chắc cũng nhẹ nhàng như khi mình ngồi trong nhà, nghe tin bão rớt đâu đó… Cho đến lúc đọc tin nhắn mưa bão ầm ầm, gió hú như ma tru, điện cúp, ban ngày không nấu ăn được thì chớ, đêm phải “sống thầm” đến mấy ngày. Sau đó là loạt ảnh cây đổ khắp nơi, trụ điện bị ngã, xe hơi bị đè bẹp… Một vài nhà bạn của bạn bay mất hàng rào, có nhà tiêu luôn cái nhà kho… Tôi mới thật tin thiên tai đang hoành hành nơi bạn sống, và sau đó đọc trên báo: “Tổng thống Biden ban bố tình trạng khẩn cấp ở tiểu   bang California do bão mùa đông”.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Tuy nhiên chỗ bạn vẫn an toàn, bằng chứng là trong mấy ngày đó bạn đi lượm trái cây rụng trong các vườn nhà hàng xóm, người ta còn cho hái thoải mái. Bạn chụp hình cả thùng táo tú ụ lượm về… Tôi nhắn qua: “Táo để dành lâu lắm đó, từ từ mà ăn”. Và tôi hình dung công việc của bạn trong những ngày cơn bão này đi qua chờ cơn bão khác đến là việc hái lượm, nhiều loại trái cây khác nhau chứ không chỉ táo; yên tâm cái bao tử những “đêm nằm nghe gió (lá) than van chút niềm đau ngọt ngào” và mong chờ “một ngày trên vai bão tố nguôi ngoai” (1). Tôi nhắn qua ý vậy kèm theo loạt icon mặt cười.

Và sau đó, mưa nhiều gây nên lụt đã khiến bạn tập trung vào những điều tốt đẹp hiệu quả hơn, kiểu như một thể nghiệm tự phát không cần phản hồi là mua cái xuồng hơi cao su để chèo vào vườn hái trái.

Tôi nhắn qua trêu: “Ðúng nghĩa mơ mộng về mùa lụt sang trọng và lãng mạn!”

Làm tôi nhớ má những mùa lụt xưa.

Bảo Huân

2

Mùa lụt đầu tiên trong đời khi tôi biết nhận thức được sự vật là năm 1964, cây lụt năm Thìn ấy sau này má tôi hay nhắc đi nhắc lại nên nhớ hoài. Má kể, năm đó nước phả qua cầu Thành(2) chảy xiết lắm, cuốn trôi mọi thứ, cây cầu tơi tả chỗ này miếng ván, chỗ kia cây trụ. Nhà tôi trên Quốc Lộ 1, xổ dốc cầu Sông Cạn là đến. Sẩm tối, nước vào ngập sân sau, mờ sáng khi tôi thức dậy đã thấy nước mấp mé thềm nhà trên cao hơn nhà dưới ba bậc cấp. Thú thật, hồi ấy, mùa lụt chỉ có lũ con nít là thích nhất. Chúng tôi ngồi trước nhà khoả tay xuống nước đẩy những chiếc thuyền giấy trôi ra xa, rồi nhìn người qua lại lội nước. Vui làm sao!

Xem thêm:   Trăm năm tiếng Việt

Còn nữa, tôi không nhớ chính xác năm lụt đó tôi học lớp mấy trường Tiểu Học Khánh Hòa ở trong Thành. Tôi đi học qua cửa Ðông mỗi ngày, hồ cửa Ðông rộng và sâu lắm. Chiều hôm đó tan học trời mưa rất to, chờ mãi không thấy ba đón, tôi ngu dại đi bộ về nhà. Nhớ rất rõ lúc qua hồ cửa Ðông nước chảy rất mạnh, mặt nước bao la trắng xóa, ám ảnh lắm. Tôi ốm nhom, nhỏ xíu, lội nước tới bụng, liêu xiêu chực ngã. Hai bên hồ không có lan can bảo hiểm hay đánh dấu cột mốc, không thể nào biết mép đường và hồ, sơ sẩy sụp xuống hồ như chơi. Ðã có học trò sụp hồ chết đuối rồi. Hãi hùng lắm nhưng tôi cũng biết khôn, lần ra giữa đường mà lội. Qua khỏi hồ mới hoàn hồn.

