Lời giới thiệu: Nhân khóa học mùa Thu tại các trường đại học bắt đầu, Trẻ xin giới thiệui diễn văn Steve Jobs được mời đọc trong lễ mãn khóa 2005 của Đại hc Stanford California, một trong những đại học hàng đầu của nước Mỹ. CNN bình chọn lài diễn văn ra trường hay nhất từ xưa đến nay và cũng là bài diễn văn có nhiều độc giả nhất trên mạng xã hội.

Steve jobs

Minh Đạo Nguyễn Thch Hãn phỏng dịch

Tôi rất hân hạnh được cùng các bạn dự lễ ra trường hôm nay, một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Các bạn cũng biết tôi chưa từng tốt nghiệp đại học. Ðây là cơ hội duy nhất tôi đã đến gần với lễ tốt nghiệp đại học. Tôi muốn kể cho các bạn ba câu chuyện của đời tôi. Chỉ thế thôi. Không có gì to tát cả. Chỉ là ba câu chuyện thôi.

Câu chuyện thứ nhất, đó là nối liền những dấu chấm.

Tôi đã bỏ học, sau khi theo học Trường Ðại học Reed College chỉ sau sáu tháng, nhưng không bỏ hẳn đâu. Tôi vẫn quanh quẩn trong trường 18 tháng nữa, lấy vài lớp tùy ý thích, trước khi bỏ hẳn. Bạn chắc cũng thắc mắc tại sao tôi bỏ học nhỉ?

Phải kể bắt đầu từ lúc trước khi tôi sinh ra đời. Mẹ đẻ của tôi là một phụ nữ trẻ, không chồng, đang theo học cao học, bà quyết định ghi danh tôi trong danh sách cho con để được ai đó nhận làm con nuôi. Ðiều kiện là cha mẹ nuôi của tôi phải tốt nghiệp đại học. Mẹ ruột của tôi sau đó khám phá ra, mẹ nuôi tôi chưa hề tốt nghiệp đại học, và cha nuôi tôi chưa hề tốt nghiệp trung học. Bà từ chối ký giấy tờ. Vài tháng sau cha mẹ nuôi hứa sẽ cho tôi đi học đại học, mẹ ruột tôi mới miễn cưỡng bằng lòng.

17 năm sau tôi thực sự vào đại học. Tôi thờ ơ chọn một trường có học phí đắt gần bằng Stanford, và tất cả tiền dành dụm của cha mẹ tôi, một gia đình lao động, chỉ đủ đóng học phí cho tôi. Sau 6 tháng tôi chẳng thấy ích lợi gì cho việc học đó cả. Tôi quyết định bỏ học, tôi không còn phải bắt buộc lấy những lớp đòi hỏi cần có đủ để ra trường mà tôi không thấy thích thú chút nào. Tôi chỉ ghi danh học những lớp mà tôi thích.

Không có phòng nội trú, nên tôi ngủ nhờ phòng người bạn, ngay trên sàn nhà. Hằng ngày, tôi đi nhặt những chai nước ngọt để bán được 5 cents mỗi chai hầu có tiền mua đồ ăn. Mỗi Chúa Nhật tôi cuốc bộ 7 dặm đường đến ngôi chùa Hare Krishna để có được một bữa ăn thịnh soạn. Tôi mê lắm. Và hầu hết những gì tôi chạm phải do tính tò mò của tôi, trở thành những vật vô giá sau này. Ðể tôi kể cho các bạn một thí dụ:

Trường Ðại học Reed College vào thời điểm đó có lẽ là một trung tâm dạy cách viết chữ (bút tự) giỏi nhất trong nước. Tất cả những poster, nhãn tên trên các ngăn kéo, đều viết bằng tay chữ rất đẹp. Vì tôi đã bỏ học (không theo chương trình tốt nghiệp) nên quyết định lấy các lớp Bút Tự đó. Tôi học cách viết theo mẫu chữ “Serif và San San Serif”, cách để khoảng trống giữa các mẫu tự, cách làm sao để tạo ra những mẫu tự đẹp mà lịch sử, nghệ thuật, khoa học chưa tạo ra được. Với tôi điều đó thật là tuyệt vời ngoài trí tưởng tượng.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Thật sự, chẳng có cái nào trong những thứ ấy có hy vọng ứng dụng vào đời tôi ngay lúc đó. Nhưng 10 năm sau, khi thiết kế cái máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả đã hiện về trong đầu tôi, rồi được thiết kế trong máy tính MAC. Ðó là chiếc máy tính đầu tiên với những kiểu chữ rất đẹp. Nếu tôi không lấy mấy lớp bút tự đó, chắc máy tính MAC không bao giờ có được những mẫu tự đẹp như thế. Bởi vì Windows chỉ sao chép lại mẫu tự của MAC, cho nên tôi có thể nói, không có mẫu tự đẹp của MAC chắc không máy tính nào có được mẫu tự đẹp cả. Nếu tôi không bỏ học, chắc tôi sẽ không lấy mấy lớp mẫu tự đó, và máy tính sẽ không bao giờ có những loại mẫu tự đẹp như vậy. Dĩ nhiên, tôi không thể nối liền những dấu chấm tương lai của cuộc đời tôi khi còn trong đại học. Nhưng, sau 10 năm nhìn lại tôi đã có thể thấy rõ ràng một đường thẳng nối liền những dấu chấm đó.

