Kauai [cà-oai-ì] là đảo nhỏ nhất trong chuỗi bốn hòn đảo chính của tiểu bang Hawaii. Tuy diện tích gần 1500km vuông, nhưng gần nửa là rặng núi cao gần 1600m. Vịnh Hanalei (trong hình) là nơi người da trắng lần đầu tiếp cận với dân Kauai bản địa. Hanalei còn được biết đến qua ca khúc “Puff the Magic Dragon” của ban Peter, Paul, and Mary.

Ảnh: IANBUI/TRẺ
Kauai còn được gọi là Garden Island vì nó lúc nào cũng xanh tươi như một khu vườn địa đàng. Khí hậu mát mẻ, lại được nhiều mưa nên rất tốt cho việc trồng cây trái. Những bộ lạc đầu tiên chủ yếu trồng khoai môn dùng làm thực phẩm và để bán cho những đảo khác. Họ là người Polynesian, đến đây vào khoảng từ năm 200 đến 600 sau Công nguyên. Họ có tiếng nói riêng, khác với các giống dân khác trong chùm đảo Hawaii.

Ảnh: IANBUI/TRẺ
Đầu thế kỷ 18, công ty Russian-American Company chuyên mua bán hàng hoá từ các vùng Bắc Mỹ với nước Nga, cho dựng tại Hanalei một đồn lính ngay trên mỏm núi. Đồn được đặt tên Fort Alexandre, dựa theo Hoàng đế Alexandre của nước Nga và được coi như chỗ định cư đầu tiên của người da trắng trên đảo. Ngày nay đồn trại ấy đã biến mất, vết tích duy nhất còn sót lại là các hòn đá xếp hình tròn tại trung tâm điểm dùng để đốt lửa trại.

Ảnh: IANBUI/TRẺ
Sang thế kỷ 18-19 người di dân cho trồng mía, lúa, cà phê, chanh bưởi v.v. Vài thập niên trước, Kauai từng có rất nhiều vườn ổi và từng sản xuất nhiều phụ phẩm đến từ ổi như nước uống, mứt (jelly). Ngày nay tuy ổi không còn là ngành nông nghiệp chủ lực nữa, nhưng các món bánh nhân ổi vẫn có bán khắp nơi và rất thơm ngon, khác xa những loại thường thấy trên đất liền. Trong ảnh là một cây mận sai trái không ai buồn hái.

Ảnh: IANBUI/TRẺ
Cuối thế kỷ 19, vì cần nhân công, Kauai đã cho phép nhiều giống dân khác nhập cư. Đa số đến từ Trung Hoa, Nhật và Phi Luật Tân. Những khu vực nơi họ sinh sống ngày nay đã thành các khu phố chợ đông đúc. Đi đâu ta cũng thấy dấu vết của họ được lưu lại bởi các tấm bảng kể chuyện đời xưa, hoặc như bức bích ảnh khổng lồ như trong bức hình trên đây, của một số trẻ em Nhật mặc kimono, chụp tại ngôi làng Kilauea.

Ảnh: IANBUI/TRẺ
Khu shopping của Hanalei vẫn còn mang tên Ching Young Village, ngày nay thu hút rất nhiều du khách. Đến Kauai mà không ghé Ching Young Village là một thiếu sót lớn. Có điều du khách cũng nên chuẩn bị tinh thần trước khi đi shopping vì giá cả trên đảo khá mắc so với trên nước Mỹ nói chung. Chẳng hạn như một tá trứng khoảng $12, một cái hamburger khoảng $15. Nhưng như ta nói, tiền nào của nấy. Sống trong vườn địa đàng hạ giới phải có cái giá của nó chứ.

Ảnh: IANBUI/TRẺ
Một nét đặc thù khác của Kauai là đi đâu cũng thấy gà. Chúng đi đầy đường phố. Đây là giống gà do con người nuôi. Cách đâu mấy chục năm Kauai bị một cơn bão lớn tấn công. Các trại gà bị đánh sập, gà bay tứ tung. Giờ đây chúng nghiễm nhiên trở thành một phần của đời sống. Ngày nào cũng được (hoặc bị) nghe tiếng gà gáy, đôi khi cũng làm nhớ tới Việt Nam.

Ảnh: IANBUI/TRẺ
Nhưng nói gì nói, Kauai có nhiều bãi biển rất đẹp, ít người lai vãng vì muốn đến được chúng ta phải băng rừng, leo lên leo xuống các triền núi khá nguy hiểm. Nhưng đối với những ai thích khám phá hay thích hiking thì Kauai là một địa điểm du lịch lý thú, khác nhiều so với những đảo lớn của Hawaii. Thậm chí nhiều người trên các đảo lớn còn mua nhà trên Kauai để … nghỉ mát!

Ảnh: IANBUI/TRẺ
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.