Kimbell Art Museum ở Fort Worth, TX, vừa kết thúc cuộc triển lãm tranh độc đáo của danh họa Claude Monet (1840-1926), người dẫn đầu trường phái Ấn Tượng đầu TK 20.

Hoa Súng” (1915-1926) nguồn: Kimbell Art Museum      

Cuộc triển lãm dài 3 tháng mang tên “Monet, the Late Years” đã chấm dứt vào ngày 15/9 vừa qua. Ðây là một trong những cuộc triển lãm thành công nhất của bảo tàng mỹ thuật Kimbell. Do số người đi xem nhiều hơn dự liệu, lần đầu tiên trong lịch sử, ban tổ chức đã quyết định mở cửa đến 12 giờ đêm vào ngày thứ Bảy cuối cùng, gọi là “Monet ‘til Midnight” (Mô-Nê cho tới nửa khuya.)

Ðêm rằm Trung-Thu ấy người đi xem đông nườm nượp, phải xếp thành hai hàng dài cả trăm thước ngoài cửa vào phòng triển lãm Renzo Piano Pavilion. Sảnh đường to rộng bên trong Pavilion được biến thành phòng đợi, có bán đồ ăn nhẹ và thức uống giải khát. Một sân khấu nhỏ được dựng lên, với hậu cảnh là bức ảnh chụp ao súng trong vườn nhà Monet phóng to.

Hoa Hồng” (1926) photo: ianbui/trẻ

Trong khi chờ đợi, khách được thưởng thức nhạc classical guitar do mấy cây đàn luân phiên biểu diễn. Tuy nhiên vì quá đông người nên không khí rất là ồn ào, ít ai để ý đến tiếng nhạc trừ một số người ngồi gần sân khấu chú tâm lắng nghe.

May là chúng tôi đến sớm khoảng 7pm nên không phải đợi lâu để mua vé, và phòng triển lãm cũng chưa quá chật người. Nhờ vậy chúng tôi có thì giờ đi một vòng xem hết tất cả các bức tranh, xong quay trở lại ngắm kỹ những bức mình thật thích.

Claude Monet trước một bức tranh “Hoa Súng” khổ lớn. Tay ông đang đeo băng đen để tang người em trai là Leon tử trận trong Đệ Nhất Thế Chiến. photo: ianbui/trẻ

Có những bức xem đi xem lại vài ba lần vẫn chưa thấy đủ. Phần lớn các bức tranh đến từ Musée Marmottan – bảo tàng viện có bộ sưu tập tranh Monet lớn nhất thế giới (do con trai ông là Michel Monet tặng) cùng với tranh của một số hoạ sĩ Ấn Tượng khác như Manet, Renoir, Pissaro, Gauguin v.v. Tại Kimbell, đây là lần đầu một số tranh Monet được ra mắt công chúng Mỹ – chúng đến từ những nước như Nhật, Tây Ban Nha, hoặc từ các bộ sưu tập cá nhân.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Tuy Monet không phải là người sáng chế ra trường phái Ấn Tượng, nhưng tên ông đã được gắn liền với nó vì một bức tranh ông vẽ năm 1872 đặt tên là “Impression, Soleil Levant” (Ấn tượng, mặt trời lên). Khi ấy Monet còn là một hoạ sĩ nghèo ít ai biết đến, và bức tranh này khi được triển lãm năm 1874 bị cho là xấu xí nên chẳng ai mua. Thế nhưng một nhà phê bình đã dùng chữ “Impressionism” trong một bài báo, cốt yếu để chế nhạo tranh của Monet và các hoạ sĩ trong nhóm triển lãm đó.

Người đi xếp hàng rồng rắn bên ngoài Piano Pavilion đợi vào xem “Monet ’til Midnight”. photo: ianbui/Trẻ

Không ngờ thuật ngữ này lại được các hoạ sĩ ấy dùng luôn để gọi phong cách vẽ mới mà họ đang thử nghiệm và đi tiên phong. Riêng đối với Monet, ông đã không ngừng cải tiến kỹ thuật vẽ của mình. Những năm cuối đời, khi bị mù gần như hoàn toàn vì cườm mắt, Monet đã đẩy nghệ thuật của mình đến gần với thế giới của hội hoạ trừu tượng của đầu thế kỷ 20.

Năm 1883 Monet và gia đình gồm 8 người con (6 người là con riêng của Alice Hoschedé, vợ thứ nhì) dọn về Giverny, cách Paris độ 80km về phía Bắc. Tại đây ông thuê một căn nhà kiểu nông trại, có nhà kho cho ông dùng làm studio, và một miếng đất rộng.

