Dân rành nhiếp ảnh ai cũng biết tiếng Leica, hãng làm ống kính hàng đầu thế giới. Nhưng có lẽ ít ai biết là trước khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, chủ công ty Ernst Leitz II đã cứu nhiều người Do Thái khỏi cuộc thanh trừng của Hitler.

Ernst Leitz I (1843-1920) Nguồn: Internet     

Cha của Ernst Leitz II, Ernst Leitz I, sinh năm 1843 tại Baden, Ðức. Từ nhỏ ông được cha mẹ cho vào nhà dòng để học, với hy vọng ông sẽ thành nhà tu. Nhưng năm 21 tuổi Ernst I rời nhà dòng và dọn đến thành phố Wetzlar, một thời là thủ phủ của vương quốc Holy Roman Empire, để làm việc trong xưởng kính hiển vi Optisches Instituts của nhà phát minh danh tiếng Carl Kellner. Tại đây Ernst I học được nghề làm dụng cụ quang học và hoá học. Chỉ một năm sau, 1865, ông trở thành hội viên hùn vốn trong công ty của Kellner. Khi Kellner đột ngột qua đời năm 1869, Ernst Leitz lên làm chủ công ty và đổi tên hãng sang tên mình — Ernst Leitz GmbH.

Khác với Kellner, Leitz là một nhà khoa học có đầu óc kinh doanh, và một nhà kinh doanh có đầu óc khoa học. Tất cả các sản phẩm của Leitz đều được đánh số theo thứ tự — serial number, và ông bắt đầu mở rộng thị trường sang các lãnh vực ngoài kính hiển vi mặc dù đó là thị trường lớn nhất cho công ty thời bấy giờ. Năm 1907 công ty Leitz đã tặng chiếc kính hiển vi mang số 100,000 cho nhà dịch tễ học nổi tiếng Robert Koch, cha đẻ của vaccine. Leitz còn được biết đến như một nhà tư bản giàu lòng từ thiện có khuynh hướng xã hội. Ông lập ra chương trình bảo hiểm y tế cũng như quỹ hưu trí cho nhân viên, và đặt ra quy chế làm việc tối đa 40 giờ một tuần.

Ernst Leitz II (1871-1956) Nguồn: Internet

Sau Ðệ Nhất Thế Chiến, kinh tế Ðức xuống dốc thê thảm và công ty Leitz cũng bị khủng hoảng theo. Ernst Leitz mất năm 1920, người con trưởng là Ernst Leitz II lên thay. Mặc dù tình hình tài chánh bấp bênh, Leitz quyết định đầu tư vào ngành phim ảnh. Ông chiêu dụ nhà phát minh Oskar Barnack từ đối thủ Carl Zeiss và giao cho Barnack nhiệm vụ nghiên cứu các loại ống kính dùng cho điện ảnh và nhiếp ảnh. Từ loại phim 35mm dùng trong điện ảnh, Barnack chế ra chiếc máy ảnh cầm tay đầu tiên với khổ phim 24×36 mm để tạo nên khung ảnh với tỉ lệ 2:3 mà ông cho là “vừa mắt” nhất. Tại hội chợ mùa Xuân năm 1925 ở Leipzig, máy ảnh Leica ra mắt công chúng lần đầu tiên và ngay lập tức trở thành món hàng nóng nhất thời bấy giờ. Nó thay đổi hoàn toàn ngành báo chí; trong tay phóng viên các tờ báo như Life, Picture Post nay có thêm một vũ khí vô cùng lợi hại. Thành công ngoài sự tưởng tượng của Leica đã giúp Leitz vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ngoài máy ảnh, Leitz còn sản xuất nhiều loại ống kính đặc biệt cho nhiều ngành kỹ nghệ khác như địa chất học, y học, hoá học, địa lý học v.v. Leitz xuất cảng sản phẩm của mình đến khắp nơi trên thế giới; Mỹ là một thị trường quan trọng vì nó mang lại nhiều ngoại tệ mà Ðức lúc đó rất cần. Không những vậy, một trong những khách hàng lớn của Leitz là quân đội Ðức vì Không Quân rất cần đến các dụng cụ chụp không ảnh dùng cho máy bay trinh thám. Chưa kể việc ban tuyên giáo của Ðức Quốc Xã thời bấy giờ, dưới sự điều khiển của Joseph Goebbels, đã biết tận dụng nhiếp ảnh và phim ảnh để tuyên truyền cho chế độ.

Elsie Kuhn-Leitz (1903-1985). Nguồn: Internet

Giống như cha mình, Ernst Leitz II cũng là một người chủ biết lo cho nhân viên, luôn quan tâm đến gia đình họ. Vì công ty chuyên chế tạo các sản phẩm đòi hỏi lượng lao động cao tay nghề, Leitz có khá nhiều nhân viên là người Do Thái. Từ thập niên 1930 chủ nghĩa dân tuý ở Ðức bắt đầu trỗi dậy, phong trào “Aryan thượng đẳng” bành trướng. Ðến khi Hitler lên nắm chánh quyền năm 1933 và đạo luật Nuremberg Law đàn áp người Do Thái ra đời thì Ernst Leitz II biết đã đến lúc phải giúp nhân viên mình đi trốn.