Năm 1969 ba tôi cất nhà mới cách nhà cũ (là nhà thuê) một con hẻm mà những buổi trưa không ngủ, tôi lẻn chạy một mạch là ra đến chợ, cầu Thành. Mùa lụt, nước lên từ hẻm này. Thường nước chỉ vô nhà dưới, lụt lớn lắm nước mới vào nhà trên. Ba má thức cả đêm canh lụt. Mà lạ, nhớ đến mùa lụt tôi nhớ má nhiều hơn ba, vì bà là “tổng chỉ huy”, dọn cái gì, để đâu, đưa cái gì lên cao… Nước rút, vừa làm má vừa dạy, dọn làm sao cho thật sạch bùn non. Xối nước thế nào, cầm cây chổi lùa nước và bùn ra sao… Hồi đó ham chơi, tôi thích đi coi lụt hơn phụ dọn nhà thành ra tôi hay bị má la. Tôi rủ bạn bè đi xuống cây dầu đôi lội nước. Thích lắm!

Thích nữa là những món ăn mùa lụt của má. Cá rô, tràu, trê… chiên, nướng ăn với mắm ớt tỏi ngò. Má đi chợ về nghiêng cái giỏ trút ra rổ những con cá còn quẫy, má khoe mua của ai, mang từ đâu ra bán trên đường cái… Con này nấu chua, con kia chiên, con nọ nướng… Vẻ mặt bà thật hạnh phúc!

Xem thêm:   Tự tin

Ba mươi năm sống ở phố Nha Trang, tôi không còn dọn lụt. Mùa lụt, trời vừa hết mưa, tôi chở má đi “coi nước”.  Ðến cầu gỗ Phú Kiểng, nhìn dòng nước chảy xiết cuốn trôi một đoạn cầu, má thường chép miệng: “Nhất thủy, nhị hỏa”, “Ví dầu trời hại mới hư/Nào ai có hại cũng như phấn dồi”…

Sau này chân má yếu, bà không còn theo tôi đi coi lụt nữa. Ngồi trong nhà nhìn màn mưa trắng xóa, má hay nói một mình: “Không có đứa nào lên coi mả em trời lụt có ngập không, xây cao lên đi chớ. Tiền bao nhiêu ăn cũng hết, má mà chết đi thì đứa nào lo cho nó”. Là má nói mộ em gái kề tôi, mất năm 1966. Ðã lâu rồi bà không thể đến thăm, nên ký ức về “mả em” trong má chỉ là một nền xi măng nhỏ xíu thật thấp từ lâu lắm. Người già nhớ nhớ, quên quên.

3

Tôi thường nghĩ về hai từ “hồi sinh” và thấy đó là điều kỳ diệu của cuộc sống. Sinh thời má tôi hay nói: “Thời gian luôn là một mầu nhiệm, việc gì rồi cũng qua!”.

Tôi nghĩ đến mùa bình an và hy vọng. Mưa bão rồi sẽ qua, sau cơn mưa trời lại sáng là chân lý hàng tỉ năm của con người trên xứ trái đất này. Tôi nghĩ đến những ngày không còn nỗi lo lắng vì dịch bệnh, thiên tai… để mọi thứ được hồi sinh, phố lại rực rỡ sắc màu, màu của hy vọng và bình an.

ĐTTT

(1) Lời bài hát “Tình xót xa vừa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

(2) Thành Diên Khánh cách Nha Trang 10km về phía Tây Nam. Di tích còn lại hiện nay là 4 cửa Thành: Đông, Tây, Tiền, Hậu được xây dựng bởi phe chúa Nguyễn trong thời kỳ chiến tranh với Tây Sơn.