Trong những số trước, tôi đã viết tới 2 bài về chủ đề lừa đảo. Thứ nhứt là người cao tuổi gốc Việt bị lừa vì cả tin và không biết xài internet, thứ hai là người Việt trẻ mới qua Mỹ còn “lạ nước lạ cái” nên bị lừa mất tiền trên mạng xã hội. Thật sự tôi không muốn viết tiếp chủ đề lừa, e rằng quý độc giả nghĩ tôi thích “nhai lại” thì oan quá. Tuy nhiên, vì lừa cứ liên tục tấn công tôi và nhiều người Việt khác, nên tôi đành phải gồng mình viết tiếp bài thứ ba là lừa kiếm việc làm, lừa làm quen trên điện thoại.
Lừa kiểu Việt
Trước đây tôi đã từng kể với quý độc giả là số điện thoại tôi ngoài các nơi như Y tế, giáo dục, sở Xã Hội, một ít bạn quen, thì không có ai biết, tôi rất giới hạn việc cho biết số điện thoại và email cá nhân (dùng cho công việc.) Không hiểu sao thời gian gần đây nhiều số điện thoại lạ có “area code phone number” ở các tiểu bang New York, Washington, Colorado liên tục nhắn tin cho tôi (tôi không quen ai bên đó) bằng tiếng Việt, và cùng một công thức. Thí dụ: “Thằng (A, B, C gì đó) chồng em có nhà không?” “Dụng cụ nails anh gởi em đã nhận chưa?” “Có phải chị (A, B, C gì đó) vợ anh (X, Y, Z gì đó) không?” “Phải (A, B, C gì đó) không vậy?”… Nếu trả lời “không,” “lộn số” thì “số lạ” sẽ tiếp tục tiến tới xin “làm quen” a bờ cờ luôn. Tôi không phải là trường hợp cá biệt nhận những tin nhắn như vầy, tôi thấy có nhiều chị em khác lên Facebook đăng bài “kêu ca,” “cảnh báo” thì “khúc dạo đầu” kẻ lạ mở màn giống như những tin nhắn tôi đã nhận. Sau đó thì hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền, giả vờ chuyển hàng “nhầm” và đòi lấy lại bằng tiền v.v.
Ngay từ đầu, tôi đã biết có điều không bình thường từ những tin nhắn “lạ,” nhưng tôi cứ giả đò cù cưa, ầu ơ ví dầu để coi kẻ lạ “diễn tuồng” như thế nào? Tôi nhận định phía sau những số điện thoại lạ là người trẻ ở Việt Nam, mà là lớp trẻ bị cộng sản “nhồi sọ” nặng, nên họ mặc định người Việt ở Mỹ thì đều làm nails (“neo tộc”) cứ “thả mồi” liên quan tới “nails” thì “cá cắn câu”.
Người lịch sự không bao giờ nhắn tin cho người lạ mà ngay lần đầu tiên đã hỏi những câu phủ đầu người nhận một cách sỗ sàng như vậy. Người kinh doanh chuyên nghiệp càng có nguyên tắc cẩn trọng hơn đối với giao dịch có liên quan tiền bạc, đâu có ai “thờ ơ” tới mức như trên.
Bạn tôi ở Việt Nam nói hiện nay có nhiều thanh niên trẻ bị lừa qua Cambodia nhốt như tù, suốt ngày phải cắm mặt vô computer để “làm quen,” lừa tiền người Việt, nếu kháng cự sẽ bị đánh đập dã man.
Một bà kể chuyện con gái bà nhận qua điện thoại một cái check trị giá 2,000 Mỹ kim “quà tặng,” đề nghị cô con gái “deposit online” vô trương mục. Sau khi cô bé “deposit” thì số điện thoại lạ yêu cầu cô chuyển Zelle cho họ 500 Mỹ kim. Bà phát hiện kịp, đã ngăn cản con gái không gởi. Hôm sau, phía nhà bank con gái bà thông báo check đó không có tiền và chủ trương mục bên kia đã hủy check rồi. Nếu bà không ngăn cản kịp thì con gái bà đã mất 500 Mỹ kim, vì không thể đòi lại tiền đã gởi Zelle.
Một bà khác cũng kể người quen của bà đã mất 700 Mỹ kim với cách tương tự ở trên.
Thông thường, khi “deposit online” quý vị phải có tờ chi phiếu giấy đặt dưới camera của smartphone để bank app “nhận dạng.” “Deposit online” xong, quý vị sẽ nhìn thấy chữ “processing”, 3 ngày sau nhà bank mới chuyển tiền vô trương mục của quý vị (nếu tờ chi phiếu có tiền.) Đằng này, cô bé kia chỉ nhận được hình chụp tấm check, nên bank thông báo tờ chi phiếu đó giả là đúng. Đừng nghĩ lớp trẻ gốc Việt lớn lên ở Mỹ thì cái gì cũng thông thạo, trường hợp này rõ ràng “Gừng càng già càng cay.”
