Nếu người Việt miền Nam chúng ta có ngày Quốc Hận 30/4, thì người Palestine có al-Nakba – ngày tưởng niệm cơn Đại Nạn mất nước của họ.

Dân Palestine rời bỏ khu làng ở Haifa năm 1948. Nguồn: Corbis 

Trước Ðệ Nhất Thế Chiến (1914-1919), đế chế Ottoman của người Thổ bao gồm cả vùng đất gọi là Levant, nơi cư ngụ các dân tộc  Syria, Lebanon, Jordan và Palestine. Ottoman Empire là một đế quốc hùng mạnh có từ thế kỷ thứ 14. Người Ottoman lãnh đạo khối Hồi giáo tại miền Trung Ðông về mọi mặt – quân sự, kinh tế, văn hoá v.v. Trước khi đại chiến bùng nổ, Ottoman bắt tay với Ðức và Áo-Hung để lập khối Trung Quyền chống lại phe Ðồng Minh chủ yếu là Anh, Pháp, Nga (sau có thêm Mỹ).

Sau chiến tranh, đế quốc Ottoman bị phe Ðồng Minh chia năm xẻ bảy. Hiệp hội các quốc gia mang tên League of Nations (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) uỷ thác cho Pháp quyền cai quản Syria và Lebanon, và giao cho Anh hai xứ Mesopotamia (Iraq) và Palestine. Tình trạng đó kéo dài cho đến khi Ðệ Nhị Thế Chiến xảy ra (1939-1945). Trong khoảng thời gian 20 năm đó, phong trào đòi tự chủ rộ lên khắp nơi, kể cả ở Việt Nam. Các xứ Ả Rập cũng không ngoại lệ.

Nhưng riêng tại vùng đất của người Palestine thì từ nhiều thập niên trước đó những người Do Thái thuộc phong trào Zionist đã vận động với cộng đồng quốc tế, nhất là ở Anh, giúp họ thành lập một tân quốc nơi đây. Họ lấy lý do vùng đất này ba ngàn năm trước từng là hai vương quốc Yisrael và Judah của cha ông họ. Năm 1917, trong lúc Ðại Thế Chiến đang vào giai đoạn khốc liệt, Bộ trưởng Ngoại giao Anh là bá tước Arthur Balfour đã gởi một bức thư đến liên minh Zionist Federation cho hay:

“Chính phủ của nhà vua [George V] tán thành việc thành lập tại Palestine một đất nước cho người Jewish – với sự cam đoan quyền dân sự và tín ngưỡng của những sắc dân không phải người Jewish hiện đang sinh sống nơi đây không bị ảnh hưởng…”

“Bản đồ phân chia vùng đất Palestine cho người Do Thái (X) của Liên Hiệp Quốc.” Nguồn: Internet

Tuyên bố mang tên Balfour Declaration này là kết quả của một cuộc thương lượng lâu năm giữa chính quyền Anh và hai nhóm Zionist và anti-Zionist, nhưng không có đại diện của người Palestine. Nó là nền tảng cho sự ra đời của Israel do Liên Hiệp Quốc chuẩn thuận sau Ðệ Nhị Thế Chiến, và cũng là mầm mống cho sự chống đối từ khối Ả Rập. Ngày 30 tháng 11, 1947, Liên Hiệp Quốc đưa ra một nghị quyết phân chia Palestine thành hai vùng riêng biệt giữa người Do Thái (thiểu số) và người Ả Rập (đa số). Ngày hôm sau chiến tranh giữa hai nhóm này lập tức nổ ra. Sử gia gọi đây là một cuộc nội chiến và là Ðợt I của chiến tranh Arab-Israeli, 1947-1949.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Ngày 14 tháng 5, 1948, Anh Quốc chính thức hạ cờ và rút quân khỏi Palestine; tân Quốc trưởng Ben Gurion lên cầm quyền tại thủ đô Tel Aviv. Ngày này được xem là ngày Quốc Khánh của Israel. Vì người Do Thái dùng lịch Hebrew, quốc khánh của họ rơi vào một ngày khác trong dương lịch hàng năm (giống như người mình tính lễ Tết theo âm lịch vậy.)  Ngay sau khi Anh vừa rút lui, các nước Ả Rập quanh vùng ngay lập tức tấn công Israel với danh nghĩa hỗ trợ dân Palestinian, bắt đầu Ðợt II của cuộc chiến. Sau hơn 5 tháng đánh nhau, các đội dân quân người Do Thái, đặc biệt là nhóm Haganah, đã chiến thắng và chiếm đóng 4 thành phố lớn cùng 190 ngôi làng.

Người dân Palestine phải bỏ nhà cửa ruộng vườn để chạy giặc, tạo nên một làn sóng tị nạn hơn 700 ngàn người. Hầu hết những người này trở thành dân tị nạn tại các nước xung quanh như Syria, Lebanon, Jordan… Ða số không bao giờ được quay về nơi chôn nhau cắt rún. Người Palestine gọi sự kiện đau buồn này là “nakba” — cơn đại nạn. Những thập niên đầu sau khi mất đất, nhiều người mượn lễ Quốc Khánh của Israel để làm mốc tưởng nhớ đến chốn quê nhà. Nhiều người lặng lẽ hành hương về ngôi làng xưa, thăm lại quê cha đất tổ. Tuy nhiên họ không có một ngày lễ chính thức nào cả mà chỉ dựa theo lịch của dân Do Thái.

