Các cụ nhà ta có câu “Quá giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” dạy con cháu phải biết ăn ở tùy thời, đừng sống kiểu “lập dị” với những người xung quanh. Tuy nhiên, sự “nhập gia tùy tục” đó chỉ là bắt chước hình thức bên ngoài cho khỏi lạc điệu thôi. Thời nay người ta diễn đạt câu thành ngữ đó ngắn gọn hơn, mở rộng chiều sâu hơn, gọi là hội nhập, tức là mình trở thành một phần gắn kết không thể tách rời của vùng đất, của xã hội mà mình đang sinh sống. Không ai còn lạ lẫm gì câu cửa miệng của người gốc Việt “Hội nhập đời sống Mỹ.” Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều người gốc Việt đã “hội” mấy chục năm trên đất Mỹ rồi nhưng chưa “nhập.”

Từ một cái tên Việt Nam, làm giấy tờ chuyển qua tên giống như người Mỹ thì không có nghĩa là đã trở thành người Mỹ 100%. Hội nhập không phải là thấy người bản địa làm gì mình cũng bắt chước làm theo rập khuôn bất phân tốt xấu, mà hội nhập chính là học cách ứng xử nhân văn của họ. Ngay cả Thiên đường vẫn phải có hỏa ngục để trừng phạt kẻ xấu, nên nước Mỹ không hoàn hảo mà vẫn phải có cảnh sát, tòa án và nhà tù.

Xin nhắc lại một chuyện cũ, cho dù thời gian trôi qua bao lâu đi nữa thì người Mỹ vẫn không thể quên được sự kiện bi thảm xảy ngày 02 Tháng Mười Hai, 2015. Hai kẻ cuồng sát đã tấn công vô tòa nhà Inland Regional Center building ở San Bernardino, tiểu bang Cali, xả súng làm thiệt mạng 14 người và bị thương 21 người bên trong tòa nhà. Cô Denise Peraza, một nạn nhân, đã thông báo với truyền thông cô sống sót được là nhờ người đồng nghiệp Shannon Johnson đã lấy thân mình che đạn cho cô. Cô Denise Peraza nói rằng cô không bao giờ quên được câu nói cuối cùng của ông nói với cô: “Có tôi đây!” (“I got you!”) Cô Mandy Pifer, bạn gái ông Johnson nói ông là người đàn ông tốt nhất mà cô từng gặp. Người đàn ông 45 tuổi thừa hiểu trước họng súng kẻ cuồng sát thì thân thể con người chẳng phải là tường đồng vách sắt, nhưng ông thà hy sinh mạng sống của ông để bảo vệ người khác. Tôi cho rằng ông Shannon Johnson chính là biểu tượng của “tính cách Mỹ.”

Mới đây thôi, sau khi Nga cất quân xâm lược Ukraine, hai cựu quân nhân Mỹ khác là anh Andy Tai Ngoc Huynh, 27 tuổi và ông Alexander Drueke, 39 tuổi đã tự bỏ tiền túi ra trang bị và sang Ukraine tình nguyện chiến đấu dù họ biết chắc chắn rằng hành động này sẽ gây nguy hiểm cho tánh mạng của họ, nhưng họ không thể chịu nổi khi nhìn thấy thảm cảnh của người dân Ukraine. Anh Andy Tai Ngoc Huynh là người Việt nhập cư, nhưng đã hội nhập được cách sống của “tính cách Mỹ” rồi vậy.

Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam cũng có câu “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạt anh hùng” mà nhân vật Lục Vân Tiên là một hình tượng được cụ Ðồ Chiểu xây dựng nên từ tư tưởng này. Ngược dòng lịch sử, có truyền thuyết dân gian “Lê Lai cứu chúa.”

Người ta nói rằng ở nước Mỹ, ngay cả người lượm ve chai họ vẫn luôn đứng thẳng. Người Mỹ không cố gắng tìm kiếm địa vị xã hội để khiến mình cao hơn thiên hạ; họ cũng không mua chiếc xe đời mới mắc tiền để khoe mẽ hay mua một ngôi nhà đẹp để hàng xóm phải ngưỡng mộ. Thầy giáo dạy ESL của tôi, là cựu quân nhân từng tham chiến ở Việt Nam, ông vẫn lái chiếc Ford đời 1997 đi dạy học và dùng tiền dư du lịch khắp thế giới, làm từ thiện.