Diễn giả Steve Jobs (cầm tài liệu) rời sân vận động Stanford cùng với: (từ trái sang) Linh mục Scotty McLennan, Hiệu trưởng John Etchemendy và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Burt McMurtry

Câu chuyện thứ hai là yêu thương và mất mát.

Thật may mắn, tôi tìm thấy thứ mình thích rất sớm trong cuộc đời. Woz và tôi sáng lập công ty Apple trong garage nhà cha mẹ, khi vừa tròn 20 tuổi. Chúng tôi làm việc cật lực, từ 2 người chúng tôi trong garage, thành một công ty trị giá 2 tỷ Dollars với 4000 nhân viên. Chúng tôi mới cho ra lò một sản phẩm tuyệt vời – máy tính Macintosh – một năm trước đó, và tôi vừa bước vào tuổi 30. Rồi tôi bị sa thải khỏi công ty. Làm sao bạn bị sa thải khỏi công ty do chính bạn tạo dựng nên? Tất cả những gì tôi bỏ cả cuộc đời tạo dựng nên bây giờ chẳng còn gì, thật là tuyệt vọng.

Nhưng có cái gì đó luôn thôi thúc trong lòng, tôi vẫn còn mê những việc tôi đã làm. Cảnh ngộ vấp phải trong công ty Apple chẳng thay đổi đam mê của tôi chút nào. Hoàn cảnh của tôi giống như tôi bị người yêu từ chối, nhưng vẫn còn đang yêu. Cho nên tôi quyết định làm lại từ đầu.

Trong 5 năm sau đó, tôi thành lập công ty NeXT, rồi một công ty khác tên là Pixar, và gặp tiếng sét ái tình với một cô nàng tuyệt vời, đó là vợ tôi sau này. Pixar trở thành công ty đầu tiên dùng máy tính điện tử để sản xuất film hoạt họa, gọi là Toy Story. Bây giờ là công ty hàng đầu trên thế giới sản xuất film hoạt hình. Ðiều lý thú bất ngờ, Apple mua lại công ty NeXT, tôi trở lại làm cho Apple. Và kỹ thuật chúng tôi chế tạo ra từ NeXT trở thành trái tim của Apple làm đổi mới cả công ty. Laurence và tôi có một gia đình tuyệt vời. Tôi chắc chắn 100%  những điều tuyệt vời đó sẽ không xảy ra nếu tôi không bị đuổi khỏi Apple năm xưa. Thật là một liều thuốc đắng, nhưng thuốc đắng dã tật phải không các bạn. Ðôi khi đời ném cục gạch vào đầu bạn. Ðừng mất lòng tin. Tôi tin tưởng rằng điều gì giúp tôi tiếp tục sự nghiệp, đó là yêu thích cái gì mình làm. Bạn phải tìm được cái gì mình yêu thích. Ðiều đó áp dụng đúng cả về nghề nghiệp lẫn tình yêu. Nghề nghiệp của bạn chiếm một phần lớn cuộc đời, bạn chỉ có thể được hài lòng khi làm điều gì bạn tin là tuyệt vời. Chỉ yêu thích việc bạn làm mới tạo ra sản phẩm tuyệt vời. Nếu bạn chưa tìm ra công việc đó, hãy cố gắng thêm, đừng dừng lại với cái gì trong tầm tay. Hãy tin vào trái tim của bạn, bạn sẽ biết được khi nào tìm đúng. Như bao nhiêu quan hệ khắng khít khác, sự liên hệ giữa bạn và nghề nghiệp sẽ trở nên càng ngày càng tốt đẹp hơn. Cho nên tôi khuyên bạn cố gắng tìm kiếm nghề nghiệp thích hợp với mình. Ðừng vớ được cái gì làm cái nấy.

Xem thêm:   Thịt lợn không heo

Câu chuyện thứ ba là sự chết.

