Tây Ban Nha đã đoạt cúp vô địch World Cup Nữ 2023 trước một đội Anh sừng sỏ. Tuy tỉ-số chỉ là 1-0, nhưng tất cả mọi người, từ bình luận gia chuyên nghiệp cho đến những kẻ lâu lâu mới coi đá banh một lần đều phải công nhận: Spain chuyền banh quá đẹp, đá quá hay và thắng xứng đáng.

Salma Paralluelo (19 tuổi) người được trao giải Cầu Thủ Trẻ Xuất Sắc Nhất sau trận chung kết. (Abbie Parr/AP)       

Một bức ảnh ấn tượng trước trận chung kết. Thủ quân hai đội trao đổi cờ kỷ niệm. Bên trái là Olga Carmona của Spain, cao chỉ 1m60, nặng 51kg. Bên phải là Millie Bright của Anh, cao 1m78, nặng 76kg. Olga là người ghi bàn duy nhất trong trận thắng đối thủ nặng ký gấp rưỡi mình. Thật đúng với câu “nhỏ nhưng có võ!”

(Nguồn: FIFA)

Đội banh Á Châu xuất sắc nhất của giải không ai khác hơn Nhật Bản. Với lối đá “chuyền banh, giữ bóng” không khác gì mấy đối thủ của mình là Spain, Nhật đã gây sốc khi hạ thủ Olga Carmona (phải) và đồng đội của cô 4-0 trong trận cuối ở Vòng Bảng. Chiều cao trung bình của đội Nhật chỉ có 1m64, thua cả Spain 1m67. Chứng tỏ trong đá banh thể tạng chưa chắc là yếu tố quyết định mà còn cần đến chiến thuật và kỹ thuật. Nhật và Spain có cả hai nên coi họ đá rất đã mắt. Rất tiếc Nhật bị loại bởi Thuỵ Điển trong trận tứ kết.

(Amanda Perobelli/Reuters)

Trong số 8 quốc gia lần đầu tiên được tham dự World Cup Nữ, đáng chú ý nhất là đội Phi-Luật-Tân với 18/23 cầu thủ sinh ở Mỹ. Toàn đội chỉ có một cầu thủ duy nhất sinh ở Phi, bốn người kia đến từ Canada và Âu Châu. Có người nói đùa đội tuyển Phi là đội phòng bị của Team USA. Dẫu vậy, phải cho điểm Phi đã hạ đội chủ nhà New Zealand 1-0 và sốc cả thế giới. Ít có đội nào vào World Cup lần đầu mà thắng cả. Nhật thua trắng 0-12 trong giải ra mắt năm 1991. New Zealand phải đá 16 trận mới thắng được trận đầu năm nay trên sân nhà.

Cầu thủ Mỹ gốc Phi Luật Tân Sarina Bolden sau bàn ghi điểm đầu tiên cho đội Phi. (Amanda Perobelli/Reuters)

Một đội Á Châu đáng chú ý khác là Việt Nam (dĩ nhiên!) Đúng theo dự đoán, Việt Nam thua cả ba trận trong Bảng E gồm có Mỹ, Hoà Lan và Bồ Đào Nha, với tỉ số tổng cộng là 0-12 (giống như Nhật trong lần ra quân đầu tiên). Nhưng xem đội Việt Nam đá banh ta khó thể tưởng tượng họ sẽ thắng cúp vô địch trong vòng 20 năm như Nhật đã làm năm 2011. Theo dõi báo chí trong nước ta lại càng cảm thấy bi quan khi nghe nhiều người tung hô trận mở màn thua Mỹ 0-3 như một chiến tích đáng tự hào. Với tư duy “nổ bạo” ấy còn lâu Việt Nam mới trở lại được WC lần thứ nhì chứ ở đó mà mơ “Việt Nam vô địch!”

Trần thị Thu Thảo (17) và Dương thị Vân (16) sau trận thua Hoà Lan 0-7 (Alessandra Tarantino/AP

Trong thể thao, lợi thế sân nhà là điều có thật. Bằng chứng là New Zealand đã thắng được trận banh đầu tiên sau 5 mùa tham dự World Cup. Nước đồng chủ nhà là Úc cũng lập thành tích vào được đến bán kết lần đầu trong lịch sử nhờ thắng gã khổng lồ Pháp trong trận tứ kết đầy kịch tính. Có thể nói đó là trận banh căng thẳng nhất của giải, khi hai đội huề 0-0 sau 120 phút và phải đá cả 10 trái penalty mới có kết quả 7-6. Pháp thua đau, nhưng dân Úc bỗng dưng phát hiện bóng đá nữ coi vậy mà cũng hào hứng không kém gì… cricket!

Mary Fowler chặn banh giữa hai cầu thủ Pháp; Fowler là người gốc thổ dân Aboriginal đầu tiên đá trong World Cup. (Justin Setterfield/Getty)

Nhiều người thắc mắc không biết sau lần ra mắt World Cup này Việt Nam có rút tỉa được bài học nào hay không. Theo sự nhận xét cá nhân, Việt Nam trước hết cần học tính khiêm nhường. Ra đến sân chơi lớn mới biết thiên hạ giỏi hơn mình đến cỡ nào. Thứ nhì, nên bắt chước những đội nhỏ con như Spain hay Nhật. Lối đá chuyền banh ngắn nhưng liên tục của họ là cách hay nhất để đối phó với những địch thủ to cao. Và thứ ba là nên học kiên nhẫn. Thành công đòi hỏi sự đào luyện và đầu tư bền bỉ với mục tiêu chiến lược đường dài chứ không bao giờ xảy ra qua một đêm.

Cầu thủ New Zealand vô cùng mừng rỡ sau khi thắng Norway 1-0, chiến thắng đầu tiên cho đất nước kể từ mùa World Cup 1991. (Nguồn: FIFA)

Bài học thứ tư cho Việt Nam, và có lẽ cũng cho người dân nhiều nước khác, là bớt xả rác. Trong ảnh là một khán giả Nhật sau trận tứ kết với Thuỵ Điển. Tuy đội nhà thua 1-2 và bị loại, song người này vẫn tiếp tục truyền thống cực đẹp của họ là đi lượm rác trên khán đài. Thay vì mang hình lãnh tụ vào sân thì người Nhật mang theo các túi ny lông màu xanh tượng trưng cho sắc áo của đội tuyển quốc gia. Tinh thần yêu nước đi đôi với ý thức bảo vệ môi sinh là điều ta cần học hỏi và bắt chước.

(Hanna MacKay/Reuters)