Hôm ngày 01 Tháng Hai, 2023, tức Mùng Mười năm Quý Mão. Theo cách nói của người Việt “hết Mùng là hết Tết,” mọi việc trở lại bình thường. Tôi vốn không mê tín dị đoan, kiêng cữ gì ráo. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy. Dù muốn hay không, tôi vẫn phải ráng nín nhịn chờ tới ngày hôm nay mới viết ra để không độc giả nào nói rằng “Đầu năm nói chuyện xui xẻo.”

Bảo Huân 

Tôi thấy buồn khi mà cứ năm ba bữa lại có một vụ tai nạn xe cộ xảy ra ngay trung tâm Little Sài Gòn (quận Cam) thủ phủ người Việt. Ðiển hình là sáng sớm Chủ Nhật, 15 Tháng Giêng, cảnh sát phát hiện giữa đường một thi thể bị xe tông đứt nửa người gần ngã tư Hazard và Newland. Cho tới nay, cảnh sát chưa tìm ra chiếc xe gây tai nạn.

Trong nhiều bài viết trước, tôi đã nói rõ chúng ta phải hiểu luật, đừng ỷ y mình đi sao cũng được, người ta phải “sợ” mình mà tự rước họa. Hôm nay, tôi không nói về luật đi đường, mà nói về việc “dạy khôn” và “dạy dại” (còn gọi là “dạy đểu,” “chơi khăm”) cho người Việt mới qua Mỹ.

Người tốt họ thấy đồng hương mới qua thì họ truyền lại kinh nghiệm sống có ích, người xấu thì thấy người ta “lạ nước lạ cái” nên xúi làm bậy để cười chơi, hoặc là để thỏa mãn tánh ích kỷ.

Khi tôi mới tới Mỹ, một ông (tạm gọi là ông A, qua trước tôi) nói với tôi: “Tốc độ là 40 miles/h nhưng phải lái 45 miles.” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao không đi đúng tốc độ cho phép mà phải chạy quá?” Ông A nói: “Ở đây ai cũng vậy.” Ông A lại nói: “Ở Mỹ người ta tự do tình dục nên một người quan hệ với nhiều người là bình thường, mình không vậy người ta nói mình nhà quê. Ông T. (chủ nhà tôi đang ở) cũng đang cặp bồ đó.” Tôi cãi lại: “Làm gì có chuyện đó. Tự do tình dục là thích ai thì lấy, không bị cấm cản. Không cần kết hôn, không đám cưới cũng được sống chung mà không ai chê cười, nhưng không chấp nhận ngoại tình, quan hệ lăng nhăng tùm lum. Nhứt là người của công chúng bắt buộc phải giữ gìn đạo đức, hình ảnh cá nhân. Lấy vụ án ông Bill Clinton và cô Monica mới tinh đó mà làm gương. Nếu người Mỹ chấp nhận lăng nhăng thì làm gì có chuyện ầm ĩ vụ này.” Ông A lại nói: “Ở Mỹ người ta đi nhanh, làm cái gì cũng nhanh, không rề rà như ở Việt Nam. Phụ nữ Mỹ toàn trang điểm trong khi lái xe để tranh thủ thời gian.”

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/14/2024)

Sau đó, tôi gặp một ông khác (tạm gọi là ông B,) tôi kể lại, ông B nói: “Em đừng có nghe lời ổng nói bậy bạ. Ổng ở đây ổng gặp ai cũng thả dê, ổng thấy em mới qua không biết nên ổng ngụy biện đó. Em có thấy anh T. ngoài giờ làm việc đi với ai không? Rồi có nói với vợ anh T. không?” “Không!” Tôi trả lời. “Nói làm gì? Thấy anh T. hết giờ làm việc ổng đều về nhà.”

Sau đó, tôi học lái xe. Chú dạy tôi lái xe dặn: Quan trọng nhứt là giữ khoảng cách an toàn. Kế tiếp để ý “thằng” đàng trước mình, thấy nó “đỏ” (đạp thắng) thì mình “đỏ,” bảng tốc độ là phụ thôi. Ðường đông xe thì làm sao chạy theo tốc độ được. Nguyên một đám chạy quá tốc độ mà mình bị police “hốt” trúng thì ráng chịu, hổng đổ thừa tại tui thấy thằng kia nó chạy quá tốc độ tui bắt chước, hoặc nói mấy chiếc kia cũng chạy quá tốc độ sao không bắt nó mà bắt tui. Quá chút đỉnh police họ cũng không thèm bắt lỗi mình đâu nhưng không phải cứ ra đường là chạy quá tốc độ, rủi tai nạn thì tự dưng bị lỗi quá tốc độ, rất lãng xẹt.

Một ông đồng hương khác nói: “Em mới biết lái cứ đi chậm cũng không sao, đừng quýnh nếu có ai đó hối thúc. Cứ từ từ mà chạy miễn đúng luật, ai hổng chịu qua lane khác, còn cứ ở sau lưng mình thì coi như “thằng” đó bị xui.”

