“Thịt mỡ không tiền thôi mặc Tết

Đông Phương có báo đủ mừng Xuân”

Hai câu thơ thật dễ thương và duyên dáng nhưng mang nặng tính hài hước, vui nhộn mà nhật báo Ðông Phương dùng để quảng cáo cho số báo mừng Xuân Ất Mão năm 1975. Cho dù ngoài xa còn mịt mù khói súng, nhưng có lẽ ai nấy đều muốn tạm quên cuộc chiến đang hồi khốc liệt và mở lòng ra để đón chào một mùa xuân đang về trên đất mẹ.

Tiệm hớt tóc của chú Tư chỉ có mấy tờ báo Xuân như Ðại Dân Tộc, Tin Sáng, Ðông Phương, Bút Thép v.v. gói ghém rất nhiều bài vở sống động về thời cuộc hòng góp vui cho độc giả trước thềm năm mới. Muốn đọc những số báo Xuân với nhiều tin tức tài tử, nghệ sĩ thằng Tám phải chạy ra sạp báo của chị Năm ngoài đầu ngõ để được “coi cọp”, đọc ké. Có lẽ vì có chung một niềm đam mê văn nghệ nên hai chị em vô cùng thân thiết dù cho tuổi tác chênh lệch khá nhiều. Số đặc biệt mừng xuân mới của mấy tờ tạp chí như Sân Khấu Mới, Kịch Ảnh, Phụ Nữ Tân Tiến v.v. ngập tràn bài vở với đề tài thơ phú, văn chương, âm nhạc, sân khấu, “nghệ thuật thứ bảy” v.v. bên cạnh hình ảnh những tài tử, nghệ sĩ hữu danh và xôm tụ hơn hết là cuốn lịch khổ lớn được tặng kèm với hình ảnh rực rỡ của các nghệ sĩ nổi tiếng được in ấn theo kỹ thuật “offset” tân kỳ thời bấy giờ.

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Mùa xuân đó, thằng Tám đang bước vào năm đầu tiên của bậc trung học. Chưa hết đệ nhứt lục cá nguyệt, ngày Tết cổ truyền cũng ngấp nghé sau lễ truyền thống hằng năm của nhà trường. Những ngày cận Tết, mấy anh chị ở những ngôi trường lân cận như Gia Long, Trưng Vương, Võ Trường Toản, Chu Văn An cũng mang báo Xuân của trường mình sang giới thiệu nơi các trường bạn.

Một dãy bàn được kê thành hàng dài dưới khu sinh hoạt là “hội chợ báo Xuân” của các trường trung học danh tiếng nơi đô thành. Mấy anh ở những lớp trên trong bộ đồng phục chỉnh tề quần xanh, áo trắng và các chị tha thướt bên những tà áo dài đứng bên cạnh dãy bàn bày mớ báo Xuân còn thơm tho mùi giấy mới, hấp dẫn và mời gọi. Thằng Tám cũng lân la đến xem và tiện tay lật say sưa hết cuốn này sang cuốn khác, ngắm nghía từ trang đầu cho đến trang cuối. Khác hẳn những tờ báo Xuân nơi sạp báo của chị Năm, báo Xuân học trò được in ấn mộc mạc, màu sắc giản đơn hơn với đa số hình bìa do chính bàn tay khéo léo của các học trò tô vẽ, chấm phá. Từ hình thức đến nội dung tờ báo cũng khá đơn giản, không xa rời màu áo trắng cũng như những tâm hồn trong sáng của lứa tuổi hồn nhiên, chỉ biết gửi gắm ít mộng mơ qua khung cửa sổ hay chút lãng đãng ngoài khuôn viên lớp học.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Chiến cuộc chao đảo và cũng khó thể ngờ được, đó là lần đầu tiên và cũng là lần sau cuối trong cuộc đời học sinh, thằng Tám được cầm trên tay tờ báo Xuân học trò như chạm được cả một vùng trời mơ ước.

Những mùa xuân sau đó là những mùa xuân đầy khốn khó và thằng Tám cũng âm thầm từ giã mái trường cũng như rời bỏ quê nhà vào một đêm tối không trăng. Nỗi niềm luyến lưu cảnh cũ, người xưa cứ theo Tám suốt cuộc đời trai trẻ và sau hơn bốn mươi năm xa xứ, cứ mỗi lần giáp Tết, Tám thường hay bùi ngùi, tiếc nhớ những tờ báo Xuân đua chen khoe sắc ở các sạp báo thành đô với nội dung vui, buồn tùy theo xúc cảm và hình như trái tim của Tám cũng nức nở theo những trang giấy úa màu thời gian nhưng còn vẹn nguyên mùi mực mới.

TV