LOẠT BÀI NHÌN LẠI HÌNH ẢNH PHỤ NỮ MỸ GỐC Á TRƯỚC THẾ KỶ 21:

Bài 5:

Phụ nữ Á đông trong nghệ thuật trình diễn:

Màn bạc Hollywood

Hãy lấy màn bạc làm ví dụ đầu tiên. Theo thông lệ truyền thống, chúng ta luôn luôn thấy phụ nữ Á đông như là những cô gái bán hoa, người hầu, hay nông dân chân lấm tay bùn. Năm phút trên màn hình, họ bị làm tình, cưỡng hiếp, đánh đập hay bắn chết. Nếu không bị cưỡng hiếp hay bắn chết, thì họ là những “đàn bà mê hoặc:” nhiều âm mưu, ưa đồng lõa, nham hiểm nhằm mục đích giết chết hay đứng về phía kẻ thù, có khi là cướp lấy… đồng đô la (!!!): hình ảnh của những con rồng cái hay cọp cái!

Sau thế chiến thứ hai, tài tử Nancy Kwan khởi sự cái việc có vẻ là một sự nghiệp đóng phim đầy hứa hẹn, với một vai tên tuổi trong The World of Suzie Wong bên cạnh William Holden. Cô Wong đầy cá tính và nhập vai rất tốt – một sự cải thiện rõ ràng từ các vai tiêu chuẩn của phụ nữ Á Châu là đàn bà dụ dỗ đàn ông, mê hoặc, gái điếm, gái quê nông thôn hay công nhân giặt ủi, nhưng sau cùng, nhân vật Cô Wong vẫn đại diện cái đam mê của phương Tây với phụ nữ Á đông mà thôi. Nữ tài tử Kwan xuất hiện trong vài phim nữa, nhưng sự nghiệp cũng ngắn ngủi. Lần cuối cùng công chúng nhìn thấy cô trong vài quảng cáo kem xoa mặt châu Á.

Tài tử người Anh gốc Hoa Nancy Kwan    

Thập niên 1980 trình làng ở Hollywood một nữ minh tinh sinh ở Trung Quốc, Joan Chen, nhưng lúc ấy thật tình không rõ Chen có tránh được hoàn toàn cái mẫu rập khuôn “Thiếu nữ Á đông” hay không. Kế tiếp, Chen được đạo diễn David Lynch cho một vai trong drama series Twin Peak, và cô nhuộm răng đen để đóng vai mẹ Việt Nam trong phim của Oliver Stone (lại một sản phẩm rập khuôn thành kiến nữa (stereotype): con gái Việt Nam sống ở đồng ruộng thì bị cột lại, rồi lính Mỹ hoặc lính Việt Nam Cộng Hoà cho rắn bò vào ngực áo như thể gái quê sợ rắn không bằng, và giữa chiến tranh du kích khi xác người nổ tung thành mưa bụi, quân nhân thì nổi điên bắn hàng loạt như Mỹ Lai, ai có thì giờ để đạo diễn rắn bò vào áo con gái quê như… Oliver Stone (đã từng có mặt ở chiến trường Việt Nam, nhưng chắc… không lâu và chắc không sinh hoạt với dân quê Việt).

Xem thêm:   Trò chơi của con

Sau cùng, cô Chen, gương mặt sáng giá của Châu Á ở Hollywood, cũng thăng tiến nghề nghiệp, trở thành đạo diễn (chỉ đạo một phim có mặt Richard Gere là vai chính trong đó). Ði đến đâu? Chẳng thấy giải thưởng Oscar.  Rút cục, Chen làm đám cưới với một bác sĩ giải phẫu, và trở về Trung Quốc làm phim.

