“Nước Non Ngàn Dặm” là một chương trình nhạc giao hưởng do Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam (VHKHVN) tại Houston đứng ra tổ chức cách đây 21 năm. Chương trình lúc đó được coi là có quy mô lớn trong cộng đồng người Việt tại Houston và các vùng phụ cận.

nuoc-non-ngan-dam

Giáo sư Lê Văn Khoa và các thành viên Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam

Năm 1997 “Nước Non Ngàn Dặm” đã quy tụ 28 nhạc công; 12 ban nhạc chuyên nghiệp; một ban hợp xướng 40 ca viên do nhạc trưởng Khánh Hồng và Trần Chúc điều khiển; cùng với các danh ca Anh Ngọc, Kim Tước, Mai Hương, Khánh Hà, Quỳnh Giao. Chương trình lúc đó trình bày các tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ sáng tác như Văn Cao, Vũ Thành, Cung Tiến, Phạm Duy, Từ Công Phụng… Tất cả 20 bài hát của các nhạc sĩ trên đã được GS Lê Văn Khoa soạn phần hòa âm. Ðược sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả Houston, chương trình nhạc giao hưởng “Nước Non Ngàn Dặm” đã thành công vô cùng tốt đẹp với hơn 1,500 khán giả tham dự và đạt được một tiếng vang đáng kể. Thành tựu của “Nước Non Ngàn Dặm” là do công sức của Hội VHKHVN. Nhưng không chỉ tổ chức một chương trình “Nước Non Ngàn Dặm”, trong những năm sau đó Hội còn thực hiện nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật khác có tầm vóc giá trị cả về nghệ thuật lẫn thành phần trình diễn. Như chương trình “Dòng Sông Ðịnh Mệnh” để vinh danh nhà văn Doãn Quốc Sĩ, “Thu Ấm Hương Ðời” vinh danh nhạc sĩ Cung Tiến, “Trên Ngọn Tình Sầu” vinh danh nhà thơ Du Tử Lê…

nuoc-non-ngan-dam5

Linh Mục-Bác sĩ Phạm Hữu Tâm, trưởng ban tổ chức chương trình Nước Non Ngàn Dặm II

Nhiều năm sau, mặc dù được nhiều thân hữu khuyến khích nhưng Hội VHKHVN đã không tổ chức thêm một chương trình nào giống như “Nước Non Ngàn Dặm” nữa, mãi cho đến năm 2017, khi GS Lê Văn Khoa về Houston tổ chức một cuộc triển lãm ảnh. Có dịp gặp lại các thành viên Hội VHKHVN ngày xưa, ông trình bày ao ước muốn thực hiện  một chương trình nhạc giao hưởng Việt Nam “để đời”, và ông chọn thành phố Houston để thực hiện chương trình này. Sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận, Hội quyết định gây quỹ thực hiện một chương trình hòa nhạc tên là “Nước Non Ngàn Dặm II” (“Nước Non Ngàn Dặm” năm 1997 trở thành “Nước Non Ngàn Dặm I”) nhằm cống hiến cộng đồng một chương trình ca nhạc tầm vóc quốc tế, chưa từng thấy trên sân khấu người Việt hải ngoại. Ðồng thời chương trình sẽ giới thiệu với người bản xứ sắc thái độc đáo của các ca khúc và dân ca Việt được trình bày với dàn nhạc giao hưởng Tây phương.

nuoc-non-ngan-dam4

Bà Nguyễn Phước Anh Lan, đại diện Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam phát biểu tại buổi gây quỹ

“Nước Non Ngàn Dặm II” sẽ gồm có các sáng tác bất hủ của các nhạc sĩ Việt Nam là Phạm Duy, Văn Cao, Lê Văn Khoa, Lê Thương, Cung Tiến, Phạm Ðình Chương, Nguyễn Văn Ðông, Ðan Thọ, và những bản dân ca đặc sắc của ba miền đất nước. Tất cả sẽ được GS Lê Văn Khoa soạn hòa âm. Thành phần trình diễn bao gồm dàn nhạc giao hưởng Houston Symphony với 80 nhạc công; một số ca sĩ Việt như Teresa Mai, Bích Vân, Thiên Tôn; một ban hợp xướng với 86 ca viên; ca đoàn Chân Lý thuộc dòng nữ tu Ða Minh và các nam tu sĩ với 40 ca viên. Các ban hợp xướng này hiện đang tập dượt với nhau hàng tuần từ nhiều tháng qua. “Nước Non Ngàn Dặm II” là một chương trình có thể nói vĩ đại hơn, quy mô hơn “Nước Non Ngàn Dặm I”.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

“Nước Non Ngàn Dặm II” sẽ ra mắt khán giả một đêm duy nhất vào ngày 11/11/2018 tại Dunham Theater, Baptist University (7502 Fondren Rd). Ðây sẽ là chương trình giao hưởng nhạc Việt lớn nhất từ xưa tới nay, trong cũng như ngoài nước. Ðặc biệt sẽ có một nghệ sĩ đến từ Ukraine sử dụng nhạc cụ dân tộc là đàn Bandura để trình diễn nhạc Việt Nam. Ngoài ra nữ nhạc sĩ Hải Yến sẽ biểu diễn nhạc cụ dân tộc là đàn T’rưng và đàn tranh.

