Cách đây hơn một tuần là tròn giỗ 5 năm Luật Sư Nguyễn Xuân Phước (mất 22 tháng 6 năm 2015). Anh vừa là một người anh, một người bạn, một nhà hoạt động dân chủ cho Việt Nam. Thánh Kinh có câu: “Đi đến nhà tang chế hơn là nhà yến tiệc, vì ở đó thấy sự cuối cùng của mọi người, và người sống để vào lòng” và tôi cũng từng học được điều tương tự rằng, “Cái chết có thể chỉ dạy chúng ta cách sống và về đời sống”…

Quả thật, những cuộc ly biệt luôn khiến tôi suy gẫm cuộc tử sinh của mỗi người. Và tất cả mọi người. Dạy thêm cho mình cách sống. Qua những gì tôi đã được nghe tại tang lễ với anh. Một trong những tang lễ tôi đã từng tham dự mà làm mình xúc động và học được nhiều đến vậy.

Cùng với tang quyến, Phan Ngọc Thuần sắp đặt đêm tiễn niệm Nguyễn Xuân Phước trước ngày tiễn biệt và nhắn tôi có phát biểu vài lời về anh trong chương trình. Dạo sau này, tôi thật sự ngần ngại khi phải đứng nói gì đó trước đám đông, ngoại trừ những trường hợp chẳng đặng đừng.

Nhưng tôi nhận lời. Vì đó là anh. Vì nghĩ mình cũng cần nói với anh lời cuối, nên góp mặt với những người khác vẽ lại chân dung một người bạn, người anh thân thiết của chúng tôi. Ðể rồi khi kể về anh, tôi đã phải cố nén nỗi xúc động của mình. Tôi vẫn cứ mường tượng đến nụ cười hiền hoà của anh. Từ ngày đầu tiên tôi được gặp anh, cho đến những lần cuối cùng thăm anh trong khu rehab hay tại nhà riêng. Và nhớ đến tiếng cười hồn nhiên thật to của anh mỗi khi anh, tôi hay bạn bè kể chuyện cười trong những lần gặp mặt.

Luật Sư Nguyễn Xuân Phước hát “Giọt nước có biết mình là sông…”

Khoảng đâu năm 97 hay 98, tôi gặp anh lần đầu tiên tại báo quán Việt Nam Weekly News của Trần Lộc. Ðó là thời gian anh vừa dọn về Dallas. Ðêm đó, nghe và nhìn anh hát bản nhạc “Giọt nước có biết mình là sông”, rồi trò chuyện với anh, trực tính cho tôi biết mình sẽ có thêm một người bạn, một người anh mới. Và quả thật, đó là cái duyên chúng tôi biết và thân nhau cho đến khi anh ra đi.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Ðêm tưởng niệm, Vũ Ðức Duy ôm đàn cất lên “Giọt nước có biết mình là sông…”, rồi nhìn vào quan tài như đang ca cho riêng anh, tôi thấy bên dưới bao nhiêu người đã khóc. Vì với Nguyễn Xuân Phước, những người bạn thân thiết của anh phải hơn một lần được nghe anh hát “Giọt nước có biết mình là sông” này. Hay với tôi ắt cả vài chục lần. Rồi ăn một tô phở do tay anh nấu. Hai điều đã trở thành một thứ “icon” của Nguyễn Xuân Phước với nhiều người.

Con trai anh kể về cha mình trong tang lễ, bảo anh có một cái “taste” ẩm thực khác biệt, ngon dở thường nói ra ngay. Món bánh xèo của cha là tuyệt cú mèo nhất mà chàng ta từng được ăn. Tôi đồng ý với cậu ta. Và có lẽ “bánh xèo” cũng để lại trong cậu ta bao nhiêu là kỷ niệm, nên đó là chữ Việt duy nhất cậu phát âm trong lời kể về cha mình.

