Ngày xưa cả xóm Thuận Thành B, phường Tam Thuận, Ðà Nẵng mọi người đều gọi bác là bà Thiếu tá Thanh. Ðó là cái tên và chức vụ của bác trai.

Sau tháng 3 năm 1975, từ Ðà Nẵng, gia đình bác di tản vào miền Nam, lênh đênh nhiều ngày trên biển, cập vào Cam Ranh rồi vào Sài Gòn.

Mất Sài Gòn, theo lệnh của nhà cầm quyền mới, bác trai phải đi tập trung cải tạo. Cứ tin rằng đi vài tuần rồi về, ai ngờ vài tháng rồi nhiều năm

Bác gái thu xếp đưa đàn con về lại Ðà Nẵng. Lúc này căn nhà đã bị trưng dụng làm trạm y tế, về sau là Nhà Hộ sinh Tam Thuận. Bác gái và đàn con  7 đứa được cho ở một căn phòng nhỏ phía sau, trước kia là nhà kho.

Bà Thiếu tá Thanh một thời lên xe xuống ngựa; sau này trở thành một bà hàng mắm. Sáng sáng, bác lên xe xích lô với những thùng mắm 20 lít chất đàng trước. Gian hàng mắm đủ loại của bác ở ngay Bến xe Vĩnh Trung, rất thuận tiện cho việc buôn bán. Chuyển mắm từ thành phố biển Ðà Nẵng đến các vùng lân cận, về nông thôn, lên miền núi cao. Từ các hũ mắm, bác tảo tần nuôi đàn con ăn học và người chồng đang tù cải tạo. Tôi là bạn thân của con gái đầu của bác, ngày trước thường ra vào nhà chơi; về sau thì cùng hoàn cảnh nên thân thiết hơn.

oOo

Sau 1975, cả nước đều đói khổ, nhất là các gia đình có người trụ cột trong nhà bị đi tù cải tạo. Vợ con ở nhà liên tục bị trù dập, có nhiều nhà còn của nổi của chìm nhưng do không biết cách làm ăn và nạn lý lịch khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.

Gia đình bác thì khác! Với sự khôn ngoan lanh lẹ và những kinh nghiệm đã trải qua cực khổ thời “kháng chiến”, bác gái đã một mình chống chèo để tất cả các con được đến trường, ăn no mặc ấm; nhất là tất cả đều tuyệt đối chấp hành sinh hoạt đoàn thể địa phương một cách xuất sắc.

Tôi đến nhà chơi thường xuyên và đã từng chứng kiến tận mắt những bữa cơm trộn đậu xanh, những nồi chè mát buổi tối. Không bao giờ quên những khi nhóm chúng tôi tập trung lại để ôn thi còn được bác đãi ăn bánh xèo, cháo vịt… những món rất xa xỉ cái thời cả nước đồng hành với bo bo, sắn lát, mì sợi…

Bác trai, ông thiếu tá thuở nào thì hết tù Nam đến tù Bắc. Bác gái cứ đều đặn thăm nuôi. Khi phong trào vượt biên lan tràn thì bác gái cũng âm thầm lo cho các con mình ra đi. Tôi nhớ khoảng năm 1979, chuyến đầu có hai người trót lọt an toàn. Mấy tuần sau công an địa phương đã phát hiện ra sự vắng mặt của vài “thanh niên gương mẫu” nên gọi bác ra đồn làm khó dễ, tra khảo đủ điều để tìm ra manh mối chủ mưu. Ðây mới là dịp bác thể hiện bản lĩnh của mình. Tại trụ sở công an Phường, bác gái đã đập đầu la khóc thảm thiết; xỉu lên xỉu xuống không phải để kêu oan hay xin xỏ mà là… ăn vạ, bắt đền! Bà hỏi thẳng các ông lớn ông nhỏ có mặt ở đó: “Tui một mình làm ăn, bán từng lon mắm nuôi con; con tui giao cho đoàn thanh thiếu niên giáo dục, có Ðoàn có Ðảng… chừ con tui đi đâu mất rồi. Các ông trả lời tui đi, con tui đứt ruột đẻ ra, chồng thì không có ở nhà; đoàn thể dạy con tui kiểu chi?…”.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Một màn gậy ông đập lưng ông hoàn hảo. Không ai trả lời được. Bác gái được thả ra về, tiếp tục muối mắm bán nuôi chồng rồi lại đưa 3 đứa con khác đi vượt biển thành công. Có thể hiểu, đây là lý do khiến cái tên “bà Thiếu tá Thanh” trở nên lừng lẫy dù bác gái chẳng cần hành quân hay ra trận gì. Một người chưa từng trải qua các khoá huấn luyện quân sự nhưng đã “điều binh khiển tướng” xuất sắc; bách chiến bách thắng!

