Memorial Day thường là dịp người dân Mỹ nghỉ ngơi, đi chơi, picnic. Nhiều nơi tổ chức âm nhạc ngoài trời hay parade. Năm nay vì đại dịch nhiều sinh hoạt đã bị cúp. Nhưng hy vọng người ta vẫn có thời gian để viếng nghĩa trang và đặt hoa cho người nằm xuống.

Mary McHugh khóc người yêu tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, 27/5/2007. ảnh: john moore

Tự ngàn xưa con người đã có tục lệ truy điệu chiến sĩ trận vong. Ở Hy Lạp, sau mỗi trận đánh người dân thành Athens đều tổ chức một buổi lễ tưởng niệm người chết trước khi chôn cất họ tại nghĩa trang quốc gia Kerameikos. Sử sách ghi, năm 431 BC, sau cuộc chiến Peloponnesian, danh tướng Hy Lạp Pericles đã đọc một bài điếu văn được xem là một tuyệt tác không thua gì Gettysburg Address của Tổng thống Abraham Lincoln.

Trong những năm Nội Chiến Mỹ (1860-1865) một số phụ nữ vẫn thường hay mang hoa đến trang hoàng các nấm mồ tử sĩ. Ðầu tháng Năm 1865, chỉ vài tuần lễ sau khi chiến tranh chấm dứt, một buổi truy niệm lạ thường đã diễn ra tại South Carolina. Hơn 1,000 người nô lệ vừa được tự do đã làm lễ chiêu hồn cho 250 tù binh miền Bắc chết trong một trại tù dã chiến gần Charleston được xây lên từ một trường đua ngựa. Một số sử gia gọi đây là lễ Memorial đầu tiên, nhưng thành phố tổ chức lễ truy niệm thường niên sớm nhất là Waterloo, New York.

Chuyện kể, vào một ngày đầu Xuân năm 1865, dược sĩ Henry C. Welles nhìn ra cửa sổ và thấy một goá phụ đơn độc đặt một chiếc hoa lên ngôi mộ người chồng chết trận. Hình ảnh xúc động ấy khiến ông nảy ra ý nghĩ tổ chức một buổi lễ tưởng niệm hàng năm. Dân làng đồng lòng hưởng ứng. Mùa Xuân 1866, lễ truy niệm chiến sĩ trận vong đã diễn ra tại Waterloo và trở thành một truyền thống của làng. Ðúng 100 năm sau, Tổng thống Lyndon Johnson chính thức tuyên bố Waterloo là nơi sinh ngày lễ Memorial Day.

Xem thêm:   Tranh cãi...

Lần đầu tiên toàn nước Mỹ có một ngày lễ chính thức cho chiến sĩ trận vong là năm 1868. Ðại tướng John Logan, tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, là người chọn ngày 30 tháng 5 và gọi nó là Decoration Day — ngày đặt hoa trên các ngôi mộ. Ý tưởng này có lẽ đến từ những người phụ nữ. Trước đó hai năm, hội phụ nữ Ladies Memorial Association ở Columbus, Georgia, ra nghị quyết tổ chức lễ truy niệm tử sĩ hai miền vào ngày 25 tháng Tư, 1866. Vợ của tướng Logan, vào tháng 3 năm 1868, viếng thăm Richmond, thủ đô của miền Nam thời chiến, và kể lại cho chồng mình nghe về những ngôi mộ tử sĩ không ai chăm nom. Trong nghị lệnh số 11 ban hành ít ngày sau đó, tướng Logan viết “Mục đích của ngày 30/5 là để mang hoa hay đến trang hoàng các ngôi mộ của các chiến hữu vị quốc vong thân, thân xác của họ giờ đang rải rác khắp mọi làng xã thị thành.”

Tổng tư lệnh John Logan, vợ Mary, con trai John Jr. và con gái Dolly. nguồn: Internet

Ngày 30/5/1868, tại nghĩa trang quốc gia Arlington National Cemetery, một buổi lễ long trọng với gần 5,000 người tham dự đã diễn ra. Trẻ em, trong số đó có nhiều em mồ côi, đã đến đặt hoa lên các ngôi mộ của các binh sĩ Union và Confederate đã bỏ mình trong cuộc chiến.

Khắp nước Mỹ hầu như tiểu bang nào cũng tổ chức lễ Decoration Day tương tự. Tuy nhiên tại miền Nam một số tiểu bang lại chọn ngày khác để làm lễ và gọi nó là Confederate Memorial Day. Cho đến năm 2020 vẫn còn 7 tiểu bang miền Nam không tổ chức chiến sĩ trận vong cùng ngày với cả nước: Texas (19/1); Florida (26/4); Mississippi, Alabama, Georgia (27/4); North & South Carolina (10/5).

