Sắp tới đây, tại thành phố Allen sẽ có một cuộc triển lãm của nhiếp ảnh gia kiêm nhạc sĩ Lê Văn Khoa (sn 1933), nhân dịp ông đến Dallas tham dự chương trình nhạc giao hưởng Việt do dàn nhạc đại hoà tấu Allen Philharmonic và Symphony Chorus trình diễn — như đã nói trong vài bài trước. Trong số này chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả vài tác phẩm trong số ảnh triển lãm.

Thiện và Ác (2007)

Theo dự tính, cuộc triển lãm sẽ bắt đầu vào khoảng một hoặc hai tuần trước đêm nhạc ngày 6 tháng Tư, và có thể kéo dài vài tuần lễ sau đó. Chúng tôi sẽ thông báo với cộng đồng một khi nhận được lịch trình chính thức từ thành phố. Địa điểm triển lãm sẽ là Gallery Blue House Too, 988 Village Green Dr., Allen, Texas.

Mẹ Già (2019)

Các tác phẩm trong cuộc triển lãm lần này có thể phân ra làm ba thể loại. Thứ nhứt là Ảnh Mỹ Thuật (Pictorial Photography), thường được gọi là Ảnh Đẹp. Thứ nhì là Ảnh Biến Đổi (Transforming Photography) tức chụp cái này ra cái khác – như chụp hình người từ vỏ cây trong bức “Thiện và Ác” mà Lê Văn Khoa bắt đầu làm từ thập niên 1960 cho tới nay. Thứ ba là Ảnh Thực Nghiệm (Experimental) tuy đẹp nhưng khó thực hiện. Bức ‘Bến Thuyền’ chụp ở Huế này là một ví dụ.

Bến Thuyền (1963)

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Chụp ở vùng ngoại ô Biên Hoà khi chiến cuộc đang bước vào giai đoạn khốc liệt, tác giả đã dùng các kỹ xảo phòng tối hết sức nhiêu khê để kiến tạo những vòng xoáy nhằm mô tả một cơn lốc. Hình ảnh người phụ nữ cầm chiếc thúng được giữ thật căng nét trong lúc mảnh giấy in ảnh được từ từ xoay xung quanh nàng. Các chi tiết đời thường như bụi chuối và cây lá phía bên trái giúp làm tăng vẻ siêu thực của bức ảnh.

Đi Vào Cơn Lốc (1972)

Lê Văn Khoa kể, khi ông mang bức này đi dự thi nhiếp ảnh ở Mỹ, các giám khảo đã chưng hửng không biết phải làm gì với nó vì không biết nó là cái gì và phải liệt vào thể loại nào. Ông nói để làm nên bức này, ông đã phải dùng vaseline bôi lên mặt, xong lấy giấy in ảnh úp lên mặt mình để tạo ra những vùng sáng tối lồi lõm trên giấy trước khi nhúng vào hoá chất để hiện hình. Làm nhiếp ảnh nghệ thuật vào cái thời chưa có PC hay máy ảnh digital sao mà cực quá!

Thống Khổ (1982)

Tuy không phải là một phóng viên chiến trường, nhưng cơ duyên run rủi đã đưa Lê Văn Khoa đến gần một trận chiến ở Bình Dương. Tấm này được chụp chỉ trong tích tắc, sau một tiếng nổ lớn bất thần làm ông té bò lăn dưới đất. Chưa kịp hoàn hồn thì ông nhìn thấy cảnh này và liền giơ máy lên chụp – một cú duy nhất. Năm 2021, tác giả George Veith đã xin dùng bức này làm bìa cho quyển sách về chiến tranh Việt Nam của ông, tựa là “Drawn Swords In A Distant Land”, sau khi lựa từ vô số hình ảnh khác mà không thấy tấm nào vừa ý.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Đồng Đội (1973)

Chụp trên xa lộ Biên Hoà, Lê Văn Khoa đã sử dụng một kỹ thuật gọi là Phân Sắc Độ (Posterization) để tạo nên các tông màu khác biệt khi in ảnh ra giấy. Đây là một kỹ thuật tương đối xa lạ với giới nhiếp ảnh gia thời đó. Khi dùng posterization người ta thường chỉ phân sắc ra ba tông đen, trắng và xám. Trong bức này, nếu để ý kỹ ta sẽ thấy có đến bốn tông màu khác nhau. Ngoài trắng đen ra, tông xám cũng được chia thành hai lớp đậm và nhạt.

Hồi Nhớ (1974)

Chụp tại một bãi rác ở ngoại ô Sài Gòn trong một buổi săn ảnh cùng vài người bạn, Lê Văn Khoa kể trong khi những người kia không muốn đến gần vì nó hôi thúi quá thì ông vẫn tiến vào. Nhờ đó mà ông bắt gặp một con bồ câu trắng bên cạnh xác răng cưa của chiếc bánh xe tăng. Bức ảnh nói lên mơ ước hoà bình trong một bối cảnh chiến tranh đầy máu me và chết chóc. “Rất tiếc máy ảnh không chụp được mùi,” ông ngậm ngùi nói.

Hoà Bình và Chiến Tranh (1970)