Người Do Thái biểu tình tại Washington, D.C. phản đối chính phủ Netanyahu hôm tuần rồi. Ảnh: Tasos Katipodis/AFP

Mãi cho đến năm 1998, khi Israel chuẩn bị ăn mừng 50 năm lập quốc, chủ tịch của Chánh Phủ Palestine là Yasser Arafat mới ra nghị định đặt ngày 15 tháng 5 dương lịch là “al-Nakba” – ngày Ðại Nạn. Trước hôm đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu giãi bày, “Israel không phải là phe gây nên tai hoạ này, lãnh đạo Palestine mới là những người có trách nhiệm.” Các diễn giả trong những cuộc diễn hành thì đổ lỗi cho các nước Ả Rập đồng minh đã không bảo vệ người dân Palestine đúng mức.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Trong buổi lễ al-Nakba đầu tiên, người Palestine tổ chức các cuộc tuần hành khắp mọi nơi — kể cả tại các trại tị nạn cho đến những thành phố và làng mạc suốt lãnh thổ Israel. Tại một số nơi tuần hành biến thành xuống đường dẫn đến bạo động. Quân đội của Israel (IDF, khởi đầu từ nhóm dân quân Haganah) đã bắn súng vào đám đông làm 4 người thiệt mạng và 71 người bị thương. Từ đó về sau, hàng năm cứ đến ngày 15/5 là dân Palestine lại tổ chức biểu tình, tuy mức độ bạo động có tăng giảm tuỳ tình hình chính trị.

Hai năm 1999 và 2000 khá êm, nhưng năm 2001 bạo động lại xảy ra, dẫn đến cái chết của một thanh niên Do Thái và 4 người Palestinian. Năm 2005 al-Nakba và Quốc Khánh Israel xảy ra trong cùng một tuần, dẫn đến sự trùng diễn của hai buổi lễ đối nghịch nhau. Kể từ đấy người Palestine luôn tổ chức al-Nakba vào cùng ngày với lễ Quốc Khánh của Israel, mặc cho người Do Thái rất khó chịu vì chuyện đó. Tuy nhiên cũng có những nỗ lực hoà giải đến từ những thành phần ôn hoà, chẳng hạn như việc nhóm Zochrot người Do Thái tổ chức al-Nakba bằng tiếng Hebrew vào năm 2002 để giúp dân Do Thái hiểu thêm về hoàn cảnh và tâm trạng của người Palestine.

Một người đàn ông cầm hai chiếc chìa khoá, biểu tượng việc mất nhà của người Palestine, trong ngày lễ al-Nakba năm 2020. Ảnh: Yousef Masoud/AP)

Nhưng đến năm 2011 thì Knesset, Quốc Hội Israel, ra luật cấm nhà nước tài trợ cho bất cứ tổ chức phi chánh phủ (NGO) nào đứng ra giúp người Palestine tưởng niệm ngày quốc hận của họ. Ðiều luật này càng tăng thêm sự căm phẫn. Al-Nakba năm ấy dân tị nạn ở Syria tiến đến biên giới Israel và tìm cách băng qua khiến quân đội Israel phải nổ súng; 22 người Palestine bị bắn chết, hơn 185 người bị thương. Ðài BBC cho rằng một nguyên nhân khác nữa là phong trào Mùa Xuân Ả Rập, khởi đi từ Tunisia và lan sang Libya, Ai Cập, Yemen… đã truyền cảm hứng cho dân Palestine.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Năm nay al-Nakba xảy ra đúng vào lúc đang có cuộc giao tranh ác liệt giữa nhóm khủng bố Hamas và chính quyền của Thủ tướng Netanyahu. Ông Netanyahu hiện là thủ tướng lâu năm nhất của Israel, nhưng trong kỳ bầu cử hồi tháng 3 vừa qua đảng Likud của ông đã không thắng đủ phiếu trong quốc hội Knesset. Tuần rồi ông đã thất bại trong việc thành lập tân chính phủ nên chuyện ông mất ghế thủ tướng chỉ là vấn đề thời gian. Thế nhưng cuộc chiến với Hamas đã giúp Netanyahu lấy lại lợi thế chính trị vì một vài nhà lập pháp bỗng rút chân ra khỏi phe đối lập do ông Yair Lapid cầm đầu.

Nếu trong vài tuần lễ tới tình hình không có gì thay đổi, ông Lapid sẽ không đủ phiếu để làm thủ tướng; dân Do Thái sẽ phải đi bầu lần thứ 5 trong vòng 2 năm để chọn người lãnh đạo đất nước qua cơn khủng hoảng hiện thời. Từ lúc xung đột xảy ra cách đây hơn một tuần, 11 người Do Thái đã tử thương bởi đạn pháo của Hamas, kể cả một trẻ em. Ngược lại, cuộc phản công của IDF đã làm 140 người Palestine phải thiệt mạng, trong đó có 39 trẻ em. Ngoài ra IDF cho biết họ đã triệt tiêu được 75 chiến binh thuộc nhóm khủng bố Hamas. Lễ al-Nakba hôm thứ Bảy tuần rồi tương đối êm, chỉ có 2 người Palestine bị thiệt mạng trong một cuộc xuống đường ở West Bank.

IB