Lần đầu tiên tôi nghe cái tên này là hồi nhỏ, trong một bài tập đọc lớp 3 hay 4 gì đó. Trong một buổi tiệc nọ, Kha Luân Bố đố những người khách làm sao cho trái trứng đứng được. Sau khi mọi người chịu thua, ông nhẹ đập móp một đầu trứng rồi dựng nó lên.

Thổ dân cung kính nghinh tiếp Columbus đến “giáo hóa” họ, trong bức vẽ tưởng tượng của José Garnelo (1892). nguồn: wikimedia    

Câu chuyện đại khái chỉ có vậy, nhưng trong trí óc trẻ thơ của tôi lúc ấy có hai chi tiết mà tôi nhớ mãi. Một: cái tên Kha Luân Bố nghe lạ tai nhưng rất kêu; hai: đây là người đã khám phá ra Mỹ Châu. Thuở ấy đối với tôi Mỹ Châu là một cái gì xa lắc xa lơ, một thế giới nằm ngoài tầm với mặc dù thỉnh thoảng vẫn thấy người Mỹ trên đường phố Sài Gòn, và ngày nào cũng coi đài TV Mỹ trên băng tần số 11.

Mãi đến khi sang Mỹ tôi mới được biết tên tiếng Anh của ông ta là Christopher Columbus, và hàng năm đều có ngày lễ vinh danh ông. Sau khi ra trường và đi làm cho nhiều hãng tư nhân, dần dần tôi mới biết thêm là không phải công ty nào cũng cho nhân viên nghỉ việc vào ngày Columbus Day. Thì ra tuy mang danh là ngày lễ toàn quốc, nhưng mỗi tiểu bang – thậm chí mỗi thành phố và mỗi khu học chính, đều có thông lệ khác nhau. Có trường cho học sinh nghỉ lễ, trường thì không. Có nơi nhà băng chợ búa đóng cửa, nơi thì không. Ðể ý thì thấy vậy, nhưng tôi cũng chả buồn thắc mắc vì cứ nghĩ thôi thây kệ. Nếu được cho nghỉ ăn lương thì cũng sướng; không thôi thì đi làm.

Columbus (1451-1506) thuở sinh thời không có tranh chân dung. Đây là bức vẽ của Sebastiano del Piombo năm 1519, không rõ dựa vào tài liệu nào.nguồn: wikimedia

Mãi đến dạo gần đây tôi mới chú ý hơn đến cái ngày lễ lạ lùng này, và bắt đầu tìm hiểu thêm về nó. Năm 1792, hội Tammany Society ở New York City tổ chức ăn mừng kỷ niệm 300 năm ngày Kha Luân Bố đặt chân lên Mỹ Châu. Ðó được xem là ngày lễ Columbus Day đầu tiên. Nhưng phải đến năm 1869 mới có lễ hội thường niên vinh danh ông, do người Mỹ gốc Ý tại vùng San Francisco đứng ra tổ chức vì Kha Luân Bố là người Ý, sanh ở vùng Genoa khoảng năm 1451.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Năm 1492 Columbus dẫn một đoàn thuyền ba chiếc, được tài trợ bởi Giáo hội và nhà cầm quyền Castile (Tây Ban Nha), khởi hành trực chỉ hướng Tây. Mục đích của họ là tìm một đường biển đến miền Viễn Ðông để thông thương, buôn bán, truyền giáo v.v. Thời bấy giờ chưa ai biết trái đất thật sự to nhỏ méo tròn ra sao, nên đoàn thuyền của Kha Luân Bố chưa kịp đến Ấn Ðộ thì đã đụng phải một hòn đảo mà thổ dân nơi đó gọi là Guanahani (trong quần đảo Bahamas). Không ai biết chính xác ông đặt chân lên chỗ nào. Chỉ biết đó là ngày 12 tháng 10, 1492. Trong thư cho lãnh chúa Castile ông thuật lại rằng người dân ở đây khá hiền lành và nhẹ dạ:

“Họ có thể làm đày tớ giỏi, vì ta nói gì họ cũng tỏ vẻ hiểu và ra dấu trả lời nhanh nhẹn. Dường như họ chẳng có đạo nào cả, muốn họ theo Thiên Chúa Giáo chắc không khó. Họ cũng không có vũ khí gì đáng kể. Với chỉ 50 người, chúng tôi có thể khống chế và cai trị họ dễ dàng. Nếu ngài muốn, tôi sẽ mang vài người về cho ngài nghiên cứu.”

Columbus Day Parade tại New York City, 2014. nguồn: italiangoodnews.com

Sau khi bắt một số thổ dân tại đây làm tù binh (ông gọi họ là “indios” vì lầm tưởng họ là người Ấn), Columbus tiếp tục cuộc hành trình. Ông đến Cuba, Hispaniola, và Haiti – nơi ông cho dựng khu dân cư của người da trắng đầu tiên tại Mỹ Châu. (Thật ra trước Columbus 500 năm người Vikings đã đặt chân lên Canada, nhưng đó là chuyện khác.)

Ðến đâu Columbus cũng đều bắt một số người dân ở đấy làm tù binh. Hễ thấy họ đeo vòng vàng là ông dò hỏi xem mỏ vàng ở đâu. Tại nơi dừng chân cuối cùng ở vịnh Rincon (Hispaniola) , ông đụng phải bộ lạc Ciguayos hung hãn không thèm buôn bán. Xô xát xảy ra; bên súng đạn, bên cung tên. Dĩ nhiên phe da trắng thắng. Tháng Giêng 1493 Kha Luân Bố quay trở lại Tây Ban Nha với nhiều hiện vật hiếm quý cùng mấy chục tù binh “indios” (chỉ vài người indios sống sót sau chuyến hải hành).

