Những năm gần đây, Mẹ và anh chị tôi ngày càng yếu, tôi cũng đã về hưu, sống xa họ hơn nhưng lại về thăm nhiều 3, 4 lần mỗi năm. Lần nào về lòng cũng nhớ về một nơi, nghĩ và mong tìm thăm một người con gái đã xa hơn nửa thế kỷ.

Thời chiến tranh Việt Pháp, khoảng năm 1946 – 47, từ Đà Nẵng, gia đình anh Ngoạn tản cư về Quế Sơn, lúc đầu ở dưới Mỹ Thứ một thời gian ngắn rồi lên làng tôi, thuộc hàng “sơn cùng thủy tận” của huyện, xa thành phố chừng 60 cây số. Cha Mẹ tôi cho gia đình anh ở trong “nhà trường” ngay trong sân nhà, một căn nhà tranh rộng lớn và là nơi cho xã mượn dạy BTVH thời Việt Minh (nên mới gọi là “nhà trường”). Sau anh làm nhà trên đất sát vườn nhà tôi và sống ở đây đến ngày đình chiến mới hồi cư.

Anh chị Ngoạn người gốc Huế lúc ấy có 4 người con: anh Côi, anh Ái, chị Ân, chị Phú, tôi còn quá nhỏ nên không biết và nhớ gì nhiều, chỉ sau này, khi anh chị về lại Đà Nẵng, vẫn giữ mối giao tình với gia đình tôi nên thường đưa xe do anh làm tài xế, có lúc chạy tuyến Quế Sơn – Đà Nẵng. Thỉnh thoảng, anh mời Cha Mẹ tôi ra chơi, đôi lúc tôi được theo Mẹ ra thành phố.

Mỗi lần ra, về nhà anh chị ở Thạc Gián trên đường Hùng Vương từ Cây Quăng đi vào không xa, và đó là những ngày tôi rất vui vì được đến thành phố, một thành phố cảng lớn nhất miền Trung mà thời đó người ta gọi là “Hàn” (thành phố được gọi theo tên con sông, có cửa sông lớn: sông Hàn!).

Cũng không biết do cơ duyên nào mà khi chị Ba tôi được gia đình cho ra Đà Nẵng học chương trình đệ tứ ở tư thục Thái Phiên để thi lấy bằng “trung học đệ nhất cấp”mà thời Việt Minh phải bỏ học giữa chừng, bây giờ là tốt nghiệp THCS (trung học cơ sở), lúc đầu ở trọ nhà anh Ngoạn, về sau lại ở nhà ông bà Như cách nhà cũ anh Ngoạn vài ba căn, sau này anh chuyển về đường Hoàng Hoa Thám gần ga.

Ông bà Như ở sát khuôn hội Phật giáo Vĩnh An nhìn ra hồ, từ đó có đường tắt ra bến xe chợ Cồn, ông làm nghề thầu khoán, khi tuổi đã cao, nghỉ ở nhà chăm sóc cây cảnh trong sân nhà, đúc hồ cá, nuôi cá long nhãn, bà ở nhà chợ búa, nấu cơm tháng cho một vài công chức, thầy giáo làm việc ở thành phố này. Tôi còn nhớ ông bà rất hiền, ông hay mặc áo và quần lửng lụa trắng, cười hiền như Phật Di Lặc, bà cũng vui tính và nấu ăn ngon.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Văn Trí nhớ hoài một mùa Thu

Ông bà có mấy người con đã ra riêng, trong nhà chỉ còn vợ chồng anh Giác, chị bảy Mại, anh tám Núi và chị Đà. Đà cùng tuổi với tôi nhưng con gái thường lớn hơn, tôi vui vẻ gọi bằng chị! Khi tôi đang học đệ lục ở quê, có lần chị Ba dẫn Đà về quê tôi, chúng tôi chơi với nhau rất hồn nhiên, thân tình nên hè học xong đệ lục để lên đệ ngũ, khi theo chị ra Đà Nẵng học hè môn Pháp Văn, ở trọ nhà ông bà Như với chị Ba, tôi và chị Đà rất thân thiết và tương đắc.