Tài tử Trung Quốc lập nghiệp ở Mỹ: Joan Chen

Sau khi Saigon thất thủ năm 1975, trong nhiều thập niên, có nhiều sản phẩm của Hollywood về chiến tranh Việt Nam.  Một trong những  phim về chiến tranh Việt Nam là “Casualties of War” với tài tử Michael Jay Fox, Tổn Thất Chiến Tranh.  Trong đó, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dưới con mắt các nhà làm phim Hollywood là một cô gái trẻ yếu đuối, bị bắt cóc, tra tấn, lạm dụng, cưỡng hiếp, đánh đập, đâm chém, và sau đó banh thây vì lựu đạn trên một cái cầu!!!. Trong một cảnh, Sean Penn cầm cổ cô gái nhỏ người Việt nhấc lên, y như cách người ta cầm cổ một con gà để cắt tiết. Không kể thông điệp đạo đức của bộ phim và giá trị hiện thực, tôi quan tâm sâu xa đến hình ảnh “con gà chết” thảm thương hiền lành này, một cách hoàn toàn vô thức, sẽ in đậm và trở thành hình ảnh một phụ nữ Việt Nam trong tâm trí của công chúng người xem nước Mỹ: một nạn nhân của chiến tranh, trơ trọi, không còn là con người, và đánh mất bản sắc tự lập, tự điều khiển sự sống còn của chính mình.

Xem thêm:   Những người bạn già trong làng già

Như đã nói ở bài trước khi tôi bàn luận về nghệ thuật trình diễn, trên sân khấu và trên sàn diễn kịch nghệ (không phải màn bạc của Hollywood), từ thời Puccini, hiếm thấy một nhân vật nữ châu Á nào, ngoài Hồ Ðiệp Tử trên sân khấu opera. Thập niên 1980 và 1990, tuy nhiên, đánh dấu hai sản phẩm nghệ thuật làm hồi sinh hình ảnh Cánh Bướm.

Hình ảnh lấy từ Phim Tổn Thất Chiến Tranh với tài tử Michael J. Fox và cô gái Việt Nam bị thảm sát

Cuối thập niên 1980, giải Tony Award đến tay David Henry Hwang, một di dân Trung Hoa thế hệ thứ hai, với sáng tác kịch bản sân khấu lấy từ một vụ tai tiếng có tính cách do thám-điệp viên, gây chấn động cộng đồng ngoại giao và quốc tế của thập niên ấy. Gọi tác phẩm mình là “M. Butterfly” (thay vì tên Monsieur Butterfly như trước đó), Hwang kể chuyện một nhà ngoại giao Pháp đem lòng yêu một nữ diễn viên opera người Trung Quốc, theo đuổi tương quan với cô trong hơn 10 năm, chỉ đi đến kết quả là chàng khám phá ra nàng Butterfly lý tưởng của lòng anh thực ra là một gã đàn ông, một gián điệp Trung Quốc. Nhà ngoại giao đã yêu thương, vun đắp, và giữ mãi hình ảnh một người phụ nữ châu Á hoàn mỹ, trong vai Butterfly, và đã thực hiện mơ tưởng đó thành… sự thật, dù rằng sự thật của lừa dối.

Kịch tác gia David Henry Hwang, tác giả vở “Ông Hồ Điệp Tử”

Tác phẩm của Hwang là một chủ đề phức tạp, dấy lên các câu hỏi thật khó về cuộc sống, tình yêu, hận thù, tình dục, chính trị, và sự giao thoa giữa Ðông và Tây, giữa đàn ông và đàn bà, giữa đàn ông với đàn ông. Ðưa ra những câu hỏi rất khó giải đáp này, Hwang tự kiến tạo lại hội chứng Madam Butterfly – một định kiến về phụ nữ châu Á – chỉ để thách thức và lên án nó. (Sau đó nữa thì M. Butterfly của thập niên 1980 cũng được đem lên màn bạc Hollywood, với tài tử đẹp trai Jeremy Iron; thật ra chỉ làm cho khán giả nhớ đến và đối chiếu tính lãng mạn hoá qua hình ảnh con người đam mê và liên hệ mờ mịt đầy tính cách sương mù giữa phương Tây với Trung Cộng, so với sự nặng nề màu sắc chính trị của miền Nam quả địa cầu trong “Kiss of a Spider Woman” (Nụ Hôn Của Nàng Nhện), thập niên 1980, với tài tử lừng khừng William Hurt bên cạnh những bức tường của ngục tối…). Kịch bản và phim “Nàng Nhện” được dựa trên một sản phẩm văn chương nổi tiếng của Châu Mỹ La-Tinh.

Hình ảnh lấy từ sân khấu Hoa Kỳ, “Nụ Hôn Của Nàng Nhện” được làm thành phim.

XEM TIẾP BÀI SÁU: Nhìn lại thế kỷ hai mươi – Phụ nữ  gốc Á trong tiểu thuyết