Kính thưa Mục sư,

Tôi bắt đầu ngày Hăm bốn của tháng Mười Hai bằng đôi con mắt mở lớn nhìn ra ngoài cửa sổ trắng tuyết. Người ta nói hôm nay Giáng Sinh. Giáng sinh, nói vậy, nhưng chắc nhiều người chẳng biết ai đã giáng sinh và giáng sinh để làm gì. Còn mục sư và tôi, thì biết. Biết Chúa đã xuống thế, giáng sinh làm người, để chết cho tội lỗi nhân loại.

Tôi đi nhà thờ mỗi tuần. Chỗ tôi ngồi trong nhà nguyện quen thuộc là góc phía bên tay trái, dãy thứ ba. Khi tôi chưa đến, hoặc đến trễ, người ta cũng dành chỗ trống ấy cho tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng có đi xa, ngồi ở một nhà nguyện khác, nhưng chỗ ngồi quen thuộc của tôi trong ngôi thánh đường ấy họa hoằn lắm mới có người. Ðó là những người năm ba tháng bỗng nhưng nhớ đến Chúa, ghé tạt vào thăm, hay tình cờ những ngày tôi đi xa là các ngày lễ lớn, khách đến viếng không biết chỗ ngồi đó “của tôi”.

Năm nào Giáng Sinh tôi cũng đi nhà thờ. Và tuần nào tôi cũng đi nhà thờ. Như mục sư tuần nào cũng đi nhà thờ. Có những tuần mục sư sẽ giảng dạy, có tuần không. Tôi biết chắc chắn như thế vì giống như mọi nhà thờ khác, thỉnh thoảng hội thánh của mục sư sẽ mời diễn giả, hoặc có mục sư khác đến thăm, chia sẻ tâm tình, hay huấn luyện một phương thức truyền bá phúc âm mới. Và vân vân. Thỉnh thoảng cũng có thể mục sư được mời đi đến một nơi nào đó. Có nghĩa là có những thay đổi trong đời sống hầu việc của mục sư. Còn tôi tuần nào đi nhà thờ cũng ngồi nghe giảng dạy.

Người ta nói hôm nay Giáng Sinh. Tối hôm nay người ta sẽ đón Giáng Sinh vì hôm nay là lễ Giáng Sinh. Dầu người ta không cần biết ai giáng sinh, và giáng sinh để làm gì, nhưng người ta sẽ tặng quà cho nhau và ăn mừng giáng sinh. Mục sư và tôi có thể sẽ không ăn uống như người ta. Cũng có thể không nhận được gói quà nào hết. Nhưng mục sư và tôi biết ý nghĩa của ngày lễ này.

Tối hôm nay mục sư sẽ giảng tại thánh đường nơi mục sư đang phục vụ, hay cũng có thể mục sư đã nhận lời mời đến nơi nào đó để giảng. Bài giảng của mục sư có thể được soạn từ một, hai tháng trước. Nhưng cũng có thể chỉ từ một tuần nay. Ðề tài bất di bất dịch năm nào cũng về Ðấng đã từ giã ngôi cao, xuống thế làm người để chịu nhục hình và chết cho con người có cơ hội hòa thuận cùng Ðức Chúa Trời.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Trọng tâm của bài giảng luôn luôn là như vậy. Vì đó là về ý nghĩa chính của sự giáng sinh. Tôi biết có thể mục sư sẽ rất khó khăn khi soạn bài giảng. Có thể mục sư sẽ phải cầu nguyện rất nhiều lần để được ơn soi sáng từ Chúa. Tôi biết mục sư không muốn người đến với Chúa nghe đi nghe lại thông điệp này mỗi năm lại thốt lên câu: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tôi cũng biết mục sư không trông mong họ thấy mục sư đang nói với họ, mà sẽ cảm nhận ra Chúa đang phán với họ điều gì.

Ðầu buổi lễ, có phải mục sư sẽ nói, xin hội thánh dọn lòng đến với Chúa. Giữa buổi lễ, mục sư sẽ chú ý đến những người chưa biết tình yêu thiên thượng của Ngài. Và cuối lễ, mục sư sẽ chúc phước cho hội thánh, cầu xin Chúa giáng sinh trong lòng mỗi con dân Ngài, cũng như cầu xin cho người chưa tiếp nhận Chúa biết đến hồng ân cứu rỗi.

Hôm nay là ngày hai mươi bốn. Khuya đêm nay nhiều thánh đường sẽ tổ chức đại lễ Giáng Sinh. Tuần nào tôi cũng đi nhà thờ. Nên khuya đêm nay tôi cũng sẽ có mặt tại nhà thờ. Nếu ở tại thánh đường nơi mục sư đang giảng dạy, tôi sẽ nói “Amen”. Tôi sẽ đồng ý với những điều mục sư nhắc nhở cho con dân Chúa nhớ đến sự sống và sự chết của Ngài. Sau khi lời của Chúa trong Kinh Thánh được đọc lên, tôi cũng sẽ “Amen”. Ở tại các nhà thờ tôi đến, tôi đều nói “Amen”. Nếu như tôi đi nhà thờ Việt Nam, tôi sẽ “Amen” bằng tiếng Việt. Tôi đi nhà thờ Mỹ, tôi sẽ “Amen” bằng tiếng Mỹ. Tôi đi nhà thờ nói tiếng La Tinh, tôi sẽ “Amen” bằng tiếng La Tinh.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Tôi sẽ hát. Rồi tôi sẽ cảm tạ ơn Chúa lòng lành. Tôi sẽ cảm tạ ơn Chúa chí thánh. Tôi sẽ cảm tạ ơn Chúa đời đời và vô cùng. Và sau cùng, tôi sẽ lại nói “Amen”.

