Một trăm năm trước, siêu vi khuẩn H1N1 đã bất thần xen vào chính trị và chiến tranh, biến đổi diện mạo lịch sử và dẫn đến những hậu quả không ngờ, kể cả cho người Việt chúng ta.

Hội nghị Hoà bình khai mạc tại Quai d’Orsay, Paris ngày 20/1/1929. Nguồn: Internet.     

Vào đầu thế kỷ thứ 20, Việt Nam đang bị Pháp đô hộ. Ở Âu Châu tình hình địa chính trị rối ren. Các đế quốc giành giựt cấu xé lẫn nhau dẫn đến cuộc đại chiến. 80,000 người Việt bị đưa sang tận trời Tây để đánh giặc cho mẫu quốc. Hoa Kỳ ban đầu đứng ngoài vòng chiến, đến mùa Xuân năm 1917 Tổng thống Woodrow Wilson mới quyết định đưa Mỹ nhảy vào.

Khi chiến tranh nổ ra tại Âu Châu năm 1914, công luận ở Mỹ đa số không ủng hộ Hoa Kỳ tham chiến. Nhưng không vì vậy mà Mỹ không tham gia. Thực chất lúc ấy các công ty Mỹ đang hái ra tiền nhờ cung cấp hàng hoá và vật liệu chiến tranh cho Âu Châu. Tổng sản lượng quốc gia và xuất cảng tăng vọt trong thời điểm 1914-1917. Ngoài ra các ngân hàng lớn của Mỹ còn cho Anh Pháp vay nợ rất nhiều, trên 50 tỉ đô tính theo thời giá ngày nay. Vì vậy khi Ðức bắt đầu thắng thế và có khả năng thôn tính các nước Nam Mỹ, cộng thêm việc Ðức chiêu dụ Mễ Tây Cơ nhập cuộc, Hoa Kỳ bắt buộc phải phản pháo để bảo vệ quyền lợi cũng như vốn của mình.

Tứ đại cường quốc tại nhà riêng của TT Wilson ở Paris, từ trái: Thủ tướng Ý Vittorio Orlando; Thủ tướng Anh David Lloyd George; Thủ tướng Pháp George Clemenceau; Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, tháng 6/1919. Nguồn: Bettman Archives

Sang đến năm 1918 thì phe Liên Minh (Anh-Pháp-Mỹ-Nga) đã áp đảo phe Trung Tâm (Ðức-Áo-Hung). Mùa Thu 1918 các nước trong khối Trung Tâm lần lượt đầu hàng, bắt đầu từ Bulgaria sang Ottoman, Áo, Hung… Ðến tháng 11 thì Ðức cũng chấp nhận đầu hàng, tuy vẫn sót lại một vài trận đánh lẻ tẻ. Nhưng ngay khi thế chiến sắp sửa chấm dứt thì thế giới lại rơi vào một cơn đại dịch với sức giết người còn ghê gớm hơn súng đạn — Spanish Flu, cúm Tây Ban Nha. Dẫu vậy, chính quyền Wilson không muốn đả động đến dịch bệnh vì, theo lời kể của sử gia John Barry, “Tổng thống sợ dân chúng bị phân tâm, lo lắng trong lúc có chiến tranh,” ngay cả sau khi con gái ông và một số nhân viên Mật Vụ bị lây nhiễm.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Ðể chuẩn bị cho một thế giới hậu chiến tranh, TT Wilson cho thành lập một uỷ ban gồm khoảng 150 chuyên gia có nhiệm vụ phân tích mọi khía cạnh của cuộc chiến và đề nghị một số giải pháp sau khi ngưng bắn. Bắt đầu làm việc từ tháng 9 năm 1917, uỷ ban này đã đưa ra một bản báo cáo được Tổng thống dùng cho bài diễn thuyết “14 Ðiểm” của ông trước Quốc Hội vào tháng Giêng 1919. Trên hết, ông kêu gọi các nước Âu Châu huỷ bỏ các hiệp ước bí mật và đề nghị thành lập một tổ chức liên quốc gia để công khai thảo luận và thương lượng các mâu thuẫn địa chính trị. Ðó là tiền thân của Liên Hiệp Quốc sau này. Ngoài ra ông cũng kêu gọi những cường quốc trả tự do cho thuộc địa của họ, mở mang mậu dịch và kiến tạo thể chế dân chủ tại các nước đó.

Luật sư Phan Văn Trường. Nguồn: Wikimedia

Ðầu năm 1919 Tổng thống Wilson sang Pháp tham dự Hội nghị Hoà bình, mang theo bản kiến nghị “14 Ðiểm”. Anh quốc nghiêng về phía Hoa Kỳ và chấp nhận đa số các điều khoản của Mỹ. Còn Pháp thì chống lại việc trao tự do cho các thuộc địa như Algerie, Việt Nam… Tổng thống Wilson và Thủ tướng Clemenceau của Pháp đã có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa bất phân thắng bại về vấn đề này.

