Pierre Bellemare

Đào Duy Hòa phỏng dịch

Ông bà Lelièvre sống tại Cologne, một ngôi làng tuyệt đẹp gần Bourgogne. Ngôi nhà của họ không rộng lớn nhưng khá yên tĩnh nhờ nằm cách xa con lộ chính. Họ có thể tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời chung quanh ngôi nhà. Cả hai đều đã nghỉ hưu và họ rất yêu thú vật, đặc biệt là các loài chim…

Một ngày của tháng 04 năm 1979. Như những cư dân khác ở Collonge, ông bà Lelièvre có thói quen để những mẩu bánh mì trên khung cửa sổ cho các loài  chim đến ăn mà thông thường là chim sẻ hay chim cổ đỏ. Nhưng khoảng 6 giờ sáng hôm đó, họ bị đánh thức bởi tiếng ồn khác thường vọng đến từ bên ngoài. Ðúng là tiếng chí chóe, ồn ào, inh ỏi, giằng co, giày xéo…

Tò mò pha lẫn lo âu, ông bà Lelièvre ngồi bật dậy, xuống giường đi xem chuyện gì đang xảy ra… Và cả hai sửng sốt đứng nhìn hàng trăm, hàng nghìn con chim én chen lấn, xô đẩy trên khung cửa sổ, chạm vào cửa kính… Cả khu vườn và những mái nhà lân cận phủ đầy chim én. Rõ ràng đây là đàn chim én thiên di trên đường đi tìm nơi trú Ðông. Một vài con trong đàn đã phát hiện ra những mẩu bánh mì trên khung cửa sổ và bay sà xuống kiếm ăn và thế là cả đàn ùa theo.

Khoảng một phút sau, đột nhiên cả đàn chim én đồng loạt vỗ cánh bay lên như tuân theo một mệnh lệnh lập trình sẵn để tiếp tục cuộc hành trình thiên di.

Vợ chồng nhà Lelièvre nhiều lần nhắc lại sự kiện mà họ đã mục kích. Vào năm sau, cũng vào những ngày cuối Ðông chuyển sang đầu xuân, họ lơ mơ mong chờ, hy vọng… đàn chim én sẽ nhớ điểm tạm dừng chân năm trước để bay sà xuống… Thế là nhà Lelièvre đặt nhiều mẩu bánh mì hơn không chỉ trên khung cửa sổ mà cả trên sân quanh nhà. Rồi họ chờ đợi…

Và một buổi sáng tháng 4, cũng khoảng 6 giờ, tiếng ồn đinh tai như năm trước lại vang vọng kéo họ ra khỏi giấc ngủ chập chờn: đàn chim én hàng nghìn con như năm rồi lại đến. Chúng đã không quên điểm tạm dừng chân năm xưa!

Lần này đàn én ở lại lâu hơn vì chúng được cung cấp nhiều thức ăn hơn. Vài phút sau, chúng lại đột nhiên bay lên như lần trước…

Từ đó, cứ vào đầu mùa Xuân, nhà Lelièvre lại rải trên khung cửa sổ, trên sân nhà và cả trong vườn quanh nhà… thật nhiều mẩu bánh mì mà họ chuẩn bị trước đó. Họ vận động cả những nhà lân cận cùng cung cấp lương thực cho đàn én thiên di.

Và mỗi năm, đàn én đều đặn đến. Nhà Lelièvre và ngôi làng Collonge trở thành điểm dừng chân chính thức trong cuộc hành trình thiên di của chim én. Chúng nhận biết rằng tại đây chúng được cung cấp thức ăn và nghỉ chân trong giây phút.

Bảo Huân

Tại làng Collonge, nhà của ông bà Lelièvre trở thành “ngôi nhà chim én”. Nhiều người nhận thấy câu chuyện “đàn chim én” thật là dễ thương và thậm chí nó trở thành câu chuyện dân gian địa phương. Mỗi năm, phóng viên tờ báo địa phương đều được cử đến Collonge để phỏng vấn nhà Lelièvre và đưa tin. Hiện tượng này còn thu hút các chuyên gia về chim đến từ Paris. Họ đặt ra những câu hỏi và đưa ra lời giải đáp đăng trên báo địa phương:

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

– Hỏi: Bằng cách nào mà đàn chim lại có thể quay trở lại tại đúng làng Collonge hàng năm?

– Đáp: Vị trí của ngôi nhà chắc chắn được ghi nhận trong bộ nhớ của chim én và truyền đi trong nội bộ.

