Người Việt lạ lắm, bình thường thì không sao, khi ai đó làm chuyện gì không vừa ý người thiên hạ, hình chân dung đăng trên mạng xã hội lập tức bị bình phẩm “Tâm sinh tướng” hàm ý chê bai, dè bỉu, bôi nhọ. Ngược lại, nếu là “phe ta” thì xấu tướng lại là “quý tướng” là “đơn sơ.”
Hình ảnh đó, con người đó, đăng Facebook thì được khen “đẹp trai” “xinh gái” “ngọc nữ” “thần tiên tỷ tỷ” “quá dễ thương” “tổng tài”; nhưng cũng người đó vừa phạm tội, bị khởi tố, báo đăng hình lên thì lập tức có rất nhiều người nhảy vô comments: “Tâm sinh tướng” “Thấy mặt biết dì ghẻ” “Mặt giựt chồng” “Mặt ngáo đá” “Mặt tướng cướp” v.v.
Thời gian gần đây, các quảng cáo của thẩm mỹ viện do người Việt làm chủ (quốc nội và hải ngoại) đều chèn thêm câu “thẩm mỹ phong thủy” vô quảng cáo, giới showbiz thì rủ nhau đi “thẩm mỹ phong thủy” nghe thật là ù ù cạc cạc.
Chữ phong thủy của mấy ông thầy địa lý xưa có nghĩa là coi gió và nước, xây nhà, chôn cất, trồng cây, mua ruộng, đào ao… nhứt nhứt mọi chuyện đều phải mời thầy địa lý “coi thế đất” “sửa hướng nhà” để “kéo tài lộc” về nhà mình, sao cho làm xong công trình đó thì gia chủ sẽ giàu lên, con cháu đầy đàn. Ở quê tôi có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang,” nghĩa là vị trí nhà tốt hạng nhứt là gần chợ (vừa ở vừa làm tiệm buôn) thứ hai gần sông thì đặc điểm miền Tây (giao thông bằng ghe xuồng) giao thông thuận tiện, thoáng mát. Rõ ràng vừa có phong vừa có thủy ngon lành. Mấy ông thầy địa lý sau khi coi ngó xong, bèn dời cái này, đổi cái kia qua lại, mộ chôn xuống thì phải bốc lên đem chôn chỗ khác, cửa cái nhà bên phải đổi qua bên trái, cửa lớn sửa thành nhỏ (hoặc nhỏ sửa thành lớn) rồi coi hướng bếp, đặt hướng giường nằm, phòng khách phải đặt tượng ông này bỏ tượng ông kia v.v. tùm lum hết.
Tôi không hiểu mũi, tai, mắt, môi ở trên mặt thì liên quan gì tới “phong thủy”? Không lẽ “thẩm mỹ phong thủy mặt” cũng chuyển mũi, tai, mắt, môi chạy lòng vòng trên mặt thân chủ như thầy địa lý?
Làm nghề biểu diễn thì mặt mũi cần phải đẹp để thu hút khán giả, điều đó tất nhiên, nghệ sĩ đi sửa mặt cho đẹp là họ muốn hoàn thiện hơn trong mắt khán giả, còn vụ “sửa mũi/mắt/môi phong thủy” rất là tào lao, nếu đẹp rồi không cần sửa. Thực tế, tôi thấy có người đẹp rồi lại đi sửa, rốt cuộc xấu hơn lúc chưa sửa, thiệt là đáng tiếc.
Trong nghề cải lương có câu: “Nhất thanh, nhì sắc, tam bộ, tứ hình,” nghệ sĩ cải lương trước hết phải có giọng ca hay (truyền cảm, khỏe, âm vực rộng, ca rõ ràng, đúng bài bản,) gương mặt đẹp (sắc sảo, thánh thiện, tươi sáng, uy nghi, thần thái thu hút, đường nét trên mặt đạt tiêu chuẩn tỷ lệ vàng càng tốt,) kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo giỏi, vóc dáng đẹp (cao lớn, uy mãnh, nho nhã, yểu điệu.) Thực tế, có nhiều nghệ sĩ mặt không đẹp mấy, vóc dáng nhỏ con hoặc lùn, nhưng hút khán giả nhờ giọng ca và kỹ thuật biểu diễn, nhưng vì hạn chế về ngoại hình nên khó mà trở thành ngôi sao hạng A được. Cũng có người thanh yếu, hình nhỏ, nhưng nhờ kỹ thuật biểu diễn tốt mà vẫn thành danh, trở nên nổi tiếng, nhưng trường hợp như vầy hiếm lắm nếu không có nền tảng gia đình hỗ trợ.

