Hồi học môn Ðịa lý Hoa Kỳ ở đại học, tôi được nghe thầy Sơn Hồng Ðức nói về Thanksgiving Day, Lễ Tạ Ơn hàng năm ở Mỹ. Lễ này bắt nguồn từ lòng biết ơn của những cư dân Pilgrim gốc Anh. Là những giáo dân Thiên Chúa và những người theo Anh giáo, họ bị  chính phủ Anh đàn áp phải vượt Ðại Tây Dương sang Tân Thế Giới tìm tự do trên chuyến tàu Mayflower và cập cảng Plymouth ở vùng New England Ðông Bắc nước Mỹ đầu thế kỷ XVI. Với sự giúp đỡ của thổ dân Da Ðỏ, họ canh tác thành công ngay vụ mùa đầu tiên, nên về sau, họ tổ chức Lễ Tạ Ơn Thượng đế đã cho mùa màng bội thu và cuộc sống bình yên no ấm. Thầy tôi còn kể rằng, món ăn không thể thiếu trong lễ này là gà Tây (Turkey) như người Việt không thể thiếu bánh chưng bánh tét trong ngày Tết Nguyên Ðán.

Sau này, khi hành tinh chúng ta trở thành “Thế giới phẳng” nhờ Công nghệ thông tin và sự phát triển của Internet, người ta biết nhiều đến ngày lễ quan trọng này và khi đọc lại, những thông tin bây giờ và điều thầy tôi giảng không khác nhau.

Nhân sự kiện này, tôi liên tưởng đến những nghi thức tạ ơn của người Việt.

Lòng biết ơn hình như thuộc về bản chất loài người. (Có thể những loài động vật khác cũng có nhưng chúng ta không rõ trừ loài chó luôn gần gũi với con người). Lòng biết ơn của người Việt thể hiện trước tiên hết qua việc thờ tự. Người ta luôn dành chỗ trang trọng nhất trong nhà để lập bàn thờ tổ tiên, đó là gian chính giữa của nhà chính (nhà trên) hoặc tầng cao nhất trong những nhà ở có lầu. Không chỉ bàn thờ tổ tiên, người Việt có cả am thờ thổ thần thổ địa, các vong linh tiền khuất ngoài sân và bàn thờ Ông Táo ở gian bếp. Trong mỗi làng còn có miếu thờ Thành Hoàng, “Tiền hiền khai khẩn”, “Hậu hiền khai canh”.

Lễ Tế Giao – Lễ Tạ Ơn Trời Đất vào Mùa Xuân của các vua quan triều Nguyễn – nguồn John Tran  

Ngoài các lễ cúng trong ngày Tết Nguyên Ðán đầu năm dành cho Tổ tiên, ông bà, cô bác, người Việt xưa ở nhiều vùng miền có cả (cúng) Tết trâu, Tết lúa, Tết Thần Nông. Tất cả không gì khác ngoài mục đích Tạ Ơn (“chư vị”) năm qua đã “độ trì, phù hộ” cho gia đình sức khỏe, bình an, hạnh phúc, buôn bán hanh thông, tài lộc dồi dào, mùa màng bội thu…

Xem thêm:   Tương lai TikTok có bị cấm ở Hoa Kỳ?

Và, theo lẽ thường, còn cầu xin phù hộ cho một năm mới với nội dung tương tự.

Yêu kính Ông Bà Cha Mẹ, các đấng sinh thành và Thầy dạy học là truyền thống quý báu từ ngàn xưa của người Việt. Do đó, ca dao Việt Nam có câu “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy”. Ngày Mồng Một Tết, người Việt đi viếng bàn thờ các bậc Bề Trên bên nội (Cha), Mồng Hai viếng bên ngoại (Mẹ) và Mồng Ba viếng Thầy dạy học. Sau ba ngày đó, từ Mồng Bốn trở đi mới đi thăm bạn bè hoặc dự các cuộc vui chơi khác.

Ở các vùng nông thôn VN, người dân quê còn có các lễ Tế Xuân, Tế Thu (Xuân kỳ Thu tế), có nơi cũng có hình thức cúng bái tương tự gọi là “Kỳ Yên”. Tất cả những lễ trên đều nhắm mục đích cầu quốc thái dân an, dân làng thái bình, tạ ơn Thành hoàng bản thổ. Vị chánh bái khi bắt đầu lễ thường xướng 4 câu sau (ở vùng Ðại Lộc – Quảng Nam):

“Nhất sái thiên thanh (Trời thêm thanh bình)
Nhị sái địa linh (Ðất thêm tươi tốt)
Tam sái nhơn trường sanh (Người được sống lâu)
Tứ sái quỷ diệt hình (Quỷ dữ bị tiêu diệt)”

Lễ Tạ Ơn đầu tiên của người Mỹ – nguồn insider

Việc cúng kỵ thường diễn ra trong ba ngày gồm cả lễ và hội, sau đó thường thuê gánh hát bộ về phục vụ dân làng. Ðây cũng là dịp để người dân được “một bữa no” (tên một truyện ngắn của Nam Cao) vì “Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”. Tôi cũng từng chứng kiến vài người nông dân nghèo ở quê ăn cả tô thịt heo mỡ không cần nước chấm nhân “việc làng” vì thiếu thốn cả năm, trừ ngày Tết và những ngày nhà có giỗ chạp.

Xem thêm:   The good Samaritans

Làng tôi ngày xưa còn có tục “tá thổ” ở các xóm, mâm cúng thường đặt dưới đất ở các ngã ba hoặc dưới gốc cây đa cổ thụ. Kinh phí tổ chức do dân trong xóm đóng góp và việc thực hiện các nghi thức cúng bái do các thầy cúng trong thôn xóm (dân làng gọi là thầy “phù thủy”) đảm trách. Sau này tôi hiểu là “tạ thổ” (thay vì “tá”), cũng như từng gia đình tổ chức “cúng đất” hàng năm, duy trì mãi đến bây giờ trên khắp mọi miền đất nước. Tất cả đều nhằm mục đích TẠ ƠN đất đai, những người khuất mặt nơi mình sinh sống.

Dân tộc Việt Nam, dù sống dưới chế độ VNCH trước 1975 hay trong chế độ cộng sản hiện nay đều tổ chức tưởng nhớ các vua Hùng qua lễ kỷ niệm Quốc tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch mà câu ca dao truyền tụng muôn đời thể hiện điều này: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”. Thời VNCH còn tổ chức lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng và trong ngày này, công chức, công nhân nghỉ việc ở công sở, nhà máy, học sinh nghỉ học để tưởng nhớ nhưng sau này thì không!

Lịch sử VN không giống lịch sử Hoa Kỳ – đó là điều hiển nhiên – nên dân Mỹ có ngày Thanksgiving và Việt Nam có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Cái khác nhau là dân cả nước Mỹ cùng vui trong ngày Lễ Tạ Ơn nhưng dân Việt thì chỉ một số ít có điều kiện được hưởng niềm vui khi dự Lễ hội đền Hùng ở Vĩnh Phú. Tuy vậy, họ chưa chắc đã vui vì chen lấn, bị móc túi, lừa đảo, mua vé chợ đen khi vào cửa do những kẻ khai thác lòng mê tín của người dân để “buôn thần bán thánh”!. Việc này hầu như năm nào báo chí nhà nước cũng đều lên tiếng phê phán nhưng tình trạng năm sau còn… tệ hơn năm trước!

Giỗ Tổ Hùng Vương – nguồn khám phá di sản

NHQ