– Hỏi: Liệu ký ức này có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau?

– Đáp: Chắc chắn là có thể. Tuy nhiên đây vẫn còn là một cơ chế bí ẩn. Chúng tôi còn nhiều điều cần làm sáng tỏ liên quan đến bản năng của loài chim…

Tuy nhiên, sự kiện không thể tránh khỏi làm cho một số người càu nhàu, buồn phiền: “Quý vị không được rải bánh mì trên đường. Mỗi năm tôi bị bầy chim đánh thức một cách vô tội vạ. Chúng lại ‘ị’ khắp nơi, thật là dơ bẩn! Tôi sẽ báo cảnh sát.”

Nhưng nhà Lelièvre không nao núng. Vả lại họ không mấy ngại cảnh sát bởi cho chim én di trú ăn một ngày trong năm không phải là phạm tội.

Sự kiện diễn ra bình thường đến năm 1990. Năm đó đàn chim di trú trễ hơn. Thượng tuần tháng 4 đã trôi qua, thế mà đàn chim én vẫn chưa đến. Có lẽ vì mùa Xuân năm đó cũng đến trễ. Trời vẫn còn khá rét buốt, cho nên nhà Lelièvre vẫn tin đàn chim én sẽ bay sà xuống nhà họ. Mỗi khi ánh chiều tà dần trôi nhường cho màn đêm buông xuống, họ chăm chú nhìn bầu trời và tự nhủ:”Có lẽ sáng mai đàn én sẽ đến thôi”.

Ngày 15 tháng 4 năm 1990. Khoảng 6 giờ sáng. Trong giấc ngủ chập chờn, ông Lelièvre nghe tiếng động khá quen thuộc. Tiếng chí chóe, tiếng ồn ào gợi lại sự việc mà ông biết rõ… Ðúng rồi: đó là tiếng chim én ! Ðàn chim đã quay trở lại ! Ông đã trông chờ chúng từ lâu nay và cuối cùng chúng đã đến đây rồi. Phải dậy đi xem chúng ngay như mọi năm. Ðàn chim sẽ bay đi trong giây lát, chúng chỉ dừng chân trong giây phút thôi mà.

Tuy nhiên trong giây phút ấy, ông Lelièvre cảm nhận một cảm giác rất kỳ lạ. Ông cảm nhận lờ mờ đang xảy ra điều gì khác thường ngoài sự trở lại của đàn chim, một sự việc quan trọng hơn… Ðồng thời ông cũng cảm thấy đôi mắt nặng trĩu lúc nào cũng muốn sụp xuống. Giờ thì ông tiếp tục ngủ thiếp đi.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Ðúng lúc sắp rơi vào giấc mơ…, ông Lelièvre chợt giật nẩy mình… Không được như thế, đàn chim đến rồi kia mà. Phải dậy đi xem chúng thôi… Nhưng ông không thể nào dậy được… Tại sao kỳ lạ vậy ?

Ông Lelièvre cố gắng giũ bỏ sự đờ đẫn. Ông cảm nhận mình không được khỏe chút nào. Một cơn đau siết chặt đầu ông làm ông muốn nôn mửa. Suy nghĩ của ông lộn xộn, lờ đờ. Quả là không bình thường. Chắc chắn đang xảy ra điều gì khác thường !

Tuy nhiên trong đầu ông vẫn bám giữ nguyên ý định bất di bất dịch: phải dậy đi xem đàn chim én… đàn chim én…”

Ông cố làm một cử động để ngồi dậy. Ông cố nhúc nhích cánh tay… Ông dồn tất cả sức lực. Ông lặp lại như một lập trình sẵn: “Ðàn chim én… Ðàn chim én…”

Ông Lelièvre lại cố ngồi dậy trên giường. Ðầu ông lại ngoẹo qua một bên vai. Ông phải ngồi im giây lát trước khi đứng dậy… Chính vào lúc này, ông định thần lại và nhận ra mùi ga tràn ngập trong phòng…

Vậy là đường ga bị rò rỉ. Bằng mọi cách phải đến được cửa sổ. Ðây là vấn đề liên quan đến sự sống còn của tính mạng… Như một người mộng du, ông Lelièvre đứng dậy. Cửa sổ gần kề bên nhưng dường như xa hàng cây số… Ông loạng choạng bước đi như người say rượu…

Cuối cùng ông cũng đến được bên cửa sổ. Tập trung tất cả sức lực còn lại, ông mở toang cửa sổ… Tiếng đập cánh của đàn chim vang lên như một bản hòa tấu tràn ngập căn phòng. Không chút sợ hãi, đàn chim chí chóe gởi đến ông lời chào buổi sáng. Một cơn gió tươi mát từ bên ngoài thổi vào mặt ông. Ông hít thật sâu vào hai buồng phổi… Ngọn gió trong lành đã cứu mạng sống của ông!

