Ngày trước, Thư đôi lúc nghe mẹ than:

“Thuở thiếu thời nhìn chúng bạn ăn mặc đẹp cũng muốn se sua đua đòi theo. Nhưng thấy cha mẹ còn đầu tắt, mặt tối, lo buôn bán, nuôi mình và các chị em mà kìm lòng lại. Ðến khi lấy chồng cũng muốn áo lượt, quần là. Nhưng nghĩ tới lũ con nheo nhóc, tiền dành lại để đong gạo, mua thịt, mua sách bút cho con. Giờ con cái đều đã khôn lớn, trưởng thành, có của ăn của để thì mình đã già rồi, còn chưng diện với ai?”.

Giờ Thư cũng nhớ lại mình. Lúc còn nhỏ mê sách hơn mê kẹo. Mộng ước lớn nhất là có đủ tiền để ôm luôn sách của cả tiệm về nhà. Lớn lên, đi làm, có tiền Thư vẫn yêu sách. Có đủ tiền mua sách, nhưng lại chẳng có dư thời gian mà đọc. Giờ chắc Thư sẽ đợi đến già để ngồi đọc sách, uống trà thong dong.

Rồi có những ngày Thư cùng chồng lăn lộn kiếm tiền, dành dụm chắt bóp từng đồng để mua nhà, bao nhiêu mơ ước lớn nhỏ đều đành gác lại. Mua được nhà rồi thì tiền cũng vơi đi gần hết. Hai vợ chồng lại hối hả kiếm thêm để cơi nới chỗ này, sửa chữa chỗ kia, cho căn nhà thêm khang trang, đẹp đẽ. Nhà cửa đã sửa sang xong thì lại cần tích cóp thêm phòng khi này, khi khác. “Bao giờ có…mình sẽ…” đã trở thành câu từ chủ đạo trong kho từ điển của Thư.

Xem thêm:   Cá đuối món nào gia vị đó!

Nhưng, bao giờ cho đến lúc đó? Nếu cả cuộc đời Thư chỉ dành để theo đuổi những ham muốn, mộng ước mỗi ngày một nhiều và lớn hơn; để rồi nhanh chóng quên đi những điều nhỏ nhoi, đơn giản. Ai lại không từng ước có một ngày thong thả, ngủ một giấc thật sâu mà không lo toan, vướng bận, hoặc chẳng từng mơ về một ngày chẳng nghĩ, chẳng làm chi cả.

Bao giờ đó… sẽ chẳng đến bao giờ nếu mình cứ tiếp tục  “mình  phải làm điều này, mình phải làm điều kia… trước đã.”

Bảo Huân

MM