Hồi đó trong xóm chị Đà chỉ thân với Oai, ngang lứa và Hương con ông bà Minh nhỏ hơn chị vài tuổi, họ thường qua lại với nhau, có khi hằng ngày, có lúc có chuyện gì vui, đi đâu về chạy xẹt qua kể nhau nghe hoặc người này có gì ngon đem đến cho người kia ăn, thiệt vui. Oai và Hương đến nhà chị Đà gặp tôi vài lần thì chúng tôi cũng nhanh chóng quen nhau, nhà ông bà Minh chỉ cách nhà ông bà Như vài căn trên đường tôi đi học nên hầu như ngày nào tôi đi ngang cũng nhìn thấy Hương, họa hoằn lắm em mới vắng nhà làm tôi nghĩ rằng hay là em biết giờ đi học của mình nên chờ tôi đi ngang để nhìn nhau và ý nghĩ đó làm tôi vui … một mình!

Ông bà Minh có 3 người con, anh Sô con đầu đến chị Quýt và Hương là út. Hương có khuôn mặt tròn, da trắng như trứng gà bóc và đôi mắt tròn mở to, lúc nào tôi cũng thấy Hương đẹp, tươi tắn rạng rỡ và rất ưa nhìn. Đó là cái nhìn của tôi, cậu học trò nhà quê vừa học xong đệ lục ra thành phố nhìn cô bé vừa xong lớp nhất tiểu học, hơn em 2 lớp và bây giờ, 51 năm đã qua nhưng tôi vẫn hình dung ra dung mạo dễ thương của em như mới vừa nhìn thấy trước đó.

Thầy Trình chỉ dạy hè môn Pháp Văn trong 2 tháng nên học xong tôi phải về quê. Đêm trước ngày tôi về, Hương rủ tôi ra sân phường Thạc Gián xem Hương đánh cầu lông (hồi ấy gọi là vũ cầu) với các bạn, thấy Hương chơi thì ít nhưng nói chuyện và chừng như quấn quýt với tôi nhiều, tôi cứ tự hỏi hay là Hương thật sự có tình cảm với mình?

Xem thêm:   Em là con gái trời bắt xấu

Sáng sớm hôm sau chị Ba dẫn tôi về quê, rời bến xe trước 5 giờ, khi trời còn tối, xe chạy ngang qua xưởng dệt Cẩm Lệ, thấy dãy đèn néon hãy còn sáng trưng, trong lòng cứ thấy bùi ngùi thế nào và liên tưởng ngay một đoạn trong ca từ nhạc phẩm “Nhớ thành đô” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tôi thường hát hồi ấy: “Tôi xa đô thành, một đêm không trăng sao. Tuy ra đi rồi mà vẫn nhớ vẫn thương, hình bóng ấy, người em thơ đang từng giờ đợi chờ …” rồi nghĩ sao mà lại có một bản nhạc phù hợp “tâm trạng” mình đến thế?

Học đệ ngũ (lớp 8) trường quận được nửa niên khóa thì chiến tranh lan đến vùng quê nghèo của tôi, cả nhà dắt díu nhau ra Cẩm Lệ “tỵ nạn cộng sản”, trường tôi cũng dời về mượn cơ sở trường Nữ tiểu học Hội An để dạy, tôi học dần lên đệ nhị cấp rồi tiếp tục học lên Đại học. Tốt nghiệp đại học xong lại đi làm xa, thuyên chuyển nhiều nơi, lập gia đình … quên hẳn hình ảnh và chút kỷ niệm vui vui với cô bạn nhỏ tên Hương ngày ấy!

