Nhiều kỳ – Kỳ 5B:

(The Federalist No 10)

Trong kỳ họp “Quốc Hội” tháng 12 năm 1956 tại Nhà hát lớn-Hà Nội, Hồ Chí Minh đích thân đứng ra xin lỗi nhân dân về những “sai lầm trong cải cách ruộng đất”. Khi Hồ vừa rút khăn mùi-xoa chấm chấm vào mắt, bỗng có tiếng giày dập mạnh xuống sàn. Tiếp theo là một giọng nói nhỏ, chậm rãi nhưng đanh thép của cụ James Madison vang lên:

– Hãy thôi ngay trò mỵ dân kệch cỡm! Hãy dừng ngay sự nhạo báng công lý này đi!

Ðây là một tưởng tượng theo logic nếu như tác giả của The Federalist No 10 có mặt trong cái “Quốc Hội” đó, bởi trong The Federalist No 10 đăng báo ngày 23 tháng Mười Một 1787, James Madison viết:

… không ai được phép tự làm người phân xử cho chính vụ việc của mình, vì quyền lợi riêng tư chắc chắn sẽ làm thiên lệch phán xét của họ và có thể làm hư hỏng cả lòng liêm chính của họ nữa.

Như đoán trước những diễn biến ngang trái của hậu thế, Madison còn viết rõ hơn:

Tương tự, không, đúng hơn là phải nhấn mạnh hơn, rằng một nhóm người không được vừa làm người phân xử lại vừa đồng thời là người của đảng phái.

Tuy nhiên, những gì Hồ và Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang làm đều ngược hẳn những nguyên tắc này. Trong cái gọi là “sửa sai cải cách ruộng đất” Hồ không chỉ “tự làm người phân xử cho chính vụ việc của mình” mà Hồ còn “vừa làm người phân xử lại vừa đồng thời là người của đảng phái.

Như chúng ta đã đọc trong Kỳ 5a, trước khi đi đến nguyên tắc phân xử công lý vừa nêu, Madison đã chứng minh thuyết phục về bản tính tư lợi, vô thường và đa dạng trong ham muốn, nhu cầu và khả năng của loài người. Bản tính này dẫn tới hệ quả tất yếu là bè phái, cạnh tranh, mâu thuẫn, xung đột, ham lợi. Nhưng ông dứt khoát khuyến nghị một trong những mục tiêu đầu tiên của chính quyền là phải bảo vệ sự đa dạng, đa nguyên của xã hội, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản cá nhân. Song, Madison cũng nghĩ ngay tới một vấn nạn của đa nguyên: Kẻ mạnh, bè phái lớn thường lấn lướt, hiếp đáp cá nhân cô thế, bè phái nhỏ, yếu. Madison viết:

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

“… làm sao có thể đạt được sự dung hòa nếu không tính tới cả tiếng nói của những người ở chốn xa xôi hoặc những kẻ đơn côi – những nhóm người luôn bị đè bẹp bởi quyền lợi của các đảng phái, phe nhóm đông đảo vốn chả coi trọng gì quyền lợi của người khác hay của toàn xã hội.”

Ðây là một đặc điểm chung của xã hội loài người; Madison không quy kết đặc tính tiêu cực này cho riêng một cá nhân hay một nhóm/giai cấp nào trong xã hội. Ðiều này đã cho độc giả quyền nghĩ rằng bất cứ cá nhân, nhóm người nào cũng có khả năng trấn áp cá nhân, nhóm người khác nếu hội đủ một số điều kiện. Madison cũng không phân chia xã hội thành những giai tầng cố định, bất biến. Tính mở này của Madison cũng cho độc giả khả năng tự mở rộng tầm nhìn rằng mỗi địa vị, vị thế, danh xưng/giai cấp của con người đều là vô thường, có thể linh hoạt, biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh.

Những chế độ lưu manh-giả cộng sản và tầng lớp cầm quyền độc ác, giàu có – nhân danh “nhân dân”, “giai cấp vô sản”- đang hiện diện tại Trung Cộng và Việt Nam là những chứng cớ đau đớn hiển nhiên cho tầm nhìn vượt thời gian của Madison và The Federalist.

Với tư tưởng đó, Madison không trông chờ hay đặt kỳ vọng cầm quyền tốt đẹp vào bất cứ cá nhân nào, kể cả những người tài giỏi nhất, ông viết:

“… sẽ thật hão huyền khi cho rằng các chính trị gia thông thái sẽ có khả năng dung hòa các quyền lợi xung đột nhau và biến chúng thành có lợi cho xã hội. Vì, dù là thông thái thật đi nữa thì không phải lúc nào các chính trị gia đó cũng giữ được quyền kiểm soát trong tay.

