Chuyện thật như đùa ở xứ Mỹ là cách đây vài ngày các Công tố viên cho biết sáu sĩ quan cảnh sát ở tiểu bang California bị buộc tội lừa đảo sau khi trả tiền cho người khác để những “người lạ” này học đại học giùm. Sáu viên sĩ quan cảnh sát này đã trả tiền cho “ai đó” để học các lớp đại học cho họ, tờ Business Insider ngày 20 Tháng Tám năm 2023 cho hay.

Dừng đèn đỏ

Các sĩ quan này đang phải đối mặt với việc bị truy tố vì chuyển tiền gian lận và âm mưu chuyển tiền gian lận. Nếu bị kết án, mỗi tội danh sẽ có mức án lên tới 20 năm tù liên bang.

Phía cơ quan FBI cũng cho biết rằng sáu viên sĩ quan đã trả tiền cho “người nào đó” để học đại học giùm họ. Như vậy, coi như cả hai cơ quan thẩm quyền có cùng nhận định, phen này sáu sĩ quan thiệt là “chạy trời không khỏi nắng.” Bộ Tư pháp (Department of Justice- DOJ) còn nhấn mạnh trong một tuyên bố “rằng các cáo buộc chống lại các sĩ quan bao gồm từ âm mưu, lừa đảo, đến dùng vũ lực quá mức.”

Bản cáo trạng công khai tên sáu sĩ quan bị buộc tội gồm: Morteza Amiri, Patrick Burhan, Brauli Jalapa, Ernesto Mejia-Orozco, Samantha Peterson và Amanda Theodosy – về tội lừa đảo có đường dây (tội phạm) và âm mưu thực hiện hành vi lừa đảo qua đường dây (tội phạm), cụ thể là họ đã sử dụng Venmo để trả tiền mướn người khác “học giùm,” trong khi chi phí cho khóa học được các sở cảnh sát của họ đài thọ. Hai ông Amanda Theodosy và Morteza Amiri được Sở Cảnh sát thành phố Antioch tuyển dụng, các ông Patrick Burhan, Brauli Jalapa, Ernesto Mejia-Orozco, Samantha Peterson thì đang làm việc cho Sở Cảnh sát thành phố Pittsburg.

Như vậy, cơ quan điều tra và cơ quan công tố đã biết rõ hình thức chuyển tiền, ai là chủ trương mục nhận tiền, thì không khó để lần ra người môi giới, người đứng đầu đường dây “học giùm, thi giùm” này lẫn người trực tiếp thực hiện việc “học giùm, thi giùm.”

Xem thêm:   Ngày giỗ má

Cũng theo bản cáo trạng, từ năm 2019, sáu sĩ quan đã tham gia các lớp học tại một “cơ sở đào tạo từ xa” có trụ sở tại thành phố Santa Ana, tiểu bang California, để nhận bằng Cử nhân Khoa học về Tư pháp Hình sự.

Theo tôi biết, từ Tháng Mười Hai năm 2020 thì có lịnh cấm túc vì dịch cúm Tàu, tất cả các trường ở tiểu bang California đều chuyển sang dạy và học online qua Zoom. Trường chấp nhận cho học sinh lên lớp mà không đòi hỏi học sinh phải “đưa bản mặt sống động” lên màn hình Zoom. Học sinh/sinh viên có thể tắt phần video, dùng “only audio” màn hình đen thủi đen thui, ai “lịch sự” hơn thì trưng ra một hình đại diện (avatar) là ảnh chân dung chính mình, hoặc bất cứ hình chim cò hoa lá, thú cưng gì cũng được. Nhiều lần tôi lên lớp, thấy sĩ số học sinh vài chục người, nhưng toàn bộ ô màn hình (windows) học sinh đều đen, có mỗi ô của giáo viên và tôi thì “đưa mặt lên video.” Ðôi lúc (cái này tôi nghĩ) có lẽ giáo viên vừa đi nấu cơm vừa giảng, nên cũng tắt luôn video và chỉ có hình avatar chân dung. Giáo viên chỉ cần nghe giọng nói, gọi tên ai trả lời thì window mang tên người đó lên tiếng trả lời. Có khi hết khóa học, chắc gì giáo viên đã nhớ mặt được hết học trò trong lớp mình dạy. Thí dụ tôi học lớp dạy Photoshop, tới giờ thì mở laptop, vô Zoom, đưa avatar “bản mặt” tôi ra rồi để đó đi làm việc khác, có khi hết giờ tôi còn chưa biết để thoát Zoom. Miễn sao cứ nộp bài tập đúng ngày cho thầy là được. Bài tập thầy cho làm ở nhà đều do tôi tự làm. Thầy còn khen bài tôi nộp “đẹp tuyệt vời” nữa. Chẳng phải tôi hay ho gì, tôi đã quen với việc mày mò các software cho dùng free trên computers từ hơn chục năm rồi. Tôi học lớp này để cốt lấy chứng chỉ thôi.

