Tượng Tổng thống Franklin D. Roosevelt ngồi trên ghế đá trước bảo tàng viện – photo ianbui/TRẺ

Mệnh danh “The Big Easy”, thành phố lớn nhất của tiểu bang Louisiana không chỉ có phố cổ French Quarter và Café Du Monde mà còn lắm điều thú vị cho ta khám phá. Một trong những nơi du khách yêu lịch sử nên viếng thăm là bảo tàng viện Đệ nhị Thế chiến – World War II Museum. Nằm trong downtown, không xa Vieux Carré cho lắm, đây là bảo tàng viện lớn nhất trên thế giới về cuộc đại chiến. Bước vào, mỗi người được trao một tấm “thẻ bài”, giống như credit card, chứa thông tin về một nhân vật từng tham dự cuộc chiến. Có thể là một anh binh nhất từ vùng quê Kansas, hoặc một ký giả chiến trường lừng danh như Ernie Pyle. Bạn có thể rà tấm thẻ của mình tại những trạm dừng để biết nhân vật đó đang làm gì vào thời điểm ấy.

Một góc trong khu triển lãm “Mặt Trận Miền Tây”- photo ianbui/TRẺ

Bảo tàng được chia làm nhiều khu vực. Mỗi khu vực chuyên về một đề tài riêng. Như “Mặt Trận Âu Châu” sẽ đưa người xem đi theo trình tự thời gian các trận đánh – từ Anh sang Pháp, từ Nga sang Ba Lan v.v. Cuộc đổ bộ lên Normandy chiếm một góc khá lớn với rất nhiều chi tiết. “Mặt Trận Thái Bình Dương” có nhiều hiện vật từ quân đội Nhật như súng các loại, gươm của sĩ quan v.v. Có cả cánh quạt một chiếc máy bay cảm tử “Kamikaze” đánh trúng chiến thuyền USS Evans. Đặc biệt nhất là quyển sổ tay của Đại uý Robert Lewis, phi công trên chiếc Enola Gay, ghi chép những chi tiết kỹ thuật cần thiết cho phi vụ thả bom nguyên tử đầu tiên lên Hiroshima.

Phòng triển lãm máy bay. – photo ianbui/TRẺ

Phòng lớn nhất, và còn được dùng làm nơi tổ chức các sự kiện, là phòng trưng bày một số chiến đấu cơ của hãng Boeing. Người xem có thể lên tầng cao nhất để nhìn xuống các chiếc máy bay, rất là đã mắt. Cạnh bên là phòng triển lãm về nhiếp ảnh. Tại đây ta có thể xem các loại máy chụp hình, ống kính lớn nhỏ đủ kiểu, cũng như tìm hiểu về trường dạy nhiếp ảnh được Hải Quân thành lập để đào tạo các nhiếp ảnh gia chiến trường. Ta sẽ được xem những thước phim quay tại trận đánh Midway, cùng nhiều bức ảnh chiến tranh có giá trị nghệ thuật cao.

Dĩa “Taste of New Orleans” của nhà hàng Oceana gần đường Bourbon còn có cho thêm một khúc xúc xích đuôi cá sấu ngon bá cháy! – photo ianbui/TRẺ

Xem xong bảo tàng viện bảo đảm du khách sẽ đói. Tìm chỗ để ăn ở downtown và khu phố cổ gần đó không khó, nhất là nếu bạn muốn thử các món đặc sản trong vùng. New Orleans là quê hương của món bánh mì dồn hào nướng “oyster po-boys”. Ai đến đây cũng phải ăn cho biết. “Taste of New Orleans” là ba món chủ lực tại nhiều nhà hàng, gồm có jambalaya (cơm xào), gumbo (soup) và red beans (đậu đỏ).

Ảnh: Ban nhạc Zydeco “Bayou de Ville”. – photo ianbui/TRẺ

Nếu du khách thích thưởng thức các món truyền thống của dân Cajun (Canadian-Indian) từ vùng Lafayette, nhà hàng Mulate’s gần Jackson Square cũng là một địa điểm độc đáo. Đặc biệt đêm nào cũng có nhạc sống do các ban nhạc Cajun phụ trách. Họ hát bằng một thứ tiếng Pháp lai bắt nguồn từ di dân đến từ Quebec; và loại nhạc Zydeco của họ bao giờ cũng có cây phong cầm (accordion) và đờn cò tài tử (fiddle).

Một nghệ sĩ chơi kèn đang thổi bản “It’s a Wonderful World” của Louis Armstrong trước Café Du Monde. – photo ianbui/TRẺ

Ăn uống no nê, nên tạt qua quán Café Du Monde để tráng miệng bằng chiếc bánh beignet (bánh tiêu rắc đường) và ly cà phê sữa. Nếu trời nóng, bạn có thể gọi Frozen Café au Lait uống cho nó mát, ngon cực kỳ. Trước đại dịch, nơi đây mở cửa quanh năm, 24/24. Nghe nói người Việt từng thầu nguyên một shift 8 tiếng. Ngày nay quán chỉ mở cửa đến 11 giờ đêm, có thể vì du khách vẫn còn thưa, hoặc vì khó kiếm người làm. Quán cũng là nơi các nhạc sĩ đường phố hay đến để biểu diễn kiếm tiền.

Lilly’s Café, đơn sơ nhưng đẹp vì màu tím. – photo ianbui/TRẺ

Nhược bằng du khách chợt thèm đồ ăn Việt Nam, New Orleans tất nhiên có vô số tiệm ăn của người Việt, tuy phải đi hơi xa ra khỏi downtown đến những khu như Woodlawn hay Versailles bên bờ Tây sông Mississippi. Phía bên này, gần quận Garden District, nổi tiếng với các khu nhà cổ tuyệt đẹp, cũng có một tiệm ăn nho nhỏ dễ thương tên là Lilly’s Café. Quán bán đủ các món như phở, cơm, bún v.v. Thực khách đa phần là người Mỹ. Chị chủ tiệm ăn nói rất dễ thương, cho biết quán ngày nào cũng đông. Nhưng như bao nhiêu hàng quán tiểu thương trong vùng, dạo này tìm người làm quá khó thành thử chị phải kiêm luôn chạy bàn. Món chả giò (nem rán) rất ngon, thấy ai vô cũng gọi một phần. Bún bò Huế tuy không bằng Tây Đô ở Dallas nhưng cay hơn nhiều.