Bảo Huân
Tuy nhiên, đẹp xấu là do mắt người đối diện, không có bất cứ chuẩn mực nào cố định, trừ phi “lạc” quá xa tiêu chuẩn thông thường. Thành thử người xưa mới nói: “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo.” Trái ấu là loại củ có vỏ màu đen, ruột trắng, luộc chín ăn được. Vỏ ngoài trái ấu sần sùi, gồ ghề, lồi lõm, có hai nhánh cong lên giống như sừng trâu. Lúc nhỏ, tôi thường bươi mới trái ấu mẹ tôi mua ở chợ về để kiếm lấy trái nào già nhứt, vỏ tróc hết lớp da đen bên ngoài còn lớp vỏ bên trong màu nâu bóng lưỡng, hai “sừng” cứng ngắc và nhọn hoắt, cong vút như cặp sừng con trâu cui. Trái ấu già cứng và không ngon, nhưng để làm đồ chơi lâu ngày không bị hư thúi. Bồ hòn tức là những hòn đá cuội hình tròn láng, trái cây bồ hòn khi còn tươi nó tròn như viên bi, tôi không biết chữ “bồ hòn” trong câu là đá cuội hay trái cây, nhưng tôi nghiêng về ý nghĩa hòn đá cuội nhiều hơn, vì trái bồ hòn khi già và khô thì không “tròn” nữa. Mô tả kỹ trái ấu và bồ hòn như vậy để quý độc giả thấy ấu thì không thể nào tròn được, mà bồ hòn tròn tự nhiên cứng chắc không thể “méo” được, nhưng cái thương ghét trong mắt người nhìn làm cho “biến đổi” hình dạng sự vật đi quá xa, thật là kinh khủng dường nào.
Câu “Tâm sinh tướng” được hiểu là tâm trạng bên trong thể hiện biểu cảm lên nét mặt người. Một người tâm trạng đang buồn “vợ yếu con đau nhà hết gạo” thì cái cười cũng méo xệch, cười nhếch mép, khác với người đang tận hưởng niềm vui mà cười nên cười mở rộng miệng, mắt có đuôi nheo, cơ mặt giãn ra thoải mái. Người tinh ý nhìn vô sẽ biết tâm trạng người đối diện cười mà không vui, hay cười vì vui.
Người đoan chính thì khi nói ánh mắt nhìn thẳng người đối thoại, khi đang nói chuyện với người khác thì không liếc dọc liếc ngang, không nhìn xuống, không nhìn lên trời. Nếu muốn nhìn hướng khác thì quay hẳn đầu (hoặc thân mình) mà nhìn. Cử chỉ không dám nhìn thẳng, chỉ nhìn lén, khi nói cứ cúi đầu, “len lét như rắn Mùng Năm,” người xưa đánh giá là “tâm bất chính,” đang toan tính làm chuyện xấu, hoặc đang che giấu hành vi xấu.
Một người có ý chí mạnh mẽ, cương quyết, tự tin hoặc yếu đuối, hèn nhược, xu nịnh… đều thể hiện ra nét mặt, ánh mắt, cử chỉ tay chân của người đó. Thí dụ: Đi thẳng lưng, mắt nhìn thẳng, tay chân thoải mái là người có tính tự tin, quyết đoán. Người đi đứng rón rén, mắt liếc ngang liếc dọc, nói chuyện với người khác thường cúi đầu, khoanh tay… thể hiện sự thiếu tự tin, hoặc có gì đó gian dối. Tâm bất chính thì lời nói cợt nhả, dâm dục.
Tinh thần bên trong quyết định biểu cảm nét mặt thể hiện ra ngoài sự buồn, vui, giận dữ, hung hãn, xu nịnh … Trái lại đường nét gương mặt đẹp xấu không quyết định được tâm hồn bên trong của con người. Hiện nay nhiều người cứ suy diễn ngược lại câu “Tâm sinh tướng,” rồi sửa cái mặt “phong thủy” để cầu mong sinh “tâm” thì không có kết quả gì, trước mắt thấy tốn nhiều tiền thôi.
Thập niên 90 (thế kỷ 20,) thằng em tôi ngồi coi băng video Thúy Nga PBN một hồi rồi nó phán: “Mấy cô ca sĩ trong video này sửa sắc đẹp chung một tiệm hà.” Tôi hỏi: “Người ta ở bên Mỹ, mày ở Việt Nam sao mày biết người ta sửa chung một tiệm?” Nó trả lời: “Thì thấy mặt đẹp nhưng mà giống y chang nhau, coi một người hát được rồi, cần gì coi nhiều người hát.” Tôi nghe nó nói vậy thì tôi bị “đớ lưỡi” không biết cãi làm sao, quả thật nó nhận xét “mặt đẹp nhưng mà giống y chang nhau” là đúng. Có điều tôi biết chắc là mỗi cô ca sĩ đó một số phận khác nhau, không ai giống ai, dù mặt họ sửa giống nhau, vậy thì quảng cáo “chỉnh hình thẩm mỹ phong thủy” đâu có đúng.
Có vài nghệ sĩ đã cứng tuổi, muốn “níu kéo thanh xuân” để kéo dài thời gian đứng trên sân khấu, bèn đi thẩm mỹ viện chỉnh sửa mặt chút đỉnh, thẩm mỹ viện lợi dụng tên tuổi nghệ sĩ, quảng cáo rầm lên “nâng mày phong thủy” “xăm môi phong thủy” “làm miệng phong thủy” nghệ sĩ bị công chúng ném đá rần rần, nghĩ cũng đáng thương. Này thì “phong thủy.”
TPT