Khi Ðệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, Memorial được biến thành ngày lễ chung cho tất cả các cuộc chiến — Spanish-American War, Ðệ Nhị Thế Chiến, Chiến tranh Triều Tiên… Năm 1968, khi chiến cuộc tại Việt Nam đang vào hồi nóng bỏng, Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành một đạo luật tên là Uniform Monday Holiday, chọn ngày Thứ Hai cho một số ngày lễ lớn trong năm để người dân có được 3 ngày cuối tuần nghỉ ngơi. Theo đó, Memorial Day được dời từ 30 tháng 5 sang ngày thứ Hai của tuần lễ cuối trong tháng.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Từ đó Memorial Day Weekend không chỉ để tưởng niệm chiến sĩ trận vong mà còn là dịp cho người Mỹ đi cắm trại, du lịch, picnic, nướng BBQ… Theo mô hình kinh tế thị trường, hàng quán, chợ búa khắp nước bắt đầu có Memorial Day Sale. Dần dà ý nghĩa của ngày lễ nghiêm trang này bị mai một ít nhiều.

Tranh minh họa Decoration Day thập niên 1870 nguồn: Bella landauer collection

Thuở sinh thời Thượng nghị sĩ Daniel Inouye (1924-2012) của Hawaii năm nào cũng đề xuất một dự luật cho dời Memorial Day trở lại ngày 30 tháng 5, nhưng không thành công. Xuất thân là một sĩ quan trong Ðệ II Thế Chiến, ông Inouye từng bị mất cánh tay phải do lựu đạn. Cho đến năm cuối trong Thượng Viện (2010) ông vẫn cố đưa dự luật Memorial Day của mình ra bàn thảo, chỉ để nhìn thấy nó thất bại. Nhưng, như câu thành ngữ mà danh tướng McArthur nói với Quốc Hội năm 1951 trước khi ông về hưu: “Old soldiers never die, they simply fade away” — người lính già không bao giờ chết, họ chỉ âm thầm biến vào hư vô…

Thế còn người lính già Việt Nam thì sao? Tiếng súng đã dứt hơn 45 năm, nhưng người Việt vẫn chưa được có một ngày lễ chiến sĩ trận vong đúng nghĩa. Người miền Nam cho tới bây giờ vẫn chưa được phép truy điệu tử sĩ của họ. Nhiều năm trời không ai được vào thăm viếng hay chăm sóc Nghĩa Trang Quân Ðội ở Biên Hoà. Chỉ khoảng vài năm trở lại đây mới thấy nhà cầm quyền có vẻ dễ dãi hơn một tí, kể từ khi Ðại sứ Ted Osius của chính phủ Obama đến thắp hương tại Nghĩa Dũng Ðài.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Nhưng giống như những hội phụ nữ ở miền Nam nước Mỹ thuở xưa, một số người dân Sài Gòn vẫn âm thầm lặng lẽ đến Nghĩa Trang Biên Hoà dọn cỏ, tảo mộ cho các anh. Người viết nghe kể thỉnh thoảng họ vẫn bị công an theo dõi hay bảo vệ làm khó dễ, cứ như người chết có thể đội mồ sống dậy lật đổ chế độ không bằng. Nhà nước cộng sản hay hô hào hoà hợp hoà giải, nhưng một việc đơn giản như tưởng niệm người chết họ còn không làm được, thử hỏi làm sao hoà giải giữa người sống?

Từ trái: Đại Tá Tôn Thất Tuấn, Tùy viên quân sự; Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự tại Sài Gòn; Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ; ông Nguyễn Đạc Thành, chủ tịch Hội VAF, dâng hương trước Nghĩa Dũng Đài ngày 27 tháng 10, 2017. (Hình: Facebook Consul General Mary Tarnowka)

Bài học Decoration Day của người Mỹ tuy đơn giản nhưng xem ra vẫn còn quá khó cho dân ta bắt chước. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, hàng năm cứ đến ngày 30/4 hồ chừng cái hố cách ngăn giữa người Việt lại bị đào rộng ra thêm, những vết thương lại bị khoét sâu hơn.

Lẽ ra nó phải là ngày mọi người Việt, trong cũng như ngoài nước, ngừng mọi công việc để hướng lòng về những ngôi mộ lạnh không người chăm sóc. Lẽ ra nó phải là ngày học sinh được đem hoa đến trang hoàng các khu nghĩa trang khắp mọi miền đất nước, để hy vọng qua đó các em sẽ học được bài học quý giá về những hy sinh và mất mát của chiến tranh.

Nếu chúng ta thật sự muốn có hoà hợp hoà giải thì ngày 30/4 nên được xem như một ngày Memorial Day — một ngày quốc tang, chứ không phải dịp để mở yến tiệc vui chơi trên vết thương chưa lành của lịch sử hay trên cơn đau chưa nguôi của dân tộc.

Nó phải là ngày cho những người lính già của hai bên, kể cả thương phế binh và cựu tù, có dịp ngồi lại để tâm sự và chia sẻ câu chuyện đời lính — trước khi tất cả biến vào hư vô.

IB