nuoc-non-ngan-dam2

Giáo sư Lê Văn Khoa và đại diện văn phòng dân biểu Al Green, bà Catherine Le, trong buổi gây quỹ

“Nước Non Ngàn Dặm II” còn là dịp để vinh danh giáo sư, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa – người đã tận tụy phục vụ cho nghệ thuật Việt Nam suốt hơn 60 năm qua. Phát biểu trong buổi gây quỹ tổ chức chương trình “Nước Non Ngàn Dặm II” tại nhà hàng Kim Sơn, GS Lê Văn Khoa đã nhận định về việc tổ chức những chương trình biểu diễn âm nhạc Việt:

“Từ nhỏ tôi đã nghĩ làm sao để làm đẹp cho quê hương mình, nhưng chưa biết phải làm sao, vì có quá nhiều cái phải làm. Cái ý muốn của tôi là làm sao cho thế giới biết đến Việt Nam, và tôi nghĩ tôi đã làm được một vài việc này từ trước 1975, chắc chắn không ai biết. Khi đó tôi đã yểm trợ Bộ Giáo Dục, bộ Ngoại Giao… để đi triển lãm ảnh tại các nước. Người ta phải thấy người ta mới cảm thông được với mình. Về âm nhạc, khi tôi chiếm giải thưởng về sáng tác nhạc lần đầu tiên năm 1953, phần lớn những người biết tôi họ khuyến khích tôi phải sáng tác thêm nữa; nhưng tôi nghĩ khác, rằng ca khúc Việt đã có nhiều quá rồi, mà âm nhạc không phải chỉ có ca khúc; đối với âm nhạc thế giới thì rất mênh mông. Bây giờ làm sao chúng ta nâng âm nhạc của chúng ta lên để được đứng ngang hàng với thế giới thì người ta mới nói chuyện với mình. Mình nói ngôn ngữ người ta không hiểu thì khó để cảm thông với nhau, trong khi âm nhạc cũng như một thứ ngôn ngữ, nó có ý nghĩa trong âm thanh. Chúng ta nghe âm thanh, sự rung động của âm thanh đem đối chiếu với sự rung động của màu sắc với con người, đem sự ảnh hưởng của âm thanh vào lòng con người, để mà đối chiếu lại lòng người khi nhìn một bức tranh. Tất cả những điều đó đều có một mối liên hệ. Với ý niệm hết sức đơn sơ của tôi là người ta có hiểu mình người ta mới giúp mình; vậy nên, chúng ta phải tiếp tục dùng âm nhạc để nói chuyện với mọi người. Bây giờ ở đây chúng ta có nhiều người, thì có thể làm được nhiều việc, các bạn có thể tiếp tôi để hướng dẫn cho các thế hệ tương lai, để yểm trợ cho thế hệ tương lai, và thế hệ tương lai đó sẽ làm được nhiều việc hơn thế hệ của chúng ta!”

nuoc-non-ngan-dam3

Các Mạnh thường quân của chương trình Nước Non Ngàn Dặm II

Ðược hỏi về mục đích tham gia tổ chức chương trình “Nước Non Ngàn Dặm II”, Linh mục – Bác sĩ Phạm Hữu Tâm, Trưởng ban tổ chức, nói:

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

“Dù không phải là thành viên của Hội VHKHVN, nhưng tôi tham gia tổ chức chương trình “Nước Non Ngàn Dặm II” vì lâu nay tôi rất mến mộ những công việc làm của anh chị em trong Hội VHKHVN. Hội đã làm được rất nhiều việc, như quy tụ được giới trẻ Việt Nam, tổ chức những hoạt động văn hóa, để phát triển văn hóa Việt Nam, cũng như khuyến khích những người tham gia vào văn hóa Việt Nam… Cho nên khi làm việc với Hội chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng của tất cả anh chị em ở trong Hội. Ðồng thời tôi cũng cảm kích quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật của GS Lê Văn Khoa. Ngoài tài năng ông còn có một tâm tình rất Việt; lúc nào ông cũng muốn khuyến khích giới trẻ Việt Nam tham gia vào những chương trình văn hóa Việt, luôn tạo điều kiện cho nền âm nhạc Việt Nam, cũng như nghệ thuật Việt Nam có thể vươn ra thế giới. Vì thế chương trình ‘Nước Non Ngàn Dặm II’, ngoài việc để cộng đồng Việt chúng ta thưởng thức được một khía cạnh khác của âm nhạc Việt Nam, còn cho phép chúng ta giới thiệu âm nhạc Việt đến các cộng đồng bạn.”

nuoc-non-ngan-dam1

Giáo sư Lê Văn Khoa và Nhạc sĩ Viễn Phương, người điều khiển ban hợp xướng của các ca đoàn tham gia trong Nước Non Ngàn Dặm II

HNS