Cựu Đại Tá lực lượng Vệ Binh Quốc Gia và Lục Quân Trừ Bị quân đội Hoa Kỳ Phạm Văn Long hiện làm Quản trị viên cho một hãng bảo hiểm tại Arlington, Texas, nơi ông đang tranh cử chức nghị viên thành phố. Mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn do báo Trẻ thực hiện.

Cựu Đại tá Phạm Văn Long, cùng vợ Phạm Kim Hảo và con gái Kathy Megan Phạm. Ảnh gia đình. 

TRẺ: Anh có thể cho độc giả biết sơ về gia đình mình trước 75? Ngày 30/4 gia đình anh đi rời Việt Nam bằng cách nào?

Phạm Văn Long (PVL): Mến chào quý độc giả báo Trẻ. Long sinh năm1962. Trước 75, ba của Long là Trung tá ngành tiếp liệu cho quân đội VNCH, đóng quân tại Vùng 3. Gia đình của Long cư ngụ tại cư xá Lữ Gia, Sài Gòn. Long học trường Petrus Ký. Ngày 29/4 mẹ và các anh chị em của Long thoát khỏi Việt Nam bằng máy bay. Một tháng sau, gia đình Long gặp lại ba của Long tại trại tị nạn.

TRẺ: Sang Mỹ anh ở trại nào, định cư ở đâu? Anh ở vùng Arlington được bao lâu, lập gia đình từ khi nào?

PVL: Sang Mỹ Long ở trại Fort Chaffee, Arkansas. Sau đó gia đình định cư tại Oklahoma City. Long sống ở Arlington, TX đã gần 17 năm. Năm 1997 Long lập gia đình cùng Phạm Kim Hảo. Vợ chồng Long có một con gái, Kathy Phạm, hiện làm y tá tại bệnh viện Parkland, Dallas.

TRẺ: Trong thời gian phục vụ trong quân đội, anh có những kỷ niệm nào đáng nhớ?

PVL: Kỷ niệm mà Long còn nhớ là khi Long còn là hạ sĩ quan, sau một buổi thực tập rất cực nhọc, Long cùng ba người bạn đang mặc quân phục dính đầy bụi đất, ghé vào một tiệm ăn để ăn tối.  Sau khi ăn xong, khi trả tiền thì Long được cô tiếp viên cho biết là có một thực khách đã trả tiền cho bữa ăn tối của Long và các bạn, kèm theo một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ:  “Thank you for your service.” Chuyện này Long không chỉ gặp một lần mà thôi, nó xảy ra khoảng 3, 4 lần gì đó. Ðiều này cho thấy dân Mỹ rất hiểu và rất quý trọng sự hy sinh của người lính. Nó làm cho Long cảm thấy ấm lòng và hãnh diện mình là một binh sĩ.

Phạm Văn Long (thứ 2 từ trái qua) cùng gia đình Trung tá Phạm Liệu trong trại Fort Chaffee. Ảnh gia đình.

TRẺ: Từ một Thiếu Uý năm 1987, năm 2003 anh được thăng lên Thiếu Tá và tham gia vào chiến dịch Iraqi Freedom. Anh có thể kể sơ về hành trình binh nghiệp và những gì mình học hỏi được trong khoảng thời gian đó? Nó đã giúp gì cho anh trong đời sống thường ngày cũng như trong những công tác phục vụ cộng đồng?

Xem thêm:   75 tuổi NATO

PVL: Long được huy động để hỗ trợ cho hoạt động khởi đầu của chuyến dịch Tự do cho Iraq.  Với tư cách là chỉ huy đại đội, công việc của Long là chịu trách nhiệm huấn luyện các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Quân đội Hoa Kỳ, chuẩn bị cho việc đưa quân sang Iraq và Afghanistan. Long cũng chịu trách nhiệm giúp đỡ, giải quyết các vấn đề cá nhân và gia đình cho các quân nhân để họ yên tâm đi chiến đấu ở nước ngoài.

Trong quân đội Hoa Kỳ, kỷ luật là hàng đầu. Cấp dưới bắt buộc phải tuân lệnh cấp trên. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới.  Nhưng không có nghĩa là các cấp chỉ huy được ăn trên ngồi trước. Ngược lại, trong phòng ăn tập thể của quân đội, các cấp chỉ huy thường là người cuối cùng dùng bữa, sau khi những thuộc cấp của họ đã dùng xong. Trong các buổi tiệc cuối năm như lễ Giáng Sinh, lễ Tạ Ơn v.v. thì các cấp chỉ huy như trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng phải vào nhà bếp phục vụ thức ăn cho các anh em binh sĩ dưới quyền và gia đình của họ.

Là thành viên của quân đội Hoa Kỳ, Long sống theo tín điều của người lính: “ Tôi là một chiến sĩ. Tôi phục vụ người dân và sống theo những giá trị đạo đức trong quân đội.” Long đã áp dụng tín điều này vào cuộc sống hằng ngày cũng như trong công tác phục vụ cộng đồng.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

TRẺ: Anh tham gia vào cộng đồng người Việt Quốc Gia từ khi nào, và có những kinh nghiệm thực tiễn ra sao?