Ðể cho họ có thể rời Ðức một cách hợp pháp, ông mượn tên các đại lý của công ty Leitz ở nước ngoài để xin visa làm việc cho họ. Một số con cái của nhân viên được ông mướn vào xưởng ở Wetzlar để học nghề, rồi sau đó gởi họ sang Mỹ, Anh, Pháp, Hồng Kông v.v. như nhân viên của Leitz. Ông làm trong âm thầm, không cho ai biết trừ một vài nhân viên thân cận và cô con gái tên Elsie. Việc làm này dĩ nhiên cực kỳ nguy hiểm vì nếu bại lộ ông có thể bị tù tội, công ty phải đóng cửa. Nhưng ông vẫn cứ làm.

Hãng Leitz tại Wetzlar vào thế kỷ 19. Nguồn: Internet

Ðể không bị chính quyền nghi ngờ, Ernst Leitz gia nhập đảng Nazi mặc dù ông cực kỳ ghét nó. Ròng rã 6 năm trời Leitz lén lút đưa người Do Thái “vượt biên” bán chính thức. Người đời sau gọi đó là “Leica Freedom Train” (Tàu Tự Do của Leica), chẳng khác nào Underground Railroad giúp người nô lệ ở Mỹ trốn lên miền Bắc vào thế kỷ 19.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Tất nhiên dưới chế độ công an trị như Nazi thì việc làm của Leitz đâu làm sao giấu được cảnh sát. Một lần nọ Gestapo bắt được lá thư giới thiệu việc làm cho một nhân viên của Leitz, ký bởi một viên chức cấp cao tên Mark Turk. Cảnh sát Gestapo bắt giam Turk mấy tháng trời. Ernst Leitz phải đích thân đi Berlin thương lượng để Gestapo thả Turk ra (với điều kiện ông Turk không được làm việc cho công ty nữa).

Ngoài việc trả tiền cho các gia đình nhân viên đi vượt biên, Leitz còn cho mỗi người một chiếc máy ảnh Leica phòng thân, để khi đến bờ tự do họ có thể bán lấy tiền nếu cần. Chính phủ Ðức tuy biết việc làm của Ernst Leitz nhưng không thể bắt ông vì họ biết công nhân trong hãng rất thương chủ. Nếu không có ông thì chắc chắn họ sẽ đình công, việc buôn bán sẽ đình trệ, quân đội sẽ không có những dụng cụ cần thiết, và nhà nước sẽ mất một số lượng ngoại tệ đáng kể.

Oskar Barnack thử nghiệm máy quay phim của ông vào thập niên 1920-1930. Nguồn: Internet

Chương trình vượt biên này kéo dài đến năm 1939 mới bị dứt, sau khi Ðức xâm lăng Ba Lan và đóng cửa biên giới, khai mào Ðệ II Thế Chiến. Trong những năm chiến tranh Ðức còn gởi mấy trăm người nô lệ từ Ukraine, toàn là phụ nữ, đến Wetzlar để làm lao động trong xưởng của Leitz. Bà Elise Kuhn-Leitz đã ngấm ngầm hỗ trợ cho những người này. Có lần bà bị bắt và đánh đập trong trại giam vì đã giúp một người đàn bà trốn sang Thuỵ Sĩ.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Tất cả những hành động cứu người của công ty Leitz đều được giữ kín. Ernst Leitz II cấm con cái nói với công chúng những điều này. Ông dạy các con khi làm việc thiện không được khoa trương. Số người được ông cứu mạng tuy không nhiều (con số chính thức chỉ khoảng vài chục), nhưng sự biết ơn của gia đình họ dĩ nhiên là vô bờ. Nhiều người về sau đã rất thành công ở Mỹ. Nhờ họ mà một số chi tiết về cuộc vượt biên độc đáo này mới được hé lộ.

Frank Dabba Smith, một giáo sĩ Do Thái người Mỹ hiện sinh sống ở Luân Ðôn, là người đã có công truy lùng những người này, luôn cả con trai của bà Elsie tên Knut, để viết một quyển sách tựa đề “Phát minh vĩ đại nhất của gia đình Leitz: Leica, Con Tàu Tự Do” (2002). Là một nhiếp ảnh gia tài tử và fan của Leica, ông Smith đã bỏ ra nhiều năm trời truy cứu các dữ liệu cho câu chuyện vô cùng bí mật này. Knut, cháu ngoại của Ernst Leitz II, kể với Dabba Smith: “Ông ngoại luôn nói với chúng tôi ‘Hãy làm việc tốt, nhưng đừng bao giờ kể ai nghe’. Nếu còn sống, ông tôi sẽ không muốn thấy cuộc phỏng vấn này.”

Một chiếc máy ảnh Leica năm 1925, giờ thuộc hạng cực quý. Nguồn: Internet

IB