Lừa kiểu English
Tôi dùng chữ “kiểu English” vì ngôn ngữ họ text cho tôi là English, “area code phone” ở Mỹ, còn họ là ai, người dân tộc nào tôi không biết. Ở một quốc gia đa sắc tộc “hợp chủng quốc,” quý vị thật khó biết đàng sau số điện thoại đó đối phương màu da gì, quê quán ở đâu, trừ phi quý vị nhìn thấy tận mặt người đó. Những số lạ này luôn luôn đưa ra một đề nghị làm việc (job) mức lương hậu hĩnh, thời gian làm việc từ 60 tới 90 phút mỗi ngày và làm tại nhà (quá nhàn hạ) không cần kinh nghiệm, không cần trình độ, không cần biết tôi là ai, chỉ cần tôi biết sử dụng thành thạo computer hoặc smartphone. Họ cứ lặp đi lặp lại rằng nếu tôi đồng ý, 4 ngày đầu tiên sẽ nhận được 800 Mỹ kim, 30 ngày làm việc đầu tiên tôi sẽ nhận được 6,700 Mỹ kim. Tự dưng có cục tiền bự từ trên trời rớt xuống táng trúng đầu tôi, ôi trời đất ôi, con số trong mơ.
Tôi phải tự tạt nước lạnh cho tôi tỉnh táo lại để yêu cầu họ mô tả chi tiết công việc tôi phải làm là gì? Họ đề nghị tôi dùng app trên smartphone (hoặc software trên máy tính) có tên Workbench để “kích” tạo lượng views ảo cho các businesses mà họ đưa ra, tạo “reviews tốt,” các businesses đó mỗi ngày phải có ít nhứt 30 đơn hàng. Tôi hỏi lại “Vậy có phải là lừa gạt khách hàng?” Họ làm thinh không trả lời câu hỏi của tôi, mà cứ lải nhải lặp đi lặp lại quy trình mà tôi sẽ nhận được mức lương trong mơ đó.
Họ cứ hối thúc tôi đồng ý để họ sẽ “training” cho tôi làm việc. Tôi không buông, cứ dai nhách hỏi tới về tên công ty, địa chỉ trụ sở công ty chính công ty? Tôi hỏi công ty có ký hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế cho nhân viên? Họ trả lời công ty sẽ lo hết. Hỏi công ty nào? Trả lời là Amazon. (Oai chưa!) Khi tôi nói “Amazon không tuyển người như cách của bạn.” (Amazon doesn’t hiring your way) thì tất cả 5 số lạ đều đồng loạt im bặt không text tới tấp thêm cho tôi nữa.
Trí nhớ tôi không tới nỗi tệ, tôi nhớ rõ cách đây 2 năm người phát ngôn của Amazon có trả lời trên báo tiếng Anh (ở Mỹ) rằng Amazon đang làm mọi cách chống cạnh tranh bất bình đẳng trên môi trường kinh doanh của họ, cụ thể là trên website bán hàng của Amazon, nhằm mục đích bảo vệ những người bán hàng đàng hoàng, cũng có nghĩa là bảo vệ quyền lợi khách mua, người mua không bị mua lầm hàng kém phẩm chất. Cho dù người mua được quyền trả lại hàng, nhưng đó vẫn là một thứ phiền phức, làm mất thời gian của khách mua. Amazon cấm thuê/mướn người viết reviews giả (khen giả tạo, hoặc chê giả tạo để “dìm hàng” đối thủ cạnh tranh) cấm tạo lượt views, sao giả. Những người vi phạm sẽ bị xóa account vĩnh viễn trên trang Amazon, nếu là businesses thì bị cấm đưa hàng lên trang Amazon bán.
Tôi nghĩ mỗi ngày ngồi ôm máy tính “kích” cho tăng lượt views (làm cho trang đó nổi lên hạng trên) thì có khác gì các “trang trại cày views” ở ngoại thành Hà Nội (hoặc ở trong khu dân cư, thậm chí ở trong phòng khách sạn nào đó) bị nhà báo nước ngoài phát hiện? “Trang trại” sử dụng hàng ngàn cellphone không có màn hình, được liên kết với nhau nhìn thấy trên giao diện computer. Một cái click chuột của người điều khiển sẽ tạo ra hàng ngàn lượt views, like cho “khách hàng.” Các “trang trại” này mướn người tạo nick ảo đi “comments dạo” rao bán “tăng lượt like,” “tăng lượt views” trên Facebook, YouTube, TikTok.
Dù đang rất “khát tiền,” nhưng tôi tin rằng không bao giờ có cục tiền nào tự dưng rớt vô túi tôi mà không có kèm theo cạm bẫy.
TPT