Giây phút sau, đàn chim én đồng loạt vỗ cánh bay lên sau khi đã ăn hết bánh mì và kêu chí chóe như lời chúc mừng ông bà một mùa Xuân mới thắm tươi…

Cố thu hết sức lực còn lại, ông Lelièvre trở vào phòng, bên giường ngủ. Ông bế bà vợ bất tỉnh và đặt lên bệ cửa sổ. Sau đó ông định nhấc điện thoại gọi đội cứu hỏa đến tiếp cứu. Nhưng ngay lúc ấy, ông cảm nhận một bàn tay đặt lên tay mình. Ðó là người hàng xóm trong bộ pijama:

Xem thêm:   Sau Tết, còn lại gì ...

–  Ðừng làm thế, ông bạn láng giềng không may!

–  Nhưng phải gọi đội cứu hỏa đến cấp cứu vợ tôi…

– Tôi sẽ gọi họ từ điện thoại nhà tôi. Ông quên rằng gọi điện thoại khi ga bị rò rỉ trong nhà là rất nguy hiểm hay sao, bởi chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng đủ để căn nhà nổ tung.

Ông Lelièvre đã không biết điều nguy hiểm đó hay có thể ông biết nhưng trong trạng thái bấn loạn như thế, ông đã quên bẵng điều tối kỵ đó. Một ý nghĩ khác chợt lóe lên trong đầu ông.

– Nhưng tại sao… ông lại biết chuyện mà đến giúp tôi?

– Chính đàn chim én đã đánh thức tôi đó, ông Lelièvre ạ. Tôi ra xem chúng ăn và từ bên nhà, tôi nhìn thấy ông gặp nạn…

Bây giờ thì nhiều nhà láng giềng khác cũng chạy đến nhà ông Lelièvre. Họ cũng được đánh thức bởi đàn chim én. Tất cả nhận ra tính trầm trọng của sự việc. Phải hành động khẩn trương không chỉ vì sinh mạng của bà Lelièvre mà còn vì mọi người đều cảm nhận mùi ga bay ngoài đường. Chắc chắn đường ống ga bị rò rỉ đâu đó. Cả ngôi làng đang lâm vào tình trạng nguy hiểm!

Chẳng bao lâu sau, đội cứu hỏa đến nơi. Bằng kỹ thuật sơ cấp cứu chuyên nghiệp, họ đã thành công trong việc hồi sinh bà Lelièvre và tận tình chăm sóc ông Lelièvre. Cả hai được đưa đến bệnh viện và hồi phục tốt. Trong lúc đó đội cứu hỏa đã tìm ra nơi đường ống bị rò rỉ dẫn đến gây ngộ độc và họ lập tức khắc phục.

Ðội cứu hỏa chúc mừng ông bà Lelièvre thoát hiểm trong gang tấc bởi nếu họ đến chậm 15-20 phút nữa thì tình hình ngộ độc của ông bà Lelièvre sẽ khó lòng cứu chữa và lượng ga rò rỉ sẽ có nguy cơ gây cháy nổ cả làng Collonge.

Tóm lại, đàn chim én thiên di đã cứu không chỉ gia đình nhà Lelièvre mà chúng đã cứu cả làng Collonge!

Kể từ đó, cứ vào độ tháng 04 mỗi năm, dân làng lại nóng lòng trông ngóng sự trở lại của những cánh én mùa Xuân. Và đều đặn hàng năm vào khoảng 6 giờ sáng của một ngày tháng 4, tiếng đập cánh, tiếng ồn ào chí chóe lại đánh thức ông bà Lelièvre và cả làng Collonge. Và đứng bên cửa sổ, ông Lelièvre thì thầm bên tai bà vợ: “Nhờ vào đàn chim én, bà và tôi lại có thêm một mùa Xuân tươi thắm!”.

Ngoài kia, những tia nắng vàng ươm xuyên qua khu vườn cây đang đâm chồi nẩy lộc sau mùa Ðông giá rét, báo hiệu một mùa Xuân mới đến với mọi người.

ĐDH

Sydney

(Phỏng dịch từ nguyên tác “Le retour des hirondelles” của Bellemare)