Những năm tiếp theo, các thùng hàng từ bên kia bờ đại dương được gởi về cho người thân trong nước để bán đi nuôi cơm, nuôi thuốc. Có lần nhận được tiền đô do các con đi làm thêm gởi về, Bác gái đã thẳng thừng từ chối không ký nhận. Bác thật sự không muốn các con mình vì mưu sinh mà xao lãng chuyện học hành. Sự cương quyết của bác đã làm nên thành công cho năm người con của bác. Những năm tháng tuy sống bơ vơ nơi xứ lạ quê người nhưng anh em rất thương yêu, bảo bọc nhau. Tất cả không những thành công mà còn thành nhân. Một hoa hồng cho người mẹ nơi quê nhà.

Tôi còn nhớ những câu chuyện vặt vãnh khi ghé nhà bác vào một ngày gần cuối năm. Nợ nần chồng chất, đi vay đi mượn không ra; tôi lang thang ở bờ sông Hàn, ý tưởng muốn hủy diệt cuộc đời để thoát khổ. Vậy mà không hiểu sao tôi lại vòng về ghé vào nhà bác. Nhằm lúc đứa bạn đã ra chợ trông hàng cho má về nghỉ trưa. Tôi lúng túng không biết nói gì nên khi bác rủ nằm xuống sàn nhà mát lạnh, ngủ trưa với bác, tôi làm theo ngay. Hôm đó bác kể rất nhiều chuyện. Những câu chuyện mà cái thời 1945-1954, bác cũng như má tôi đã từng trải qua. Thỉnh thoảng lại kèm những câu ca dao tục ngữ, nên mỗi câu chuyện như là một bài học đạo lý. Tôi ra về, nhớ mãi những câu:

Xem thêm:   Những điều lý thú của tháng Ba

Vai mang bị bạc kè kè;

Nói quấy nói quá chúng nghe rần rần

Giấy rách phải giữ lấy lề…

Ta đây nát giậu thì còn bờ tre

Phải như ai kia, nát giậu thì hò he đi ăn mày…”

Một người phụ nữ đang thời xuân sắc như bác; chỉ mới 39 tuổi thôi, hai vai là cả sự sống của đàn con và niềm tin của người chồng đang trong vòng lao lý. Bác làm sao để giữ trọn câu thủy chung son sắt? Bác cười cười giải thích cho tôi cái câu: “Thà ngủ dưới đất với mụ bán hương, hơn nằm trên giường với mụ bán mắm”.

Có thể do ảnh hưởng những câu chuyện bác kể mà sự tuyệt vọng trong tôi vơi đi. Ngẫm nghĩ đến hoàn cảnh của bác, rồi của má mình, tôi ra về với chút thơ thới, tạm quên đi phút giây yếu đuối của lòng mình.

Mặc dù lo cho các con thật hoàn hảo nhưng trong lòng bác người chồng vẫn ở một vị trí đặc biệt. Mỗi khi cần quyết định việc hệ trọng, bác đều hỏi ý kiến hoặc tìm cách báo cho bác trai bằng cách nói bóng gió qua những câu chuyện gần xa. Người bạn đời của bác dĩ nhiên thoáng nghe là hiểu ngay.

Năm 1984, bác trai từ trại tù cải tạo được thả về. Từ đó bác gái không đi bán mắm bằng xích lô nữa mà hình ảnh quen thuộc thường bắt gặp là bác trai chở bác gái trên chiếc xe đạp. Ông bà Thiếu tá Thanh lại bên nhau. Lúc này bác gái lâm vào chứng tiểu đường rất nặng, bác sút ký, yếu đi nhiều nên công việc buôn bán cũng hạn chế.