Cái mà Madison và các đồng sự kiếm tìm là mô hình/cấu trúc chính quyền hạn chế được các khuyết tật của con người và đạt được các mục tiêu đề ra. Ðây là những vấn đề rất lớn và vẫn còn là “vấn đề” trong thời đại hôm nay. Nhưng, trong khuôn khổ của The Federalist No 10, chúng ta vẫn có thể tìm thấy nhiều ý tưởng hữu ích cho các suy tư về chính quyền.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Theo Madison, đó phải là chính quyền theo mô hình “một nền cộng hòa” (a republic). Ở đây, các nhà tư tưởng The Federalist muốn phân biệt với nền dân chủ sơ khai thời Hy-Lạp cổ đại (a pure democracy), trong đó mọi người dân đều tham dự trực tiếp vào chính quyền. Nhưng trong một nền cộng hòa:

[L]à một chính quyền được điều hành thông qua các đại diện… Có hai điểm khác biệt quan trọng giữa một nền cộng hòa và một nền dân chủ thuần túy: thứ nhất, trong nền cộng hòa, chính quyền là tập hợp một số công dân được chọn ra bởi những công dân còn lại; thứ hai, nền cộng hòa vẫn có thể vận hành tốt với những quốc gia có quy mô lớn cả về lãnh thổ lẫn dân số.

Về lợi ích của sự đại diện, Madison cho rằng:

… những hiểu biết, quan điểm, tầm nhìn của xã hội sẽ được tinh lọc và mở rộng thêm khi chúng được duyệt qua một nhóm người đã được lựa chọn trên cơ sở có năng lực tốt nhất trong việc xác định quyền lợi đích thực cho quốc gia, nhưng lại là những người ít có nguy cơ nhất trong việc đánh đổi lòng ái quốc, tình yêu công lý cho những toan tính bè phái, tạm thời.

Trên nguyên tắc như thế, những đại diện của dân sẽ có xu hướng đưa ra được những quyết định cho cộng đồng tốt hơn là khi do chính người dân quyết định cho cộng đồng.

Song, Madison rất tỉnh táo, ông nói ngay:

Nhưng điều ngược lại cũng có thể xảy ra, một khi những người có đầu óc bè phái, địa phương hoặc có những ý đồ hắc ám, có thể, bằng cách lừa phỉnh hoặc thông qua hối lộ hoặc bằng một cách nào đó, đoạt được phiếu bầu của dân rồi quay ra phản bội những quyền lợi của dân.

Sự cảnh báo này cho thấy sự ngây thơ của nhiều trí thức Việt Nam khi vẫn còn ngóng trông vào khả năng dân chủ hóa của Ðảng Cộng sản Việt Nam – một đảng lấy sự độc quyền chính trị làm lẽ sống. Ðắng cay hơn nữa: Ðảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ để cho người dân tự do bầu chọn đại diện cho mình.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Ðể hạn chế, chứ không thể loại hoàn toàn, những mặt trái, tiêu cực “phản bội” của nền cộng hòa, theo Madison, chính quy mô dân số lớn của chính thể cộng hòa đã tự động có tính đề kháng:

… vì trong nước cộng hòa lớn mỗi vị đại diện sẽ do một số lượng người nhiều hơn tuyển chọn so với nước cộng hòa nhỏ, nên những ứng cử viên không xứng đáng sẽ gặp khó khăn hơn khi muốn dùng mánh lới để lừa gạt cử tri. Và nếu việc bỏ phiếu càng được tự do thì càng có cơ hội cho cử tri tập trung phiếu vào những người mà tài năng đã được thừa nhận, đức hạnh đã được thử thách.

Quy mô dân số lớn và chấp nhận đa nguyên, đa đảng cũng là cơ chế tự động cưỡng lại ác tâm của các bè phái lớn:

“… khi số người trong một đảng phái chiếm đa số càng nhỏ, cùng với tổng số dân cũng nhỏ thì càng dễ dàng hơn cho đảng phái chiếm đa số đó mưu tính, thực hiện trấn áp. Vì vậy, mở rộng quy mô (lãnh thổ, dân số), làm tăng thêm số đảng phái, cùng các nhóm quyền lợi khác, là cách làm giảm nguy cơ để một tập hợp đa số có cùng ác tâm thủ tiêu quyền của người khác. Và kể cả khi ác tâm đó tồn tại, các thành viên của tập hợp đa số đó cũng khó khăn hơn trong việc huy động sức mạnh và phối hợp hành động để thực hiện ác tâm.

Có lẽ độc giả đã nhận thấy nhiều điểm trái ngược giữa The Federalist No 10 và lý thuyết, tuyên truyền của chế độ cộng sản. Năm 1913, sử gia Charles A. Beard, trong tác phẩm An Economic Interpretation of The Constitution of The United States, đã nêu The Federalist No 10 như một phiên bản lộn ngược của the Marxism. Chúng ta sẽ còn thấy những sự lộn ngược tuyệt vời khác trong kỳ tới.

(còn tiếp)