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Rất lâu rồi, có lần tôi được mời dự tiệc tất niên, gia chủ xếp ngồi cùng bàn với một “nhơn vật nổi tiếng” mới qua Mỹ; một ông lão người Việt nhỏ thó và hai vợ chồng trung niên (bàn 10 ghế nhưng chỉ có 4 người lớn và 1 đứa bé.) Ban đầu, “nhơn vật nổi tiếng” thấy ông lão có vẻ hom hem thì không nói năng chào hỏi gì, chỉ cúi đầu xầm xì to nhỏ với cặp trung niên thôi. Một lúc sau, nghe trên sân khấu MC giới thiệu ông lão hom hem chính là “Giáo sư X” (tôi quên tên) thì “nhơn vật nổi tiếng” bèn bỏ cặp trung niên mà chuyển chỗ lết qua ngồi gần “Giáo sư X” và lăng xăng không ngớt miệng, lấy smartphone chụp nhiều kiểu hình selfie với “Giáo sư X.” Thiệt là khôi hài! Tôi sống ở Little Sài Gòn chưa phải dài nhưng cũng không phải ngắn, đủ để tôi nhìn thấy trong bất kỳ cuộc họp mặt nào của người gốc Việt, y như rằng ai đó phải có địa vị, bằng cấp gì gì đó thì mới được MC đọc oang oang trên micro như kiểu “Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi” mà ở xứ tôi người ta vẫn in trên thiệp mời đám cưới.

Nói đi thì cũng phải nói lại, một cô giáo nọ (đã từng dạy lớp tôi,) bất kỳ trường hợp nào, gởi bài học cho học sinh hay trao đổi emails, cô đều viết chữ “Dr.” trước tên của cô, còn những giáo viên khác không ghi thêm bằng cấp, chức vụ gì cả. Tôi biết tất cả giáo viên ở trường College, để được giảng dạy, dù dạy ESL sơ cấp, vẫn phải có bằng Thạc sĩ (Master,) Tiến sĩ (Dr.) Bệnh “thích khoe bằng cấp,” “thờ bằng cấp” không phải chỉ có ở người Việt. May quá, không phải tất cả giáo viên đều thích “khoe.” Phần lớn người Mỹ không lấy sự họ có bằng cấp cao để tự cho mình quyền đứng trên người khác, không lấy sự hiểu biết họ có để xem thường người không hiểu biết bằng họ, bởi lẽ “Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.” Ông thợ sửa xe đương nhiên không rành về y học như ông bác sĩ, nhưng về máy móc xe thì ông bác sĩ phải “thỉnh giáo” ông thợ sửa xe. Thật sự bằng cấp ở Mỹ chỉ là giấy chứng nhận về khả năng nghề nghiệp của một cá nhân, nó không phải chứng nhận về khả năng nhận thức mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… của cá nhân đó, đặc biệt bằng cấp ở Mỹ càng không xác nhận người đó có khả năng thấu hiểu bản chất chế độ cộng sản Việt Nam. Tôi thích chữ “thỉnh giáo” của các cụ ngày xưa (thỉnh là xin/mời, giáo là dạy,) nghĩa là khiêm tốn cúi đầu xin người ta dạy mình. Người Mỹ sẵn sàng bỏ thời gian lắng nghe tôi và giải thích chi li cặn kẽ câu hỏi của tôi, còn gặp đồng hương Việt tôi hỏi chưa hết câu đã bị cắt ngang với hai từ cụt ngủn “Hổng biết.”

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Ông bạn tôi ở Little Sài Gòn kể mấy người họ hàng của ổng mai mỉa ổng “ngu,” “không có tiền nuôi con nên mới cho con đi lính.” Theo ý mấy người họ hàng đó thì ai làm gì làm, miễn họ bình an tự tại trong căn nhà của họ là OK, trời có sập xuống hay nước Mỹ có bị tấn công thì chẳng liên quan gì tới họ và họ không có trách nhiệm gì. Kiểu sống “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau,” lánh nặng tìm nhẹ của mấy người họ hàng đó, tôi cho rằng dù họ đã định cư Mỹ từ thập niên 80 thế kỷ 20, nhưng họ chỉ hội mà không có nhập. Ðối với họ, nước Mỹ mãi mãi là nơi họ sống tạm ở bợ, ăn nhờ ở đậu, họ vô trách nhiệm với sự bình an của quốc gia mà họ mang quốc tịch.

TPT