Xem thêm:   Những điểm du lịch không nên đến!

Ở Việt Nam, tôi không biết lái xe hơi và cũng chẳng mấy khi trang điểm nên ông A nói “Phụ nữ Mỹ toàn trang điểm trong khi lái xe để tranh thủ thời gian” thì tôi không cãi. Sau này, tôi tự hiểu ra là ông A nói xạo, không thể trang điểm trong khi đang lái xe, rất nguy hiểm, và không thể làm được (dù có người khác lái) vì xe rung lắc, trừ phi thoa chút son môi hay dặm chút phấn khi dừng đèn đỏ. Cầu mong đừng có chị em nào mới qua Mỹ mà nghe lời “tư vấn đểu” của ông A.

Mới đây, một ông khác (tạm gọi là ông C) lại nói rằng ở Cali có hai vợ chồng nọ theo Tin Lành nên bị cấm dùng hóa chất trị bịnh (tức chích thuốc) và truyền máu của người khác, nên người chồng bất lực nhìn vợ chết và cảnh sát không can thiệp được vì họ đã “viết cam kết” nên “bút sa gà chết,” nhà thờ Tin Lành cho người tới bao vây bệnh viện ngăn cản truyền máu, tòa án Mỹ không xử. Tôi cãi lại tôi quen biết nhiều anh chị em Tin Lành mà chưa bao giờ nghe nói về quy định cấm kỳ quặc này. Theo ý tôi đó không phải là Tin Lành, còn vợ chồng nọ tự nguyện từ chối điều trị chớ không ai ép buộc, ngăn cản được. Họ có quyền tuyên bố bỏ đạo, tuyên bố này có hiệu lực ngay lập tức, mọi cam kết trước đó vô hiệu, họ được quyền yêu cầu điều trị vì đó là quyền con người được luật pháp bảo vệ. Nếu ai ngăn cấm, người chồng, thân nhân người vợ có quyền kiện kẻ cản trở điều trị. Ông C lập tức lên giọng nói tôi “Mới qua biết gì mà nói.” “Người Việt tưởng cái gì cũng biết nhưng không biết gì cả.” “Kiến kiện củ khoai.” Tôi trả lời tuy tôi mới qua nhưng tôi thành thạo internet và tôi có đọc báo, chuyện “cố ý làm chết người” sao tôi chưa thấy báo nào đăng tin này.

Xem thêm:   Nghệ sĩ tiền phong Cô Năm Sa Đéc

Tôi đem chuyện “Tin Lành ngăn cấm truyền máu để nạn nhân chết” đăng lên Facebook hỏi, rất nhiều người trả lời Tin Lành không có quy định cấm. Giáo phái cấm truyền và nhận máu (điều trị, cứu người) có tên là Nhân Chứng Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses,) họ không thờ Ðức Chúa Trời như Công giáo, Tin Lành.

Quan trọng nhứt là câu trả lời của một Mục sư Tin Lành rằng “Tin Lành là tự do, Chúa cho chúng ta tự do, kể cả tự do chống lại Chúa, tại sao con người lại cấm, nên không ai có quyền cấm tự do của ai.” Một chị là bác sĩ ở quận Cam nói đại khái không ai có quyền ngăn cản điều trị trừ phi chính bệnh nhân từ chối. Người chồng, thân nhân người vợ, bác sĩ, police đều có quyền kiện kẻ nào cản trở điều trị gây nên cái chết của bệnh nhân.

Năm 2016 tôi đã từng phẫu thuật và nằm viện 3 ngày. Quả thật, trong phòng bệnh chỉ có bác sĩ và bệnh nhân là có quyền tối thượng, tức quyền đuổi bất cứ ai ra khỏi phòng bệnh nếu họ cản trở điều trị hoặc bệnh nhân không thích sự có mặt của họ. Ai muốn vô thăm tôi, cô y tá đều hỏi ý kiến tôi, tôi đồng ý thì bệnh viện mới cho vô gặp tôi. Nên nói nhà thờ Tin Lành cho người vô phòng bệnh cản trở trái ý muốn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là thậm vô lý.

Cuối cùng, có một ông cho biết tên của chị vợ (đã qua đời) và nói rõ vì vợ chồng nọ là chức sắc trong giáo phái đó nên họ “làm gương,” (từ chối truyền máu.)

Chuyện này cũng như chuyện tôi kể ở phần đầu. Kiến thức không phải ở chỗ đến Mỹ lâu hay mới, mà là biết tìm kiếm, học hỏi, suy nghĩ, và phải tự tin chính mình, biết phân biệt ai “dạy khôn” (để học,) ai “dạy dại” (để tránh,) giúp cho chúng ta sống tốt trên quê hương mới.

TPT