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Tin Kha Luân Bố khám phá ra Thế Giới Mới lan truyền nhanh chóng. Câu chuyện quả trứng có thể phát xuất từ thời ấy. Giới vua chúa, thượng lưu và giáo sĩ bên Âu Châu bắt đầu bỏ tiền đầu tư, tài trợ cho một chiến dịch thuộc địa mới gọi là “Cuộc trao đổi Kha Luân Bố” (the Colombian Exchange). Bản thân Columbus cũng tham dự vào cuộc trao đổi này thêm ba chuyến nữa. Sách vở ngày nay chia lịch sử loài người sinh sống ở Mỹ Châu ra làm hai giai đoạn rõ rệt – trước và sau Kha Luân Bố.

Bùng binh Columbus tại New York City, với tượng Columbus ở giữa; xây năm 1892 để kỷ niệm 400 năm khám phá Mỹ Châu. nguồn: wikimedia

Và như ta cũng biết, trong nhiều thế kỷ tiếp theo người Âu Châu đã dần dần thuộc địa hoá hầu hết Bắc và Nam Mỹ. Ngành nô lệ phát triển mạnh. Thời đại rực rỡ cực thịnh của Âu Châu bắt đầu. Bao nhiêu lâu đài tráng lệ, vô số thánh đường nguy nga đã được dựng lên – từ London tới Paris, từ Barcelona tới Lisbon… Tất cả đều bắt nguồn từ cuộc hành trình của Kha Luân Bố. Ðến như tên nước Colombia ngày nay cũng là di sản của ông.

Vào thế kỷ 19, di dân Ý ở Mỹ hay bị kỳ thị. Ðể nhắc nhở mọi người công lao của người Ý, hàng năm họ tổ chức ăn mừng ngày Kha Luân Bố khám phá Mỹ Châu. Nhiều nơi khác cũng bắt chước theo. Năm 1907 Colorado là tiểu bang đầu tiên dành ra một ngày lễ riêng cho Columbus. Năm 1937, một người Mỹ gốc Ý tên Generoso Pope đã vận động Tổng thống Franklin Roosevelt để tuyên bố ngày 12 tháng 10 là Columbus Day. Năm 1971, Quốc Hội chính thức chọn ngày thứ Hai trong tuần thứ nhì tháng 10 làm ngày lễ toàn quốc.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Nhưng ngày nay, với sự thông hiểu tường tận và nghiêm túc hơn về lịch sử, nhiều nơi người Mỹ không còn “ăn mừng” ngày này nữa, vì họ nhận thức được rằng nó dẫn đến kết quả nhiều bộ lạc thổ dân bị diệt vong bởi bệnh tật và chiến tranh do người Âu Châu đem sang; rằng Kha Luân Bố đã giúp sản sinh một chế độ nô lệ lớn nhất và dã man nhất lịch sử nhân loại. Dư âm của “Ngành Buôn Nô Lệ Xuyên Ðại Tây Dương” (mà Columbus khởi động sau chuyến đi thứ nhì năm 1494) lâu lâu lại hiển lộ qua các chấn động xã hội như cuộc Nội Chiến Bắc Nam (1860-1865), những đạo luật kỳ thị chủng tộc thời Jim Crow (1890-1965), những hoạt động kỳ thị công khai của các nhóm da trắng thượng đẳng (white supremacist) ngày nay v.v.

Người dân kêu gọi thay đổi Columbus Day tại một cuộc diễn hành ở Boston năm 2015. nguồn: northEndWaterfront.com

Ðể thay thế, một số tiểu bang đã đổi Columbus Day thành “Indigenous People’s Day” – ngày dành cho thổ dân bản xứ. Năm 1982 South Dakota là tiểu bang đầu tiên làm điều này; tiếp theo là Florida, Hawaii, Alaska, Vermont, New Mexico, và mới đây nhất (2019) là Maine. Tại California và Texas lễ Columbus Day vẫn còn được giữ, nhưng công chức nếu nghỉ làm không được ăn lương.

Ngoài ra nhiều thành phố cũng ngưng chấp nhận lễ Columbus Day, bắt đầu với Berkeley (CA) vào năm 1992. Danh sách này còn có Los Angeles, San Francisco, Austin, Denver, Portland, Seattle, St Paul (MN)… Ðến như “thành phố mang tên Người” – Columbus, Ohio, cũng đã quyết định dùng ngày này để vinh danh các cựu chiến binh. Nói tóm lại, càng ngày càng có nhiều địa phương – nhất là những vùng có nhiều người gốc “indios”, chuyển từ Ngày Cho Kha Luân Bố sang Ngày Cho Thổ Dân Bản Xứ.

Thế còn Canada thì sao? Như thượng dẫn, người Vikings đã đổ bộ lên Greenland và Newfoundland cả ngàn năm trước. Cho nên không có lý do gì để dân Gia Nã Ðại phải ăn mừng Kha Luân Bố khám phá Mỹ Châu. Tuy nhiên, Columbus Day của Mỹ lại được Canada chọn làm ngày … Thanksgiving!

IB

Dallas