(Kỳ 10c: The Federalist No 70)
Phần 2 của bản dịch rút gọn The Federalist No 70. Trân trọng giới thiệu:
Từ the New York Packet
Thứ Ba, 18 tháng Ba 1788
Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:
…Mỗi khi có hai hoặc nhiều người hơn cùng làm một công việc hoặc mục đích chung, sẽ luôn có nguy hiểm của khác biệt quan điểm. Nếu đó là một tín nhiệm hoặc một chức vụ công và họ lại được trao uy tín và thẩm quyền bằng nhau thì sẽ có mối nguy hiểm đặc biệt của sự kình tranh hơn thua, thậm chí thù địch cá nhân. Cả hai điều này, hoặc càng chắc nếu lại là cả hai, có khả năng gây ra các bất đồng gay gắt nhất. Khi xảy ra, chúng sẽ làm sút giảm sự tôn trọng, hạ thấp uy quyền, và gây xao lãng mọi kế hoạch, công việc của những người liên quan. Nếu không may đó lại là công việc hành pháp tối cao quốc gia theo mô hình đa nguyên, chúng sẽ cản trở và làm hỏng các kế hoạch quan trọng nhất của chính quyền trong những tình trạng khẩn cấp nguy kịch nhất của đất nước. Xấu hơn, chúng còn có thể phân rã cộng đồng thành các bè đảng hung tợn, bất hòa hợp gay gắt nhất tùy theo các nhân vật khác nhau nằm trong hành pháp.
Người ta thường chống lại một việc, hoặc chỉ vì họ đã không tham dự, hoặc vì việc đó đã được làm bởi những người họ không thích. Nhưng nếu họ được tham vấn, và chẳng may họ không tán thành thì sự chống đối, theo họ, sẽ phải là bổn phận tất yếu của lòng tự ái. Dường như họ cho rằng danh dự của họ nằm trong việc phải đánh đổ thành quả của những thứ đã được làm trái với ý muốn của họ và phải làm bằng được điều này với tất cả thôi thúc của ý nghĩ bản thân bất khả sai lầm. Những người ngay thẳng, từ tâm đã phải hãi hùng chứng kiến quá nhiều lần cái bản tính này được thực hiện với sự quyết liệt ghê gớm, và đã bao lần nhìn thấy những lợi quyền to lớn của xã hội phải hy sinh cho những phù phiếm, tự phụ, và ngoan cố của những cá nhân có tiếng tăm khiến các tham vọng, ý tưởng thất thường của họ trở nên hấp dẫn. Có lẽ, về hệ lụy, vấn đề này đã cho công luận thấy các dấu hiệu u ám của sự yếu kém đáng lên án, hay đúng hơn của sự đồi bại đáng bác bỏ trong tính cách nhân loại.
Dựa trên các nguyên lý của chính thể tự do, những phiền toái từ nguồn gốc vừa nói buộc phải được chấp nhận trong việc tạo dựng cơ quan lập pháp; nhưng là không cần thiết, và do đó không khôn ngoan, nếu lại đưa chúng vào trong cấu tạo Hành pháp. Ðối với Hành pháp, chúng còn có thể trở thành nhân tố nguy hại nhất. Trong lập pháp, sự khẩn trương khi quyết định thường là một đe dọa hơn là một ích lợi. Các khác biệt về quan điểm, và các xung đột bè đảng trong bộ phận này của chính quyền, mặc dù có lúc làm tắc nghẽn các kế hoạch lành mạnh, thường khích lệ các suy tư và sự thận trọng, và có tác dụng ngăn ngừa những quá đà của đa số. Một khi quyết nghị được thông qua, sự chống đối phải kết thúc. Vì quyết nghị là luật, nên sự chống lại có thể bị trừng phạt. Nhưng hoàn toàn không có yếu tố thuận lợi nào để thuyên giảm hoặc sửa chữa các tác hại của bất đồng trong bộ phận hành pháp. Ở đây, các bất đồng tự do, và bất kiềm chế. Hoàn toàn không có giới hạn để chúng dừng lại. Chúng sẽ gây khó khăn và làm suy yếu việc thực hiện mọi kế hoạch hoặc biện pháp liên quan, từ bước đầu tới bước cuối. Chúng thường trực chống lại các phẩm tính tối cần giúp Hành pháp vững vàng, mạnh mẽ, khẩn trương nhưng lại không mang lại một đối trọng tốt đẹp nào. Khi lâm chiến, lúc sung lực của Hành pháp là thành trì cho an ninh quốc gia, người ta mới kinh hãi tất cả những hệ lụy đến từ sự đa nguyên của Hành pháp.
