Nhân việc Tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng hạch nhân Nga khởi động, các nhà nghiên cứu quốc tế xem xét việc ra quyết định sử dụng vũ khí hạch nhân ở 9 quốc gia sở hữu vũ khí này.

Nút nhấn bom hạch nhân. 

Vào cao điểm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên, một vấn đề từng được cho là liên quan tới thời kỳ Chiến tranh lạnh, lại nổi lên: ai là người kiểm soát «nút bấm hạch nhân» ở các quốc gia trên?

Bài tiểu luận của Jeffrey Lewis và Bruno Tertrais, tựa đề “Ngón tay trên nút bấm” (The Finger on the Button) về quyền sử dụng vũ khí hạch nhân ở các quốc gia có vũ khí này, nghiên cứu và so sánh việc ra quyết định sử dụng nó ở 9 quốc gia: Hoa Kỳ, Nga, Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel, Ấn Ðộ, Pakistan và Triều Tiên. Các tác giả nhận xét rằng, ngoài trường hợp cực đoan của Triều Tiên, việc sử dụng vũ khí hạch nhân phụ thuộc vào cơ quan quyền lực tập thể, hạn chế một cá nhân đưa ra quyết định phi lý.

Tại Hoa Kỳ, tính hợp pháp mà Tổng thống có sau khi được dân bầu là trao cho ông quyền trực tiếp và ngay lập tức về các vấn đề hạch nhân. Tuy nhiên, mặc dù có quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạch nhân với tư cách là người đứng đầu quân đội, Lewis và Tertrais nhấn mạnh rằng, vẫn tồn tại vai trò cụ thể và chính xác của Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội. Mặc dù cả hai nhân vật này đều không có quyền phủ quyết, nhưng các tác giả tuyên bố rằng, cả hai nhân vật quyền lực trên sẽ tham gia vào việc chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự bao gồm cả vũ khí hạch nhân. Lệnh bắn sẽ tuân theo một chuỗi lệnh chỉ huy mà ở cuối lệnh sẽ phải được xác thực bởi hai nhân vật vừa nêu.

“Nuclear football”, từ lóng ám chỉ cặp tài liệu mật của Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó có các mã vũ khí hạch nhân.

“Chuỗi an toàn”

Xem thêm:   Tương lai TikTok có bị cấm ở Hoa Kỳ?

Ở Nga, Tổng thống là người đứng đầu các lực lượng vũ trang, nhưng quyền sử dụng vũ khí hạch nhân được đưa ra bởi Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng. Nó có thể được chuẩn thuận theo hai cách: thông qua mạng Kazbek hoặc thông qua hệ thống “Chu vi” (perimeter), còn gọi là phương án cuối cùng.

Vương quốc Anh giao quyền quyết định sử dụng vũ khí hạch nhân cho Thủ tướng, nhưng phải tham khảo ý kiến trước với người đứng đầu vương quốc (ngay cả khi không có văn bản nào yêu cầu). Lịch sử của đất nước này cho thấy việc sử dụng vũ khí hạch nhân sẽ là một “quyết định tập thể ở cấp bộ trưởng”, phù hợp với truyền thống của Anh quốc.

Hiến pháp Pháp cũng chỉ định Tổng thống là người đứng đầu quân đội, người có thể ra lệnh sử dụng vũ khí hạch nhân. Mặc dù không có quy định nào phải hỏi ý kiến ​​các quan chức khác về vấn đề này, nhưng quyết định sử dụng vũ khí hạch nhân sẽ được xác minh bởi một “chuỗi an ninh” cũng như “chuỗi thực hiện” trong đó, các thành viên gồm Thủ tướng, người thanh tra vũ khí hạch nhân và bộ tham mưu đặc biệt. “Mỗi cấp của 2 chuỗi phải được hai người tham gia”.

