Báo Chánh Pháp ra đời số đầu tiên vào tháng 5 năm 2009, ban đầu được in trên giấy bổi, khổ lớn 10.75” x 13. Tháng 11 năm 2011 thì chuyển qua bộ mới thành tạp chí, đóng bìa màu giấy láng với 88 trang và ra hàng tháng.

Tạp chí Chánh Pháp (kỷ niệm tròn 100 số)    

Chánh Pháp vốn là tờ báo Phật giáo nhưng đã vượt qua sự gò bó hạn hẹp của tôn giáo để chuyển tải văn hóa nghệ thuật, văn học thơ ca. Chánh Pháp chủ trương duy trì, giữ gìn và phát triển tiếng Việt ở hải ngoại, truyền bá văn hóa và lịch sử dân tộc, quan hoài vận mệnh quốc gia, thông qua tờ báo để thực hiện việc giáo dục theo quan điểm triết học và thẩm mỹ Phật giáo. Chánh Pháp với tôn chỉ tôn trọng và nói lên sự thật, tất nhiên là với phương pháp mềm dẻo, uyển chuyển nhưng quyết tâm. Với thời gian tồn tại chưa phải là dài lâu nhưng Chánh Pháp đã góp phần hoằng truyền Phật pháp, giữ gìn bản sắc văn hóa và ngôn ngữ Việt ở hải ngoại.

Thế là tờ báo Chánh Pháp cũng đã được 15 tuổi, 15 năm vất vả tồn tại ở hải ngoại là nhờ công sức, tâm lực của nhà văn Vĩnh Hảo, cộng với sự góp bài của một số tu sĩ và cư sĩ.  Anh vừa là chủ báo, chủ bút, dàn trang, phát hành … làm tất cả mọi việc. Mặc dù với danh nghĩa là tờ báo của GHPGVNTN hải ngoại nhưng nó tồn tại trong sự thờ ơ của Giáo hội và các chùa, nếu không có anh Vĩnh Hảo thì chắc chắn tờ báo đã chết từ lâu.

Tạp chí Chánh Pháp, số báo xuân

13 năm qua, nhà văn Vĩnh Hảo đã dành biết bao nhiêu tâm huyết để duy trì tờ Chánh Pháp, một tờ báo Phật giáo trong 1 cộng đồng Phật giáo Việt ít ỏi ở hải ngoại là cả một vấn đề lớn.  Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại chỉ duy nhất có tờ Chánh Pháp, đây là cơ quan ngôn luận, là phương tiện hoằng pháp, truyền bá Phật pháp, duy trì truyền thống văn hóa và giáo dục của dân tộc ở hải ngoại. Trên tờ Chánh Pháp, ngoài những bài có tính chất tôn giáo còn có một số trang nhất định dành cho văn học nghệ thuật. Nhà văn Vĩnh Hảo đã mạnh dạn khai mở với tư tưởng phóng khoáng … Anh đã cho đăng nhiều truyện ngắn, thơ, văn hay của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Anh không câu nệ hay cứng nhắc trong việc chọn bài và không gò ép chỉ nội vấn đề tôn giáo. Anh chủ trương thông qua Chánh Pháp để truyền bá Phật pháp, duy trì truyền thống văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục Việt ở xứ người. Chánh Pháp không chỉ là phương tiện để hoằng pháp, không chỉ những bài có tính nội điển mà còn có cả ngoại điển. Tất nhiên trên Chánh Pháp không chỉ có toàn bài hay, thậm chí còn có những bài rất dở, dở thậm tệ nhưng vì ở vào cái thế không thể không đăng. Có những bài của các vị chức sắc trong giáo hội viết quá dở, tuy xuất gia nhưng còn hám cái danh thi sĩ hay văn sĩ, những bài quá kém đó làm cho nhà văn Vĩnh Hảo khó xử, bỏ đi không được đành phải bấm bụng đăng và hy vọng độc giả tinh tế sẽ nhận ra.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại (riêng ở Mỹ) có đến mấy trăm ngôi chùa và chỉ có mỗi tờ Chánh Pháp nhưng số chùa đặt báo hay ủng hộ báo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các chùa thờ ơ không quan tâm, thậm chí nhiều chùa không hề biết có sự tồn tại của tờ báo này. Các chùa có thể bỏ ra một số tiền lớn để rước tượng La Hán, sư tử Trung Hoa, pháp khí Đài Loan, đèn đá Nhật Bản … về trưng nhưng không bỏ ra 1 đồng để ủng hộ Chánh Pháp. Các chùa và tu sĩ vẫn thường nói rộng truyền Phật pháp, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, duy trì tiếng Việt và giáo dục nơi hải ngoại nhưng thờ ơ với tờ báo Chánh Pháp, trong khi tờ báo là sự truyền bá Phật pháp, giữ gìn truyền thống dân tộc, duy trì ngôn ngữ một cách hiệu quả và cụ thể nhất. Không lẽ hoằng pháp, giữ gìn truyền thống, duy trì ngôn ngữ dân tộc bằng tượng La Hán, sư tử Trung hoa, pháp Khí Đài Loan, đèn đá Nhật Bản?

