Mỗi hai năm, cứ đến Olympics mùa Hè hoặc mùa Đông thì tôi lại đón xem giải Thế Vận Hội cho người khuyết tật, gọi là Paralympics. Đối với tôi xem họ chơi thể thao mình học hỏi được nhiều điều, đôi khi còn cảm thấy tủi thân vì thấy sao mình xoàng quá, không bằng một góc những người thiếu tay chân. Giải Paralympics nào cũng đầy những câu chuyện “vượt qua số phận” mà ngày nay ta hay gọi là “truyền cảm hứng”. Mời các bạn cùng tôi lướt sơ một vài người trong vô số những lực sĩ phi thường.

Alia Alissa và Abbas Karimi cầm cờ dẫn đầu Đội Tị Nạn trong lễ khai mạc Paralympics Tokyo 2020. Nguồn: NBC Olympics   

Trước tiên phải kể đến Ibrahim Hamadtou, 48 tuổi, người Ai-Cập, trong môn bóng bàn. Năm lên 10 anh bị tai nạn xe lửa phải cưa hết hai cánh tay lên tận vai. Nhìn anh ta không thể nào nghĩ một người như vậy có thể chơi thể thao, nhất là bóng bàn. Vậy mà đây là lần thứ nhì anh được vào đội tuyển quốc gia. Nguyên do là ban đầu Hamadtou chỉ biết đá banh, nhưng một hôm, đang lúc làm trọng tài cho một trận bóng bàn, anh bị khiêu khích bởi một tay vợt nọ. Anh kể:

“Hai cây vợt cãi nhau vì bất đồng ý kiến về một bàn điểm. Sau khi tôi trao cho một bên thắng điểm, anh chàng kia giận dữ nói với tôi rằng ‘anh không chơi được nên anh không đủ tư cách làm trọng tài!’ Chính câu khích bác đó khiến tôi tìm mọi cách để tập đánh. Mới đầu tôi thử kẹp vợt trong nách nhưng không được. Sau tôi nghĩ ra cách ngậm trong miệng. Tôi phải mất cả năm trời luyện tập và chế ra cách giao banh bằng chân. Rất là vất vả, dĩ nhiên, nhưng nhờ trì chí nên cuối cùng cũng thành công.”

Năm 2011 và 2013 Ibrahim Hamadtou đoạt Huy chương Bạc tại giải thể thao toàn Lục địa Phi Châu. Anh được chơi trong giải Paralympics đầu tiên tại Rio 2016. Tại Tokyo tính đến hôm nay anh đã chơi hai trận, nhưng thua cả hai trước đối thủ người Tàu và Ðại Hàn. Dẫu vậy tên tuổi anh giờ đã vang lừng trên báo chí. Ibrahim Hamadtou nói vợ anh là người ủng hộ anh hết mình. Hai vợ chồng có ba đứa con.

Ibrahim Hamadtou giao banh trong trận đấu với Chao Chen của Trung Quốc tại Paralympics Tokyo 2020. Ảnh: Bernadette Szabo

Melissa Stockwell, 41, là nữ lực sĩ môn triathlon trong đội của Mỹ. Triathlon là bộ môn đòi hỏi thể lực khủng khiếp. Nó gồm có ba mục: bơi lội (750m), xe đạp (20km), chạy bộ (5km).

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Năm 24 tuổi, trung uý Stockwell bị mất một chân tại chiến trường Iraq. Ðược giải ngũ, cô luyện tập để trở thành một nhà lực sĩ khuyết tật. Cô là tác giả quyển sách ‘The Power of Choice’ (Sức mạnh của sự chọn lựa) và là một nhà diễn thuyết truyền cảm hứng (motivational speaker). Ngoài ra, cô còn là một doanh gia thành đạt và là một người mẹ với hai đứa con, 6 tuổi và 3 tuổi.

Stockwell tham gia giải Paralympics đầu tiên năm 2016 tại Rio, khi mới vừa sinh đứa con đầu lòng, và thắng liền một Huy chương Ðồng. Sau khi Melissa sinh đứa con thứ nhì, hai vợ chồng quyết định Tokyo 2020 sẽ là giải tranh tài cuối cùng. Thế nhưng dịch bệnh bùng phát khiến Thế Vận Hội bị đình lại. Một lần nữa, Melissa phải chọn lựa: có nên tiếp tục hay không?

Cuối cùng cô quyết định phải đạt được mục tiêu mình đề ra. Cô nói: “Hai đứa con tôi còn nhỏ nên chúng chưa hiểu lý do tại sao mẹ chúng làm những việc này. Chúng chỉ thấy mẹ mình chơi thể thao thì chúng vỗ tay. Nhưng một khi lớn lên chúng sẽ hiểu đây là sức mạnh của sự trì chí, của sự chọn lựa mà tôi hy vọng mình sẽ truyền đạt được cho con.”

Thế rồi hai tháng trước ngày khai mạc, trong một cuộc luyện thi, Melissa té xe đạp và bị gãy lưng. Tuy vậy cô vẫn cố gắng hồi phục kịp thời để tranh tài. Melissa Stockwell được bầu chọn là một trong hai người cầm quốc kỳ cho Team USA bước vào cầu trường. Trong cuộc đua triathlon tại Tokyo, Melissa về hạng năm. Huy chương Vàng và Bạc vào tay hai đồng đội của cô là Allysa Seely và Hailey Danz.