Trước khi thế chiến xảy ra, tại Paris có một nhóm người Việt tên là Hội Ðồng Bào Thân Ái do luật sư Phan Văn Trường cầm đầu. Luật sư Trường là người soạn bài “Thỉnh nguyện thư người bản xứ” vào đầu năm 1914, đòi hỏi quyền tự chủ cho đất nước. Khi đại chiến bùng nổ ông phải nhập ngũ. Hai tháng sau ông bị chính phủ Pháp bắt giam và bị kết tội xúi giục sinh viên nổi loạn vì những bài viết của ông trước đó. Bạn của ông là Phan Chu Trinh cũng bị bắt vào thời điểm này. Họ ở tù gần một năm. Ra tù, Phan Chu Trinh xoay qua học nghề rửa ảnh; Phan Văn Trường làm thông dịch cho lính và thợ Việt ở Toulouse, nơi Nguyễn Thế Truyền đang học kỹ sư. Năm 1918, Nguyễn An Ninh từ Việt Nam sang Sorbonne học luật. Tháng 5, 1919 Nguyễn Tất Thành cũng đến Paris từ London. Nhóm người mệnh danh ‘Nguyễn Ái Quốc’ này hình thành trong những ngày tháng các cường quốc Tây Phương đang họp bàn chấm dứt chiến tranh tại hội nghị Versailles. Họ muốn lợi dụng cơ hội hy hữu này để vận động giành chủ quyền cho đất nước.

Chí sĩ Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Duật tại Pháp. Nguồn: Internet.

Là gương mặt trẻ nhất nhóm và chưa bị cảnh sát theo dõi gắt gao, Tất Thành có nhiệm vụ tham dự các cuộc hội thảo trong vai trò quan sát viên. Tháng 6, 1919, Thành trao cho đại diện các quốc gia có mặt, kể cả những nước nhỏ như Nicaragua, bức ‘Thỉnh Nguyện Thư của người An Nam’ (Revendications du Peuple Annamite) do Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh biên soạn, đồng ký tên ‘Nguyễn Ái Quấc’. Ðại diện của Hoa Kỳ cũng nhận được một bản. Ta không biết Tổng thống Wilson có đọc bức thư ấy hay không, nhưng chắc chắn một điều là ông không có hồi âm. Ta cũng biết khi ấy Tổng thống không còn khoẻ mạnh vì bản thân ông đã nhiễm dịch hai tháng trước đó.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Y sĩ riêng của Tổng thống, Cary Grayson, về sau kể lại rằng ngoài những triệu chứng thông thường của người bị bệnh dịch, não trạng của Tổng thống bị suy thoái một cách kỳ lạ. Ông có những cử chỉ bất thường, hay than phiền vô cớ về những điều hoang tưởng, và còn cho là bị điệp viên Pháp theo dõi mọi nơi. Trong các cuộc họp của Tứ đại Cường quốc (Anh-Pháp-Mỹ-Ý), ông thường phải kiếu đi nghỉ sớm. Chỉ hai tuần lễ sau khi nhiễm dịch, do đuối sức và mệt mỏi Tổng thống Wilson bắt đầu nhượng bộ trước những điều kiện khó khăn của Anh và Pháp về việc bắt Ðức bồi thường chiến tranh và việc giữ nguyên trạng các nước thuộc địa.

Bên ngoài căn phòng trong điện Versailles nơi bản Hiệp ước được ký kết, ngày 28/6/1919. Nguồn: history.net

Tháng 6, 1919 Hiệp ước Versailles được ký kết với nhiều điều khoản trái ngược giải pháp “14 Ðiểm” của Woodrow Wilson. Hậu quả tai hại của nó là Pháp chiếm vùng Alsace-Lorraine của Ðức; kinh tế và xã hội Ðức rơi vào khủng hoảng vì không trả nổi nợ; nhà độc tài mị dân Adolf Hitler với chủ nghĩa dân tộc Aryan thượng tôn cực đoan lên nắm chính quyền, dẫn đến thế chiến một lần nữa. Trong khi đó thì các nước thuộc địa như Việt Nam đánh mất cơ hội giành quyền tự chủ bằng giải pháp hoà bình. Chiến tranh Ðông Dương là hệ quả tất yếu.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Tổng thống Wilson rồi cũng được chữa hết bệnh cúm nhưng không còn khoẻ mạnh như trước. Là người làm việc không biết mệt, tháng 10 năm 1919 ông bị đột quỵ khiến nửa người bên trái bị liệt và mù một mắt. Kể từ đó vợ ông là bà Edith Wilson bí mật làm thay chồng các công việc của Tổng thống cho đến ngày ông chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai của mình vào tháng 3, 1921. Báo chí thời bấy giờ biết rất sơ sài về bệnh tình của Tổng thống vì Bạch Cung giấu kỹ, nhất là về vai trò cực lớn của bà Edith Wilson trong thời gian Tổng thống bị bán thân bất toại. Mỹ đã có người phụ nữ đầu tiên làm công việc của tổng thống, tuy không được ai chính thức công nhận.

Sử gia sau này nhiều người đặt câu hỏi, nếu như Tổng thống Mỹ không nhiễm dịch tại Paris, bàn cờ chính trị thế giới sẽ xoay chuyển như thế nào? Thế giới có phải nếm trải thêm một cuộc đại chiến để giải quyết các vấn đề địa chính trị tồn đọng sau Versailles? Các dân tộc nhược tiểu tại những nước như Việt Nam, Algerie có phải hứng chịu thêm nhiều thập niên chiến tranh?

Nguyễn Tất Thành lộ nguyên hình tại một cuộc họp chi bộ đảng Cộng sản Pháp năm 1920. Nguồn: Internet.

IB