Cô em tôi ở California, vào một ngày đẹp trời gặp người bạn cũ từng giúp cô kiếm việc ở San Jose, tay bắt mặt mừng mời về nhà chơi. Trước khi từ giã, bạn đã “lì xì” đứa con gái 10 tuổi của cô em một món tiền hậu hĩ $500. Người bạn khoe làm ăn ”cực kỳ” phát đạt, đi xe delux, xách túi Hermes, mặc quần áo hàng hiệu, đeo đầy người hột xoàn bự… làm cô em tôi chóa mắt và càng tin tưởng bạn mình nay là một doanh nhân thành đạt. Thế là cô nghe lời dụ dỗ vì “ham” những lợi nhuận quá lớn –  too good to be true – khoản đầu tư có vẻ quá tốt để có thể tin là thật.

Lần đầu, cô em tôi “thử” bỏ vào quỹ đầu tư $5,000, đến 3 tháng sau được gởi tiền lời 50%, còn được hứa hẹn nếu bỏ vào nhiều hơn và lâu dài hơn sẽ được lời nhiều hơn nữa. Người bạn còn dụ hãy lấy tiền 401K ra bỏ vào mà lấy lời sau này hưởng già với một số tiền lớn, vì muốn khơi dậy lòng tham lam và hám lợi của những “con mồi”. Cô em tôi đã rủ rê một số bạn bè, bà con và cô em út bỏ tiền vào quỹ đầu tư. Cô hả hê vui mừng vì có “việc nhẹ, lời cao” chỉ “ngồi chơi, xơi nước, lấy lời” – một cách kiếm tiền an toàn, ngon lành như ngồi thưởng thức bò Kobe Nhật Bản và cất tiền vào ngân hàng Thụy Sĩ. (*-*)

Xem thêm:   Share Phòng hay share Tiền

Tôi còn nhớ, buổi sáng hôm ấy nếu không ngăn chận kịp thời thì chỉ một cái “nhấp chuột”, 2 cô em của tôi mất toi $100,000 “cúng” cho người bạn cũ yêu quý.

Ponzi lấy từ tên Charles Ponzi, một kẻ lừa đảo hàng ngàn nhà đầu tư vào thập niên 1920 và trở nên khét tiếng khắp nước Mỹ và quốc tế với số tiền khổng lồ (tương đương với $314 triệu vào năm 2024).

Những người tổ chức quỹ đầu tư Ponzi thường hứa hẹn sẽ đầu tư một cách “trí tuệ” để tạo ra những lợi nhuận “siêu đẳng” và an toàn với rất ít rủi ro hoặc không hề bị “mất vốn”.

Tuyệt chiêu của Ponzi là “Mượn đầu heo nấu cháo” hoặc “Lấy của cô Hồng trả cho cô Huệ” theo mô hình của Kim Tự Tháp. Đầu tiên, trả tiền lời cao vút để thu hút các nhà đầu tư (nạn nhân) “mới” và dụ dỗ các nhà đầu tư “cũ” bỏ thêm nhiều tiền hơn. Khi các nhà đầu tư hăng hái tham gia đông đảo, “quỹ lừa đảo” chỉ lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước, thật sự không hề có kinh doanh hay đầu tư nào cả.

Khi quỹ đầu tư lừa đảo bị bại lộ, “Ponzi” ôm tiền cao bay xa chạy, nếu bị bắt thì tiền đã tẩu tán hết lấy đâu trả lại cho “khổ chủ”.

Kiểu lừa đảo này đã xảy ra lâu lắm rồi, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều người “ngây thơ” tin vào “việc nhẹ, lời cao”, bị dụ ngọt vì ham “lời” mà mắc lừa.

Mô hình Kim Tự Tháp – kiểu lừa đảo của Ponzi

GVV