Năm 2011, lần đầu tiên tôi biết điêu khắc gia Phạm Văn Hạng khi tham dự triển lãm phòng tranh của họa sĩ Đinh Cường tại Đà Lạt, nhìn ông đầy chất phong trần lãng tử như cao bồi miền Tây khi ông đội mũ phớt với bộ áo cánh dơi đơn giản độc đáo ông tự thiết kế. Da đỏ au, râu tóc trắng xóa, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mọi miền, đi tới đâu ông cũng để lại những tác phẩm dị thường. Chỉ nghe các anh nhắc đó là một điêu khắc gia tài năng làm việc như một gã khổ sai, hàng ngày say mê đục đẽo các bức tượng. Một nghệ sĩ giữa hiện thực và mộng ảo.

Lần này, cơ duyên đưa ông đến Quy Nhơn để làm bức phù điêu do các anh chị giáo sinh Sư Phạm Quy Nhơn trước 1975 muốn gửi tặng trường Đại học Quy Nhơn như một kỷ niệm nhắn nhủ: Từ trái tim đến trái tim, từ ngày xưa đến hiện tại và tương lai.

Chỉ nghe tiếng ông là bậc thầy về điêu khắc nhưng tôi không ngờ ông còn làm thơ, với những câu thơ ngắn gọn, súc tích, chắt lọc của một đời chiêm nghiệm với bề dày triết lý nhân sinh mà ông đã trải qua.

Bão tố

quay lưng

Khơi nguồn độc thoại

chôn vùi

Nhân văn

Bìa Thơ Phạm Văn Hạng. NXB Hội nhà văn. 2007

Những bài thơ chỉ 1 câu, 2 câu, ngắt dòng từng chữ như một thiền ngôn, đọc lên chúng ta có thể cảm được sự tinh túy trong từng chữ đanh gọn như những nhát búa đục vào đá.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Những bức tượng

Trong vườn òa ra khóc

Khi nhân văn

Bị sỉ nhục giam cầm

Đá

Gỗ

Sắt

Đồng

Không thể lặng câm

Với 29 bài thơ được khắc trên đồng nặng 220 kg, mỗi bài thơ được gò nổi với 4 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh , Hoa trên những miếng đồng khổ 50cm x 60cm, ông làm việc miệt mài trong 5 năm mới hoàn thành xong tác phẩm để đời của mình. Thơ ông trầm lắng, súc tích ngắn gọn như loại thơ Hai Ku của Nhật.

Người đời gọi ông là “Dị nhân điêu khắc” cũng phải khi lần đầu tiên ông góp mặt triển lãm năm 1970 đã làm chấn động giới mỹ thuật Sài Gòn ngày ấy với tác phẩm kinh dị làm bằng xương sọ và … ruột người, bức tranh S.O.S Việt Nam của ông (được NS Trịnh Công Sơn đổi tên thành Chứng tích khi tham dự triển lãm).

Bức tranh là một mảnh vải được ông sắp xếp những “hiện vật” mà ông nhặt được trong chiến trường khi ông làm phóng viên với những vỏ đạn, mảnh bom, vòng rào kẽm gai, xương sọ và những đoạn ruột người đầy máu ( tất cả đã được ngâm trong phoọc-môn), tác phẩm với những chất liệu kinh dị đó, đã tố cáo thực trạng trần trụi của chiến tranh là một cú đấm trực diện vào xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Bắt đầu từ đó cho đến các sáng tác sau này, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đều hướng đến việc lên án chiến tranh, khao khát hoà bình và ca ngợi tự do với những hình tượng chim bồ câu, trẻ em, bầu vú mẹ…

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Một đề tài yêu thích khác của ông là khắc họa chân dung các danh nhân gồm các nhà văn hóa dân tộc, các văn nghệ sĩ mà ông yêu thích, ông đặt vườn tượng trong khu vườn mà ông sinh sống.

Đặc biệt nhân ngày “hội tôn vinh sách và thế giới năm 2010”, ông đã đưa từ Đà Nẵng ra Hà Nội 2 bức tượng của Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes, 1 người là đặt nền tảng cho chữ Nôm, 1 người là cha đẻ cho chữ Quốc ngữ tiếng Việt ngày nay.

Ngoài ra ông có nhiều công trình, dự án còn đang dang dở như tượng hoàng đế Quang Trung bằng đồng cao 3.7m đã hoàn thành từ năm 2006, đáng lẽ đã được đặt tại ngã ba Phú Tài, TP Quy Nhơn nhưng vì nhiều lý do nên vẫn còn tạm trú tại khu Trung Sơn (TP.HCM), hay “Nhà nguyện tình yêu” – một đồng cảm giữa ông và NS Trịnh Công Sơn (trước khi nhạc sĩ qua đời) là xây dựng một nhà nguyện cho những người yêu nhau đến sẻ chia, tâm sự …đó là dự án dựng tượng danh nhân Nguyễn Trãi trên một sườn núi cao nào đó ở Côn Sơn (Hải Dương)…

Bạn bè Phạm Văn Hạng gọi ông là người đàn ông “lao động khổ sai” cũng không quá, ông là một nhà điêu khắc làm việc cần mẫn đam mê, khi làm việc ông thỏa sức sáng tạo, tự do bay bổng trong trí tưởng tượng ảo diệu của mình. Nếu như nhà văn dùng ngôn từ, người họa sĩ dùng màu sắc thì người điêu khắc phải dùng bàn tay đục đẽo, nhào nặn hình tượng mới có thể nói lên cảm xúc của mình, đó phải là một quá trình vất vả tốn nhiều sức lực. Có lẽ trong những ngày tháng làm việc chăm chỉ ông đã đúc, rút nhiều kinh nghiệm cuộc sống mới tạo nên những áng thơ giàu hàm súc như vậy.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Bắt mạch

thời gian

Ngôn từ

sực tỉnh

Hay:

Có thương đau

Mới thẩm thấu cuộc đời

Có suy tưởng

Mới

Tìm

Ra

Thực

Phạm Văn Hạng và tác giả

Nhìn xã hội ngày nay đảo điên như phường tuồng ông viết:

Buôn vua bán chúa

Thời xưa cũ

Tướng sĩ đồng hành

Lũ vong thân

Hành pháp

Trong tay phường mãi lực

Gỗ

Đá

Buồn

Chao đảo nhân văn

Một đời cống hiến cho nghệ thuật đến cái tuổi “cổ lai hy” này ông càng cảm thông nỗi thống khổ

Tiếng đàn Kiều

Vô thanh

Ngàn năm vương ai oán

Oan

Khốc

Đời

Khôn vơi!

Mỗi bài thơ là một chiêm nghiệm, có lẽ ông hiểu rõ cuộc đời này tuyệt chiêu cao nhất của võ lâm là lấy “vô chiêu thắng hữu chiêu” như trong truyện kiếm hiệp Kim Dung nên ông sống thanh thản vô tư, cả đời luôn cháy hết mình vì nghệ thuật, luôn khao khát sáng tạo trong tự do.

Phạm Văn Hạng bên tác phẩm Bác Sĩ Yersin

BM – Quy Nhơn, 01.02.2024

Cảm tưởng về Phạm Văn Hạng. NXB Văn học. 2014