Tháng Chín 2012, trên tạp chí Jus Politicum chuyên về luật học, David Mongoin, giáo sư về luật công tại một đại học Pháp, Université Jean Monnet – Saint-Etienne, đã cho đăng một khảo luận Le Fédéraliste revisité (xem lại giá trị của The Federalist ). Trong bài khảo luận, David Mongoin cho biết The Federalist vẫn giữ giá trị quan trọng trong xã hội Mỹ. Về dịch thuật tại Pháp, David Mongoin viết rõ hiện chỉ có hai bản dịch trọn vẹn The Federalist sang tiếng Pháp; bản dịch đầu tiên ấn hành năm 1792; nhưng phải chờ thêm 110 năm nữa, bản dịch thứ hai mới xuất hiện, năm 1902. Dù đã có hai bản dịch, David Mongoin vẫn tự dịch lại ba số The Federalist (10, 51 và 78) để làm cứ liệu cho các nghiên cứu riêng của ông. Nhưng chính ngay trong năm 2012, vào thời điểm sau khi David Mogoin đăng bài khảo luận vừa nói, tại Pháp đã có thêm một bản dịch Pháp văn hoàn toàn mới. Như vậy cho tới nay Pháp có ba bản dịch The Federalist, không kể nhiều bản dịch lẻ (một số bài của The Federalist).

Bản dịch Pháp văn đầu tiên ấn hành năm 1792, nghĩa là chỉ khoảng 4 năm sau khi The Federalist công bố tại Mỹ, người Pháp đã có thể đọc The Federalist bằng tiếng của mình. Sự thân tình giữa giới tinh hoa Pháp và nước Mỹ non trẻ không làm ta ngạc nhiên về bản dịch. Nhưng, nếu nhìn lại bối cảnh xã hội Pháp và thế giới vào thời kỳ những năm 1790, khi giới trí thức và xã hội Pháp đang còn phải đối mặt với những cơn quá khích của Cách Mạng 1789 và chính quyền lại đang chuẩn bị chiến tranh với Anh; giao thông, liên lạc giữa Mỹ-châu Âu chỉ có một cách duy nhất là qua những con thuyền buồm vượt Ðại Tây Dương, chúng ta mới thấy sức cuốn hút của The Federalist và sự quan tâm chính trị, làm việc kỳ diệu của dịch giả Pháp. Cho đến nay dịch giả của bản Pháp văn The Federalist 1792 vẫn chưa được khẳng định, có thể do một hoặc nhiều người dịch. Nhưng người thường được nêu tên là Charles Michel de TRUDAINE de La SABLIERE (1766-1794), một luật sư, cố vấn của Nghị viện Paris. Như vậy dịch giả đã thực hiện dịch thuật The Federalist sang Pháp văn vào lúc chừng 26 tuổi, chỉ 4 năm sau khi The Federalist công bố tại Mỹ và chỉ 2 năm trước khi ông bước lên máy chém, cùng người em trai, trong các cơn say cuồng kéo dài của Cách Mạng Pháp 1789. Bản dịch này do nhà Buisson, Paris ấn hành năm 1792. Theo David Mongoin, bản dịch Pháp văn này dựa trên The Federalist do nhà McLean thực hiện năm 1788. Liên quan tới bản Pháp văn năm 1792, còn có một số chi tiết khá thú vị: Một số nguồn nghiên cứu tại Mỹ và Pháp cho rằng chính bản dịch Pháp văn 1792 là nơi đầu tiên tiết lộ cho công chúng danh tính thật của Publius (bút danh để dưới tất cả các số The Federalist) ; nhưng, không hiểu lý do gì, ấn bản tiếng Pháp ghi tên ba tác giả là: Hamilton, Madisson [sic] và Gay [sic]. Tên ba tác giả đúng ra phải là: Alexander Hamilton, James Madison và John Jay.

Bìa bản dịch Pháp văn The Federalist năm 1792. Nguồn: ebooks-bnr.com 

Bản dịch Pháp văn thứ hai thực hiện bởi Gaston Jèze, giáo sư, thạc sĩ (agrégé) tại  khoa luật thuộc Université de Lille. Bản dịch căn cứ vào ấn bản Anh ngữ năm 1888 của nhà Henry Cabot Lodge. Bản dịch Pháp văn này có tham khảo bản dịch Pháp văn đầu tiên năm 1792, đồng thời có thêm lời tựa dài và nồng nhiệt của A. Esmein, giáo sư khoa luật thuộc Université de Paris. Bản dịch do nhà V. GIARD & E. BRIÈRE, Paris ấn hành năm 1902. Bản dịch của Gaston Jèze được tái bản hai lần vào các năm 1957, 1988.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Bản dịch Pháp văn thứ ba do nữ tiến sĩ văn chương (docteur ès-lettres), thạc sĩ (agrégée) triết học Anne Amiel thực hiện. Bản dịch được nhà Garnier-Classiques ấn hành tháng Năm 2014. Trong lời giới thiệu rất công phu cho bản dịch của mình, Anne Amiel tỏ ra hết sức ngưỡng mộ và choáng ngợp trước mức độ thông thái, bác học của The Federalist. Là con cháu của những bộ óc siêu việt như Montesquieu, Diderot hay Pascal, Descartes nhưng Anne Amiel cho rằng các tác giả của The Federalist là những tên tuổi lớn nhất của nhân loại về tư tưởng dân chủ, cộng hòa. Bà còn phàn nàn rằng học giới Pháp thường hiểu chưa sâu, thậm chí còn không để ý tới The Federalist.