Trong lòng tôi, qua những câu chuyện bác kể và qua những gì tôi từng biết về gia đình thì bác quả là một người phụ nữ can trường, chín chắn khôn ngoan đáng kính phục. Bác là một người mẹ tuyệt vời của đàn con bảy đứa, năm trai hai gái. Dĩ nhiên không thể là một bà mẹ hiền khi bác thay chồng vừa làm mẹ vừa làm cha. Tôi đã từng thấy bác cầm cây roi, la hét mấy đứa con lớn nhỏ; cương quyết “thương cho roi cho vọt”. Bác yêu thương lo cho các con từng ly từng tí nhưng rất nghiêm khắc. Ðặc biệt các con trai của bác luôn đứng vị trí số một.

Ngày hai bác và cậu con trai út đến Mỹ năm 1990 – HO3 thì các con bác đã có 3 người lập gia đình. Bác gái vẫn mang chứng tiểu đường và nhiều biến chứng khác. Thời gian này bác trai chăm chút săn sóc vợ bù lại những năm tù đày bác gái thân cò vừa nuôi con vừa lặn lội thăm chồng.

Xem thêm:   Cục sắt 2,000 năm

Thương bác một đời hy sinh tất cả vì gia nương, không những chồng con mà bác còn chu toàn trách nhiệm đối với bà ngoại và các em của mình. Ngày xế bóng thì bác lại bịnh hoạn triền miên nên bao nhiêu niềm vui đều hạn chế do sức khỏe.

Những năm bác gái còn nửa tỉnh nửa mê, thỉnh thoảng tôi ghé thăm. Bác cũng cười chuyện trò vui vẻ. Lúc nào gặp tôi bác cũng Hỏi: “Chớ… con bé đâu?”. Trong tâm trí mơ màng của bác hình như bất cứ lúc nào gặp tôi là bác nghĩ đến đứa con gái nhỏ của tôi thuở nào.

Hai bác sống với vợ chồng cậu con trai út, vui vẻ với con cháu trong những ngày giỗ Tết. Bên cạnh bác gái bao giờ cũng có bác trai lăng xăng chăm chút. Có thể nói đây là một đại gia đình hiếm hoi giữ được truyền thống, tất cả con cháu luôn gần gũi thân thiết nhau qua các dịp họp mặt gia đình. Chắc chắn đó là niềm tin là sức mạnh khiến hai bác sống vui lúc tuổi xế chiều.

Ai cũng tưởng bác trai vững chãi lo toan mọi việc cho bác gái, chẳng ngờ một thời gian sau bác trai cũng lảng, quên trước quên sau. Hai chiếc bóng bây giờ thần trí đã “gởi gió cho mây ngàn bay”. Nhiều ngày, nhiều tháng qua mau.

Rồi, một ngày bác trai trở mệt, con cháu về thăm đông đủ, bác trai ra đi mùa Hè 2019. Bác gái tuy thần trí không còn minh mẫn nhưng dường như có linh tính. Bác buồn rầu, thần sắc rã rượi như cảm nhận được nỗi đau của người vợ mất chồng.

Từ đó, bác gái sống lặng lẽ như một chiếc bóng. Hằng ngày, tuy vẫn được chăm sóc rất chu đáo nhưng tuổi đã cao và sức đã yếu. Cuộc đời chẳng còn động lực nào để bám víu, những gì cần làm, nên làm, phải làm… bác đã hoàn thành xuất sắc; và cũng đã được đền đáp xứng đáng. Những ngày cuối đời của bác cũng thật thảnh thơi, nhẹ nhàng.

Bác ngủ yên vào một buổi chiều đầu mùa Xuân trong căn nhà của cậu con trai út, hưởng thượng thọ 91 tuổi.

Bác đã yên nghỉ, “bà Thiếu tá Thanh”; một phụ nữ Việt Nam không lừng danh, không ghi tên vào sử sách nhưng là một phụ nữ hiếm hoi đã làm được những điều đơn giản một cách phi thường.

Một người mẹ vẹn toàn, một người vợ thủy chung giỏi giang, một người chị tròn trách nhiệm và cũng là một người con hiếu thảo. Bao nhiêu lời cầu chúc sẽ như là những đóa hoa trải dài trên con đường đưa “bà Thiếu tá Thanh” đến miền cực lạc.

Ngưỡng mộ bác!

NDAT

Atlanta 27/2/21