Melissa Stockwell, lực sĩ triathlon. Nguồn: Team USA

Ngầu hơn một bậc nữa là nữ lực sĩ Oksana Masters, người duy nhất thắng huy chương trong cả hai Thế Vận Hội Paralympics mùa Hè và mùa Ðông!

Xem thêm:   Chó...

Oksana cũng là con nuôi của cha mẹ Mỹ như nhiều lực sĩ khuyết tật khác trong Team USA — Jessica Long (Nga), Scout Bassett (Tàu), Haven Shepherd (Việt Nam). Oksana đến từ Ukraine. Cô bị cha mẹ ruột bỏ rơi vì mắc nhiều chứng bệnh do phóng xạ gây nên. Năm lên bảy cô được bà Gay Masters mang về Mỹ nuôi nấng. Vì căn bệnh ngày càng nặng, bác sĩ phải cưa dần hai chân của cô đồng thời sửa hai ngón trỏ để Oksana sử dụng như ngón tay cái mà cô không có.

Mặc dù được cho chơi thể thao từ nhỏ, phải đợi đến khi qua tuổi teen Oksana mới thực sự muốn trở thành một lực sĩ thực thụ. Cô không chỉ chơi một môn mà nhiều bộ môn khác nhau: bơi thuyền, đua xe đạp, trượt tuyết. Sau nhiều cuộc ra quân thất bại, cuối cùng Oksana cũng đọat được Huy chương Bạc môn bơi thuyền tại London mùa Hè 2012. Hai năm sau cô đoạt một Bạc và một Ðồng tại Sochi mùa Ðông 2014, môn Ski đường trường 12km và 5km.

Tại Pyongchang mùa Ðông 2018, Oksana thắng tiếp hai Huy chương Bạc môn biathlon (ski cộng với bắn súng) 12km và 6km; và đạt đỉnh vinh quang với hai Huy chương Vàng môn Ski 1.5km và 5km. Rất tiếc năm nay Oksana đã không vào được đội tuyển mùa Hè, nhưng hy vọng ta sẽ gặp lại cô tại Paralympics mùa Ðông 2022 tại Bắc Kinh.

Năm nay cũng là lần đầu tiên giải Thế Vận Hội Khuyết Tật có một đội của những người tị nạn, gọi là Refugee Paralympic Team. Ðội gồm có 6 người — 5 Nam và 1 Nữ, tranh tài trong các bộ môn: bơi lội, bơi thuyền, Thái cực đạo, ném.

Oksana Masters. Nguồn: Courier-Journal

Abbas Karimi là lực sĩ bơi lội đến từ Afghanistan. Anh sinh ra không có hai cánh tay. Năm lên 17 Karimi vượt biên sang Iran, sau đó mướn người đưa lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng thì anh được sang Mỹ định cư. Năm 2017 Karimi dự giải Mexico World Championship và thắng Huy chương Bạc.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Ibrahim Hussein, 33 tuổi, là lực sĩ bơi lội người Syria. Chín năm trước anh bị trúng bom mất một chân phải. Hai năm sau anh vượt biển sang Hy Lạp và sống lây lất trên đường phố Athens. Ít lâu sau anh được một vị bác sĩ Hy Lạp làm cho chiếc chân giả. Ðến năm 2015 Ibrahim Hussein mới nhận được quy chế tị nạn.

Parfait Hakizimana, là lực sĩ duy nhất hiện vẫn đang sống trong một trại tị nạn ở Rwanda. Năm anh lên sáu, mẹ anh mất trong một cuộc tấn công vào khu trại ở Burundi. Anh cũng bị trúng đạn và bị liệt tay trái. Cha anh mất trong một tai nạn xe cộ năm Parfait 11 tuổi. Hakizimana sẽ thi đấu môn Thái cực quyền.

Sharaj Nasjapour là lực sĩ ném đĩa người Iran hiện sống tại tiểu bang Arizona. Anh từng đại diện Iran tại một số giải quốc tế. Nhưng đến năm 2015 thì anh đã bỏ đội tuyển để trốn khỏi Iran vì luật lệ bắt buộc lực sĩ phải đi nhà thờ. Nasjapour bị bệnh bại não (cerebral palsy).

Alia Alissa, 21, là nữ lực sĩ đầu tiên trong lịch sử của Ðội Tị Nạn. Cha cô rời Syria sang Hy Lạp để tị nạn chiến tranh năm 1996. Sinh ra ở Hy Lạp, năm lên bốn cô bị mắc một chứng bệnh não hiếm có gây nên bởi dịch khuẩn đậu mùa. Năm 2017 Alia thành lập một trường luyện thể thao cho trẻ em. Tại đây bản thân cô cũng chơi vài môn, và cách đây hai năm tập trung toàn phần vào môn ném gậy gỗ (club throw).

Cập nhật tin tức: Jessica Long của Team USA (Mỹ gốc Nga) vừa trở thành lực sĩ nhiều huy chương nhất tại Paralympics (25) với một Vàng và một Bạc trong bộ môn bơi lội. Haven Shepherd của Team USA (Mỹ gốc Việt) đứng hạng năm trong trận bơi 200m Hỗn hợp Cá nhân mà Jessica Long đã về nhứt.

Allysa Seely và Hailey Danz sau khi chiến thắng cuộc đua triathlon tại Tokyo. Nguồn: NBC Olympics

IB