Ngày đó, mỗi khi chú Tư dắt chiếc xe Vespa ra khỏi cửa, Tám cứ nằng nặc đòi đi theo cho bằng được. Tám không cần biết ba mình sẽ đi đâu, hướng Sài-Gòn, Chợ -Lớn hay Đa-Kao, Phú-Nhuận, nhưng Tám biết chắc chắn một điều là mình sẽ được đi ngang rất nhiều rạp hát. Dù chỉ là một vài giây phút thoáng qua thôi để Tám có thể ngắm nhìn từ xa những tấm “paneau” màu sắc sặc sỡ, lung linh treo trước rạp nhưng cũng khiến cho Tám sung sướng đến nghẹt thở, tê người.

Hình ảnh các rạp ciné ở Sài-Gòn trước ngày 30.04.1975
Tám làm quen với nghệ thuật từ âm thanh của những buổi “đờn ca tài tử” do mấy bác, mấy chú và mấy thầy đờn ở trường Quốc gia âm nhạc hòa đờn trên căn gác nhỏ. Tám cũng tập tành nghe tân nhạc từ cái radio của mấy anh thợ may “trốn lính” bên cạnh nhà trước khi tập tành đọc vần ngược, vần xuôi. Tuổi còn con nít trân, nhỏ như cây kẹo mút mà Tám cũng bày đặt nghêu ngao “khi vũ trụ lên đèn, thành phố ngả nghiêng” hay “đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn” và đương nhiên là không thể hiểu hết được nghĩa bóng lẫn nghĩa đen mà tác giả đã gởi gắm.
Lớn lên một chút, lần đầu tiên Tám được đến rạp Việt Long (*) để coi phim “Độc thủ đại hiệp” do tài tử Vương Vũ đóng vai chánh. Tám đã bắt đầu say mê và sưu tầm hình ảnh tài tử, nghệ sĩ được mến chuộng từ những tờ nhật trình của ba hay từ những túi kẹo me ngào đường được bán trong tiệm tạp hóa kế bên nhà, chân dung các tài tử của hãng phim Thiệu Thị (Shaw Brothers), hãng Gia Hòa (Golden Harvest) bên xứ Hong Kong như Miêu Khả Tú, Lý Thanh, Khương Đại Vệ, Địch Long v.v.

“Paneau” của hãng phim Thiệu Thị (SB), Hong Kong
Hấp dẫn Tám nhất là những phim có tài tử Lý Tiểu Long đóng vai chánh. Những cuốn phim này “ăn khách” vô cùng. Khán giả chen chúc, xô đẩy cả tiếng đồng hồ mới vào được bên trong. Lẫn trong đám đông nhốn nháo và ồn ào, chiếc áo của Tám đang mặc trên người thường bị mất nút hoặc lưng áo bị tét ra làm hai, nhưng bù lại Tám được coi phim miễn phí, coi “chùa”. Mấy chú, mấy cô có nhiệm vụ soát vé phải đành chịu thua trước làn sóng người chen lấn từ ngoài sân cho đến tận cửa rạp. Thuở đó, các rạp không chiếu theo từng xuất phim như bây giờ mà chiếu thường trực. Khán giả vào rạp lúc nào cũng được, có khi được xem phần cuối rồi mới coi phần đầu ở xuất chiếu tiếp theo.
Mãi đến bây giờ, Tám cũng không biết phải dùng bút mực hay lời lẽ nào để diễn tả được trọn vẹn cái niềm đam mê của thằng bé chưa vào lớp mẫu giáo ngày ấy. Mỗi khi đèn đuốc trong khán phòng được tắt tối thui, nhìn qua hai cánh màn nhung mờ ảo, trong lòng Tám vô cùng sung sướng và hay tự hỏi “không biết nghệ sĩ nào sẽ xuất hiện trước, thần tượng của mình xiêm y có rực rỡ không, cảnh trí có lộng lẫy không?”

Rạp Rex
Có bữa xui rủi, không được cô bác nào dắt theo, thì Tám phải ca bài con cá với mấy chú gác cửa “chú ơi cho con dzô coi đi”! Hôm nào không được may mắn thì Tám lẳng lặng ngắm nhìn hình ảnh các nghệ sĩ, tài tử treo đầy rạp, nhìn xấp vé vào cửa qua khung cửa kính với biết bao thèm thuồng, tiếc nuối rồi lủi thủi bước về nhà.
Tuổi thơ của Tám lớn dần theo ngày tháng và niềm say mê đó vẫn cứ đong đầy. Mấy chục năm sau, thời gian đã quá xa và không gian cũng không còn là chốn cũ nhưng hình ảnh thằng bé mê coi hát ngày ấy vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Ký ức ngày xưa là kỷ niệm bây giờ, là niềm an ủi trong những ngày mưa dầm, gió chướng hay những khi bùi ngùi nhớ về quê nhà trong những buổi hoàng hôn nhạt phai màu nắng.
TV
(*) rạp chiếu bóng Việt Long trên đường Cao Thắng, sau khi được chỉnh trang và tăng cường máy lạnh, được mang tên mới Văn Hoa Saigon, để phân biệt với rạp Văn Hoa Dakao. Sau Tết Nguyên đán con cọp năm 1974, ông chủ cho đập nát ngôi rạp cũ và xây lại mới hoàn toàn. Tết Ất Mão (1975) hai rạp Capitol và Mini Capitol được tưng bừng khai trương trên nền đất cũ. Tháng tư 1975, Sài-Gòn bị đứt phim, rạp đổi tên mới là Thăng Long