PVL: Long bắt đầu tham gia vào cộng đồng người Việt quốc gia khoảng hai năm nay, khi Long ra vận động tranh cử cho Tổng thống Trump. Long nhận thấy rằng, có rất nhiều các bác cao niên người Việt Nam gặp trở ngại về ngôn ngữ, con cái thì đi làm xa, họ rất cần sự giúp đỡ nhưng họ không biết nhờ vả vào ai.

Long đề nghị cộng đồng nên có những chương trình hỗ trợ giúp đỡ đồng hương Việt Nam như trợ giúp thông dịch, điền đơn để tham gia các chương trình phúc lợi của chính quyền; tìm kiếm và huấn luyện các em trẻ Việt Nam dấn thân phục vụ cộng đồng; làm các công tác thiện nguyện giúp đỡ mọi người v.v.

Từ trái: Thượng sĩ Edward Cook, Thiếu tá Lục quân Darrell Warehime và Trung Uý Long Pham (X) tại Fort Sill, Oklahoma, 1992. Nguồn: Long Pham

TRẺ: Theo anh, cộng đồng NVQG ở Arlington nói riêng, và ở Mỹ nói chung, cần gì nhất hiện nay?

PVL: Thưa anh, thành phố Arlington có nhiều chương trình phúc lợi xã hội dành cho người dân. Tuy nhiên, có rất ít người Việt biết đến những chương trình này, vì những chương trình này không được quảng bá rộng rãi trong cộng đồng Việt Nam. Lý do chính là vì bao năm qua chúng ta không có một dân cử người Mỹ gốc Việt trong chính quyền thành phố Arlington.

Cộng đồng Việt Nam ở Arlington nói riêng và ở Mỹ nói chung cần có những vị dân cử người Mỹ gốc Việt để làm cầu nối giữa chính quyền thành phố với đồng hương Việt Nam, để có tiếng nói đại diện cho người Việt Nam, nhằm đem lại những quyền lợi thiết thực cho người Việt Nam. Và đây là lý do mà Long ra ứng cử chức nghị viên thành phố.

TRẺ: Anh nói muốn thấy tiền thuế không bị lãng phí. Theo anh thành phố nên chú trọng vào những chương trình nào nhất?

PVL: Ðể tiền thuế của người dân không bị lãng phí, Long đề nghị cần phải minh bạch hóa hồ sơ, sổ sách kế toán của thành phố trên website. Nếu thắng cử, Long sẽ hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với lực lượng cảnh sát và lính cứu hỏa để bảo vệ người dân, làm cho thành phố Arlington an toàn hơn và tốt đẹp hơn.

Phạm Văn Long tham gia hoạt động từ thiện, cắt cây cho các cư dân lớn tuổi tại vùng South Arlington, TX. Ảnh: Long Pham.

TRẺ: Anh nói muốn thấy sở học chánh “tăng cường hợp tác giữa phụ huynh và nhà trường”. Anh có nghĩ rằng vấn đề một phần nằm ở phía phụ huynh Việt ít tham gia vào sinh hoạt nhà trường, có thể vì rào cản ngôn ngữ hay lý do nào khác? Nếu đắc cử, anh sẽ đề nghị những biện pháp cụ thể nào để cải thiện tình trạng này?

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

PVL: Phụ huynh Việt rất quan tâm đến việc học của con em mình, nhưng điều nghịch lý là người Việt lại rất ít tham gia vào các sinh hoạt nhà trường của con. Theo Long nghĩ có thể một phần vì lý do ngôn ngữ.

Hiện nay, khu học chánh Arlington có 56 trường tiểu học nhưng chỉ có khoảng trên dưới 10 trường là có giáo viên hoặc phụ giáo nói tiếng Việt. Nếu đắc cử, Long sẽ đề nghị với Sở học chánh Arlington mướn thêm một phụ giáo biết tiếng Việt tại các trường tiểu học có đông học sinh Việt, để thông dịch và giúp đỡ các em học sinh và phụ huynh giao tiếp với nhà trường dễ dàng hơn. Xin nói rõ, muốn làm phụ giáo thì chỉ cần có bằng tốt nghiệp lớp 12 mà thôi.

Ngoài ra, Long cũng sẽ cố gắng vận động quý phụ huynh học sinh Việt tham gia vào các sinh hoạt của nhà trường. Long sẽ giải thích cho họ hiểu rằng con mình học giỏi chưa đủ, các em còn phải tham gia các công tác xã hội, thể dục thể thao để trở thành một người phát triển toàn diện.

Long rất mong được sự ủng hộ của bà con qua lá phiếu. Bầu cử sớm bắt đầu từ 25 tháng 4 đến 3 tháng 5. Ngày bầu cử chính thức là thứ Bảy, ngày 7 tháng 5. Bất cứ cử tri nào sống trong thành phố Arlington đều có thể bỏ phiếu cho Long mà không bị giới hạn số vùng zip code.

Kính chúc quý đồng hương được nhiều sức khỏe, an khang, thịnh vượng. Cảm ơn báo Trẻ đã cho Long cơ hội được trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình.

IB

thực hiện

Website:

https://voteforlongpham.com

Email:

info@voteforlongpham.com