Việt Nam chúng ta chắc chắn khó có thể sáng sủa hơn Pháp về vấn đề dịch và tìm hiểu The Federalist. Mãi tới năm 1920, các khoa thi chữ Hán của Việt Nam mới chấm dứt bởi người Pháp, bắt học giới Việt Nam phải chuyển sang hệ giáo dục Âu châu, dùng chữ la-tinh hóa hoặc chữ Pháp. Sự cưỡng bách này đã lôi Việt Nam ra khỏi đêm trường Trung Hoa, dắt học giới Việt Nam bước vào một ngưỡng cửa thông với bầu trời tư tưởng của toàn nhân loại. Năm 1955, khi Việt Nam Cộng Hòa được chính thức thành lập (tại miền Nam) và trở thành đồng minh của Mỹ là sự nỗ lực của chính người Việt muốn tự mở rộng con đường dẫn vào kho trí tuệ nhân loại. Nói cách khác, với Việt Nam Cộng Hòa, học giới Việt Nam có thể dễ dàng gặp gỡ, tha hồ hỏi han trực tiếp tất cả các bộ óc xuất chúng nhất của thế giới, kể cả của Mỹ như The Federalist. Bất hạnh thay, những cơ may và nỗ lực đó đã bị đánh phá quyết liệt bởi những người Việt Nam khác. Bất hạnh hơn nữa, những kẻ quyết tâm đánh phá, chặn đường dân tộc lại toàn thắng vào ngày 30 tháng 04 năm 1975 và thống trị Việt Nam suốt từ đó tới nay. Số phận của (những) bản dịch Việt văn của The Federalist cũng hoàn toàn nằm trong bối cảnh lịch sử ngang trái đó.

Bìa một ấn phẩm của Việt Nam Khảo Dịch Xã. Nguồn: Internet

Theo sự tìm hiểu của người viết, tới nay chỉ có một bản dịch trọn vẹn The Federalist sang Việt văn. Một thông tin khả tín có trên mạng nói rằng bản dịch này được thực hiện bởi Việt Nam Khảo Dịch Xã (có trụ sở tại 61 Lê Văn Duyệt, Sài Gòn), một cơ quan chuyên về dịch thuật, xuất bản của Việt Nam Cộng Hòa. Bản dịch được ấn hành vào hai năm, 1959, 1966, có tên Luận về Hiến pháp Hoa Kỳ dựa trên ấn bản Anh ngữ Hamilton, Madison and Jay: On the Constitution của Ralph H.Gabriel, Ðại học Yale xuất bản năm 1954. Nhiều khả năng các ấn bản của bản dịch chỉ còn một (vài) cuốn nằm tại khoa luật Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, còn lại đã bị tuyệt diệt sau ngày 30/04/1975.  Những nỗ lực của người viết để được trông thấy hình ảnh của dịch phẩm này đều chưa thành công.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Trên trang nhà của Học Viện Công Dân, trụ sở tại Texas, Hoa Kỳ, năm 2008 có giới thiệu bản dịch The Federalist của Nguyễn Quốc Cường. Nhưng tính cho tới thời điểm viết bài này, Học Viện Công Dân mới chỉ đăng bản dịch của 08 số The Federalist (từ số 1 tới số 8). Những liên hệ để tìm hiểu nhiều hơn về bản dịch này cũng chưa có hồi đáp.

Như vậy, chỉ khoảng 4 năm sau khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, The Federalist đã được dịch sang Việt văn. Ðã 25 năm kể từ khi chế độ cộng sản Việt Nam lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, và 45 năm kể từ ngày Việt Nam Cộng Hòa bị phá bỏ, Việt Nam vẫn chưa có bản dịch Việt văn nào khác ngoài bản dịch của Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1959. Nếu kể thêm cả bản dịch (chưa đầy đủ) đăng trên Học Viện Công Dân, các bản dịch Việt văn của The Federalist đều có xuất xứ hoặc liên quan mật thiết với Việt Nam Cộng Hòa.

Tuy nhiên, vào năm 2014, có một người sinh ra sau 1954 và lớn lên hoàn toàn trên đất Bắc đã bắt tay vào dịch The Federalist.

(còn tiếp)