Lực lượng hạt nhân của Trung Quốc nằm trong tay của Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Thành phần của Quân ủy Trung ương đã thay đổi trong quá trình lịch sử nước này. Ngày nay, nó được tạo thành từ 7 thành viên, bao gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng và đại diện của từng quân binh chủng thuộc lực lượng vũ trang. Vì Chủ tịch là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, nên quyết định chắc chắn sẽ phụ thuộc vào ông ấy, nhưng các tác giả tin rằng “Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị quan trọng nhất nước, sẽ được cố vấn vào thời điểm và hoàn cảnh thích hợp”.

Xem thêm:   Chu Trầm Nguyên Minh

Ở Israel, theo Hiến pháp, Thủ tướng không có quyền lực đối với quân đội nước mình. Các quyết định về quốc phòng được đưa ra bởi Ủy ban Bộ trưởng phụ trách an ninh quốc gia, bao gồm từ 7 đến 10 thành viên của chính phủ.

Ở Ấn Độ, mặc dù Tổng thống là người đứng đầu các lực lượng vũ trang, nhưng chỉ có Hội đồng Chính trị, do Thủ tướng đứng đầu, mới có thể cho phép sử dụng vũ khí hạch nhân. Do đó, quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ, nhưng các chuyên gia tin rằng một mình ông ta không thể ra lệnh nhấn nút nếu không có sự đồng ý của Cố vấn An ninh Quốc gia. Lệnh nhấn nút sau đó sẽ được chuyển tới Bộ Tư lệnh Lực lượng Chiến lược, cơ quan kiểm soát “tất cả các đầu đạn hạch nhân của Ấn Ðộ”, và có khả năng sẽ yêu cầu “sự ủy quyền của hai quan chức ở mỗi cấp” trong chuỗi chỉ huy.

Lực lượng hạch nhân của Pakistan nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Chỉ huy Quốc gia kể từ năm 2007. Quyền lãnh đạo của Cơ quan Chỉ huy Quốc gia, trước đây được giao cho Tổng thống, đã được chuyển giao cho Thủ tướng vào năm 2009. Cơ quan Chỉ huy Quốc gia áp dụng nguyên tắc nhất trí, theo đó bất kỳ quyết định nào về việc sử dụng vũ khí hạch nhân sẽ cần có sự đồng thuận (hoặc, nếu không, phải đạt đa số phiếu biểu quyết), người đứng đầu Cơ quan Chỉ huy Quốc gia là người có tiếng nói cuối cùng. Các chuyên gia tin rằng cả Thủ tướng và Tổng thống phải cùng chấp thuận.

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Cuối cùng, mặc dù có rất ít thông tin về chương trình vũ khí hạch nhân của Triều Tiên, chúng ta biết rằng “chương trình này chỉ có thể được sử dụng theo lệnh của Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên”, theo một đạo luật có từ năm 2013. Chức năng này thuộc Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Nhà nước, không ai khác hơn là chính Kim Jong-un.

Hai trường phái

Từ đó, cho thấy, về căn bản có hai “trường phái” liên quan đến thẩm quyền trong các vấn đề hạch nhân: trường phái kiểu nghị viện, nơi quyết định sử dụng vũ khí hạch nhân không thuộc thẩm quyền của một cá nhân nào và trường phái tổng thống, nơi quyết định thuộc về tổng thống. Trung Quốc và Triều Tiên là những trường hợp ngoại lệ. Trong bối cảnh này, các tác giả tin rằng “quá đơn giản” để khẳng định một cá nhân có thể một mình khởi động một cuộc tấn công hạch nhân. Vẫn còn phải xem xét liệu kết luận của nghiên cứu này có đủ để trấn an những người lo lắng về ý tưởng rằng một nhà lãnh đạo có thể nhấn nút hạch nhân hay không.

Sử dụng vũ khí hạch nhân chống lại kẻ thù là một quyết định có hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, biết ai là người quyết định là rất đáng quan tâm. Theo hai tác giả trên, tất cả các nước có vũ khí hạch nhân, ngoại trừ Triều Tiên, đều là quyết định tập thể. Chuỗi mệnh lệnh và sự tách biệt giữa quyết định và thực thi đã ngăn cản một người đưa ra lựa chọn định mệnh như vậy.

ĐDH(Theo Le Point)