Nửa đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, trước khi cuộc chiến lan ra nhiều nơi, giòng nhạc miền Nam (kể cả nhạc lính) thể hiện tình tự quê hương, tình cảm đôi lứa đầy chất dung dị, mộc mạc và nhân bản dễ đi vào lòng người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Gia đình ông bà Như, chị bảy Mại, anh Núi, chị Đà đều thích nghe nhạc và thích hát, họ nghe radio nên thuộc và hát đúng nhạc được khá nhiều bài, tôi nhớ thỉnh thoảng chị Mại hát vài câu trong bài “Nếu một mai anh biệt kinh kỳ”: “Người ơi một mai nếu tôi đi rồi, thì ngàn lần thương cũng thế mà thôi …” của Hoài Linh – Minh Kỳ hoặc “Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng …” trong bản “Quen nhau trên đường về” của nhạc sĩ Thăng Long. Hồi ấy chị còn hát cả bài “Cánh buồm chuyển bến” của Hoài Linh rất tình cảm và không hiểu sao tâm trí non nớt của tôi ngày ấy cứ nghĩ chắc chị … có tâm sự gì?

Nhiều năm sau, vài lần về Đà Nẵng, nhớ đến Hương, tôi muốn tìm em để thăm, để tìm lại một thoáng xa xưa dầu vẫn biết rằng, cũng gần tuổi tôi, em đã xấp xỉ hàng ngũ thập, làm bà nội bà ngoại. Nhưng trả lời cho câu hỏi rất thiết tha này, chị Ba tôi bảo, nghe nói em lấy chồng về ở đâu trên đường Hoàng Diệu, chị không biết nhà, rồi thôi! Lại ít năm sau nữa, có lần tôi cùng chị Ba ghé thăm chị Đà sau mấy chục năm tôi không gặp, hỏi thăm Hương, bạn chị ngày xưa, câu trả lời cũng là … không biết tin tức gì!

Xem thêm:   Vụ kiện 50 triệu Mỹ kim & luật pháp Hoa Kỳ

Vài năm gần đây, qua sống ở Bangkok, tôi thường phụ vợ làm bếp, những lúc buồn buồn, nhớ nhớ những kỷ niệm xa xưa, tôi thường hát, khi thì dân ca, khi tiền chiến, lúc Trịnh Công Sơn, khi Vũ Thành An, lúc Từ Công Phụng … và dĩ nhiên, giòng nhạc nửa đầu thập niên 60 nói trên cũng chiếm nhiều bài, nhất là khi vợ tôi yêu cầu. Hát loanh quanh thế nào rồi cũng quay về những bài tôi được nghe chị Mại hát, lại nhớ ông Bà Như, nhớ anh Núi, chị Đà và dĩ nhiên, không thể thiếu Hương trong chuỗi nhớ nhung thăm thẳm ấy! Những lần như thế, tôi lại hát vài câu trong bài “Cánh buồm chuyển bến”: “… Chim xưa nhớ rừng, như trời nhớ sao, như mình nhớ nhau, đêm nghe gió lộng, thương cho lá rụng sầu nghiêng nghiêng bóng. Đường đời muôn tên, sông hồ lắm bến có một niềm tin, bao la mây chiều, câu ca muôn điệu, trăng ngàn đời chiếu, chỉ một tình yêu…”. (Sau này ngẫm nghĩ lại, nhất là lời 2 thì chắc đây là nhạc chiêu hồi nhưng chiêu hồi thế này thì hoặc là quá tài hoa hoặc là rung động thật lòng và bộc phát của tác giả hơn là viết theo “đơn đặt hàng” của Bộ Thông tin!).

Chuyện của Hương có lẽ chỉ là những rung động đầu đời của cậu bé con mới lớn, chỉ mới thích nhau, chưa thư từ qua lại, chưa hẹn biển thề non nhưng cũng đọng lại trong tôi những nỗi nhớ mà tôi tạm gọi tên là… kỷ niệm của tuổi đá dế, tuổi tìm tổ chim trong vườn nhà và mơ mộng của chú bé nhà quê!

Hương ơi, nếu em không gặp điều gì bất trắc và nếu em không định cư ở nước ngoài, tôi chắc sẽ tìm gặp em và khi đó, hẵng em sẽ rất vui khi đọc những giòng này. Có thể khi đọc xong, em sẽ gỡ kính ra và nhìn kỹ hơn người đã … từng “bé cái nhầm”, tưởng được mình yêu qua những cư xử hồn nhiên của một đứa con nít!.

NHQ