Cần phải thừa nhận rằng tất cả những nhận định này cơ bản đúng với trường hợp đầu tiên với mô hình hành pháp có đa thành viên bình đẳng về thẩm quyền và uy tín: kế hoạch mà những người ủng hộ dường như không muốn tạo ra một nhóm rất nhiều người; nhưng chúng cũng đúng, dầu không bằng, nhưng cũng khá mạnh với mô hình hội đồng mà sự đồng thuận của nó luôn là điều kiện hiến định bắt buộc cho mọi vận hành của bộ phận được gọi là Hành pháp. Nhưng một vài người tinh ranh trong hội đồng là đủ làm sao lãng và bại hoại toàn bộ hệ thống hành pháp. Nếu không có nhóm nào như thế, riêng sự đa dạng về quan điểm, ý kiến cũng sẽ đủ làm quyền lực hành pháp phải tê liệt trong một tinh thần thường xuyên yếu ớt và trễ nải.
Nhưng một trong những lý do mạnh nhất chống lại sự đa nguyên trong Hành pháp, cả mô hình sau và trước, là mô hình này có thiên hướng che giấu sai lầm và phá hủy trách nhiệm.
Trách nhiệm thuộc hai loại, một để chỉ trích và hai để trừng phạt. Loại một quan trọng hơn cả, đặc biệt đối với chức vụ dân cử. Người được trao tín nhiệm công rất thường có hành động làm cho ông ta mất tín nhiệm hơn là hành động làm ông ta đối mặt trừng phạt về pháp lý. Nhưng sự tăng số lượng người trong Hành pháp sẽ làm tăng khó khăn cho việc dò tìm sai phạm trong cả hai trường hợp. Trong các sai phạm chung, thường không thể xác định ai là kẻ phải chịu chỉ trích hoặc trừng phạt cho một hoặc nhiều chính sách tồi. Trách nhiệm sẽ được chuyển hết sức khéo léo từ người này sang người kia, và với các bộ dạng hợp lý như thế, dư luận không thể tìm được tác giả thực sự. Các chi tiết đã đưa tới sai lầm hoặc tai họa cho quốc gia đôi khi hết sức phức tạp, giả như trong đó có một số người đã can dự ở những mức độ khác nhau và với các tính chất khác nhau, nhưng dù chúng ta có thể biết rõ, về tổng thể, là có một sự điều hành sai lạc, chúng ta không thể tuyên bố ai sẽ phải lĩnh trách nhiệm thực sự cho việc tồi tệ đã xảy ra. “Tôi đã phải chịu quyết định của cả hội đồng. Hội đồng quá khác nhau về quan điểm nên không thể có giải pháp tốt hơn cho vấn đề này.” Những lý cớ như thế và tương tự như thế luôn luôn sẵn có, dù thật hay giả. Ai dám nhận lấy rắc rối hoặc chuốc lấy thù oán để săm soi vào các bí mật của sự vụ? Sẽ tìm được một công dân đủ nhiệt huyết dám nhận cái công việc mờ mịt đó không nếu như các bên liên đới cùng đồng lõa để dễ bề gieo rắc mập mờ lên mọi chi tiết, làm cho không thể rõ các bên đã thực sự hành xử ra sao?
Ngay trong ví dụ ông thống đốc của Tiểu Bang này (tức New York. ND) phải phối hợp với một hội đồng trong việc bổ nhiệm viên chức, chúng ta cũng thấy rất nhiều rắc rối dưới nhãn quan đang xét. Các vụ bổ nhiệm đầy tai tiếng đã xảy ra cho các chức vụ quan trọng. Thực tế có những trường hợp TẤT CẢ CÁC BÊN còn trắng trợn đồng lõa với sai trái. Khi có điều tra thì thống đốc đổ trách nhiệm lên các thành viên hội đồng, những người này, đến lượt, lại quy trách nhiệm cho sự đề cử của ông ta; trong khi nhân dân vẫn hoàn toàn bất lực trong việc xác định ai đã làm cho các lợi quyền của họ bị trao vào tay những kẻ rất thiếu năng lực và rõ ràng không thích hợp. Do sự tế nhị cho cá nhân, tôi xin không đi vào chi tiết…
(còn tiếp)
PHS (05/12/2020)