Sắp tới đây, Tây Ban Nha và Morocco dự định sẽ cùng nhau hì hụi đào một con đường xuyên lòng đại dương để nối hai lục địa, Châu Âu và Châu Phi. Khi hoàn tất người ta sẽ chạy vèo một phát từ Nam Âu sang Bắc Phi chỉ trong 6 tiếng thay vì 12 tiếng theo lối thuyền bè như trước.

Từ eo biển Gibraltar ở thành phố Punta Paloma, Tây Ban Nha có thể nhìn sang Châu Phi một cách rõ ràng

Dự án đường hầm

Ý tưởng làm một con đường nối hai châu lục đã hình thành từ năm 1979, nhưng rồi nằm ì trên giấy. Cuối cùng, trái banh mới là kẻ có thể biến dự án này thành hiện thực. Thực vậy, FIFA World Cup 2030 là giải bóng tròn đầu tiên được đồng tổ chức giữa 2 châu lục: Châu Âu và Phi Châu, với 3 quốc gia đồng tổ chức là Tây Ban Nha, Morocco và Bồ Đào Nha (Portugal), đó là động lực để 3 quốc gia này ngồi lại để giải quyết việc giao thông sao cho thuận lợi nhất. Và thế là con đường sắt xuyên đại dương nối 2 châu lục được nghiêm túc bàn bạc.

Đường hầm dưới biển nối liền 2 châu lục: Châu Âu và Châu Phi

Dự án đường hầm

Công ty khảo cứu Moroccan National Company for Strait Studies (SNED) của Morocco xắn tay đo đạc, nghiên cứu và đưa ra con số phí tổn. Không chỉ Morocco, Tây Ban Nha cũng hăng hái khảo sát. Ban đầu, chi phí dự trù cho công trình này vào con số 7.5 tỉ đô la, và thường thì bao giờ cũng nảy sinh gấp đôi hoặc gấp ba.

Xem thêm:   Cuộc sống vỉa hè

Một khi đưa vào vận hành, nó có thể đưa đón gần 13 triệu khách mỗi năm, trung bình 1 triệu người mỗi tháng! Và điều quan trọng nhất là làm sao để hoàn tất trước World Cup 2030.

Tỉ lệ người và máy đào đường hầm

Kỹ thuật

Cách đây 5 tỉ năm, Châu Âu và Châu Phi dính liền nhau, do những chấn động địa chất, nó bị tách ra, và chỉ cách nhau một eo biển nhỏ, chỗ hẹp nhất chừng 13 cây số, gần đến nỗi dân ở lục địa này có nhìn thấy nhà cửa lố nhố ở lục địa bên kia. Tuy không xa tầm nhìn nhưng 13 cây số biển này là trở lực rất lớn trong việc giao thông, chuyên chở. Điều này gần như chưa bao giờ được giải quyết một cách thỏa đáng, trừ việc qua lại bằng thuyền hoặc xà lan. Eo biển này đã khiến các chính phủ 2 bên châu lục ngứa mắt hơn một trăm năm qua, họ nghĩ ra đủ loại phương án, nào là xây cầu, đắp mố cầu để xích gần lại trước khi làm đường, hoặc thậm chí táo bạo hơn là lấp quách luôn cửa biển.

Công nhân làm việc trong một đường hầm đang xây dựng

Đến nay thì những cách trở đó sẽ thay đổi ngoạn mục một khi đường hầm dưới biển dài 27 dặm, dự trù được đào bên dưới eo biển Gibraltar, nối các thành phố Punta Paloma, Tây Ban Nha và Malabata, Maroc hoàn thành! Có thể sau đó nó sẽ nối với mạng lưới đường sắt của các quốc gia đó để hành khách có thể tiếp tục hành trình xuyên các quốc gia khác ở cả hai lục địa. Thử thách lớn nhất là độ sâu của con đường hầm, vì có đoạn biển sâu hơn 1,000 mét, có nghĩa đường hầm phải nằm bên dưới vài chục mét! Đây là một thử thách đáng sợ. Na Uy là quốc gia đang sở hữu đường hầm chạy dưới biển sâu nhất thế giới nhưng mực nước chỉ ở khoảng 300 mét. Chưa kể việc khoan thủng những tầng đá rất cứng nằm dưới đáy đại dương là điều nằm khỏi khả năng kỹ thuật của các quốc gia này, tuy nhiên Đức OK nhận thiết kế những cỗ máy đào đất đặc biệt cho đường hầm này.

Đường hầm Seikan (Nhật)

Những công trình khác

Xem thêm:   Phải chi

Trên thế giới đã có nhiều đường hầm dưới nước, như Thames Tunnel tại Anh, đây  là một đường hầm được đào bên dưới sông Thames ở Luân Đôn, rộng 11 mét, cao 6 mét và dài 396 mét, nằm ở độ sâu 23 mét bên dưới bề mặt của lòng sông. Công trình này khởi công năm 1825 và hoàn tất năm 1843. Hiện đại hơn thì có đường hầm  Seikan Tunnel tại Nhật, đường hầm Seikan dài 54 km, với 23 km dưới đáy biển, đây cũng là đường hầm ngầm dưới biển dài nhất thế giới. Ngoài ra còn có đường hầm xuyên đại dương nối Pháp và Anh là đường hầm eo biển Manche hay Đường hầm eo biển Anh (tiếng Pháp: le tunnel sous la Manche, tiếng Anh: Channel Tunnel), dài 50 km bên dưới biển Manche. Đây là một đại dự án bị vật như cái mền rách nhưng cuối cùng đã đưa vào hoạt động ngon lành vào năm 1994.

Sơ đồ đường hầm xuyên qua eo biển Manche, nối liền Anh và Pháp

Liệu hai châu lục có thể nối liền?

Ý tưởng và nguyện vọng là một chuyện, nhưng thực hiện được hay không là một vấn đề khác. Các nhà đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi, đại khái là liệu có nhu cầu thực sự sau World Cup không, có thu hồi vốn được không. Rồi họ cân đong đo đếm các chuyến bay, các chuyến phà xem có bao nhiêu khách mỗi ngày, mỗi tháng. Tuy nhiên, cho dầu  những chuyên gia kinh tế có giỏi giang tính toán kỹ đến đâu vẫn khó có thể đưa ra một kết luận chính xác, vì có thể họ không dự đoán được rằng, một khi tuyến đường được khai thông, nó sẽ kích thích nền kinh tế cả hai châu lục, về nhân sự cũng như hàng hóa. Có thể con số sẽ tăng vọt gấp 5-10 lần vì sự tiện lợi, giá thành rẻ, nhanh chóng, điều khiến trước đây người ta ngần ngại đầu tư vì phải di chuyển bằng phà hay máy bay, vừa đắt đỏ vừa rề rà.

Chắc chắn số lượng khán giả mê đá banh sẽ tăng vọt nếu con đường hầm xuyên lục địa hoàn tất vào dịp WC 2030

Nếu mọi chuyện êm ấm, dự trù phải mất 5 năm mới hoàn thành. Như vậy, ngoài sự chuẩn bị kềnh càng, về máy móc, nhân sự, tài chính thì nếu khởi công năm 2025, may ra thiên hạ mới có thể lũ lượt kéo nhau qua xem những trận cầu bốc lửa vào dịp FIFA World Cup 2030!

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/13/2025)

 

TA