Khi tôi 17 tuổi, đọc được ở đâu đó một câu đại khái như: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời, một ngày nào đó bạn sẽ nghiệm ra rằng bạn đã sống đúng đắn”. Câu nói đó đã gây một ấn tượng sâu sắc trong tôi, từ đó suốt 33 năm, mỗi buổi sáng tôi đều nhìn vào gương và tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi có muốn làm điều tôi sắp làm hôm nay không?” Nếu câu trả lời là “Không” trong nhiều ngày liên tục, tôi hiểu rằng tôi phải thay đổi điều gì đó.

Phải nhớ rằng nỗi chết kề cận sẽ là một động lực quan trọng nhất để đưa ra một quyết định lớn lao nhất trong cuộc đời. Bởi vì hầu như tất cả những gì xảy ra chung quanh ta – những mong đợi, niềm kiêu hãnh, sợ sệt, thất bại – sẽ chẳng là gì nữa khi đối diện với cái chết, chỉ còn lại điều gì thật quan trọng mà thôi. Hãy nhớ rằng đối diện với cái chết sẽ làm cho mình không phải nghĩ đến thua thiệt mất mát nữa. Bạn đã mất tất cả rồi, tại sao không hành động theo trái tim của mình.

Cách đây một năm, tôi được chẩn đoán bị ung thư. Lúc 7:30 sáng máy scan cho thấy khối u trong tụy tạng của tôi. Tôi còn chẳng biết tụy tạng là cái gì. Bác sĩ cho biết đó là một loại ung thư chưa có cách chữa, và tôi chỉ hy vọng sống tối đa là 6 tháng. Bác sĩ khuyên tôi về nhà và làm những gì cần thiết, đó là cách nói bóng bạn hãy chuẩn bị hậu sự đi thôi. Cũng có nghĩa là tôi chỉ có vài tháng để chuẩn bị tương lai cho con tôi, việc mà phải cần 10 năm. Chuẩn bị kỹ càng để gia đình tôi sống càng thoải mái càng tốt. Cũng có nghĩa là chào từ giã gia đình. Tôi đã được giải phẫu và bây giờ tôi rất khỏe mạnh.

Xem thêm:   Nhớ ca sĩ Ngọc Lan mặt trời đã xa mùa Hạ

Không ai muốn chết cả. Ngay cả những người muốn lên Thiên Ðàng cũng không muốn chết để đi đến đó. Nhưng chết là đích cuối cùng chúng ta đều phải đến. Chẳng có ai thoát cả. Và đó là lẽ tất nhiên. Bởi vì SỰ CHẾT là điều phát minh duy nhất cho SỰ SỐNG. Ðó là chất xúc tác của đời sống. Nó hủy đi cái cũ và dọn đường cho cái mới. Bây giờ các bạn đang là cái mới, nhưng một ngày nào đó, không xa lắm đâu, các bạn sẽ từ từ trở thành cái cũ và sẽ bị đào thải. Xin lỗi, có vẻ hơi kịch tính và tiêu cực một chút, nhưng đó là sự thật.

Thời gian của các bạn có giới hạn, cho nên đừng phí phạm phải sống theo cách sống của người khác. Ðừng bị gò bó vào giáo điều – nghĩa là sống theo khuôn khổ suy tư của người khác. Ðừng để những tiếng ầm ĩ của quan điểm người khác át mất quan điểm của chính mình. Và điều quan trọng nhất là có can đảm nghe theo trái tim của mình. Bằng cách nào đó nó cho bạn biết thực sự bạn muốn làm gì. Những cái khác chỉ là thứ yếu thôi.

Khi tôi còn trẻ, có một bản tin tuyệt vời ra định kỳ, tên là The Whole Earth Catalog, một kim chỉ nam cho thế hệ chúng tôi. Steward và đội ngũ nhân viên của anh ta xuất bản được một thời gian, đến lúc phải từ giã họ in bản tin cuối cùng. Trong trang bìa cuối cùng của bản tin, in một bức tranh quang cảnh con đường quê buổi sáng, có lẽ con đường ấy giống như con đường các bạn đã từng vẫy tay xin quá giang, nếu bạn là người thích ngao du giang hồ. Dưới bức tranh là câu:   “Hãy luôn thèm khát, luôn luôn điên rồ.” (Stay Hungry, Stay Foolish)*. Ðó là lời từ biệt. Hãy luôn thèm khát. Hãy luôn luôn điên rồ. Và tôi luôn luôn tâm niệm như vậy cho chính tôi. Và bây giờ các bạn vừa mãn khóa tốt nghiệp bắt đầu một cái mới. Tôi cũng chúc các bạn như vậy.

Cám ơn các bạn.

* Hãy luôn luôn tìm tòi học hỏi những điều mới lạ. Hãy thực hiện những lý tưởng của mình, đừng sợ thất bại hay sợ người khác gièm pha.

MĐNTH phỏng dịch

Nguồn: https://news.stanford.edu/news/2005/june15/jobs-061505.html