Mưa trên hồ Irving sau nhà Luật Sư Nguyễn Xuân Phước

Ắt có người thắc mắc tại sao tôi không kể về những tranh đấu, những hoạt động, dân chủ, nhân quyền của anh mà đã có quá nhiều người đã kể, đã nói. Cần lắm. Có những điều tôi và nhiều người khác đã biết hoặc chưa biết. Nhưng tôi biết có nhiều người hiểu rõ hơn tôi. Còn mình thì cảm động khi nghe con trai anh kể về những kỷ niệm với cha mình. Cảm động nghe con gái anh kể lại ký ức đầu tiên về cha khi mới lên ba, lên bốn, mà cha cột tóc cho mình. Cảm động khi nghe những người anh trai kể về em mình bằng những trìu mến, thương yêu dành cho người em út. Với chúng tôi, từ rất lâu, anh không còn là một Luật Sư Nguyễn Xuân Phước, mà là một người bạn chân tình, bình dị và là một tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, hết mực hiếu khách.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Tôi đã từng ghé đến những căn nhà anh ở, từ Plano sang Richardson, cho đến Garland rồi cuối cùng căn nhà bên bờ hồ Irving, là căn nhà kỷ niệm mà biết bao những bằng hữu, những văn nghệ sĩ cho đến những anh em đồng chí hướng, những nhà dân chủ trong và ngoài nước đã từng ghé qua, mà cũng vài lần tôi tham dự. Họ ghé đến vì những tương đồng trong các hoạt động, những cổ súy cho phong trào dân chủ quốc nội. Họ ghé đến để chia sẻ những thao thức với quê hương. Nhưng anh không cao giọng và cũng chẳng cần chứng tỏ. Tôi hiểu với anh, yêu nước là điều tự nhiên, không phải là đồ trang sức.

Lẽ ra tôi cũng góp thêm cùng người khác đã kể rằng, Nguyễn Xuân Phước rất thích và có một kiến thức sâu rộng về sử. Bởi vì đã có vài lần chúng tôi đàm luận về những tư tưởng và triết thuyết các nhà cách mạng như Lý Ðông A, về tinh thần Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Và vì có thời, chúng tôi từng cùng thực hiện một chương trình phát thanh về lịch sử với nhau. Ðó là khoảng bảy, tám năm trước. Nhận lời mời của đài phát thanh Sài Gòn Dallas 870 AM, ba người chúng tôi là Nguyễn Xuân Phước, Trần Anh – Hội Trưởng Phân Hội Văn Hóa Khoa Học tại Dallas, và tôi cùng thực hiện một chương trình Diễn Ðàn Việt Nam Ngày Nay, hội thoại về các vấn đề lịch sử trên sóng điện hàng tuần.

Những ngày vui cuối cùng bạn bè

Chúng tôi sưu khảo, chuyển cho nhau những bài viết , những sử liệu để đọc và chuẩn bị cho mỗi chương trình. Mất rất nhiều thời gian, nhưng nhờ vậy tôi ôn lại nhiều điều, học thêm vô số thứ. Từ sách, từ anh. Tôi vẫn còn nhớ anh nói trên Ðài Phát Thanh trong buổi phát đầu tiên rằng, chúng tôi chỉ là những người đọc sử và mong muốn được chia sẻ, gợi mở và trao đổi cùng thính giả. Rất khiêm cung.

Xem thêm:   Kẻ ngốc

Tôi nể trọng và học hỏi thái độ đó nơi anh rất nhiều. Anh là vậy. Tài ba lại khiêm cung. Bình dị mà thâm trầm. Phóng khoáng, nghệ sĩ nhưng tâm huyết, lý tưởng. Tôi chẳng quá lời về anh mà anh lại càng chẳng cần ai quá lời về mình. Chẳng ai toàn hảo, và biết đâu cũng chẳng làm sao tránh khỏi dăm thị phi nào đó với người đời, nhưng tôi khâm phục những người có cách sống như anh, làm những việc như anh đã làm, nghĩ những điều anh nghĩ. Phóng khoáng, bao dung, thỏa chí tang bồng. Dù đời sống anh cũng không ít trắc trở.

Có những điều chúng ta chẳng mong muốn xảy ra, có những việc chẳng ai muốn nghĩ đến, và có những người chúng ta không bao giờ muốn chia lìa. Nhưng như một sự sắp đặt, mọi chuyện đều đã hay sẽ xảy ra như vốn dĩ mà chúng ta phải chấp nhận. Vì mấy ai sống mà không chết. Và cũng có thể, chết là để sống lại lần nữa như các tôn giáo đã dạy. Cái chết chỉ là một cuộc hoán chuyển tự nhiên của lẽ tử sinh trong không gian hữu hạn này, hay chỉ là một sự thay đổi địa chỉ như lời một vị Mục Sư.

Tôi không nghĩ anh mất đi, mà anh vừa bắt đầu một hành trình miên viễn khác. Chúng tôi đã quý mến anh lúc còn sống. Và chúng tôi sẽ còn luôn nhớ đến anh khi không còn gặp nữa. Xin bùi ngùi tiễn biệt Nguyễn Xuân Phước, người bạn, người anh vô cùng quý mến của chúng tôi.

ĐYT – Dallas 28/06/2015