Tôi sẽ làm như thế, như tôi vẫn làm như thế xưa nay. Và tôi sẽ làm như thế, không phải vì thói quen, mà vì tôi muốn như thế.

Bảo Huân

Kính thưa Mục sư,

Có một điều tôi muốn thưa với mục sư. Cho dẫu trong đức tin của mục sư và tôi, tôi có thể trực tiếp thưa với Chúa, tôi có thể cầu nguyện thẳng với Chúa mà không qua một trung gian nào hết, như qua mục sư chẳng hạn. Tuy nhiên hôm nay, vào ngày Hai mươi bốn của tháng Mười Hai, vào ngày lễ Chúa Giáng sinh, tôi muốn nói với mục sư, để mục sư có thể hiểu thêm về một con người.

Tuần nào tôi cũng đi nhà thờ. Tuần nào tôi cũng nghe giảng dạy. Mỗi năm tôi được nhắc nhở ít nhất là một lần, về sự giáng sinh và sự chết của Chúa. Tôi biết thân thể con người là đền thờ của Chúa. Là nơi Chúa Thánh Linh ngự để an ủi, vỗ về những lúc đau buồn. Ðể chở che, gìn giữ những lúc khốn khó. Ðể đỡ nâng, vực dậy những lúc xiêu ngã. Và để dạy dỗ, nhắc nhở, để làm được điều lành. Những lúc tôi buồn đau và nguy khốn, tôi đã cầu khẩn đến danh Chúa. Những lúc tôi day trở, tôi cũng đã khẩn xin Chúa ở cùng tôi để sự sáng của Ngài chói rạng trong tôi.

Kính thưa mục sư, tuần nào tôi cũng đi nhà thờ. Tuần nào tôi cũng chăm chú lắng nghe lời Chúa. Nhưng điều tôi muốn thưa với mục sư hôm nay, tôi là người đang phạm tội. Tôi phạm một trong mười điều răn của Chúa. Tôi thuộc mười điều răn. Tôi luôn cố gắng làm theo, dẫu tôi không bị ai bắt buộc phải làm cho bằng được mười điều răn ấy. Tôi có thể nói vì tôi là đàn bà, tôi không đủ sức và cũng không đủ tàn nhẫn để phạm tội giết người nên tôi không giết người. Tôi sống không túng thiếu, nên tôi không phạm tội trộm cướp. Tôi không có điều gì đáng để dối gian người khác nên tôi không nói dối. Tôi cũng không trục lợi, hay thiên vị người nào nên tôi không làm chứng dối. Dường như, tôi không phạm, hay nếu có, thì tất cả những tội mà tôi đã phạm đó, đều không quá nghiêm trọng – những tội mà Thánh Phao lô có nói “đều ở ngoài thân xác mình”. Tôi đã phạm tội nằm trong thân thể, có nghĩa không cần nói ra, mục sư cũng biết tôi phạm tội yêu người không thuộc về tôi.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Kính thưa mục sư,

Tuần nào tôi cũng đi nhà thờ. Thánh đường tôi thường đến, ở dãy ghế thứ ba, bên phía tay trái là chỗ tôi ngồi. Ở tại đó, tuần nào tôi cũng rơi lệ. Ở tại đó, tuần nào lòng tôi cũng tan nát ra hằng trăm mảnh. Ở tại đó, tuần nào trái tim tôi cũng vụn vỡ như có người giáng xuống những vết dao nhọn. Và ở tại đó, tuần nào tôi cũng quay quắt với nỗi thống khổ tôi.

Nhưng ở tại đó, tôi chưa bao giờ dám hát lên câu, “Của lễ đẹp lòng Ðức Chúa Trời, là tấm lòng ăn năn. Của lễ đẹp lòng Ðức Chúa Trời là tấm lòng đau thương…”. Bởi vì sau khi ở đó ra về, tôi lại sống như người chưa bao giờ đến nhà thờ, chưa bao giờ nghe đến tội lỗi đã được chuộc bằng cách nào.

Mỗi tuần mục sư vào thánh đường. Mỗi tuần mục sư cầu nguyện cho người chưa được cứu rỗi biết về hồng ân Chúa.

Mỗi năm tôi đi dự lễ Chúa giáng thế. Mỗi năm mục sư dốc đổ lòng xin Chúa ban ân trạch cho loài người.

Nhưng mỗi tuần trong thánh đường, mỗi năm trong thánh đường, tôi không biết có bao nhiêu kẻ như tôi, mang mặt nạ như tôi, vẫn chiếm những chỗ ngồi của mình, thì hằng ngày mục sư vẫn cứ phải cầu nguyện, mỗi tuần mục sư vẫn cứ phải giảng dạy, và mỗi năm nhân dịp giáng sinh về, mục sư vẫn cứ phải kêu gọi, còn con số người không biết ai giáng sinh, tại sao phải giáng sinh, và giáng sinh để làm gì vẫn không hề thay đổi…

HN