Tạp chí Chánh Pháp (số chuyên đề)

Việc chùa Việt trưng sư tử Trung Hoa cũng là một vấn đề buồn cười, không lẽ các chùa và các tu sĩ không hiểu ý nghĩa tượng sư tử Trung Hoa? Tượng sư tử đực chân vờn quả địa cầu tượng trưng cho cái máu bành trướng đại Hán, muốn thống trị thế giới. Tượng sư tử cái một chân vờn sư tử con tượng trưng cho sự duy trì nối dõi dòng Hán tộc. Các chùa Việt trưng sư tử Trung Hoa để giữ gìn truyền thống dân tộc Việt ư? Còn giả như nói tượng sư tử tượng trưng cho sự dõng mãnh, tinh tấn cớ sao không dùng hình tượng sư tử vốn có lâu đời trong Phật giáo, đó là hình tượng sư tử ở các trụ đá của vua Asoka! Những hình tượng sư tử này đã có mặt nhiều thế kỷ nay, có mặt khắp các di tích lịch sử Phật giáo, có trong kinh sách Phật giáo…

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Báo Chánh Pháp ngày càng thiếu kinh phí nên buộc phải giảm số lượng in ấn, cắt bớt trang, không làm báo Xuân…thời gian tới đây không biết sẽ ra sao? Có thể đóng cửa là điều không xa mấy. Vị đại thí chủ là nhà hàng chay Brodard Chateau, Brodard Restaurant & Bamboo Bistro  bấy lâu nay ủng hộ ấn phí nay cũng đã nản lòng nói: “Nếu anh Vĩnh Hảo buông thì Brodard Chateau  cũng không ủng hộ ấn phí nữa”. Mọi người thường nói tùy duyên, duyên đã sanh thì ắt có diệt, tuy nhiên với việc để cho Chánh Pháp kết thúc lại là chuyện khác. Sự duy trì Chánh Pháp là một việc dễ dàng và hòan toàn có thể nhưng chúng ta không làm thì không thể bảo là tùy duyên! Các chùa, quý tu sĩ, quý Phật tử chỉ cần bỏ ra vài đồng hoặc chỉ cần trả tiền cước phí bưu điện là có thể duy trì được Chánh Pháp.

Tạp chí Chánh Pháp

Thời đại hôm nay công nghệ khoa học và kỹ thuật cao, báo mạng đã giết chết không ít nghề và sách báo, những tờ báo giấy mai một dần. Riêng tờ Chánh Pháp thì lại khác, hòan toàn nằm trong khả năng của chúng ta, nếu chúng ta thờ ơ để cho chấm dứt thì không thể bảo là tùy duyên! Nếu GHPGVNTN – hải ngoại, nếu các chùa, các tu sĩ, các Phật tử… không quan tâm để cho tờ báo chết thì làm sao còn có thể nói: Hoằng truyền Phật pháp, giữ gìn truyền thống văn hóa dân  tộc, duy trì giáo dục và tiếng Việt ở  xứ người?

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Thực tình mà nói các chùa chi tiền mua sư tử Trung Hoa, pháp khí Đài loan, đèn đá Nhật, tượng La Hán… trưng cho vui, cho thỏa ý thích chứ chẳng có ý nghĩa gì. Những sản phẩm ấy không có giá trị nghệ thuật, tất cả rập khuôn như những sản phẩm cloning (sao chép). Việc trưng cho nó “hoành tráng” chứ chẳng lợi ích gì trong việc truyền bá Phật pháp, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, duy trì ngôn ngữ và giáo dục … Phần lớn người đi chùa cũng chẳng ai hiểu hay biết những tượng sư tử, đèn đá, La hán … ấy có ý nghĩa gì! Nếu thật sự có tâm hoằng pháp, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, duy trì giáo dục ngôn ngữ ở xứ người thì cách tốt nhất vẫn là ủng hộ, đọc và nuôi dưỡng tờ báo Chánh Pháp.

Báo Chánh Pháp ngoài nội dung chuyển tải bên trong, bản thân tờ báo còn là 1 tặng phẩm có ý nghĩa cao nhã, đậm tính văn hóa. Thời đại hôm nay việc đọc báo trên mạng dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi tuy nhiên khi cầm tờ Chánh Pháp bằng giấy trên tay ta cảm nhận được món quà tinh thần, một ấn phẩm văn hóa của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.

Tạp chí số mới nhất 01/01/2024.

TLTP

Ất Lăng thành những ngày tháng Chạp