Một người khách trẻ tập trung nghiên cứu các mảng màu trong tranh Monet. photo: ianbui/Trẻ

Ðến năm 1890 thì ông mua đứt được căn nhà ấy và bắt đầu trồng hoa hồng, hoa tử đằng cùng nhiều loài hoa khác trong vườn. Trong nhiều năm liền ông trực tiếp điều khiển một nhóm thợ xây nên khu vườn theo đúng ý mình.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Ông còn xin phép thành phố cho rẽ một đường nước từ sông Epte (một nhánh của sông Seine) vào khu đất của mình để đào ao. Trong ao ông cho trồng hoa súng, dùng làm bối cảnh cho bộ tranh “Water Lilies” mấy chục tấm – một cuộc thử nghiệm mang tính khoa học nghệ thuật về sự phản chiếu của ánh sáng và màu sắc trên mặt nước qua nhiều thời điểm của ngày. Bốn mươi bức trong bộ tranh này được ông mang ra triển lãm lần đầu năm 1904 và thành công vang dội. Nhiều bức được bán đi khắp nơi. Cuộc triển lãm lần này đã gom lại được gần 20 bức trong loạt tranh “Water Lilies” ấy.

Đêm cuối cùng người đi đông nườm nượp; ai cũng cố đứng xa để nhìn cho rõ. photo: ianbui/trẻ

Monet thích nghiên cứu văn hoá và nghệ thuật của người Nhật. Ông cho xây một cây cầu theo kiểu Nhật bắc qua ao nước. Cây cầu này là đề tài cho một series khác mang tên “Japanese Bridge”. Giống như bộ tranh về hoa súng, bộ tranh về cây cầu Nhật Bản của Monet cũng nổi tiếng không kém. Chúng ghi lại những khoảnh khắc không gian và thời gian chập chờn, lung linh, lúc ẩn lúc hiện, khi thì thật rõ ràng khi thì mờ ảo. Nhiều bức ta phải lùi lại ngắm từ thật xa mới nhìn ra sự vật.

Ngoài hai bộ tranh nổi tiếng nói trên còn có hai series khác cũng “ấn tượng” không kém, phần vì chúng ít khi được gom về một chỗ cho ta xem. Ðó là bộ tranh “Weeping Willow” (Cây Dương Liễu), và series cuối cùng của Monet, vẽ căn nhà của ông nhìn từ vườn hồng. “Weeping Willow” là bộ tranh về cây dương liễu cạnh ao súng, được ông vẽ trong lúc Ðệ Nhất Thế Chiến đang xảy ra, để nói lên nỗi thống khổ của chiến tranh và tưởng niệm những người chết – trong đó có Leon em trai ông và Jean đứa con đầu lòng. Giống như “Water Lilies”, “Weeping Willow” ghi lại một cảnh quan duy nhất trong nhiều khoảnh khắc khác biệt, với những tông màu  mạnh mẽ nhưng u uất, hung hãn nhưng sầu bi.

Một nhạc sĩ Tây ban cầm đang trình diễn; hậu cảnh là ảnh chụp ao súng của Monet được phóng lớn. photo: ianbui/trẻ

Phần cuối của cuộc triển lãm, và có lẽ cũng là phần đáng nhớ nhất, là những bức tranh ông vẽ căn nhà của mình tại Giverny. Lúc này thị giác của Monet đang bị cataract làm cho ông nhìn thấy màu sắc rất khác người bình thường. Có lẽ do vậy mà những bức tranh cuối đời này của Monet thoạt trông không khác gì tranh trừu tượng. Nếu nhìn gần ta không thể nào nhận ra ông vẽ gì, chỉ thấy những nét cọ thô sơ nguệch ngoạc, những mảng sơn loạn thị hồn nhiên. Nhưng khi lùi ra xa ta mới thấy đằng sau mớ sắc màu hỗn độn ấy thấp thoáng mái nhà với cột ống khói và những giàn hoa đủ màu rực rỡ. Dĩ nhiên mọi thứ đều rất hài hoà và đẹp mắt.

Xem thêm:   Allen PAC

Ấn tượng nhất trong những hoạ phẩm cuối cùng của Monet, theo thiển ý của người viết, là bức “Roses” (Hồng), vẽ năm 1926-1927, không lâu trước khi ông mất. Ðường cọ của ông lúc này đã đạt đến mức thượng thừa, nhìn gần giống như nét cọ của trẻ con. Nhiều chỗ ông để vải trống loang lổ giống như chưa kịp vẽ xong. Nhưng nhìn từ xa mọi thứ quyện vào nhau thành một bức tranh cực kỳ tinh tế và toàn hảo.

Cảm ơn người hoạ sĩ tài ba đã cống hiến cho đời những hoạ phẩm quá tuyệt vời. Và cảm ơn bảo tàng viện Kimbell đã mang được những tuyệt tác này đến North Texas cho chúng ta có dịp thưởng lãm. Sắp tới đây, vào tháng 10 Kimbell sẽ có một cuộc triển lãm tranh Ấn Tượng dành cho hoạ sĩ Auguste Renoir – một người bạn cùng thời với Claude Monet. Bà con ai thích tranh nhớ lên lịch đi xem. Muốn biết thêm chi tiết mời vào website: kimbell.org.

IB

Dallas