Xem thêm:   Làm đẹp

Ðây là lỗ hổng tạo điều kiện cho một số người nghĩ ra “tối kiến” tên người này mà người kia ngồi trong lớp, giáo viên không đối chiếu với thẻ học sinh được.

Chuyện “học giùm, thi giùm” của sáu sĩ quan cảnh sát tiểu bang làm tôi nhớ tới chuyện “học giả,” “bằng giả” tràn ngập xứ Ðông Lào. Thậm chí các tờ báo còn công khai viết rằng hơn 80 người đã mua bằng đại học của trường Ðại học Ðông Ðô đều là “người có uy tín” nên không công khai danh tánh của những kẻ “mua bằng” được. Theo định nghĩa của các cụ nhà ta xưa, người có uy tín tức người biết trọng chữ tín “Xuất ngôn như phá thạch,” thì tôi cũng được liệt vào hàng “người có uy tín.”

Theo cách hiểu cụm từ “có uy tín” của báo chí nhà nước Việt cộng thì “người có uy tín” tức có quyền thế, có tầm ảnh hưởng, quyết định vận mệnh sinh sát tới “nồi cơm” của cánh báo chí, nên báo chí đành câm tịt.

Theo cáo trạng, mức án sáu cảnh sát phải nhận (nếu bị buộc là có tội) rất nặng nề, không được bao che, giấu diếm tên tuổi như “người có uy tín” của “đảng ta.” “Ðảng ta” chưa từng có ai vì “mua bằng” mà bị khởi tố, bị đi tù dù tù chỉ một tháng, hai tháng.

Tôi thật sự không hiểu tại sao sáu sĩ quan cảnh sát (nêu trên) lại mướn người khác học? Học bất cứ điều gì cũng đều có ích cho người học, không sử dụng lúc này thì sử dụng lúc khác, có thêm bằng cấp thì được tăng lương và được thêm lợi tức. Có mất mát gì đâu mà phải “trốn học”? Ngày trước tôi phải tự học thêm về pháp y, về độc chất, dấu vết, vân tay… bằng cách đọc sách, vì trường Luật không dạy, mà nghề nghiệp thì lại đòi hỏi điều tra viên phải biết. Bây giờ, thấy họ được đi học mà lại “trốn học” để phải vướng vòng lao lý, tôi tiếc cho họ vô cùng.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/17/2025)

Phần lớn các vụ án dùng vũ lực quá mức cần thiết của nhân viên cảnh sát đều có nguyên nhân từ việc nhân viên đó không nhận thức được khi nào thì luật cho phép dùng vũ lực, khi nào thì không. Nếu cho phép dùng vũ lực thì ở mức độ nào là vừa phải và không phạm luật? Thí dụ: Nếu người nào đó đang thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt quả tang, nhưng người này lại chống cự hung hãn, thì nhân viên cảnh sát có quyền dùng vũ lực để khống chế. Nhưng nếu đã bắt giữ được rồi thì bất kỳ ai cũng không có quyền dùng vũ lực với nghi phạm. Vũ lực là nhằm bảo vệ kẻ yếu khi cần thiết, không phải để “ra oai” với dân. Hiểu được điều này thì không phạm luật. Mà muốn hiểu luật thì phải tự mình đi học chớ không trông cậy vào các hình thức “học giùm, thi mướn” được.

Hôm nay, tôi lái xe trên đường Harbor (thành phố Garden Grove,) khi đèn đỏ, tôi nhìn thấy nhiều người dừng xe che mất khoảng trống có sơn chữ “CLEAR KEEP.” Có mỗi tôi dừng xe sau vạch trắng để chừa khoảng trống. Tôi giữ xe đứng im cho tới khi phía trước có thể chạy lên. Tôi nghĩ bụng không lẽ ở đây bây giờ cũng lái xe kiểu “điền vào chỗ trống,” thấy mặt đường có chỗ trống là chen vô giống như Ðông Lào rồi hay sao? Những người lái xe lấp “CLEAR KEEP” đã không biết luật, hay cố tình phạm luật?

Tôi tra Google, kết quả không thấy ở Mỹ trước đây có trường hợp nào “mướn người đi học giùm” như vụ này. Không lẽ vụ án sáu cảnh sát “mướn người học” này là tiền lệ mở đầu cho “phong trào” bắt chước thí sinh ở Ðông Lào? Nói đùa vậy thôi, hết cấm túc rồi sẽ không có điều kiện học online được nên khó mà nghĩ đến “âm mưu đen tối”, càng chẳng ai dại bắt chước để nhận mức án cao như vậy, hủy đi sự nghiệp một cách không đáng chút nào.

TPT