Có những bản nhạc gắn liền với một thời điểm nào đó trong cuộc hành trình qua cõi nhân sinh. Mỗi khi chợt nghe lại, bỗng dưng ta như được lội ngược dòng thời gian…

Jesus Christ trên thập tự giá. Nguồn: Broadway Dallas 

Ðầu thập niên 1970 nhạc Anh-Pháp-Mỹ bắt đầu tràn vào Việt Nam khá mạnh. Phong trào nhạc trẻ trỗi lên như diều gặp gió. Ban Phượng Hoàng với những sáng tác pop rock độc đáo như “Tôi Muốn”, “Yêu Ðời và Yêu Người”, “Mặt Trời Ðen”… đã thổi một luồng gió mát vào bầu không khí chiến tranh đang sôi sục. Về phía nhạc nhẹ, các dĩa nhạc không lời của Paul Mauriat với những bản nhạc ngoại quốc êm tai rất được dân miền Nam yêu chuộng.

Thuở bấy giờ phong trào thâu băng cối reel-to-reel nở rộ. Ðường Nguyễn Huệ ở Sài Gòn đầy các kiosk sang băng nhạc. Dân ta bắt đầu chơi máy Akai, Teac… Ai cũng ráng sắm cho bằng được một dàn ampli với cặp loa. Mỗi khi Tết đến, trong khi mấy bà mấy cô rủ nhau đi chợ hoa thì Ba tôi dắt tôi đến mấy sạp thâu băng. Tôi thích nhất là mấy cuộn băng của Shotgun và Anna vì chúng có nhiều bài nhạc ngoại quốc lạ tai. Ðặc biệt tất cả các cuộn băng Anna luôn mở đầu với một khúc nhạc của Paul Mauriat rất hay mà lúc đó tôi không biết tên mà cũng chẳng rõ nguồn gốc.

Phải mấy năm sau 75, khi di tản qua Mỹ, được đi học tại một trường tư thục Dòng Tên (Jesuit High School) tôi mới được nghe dĩa nhạc “Jesus Christ Superstar” (JCS) trong một lớp Thần học (Theology). Nhờ đó tôi phát hiện bài nhạc trong băng Anna ngày xưa chính là bài nhạc chủ lực của một vở nhạc kịch. Không những vậy, một bài nhạc khác hồi còn ở Việt Nam tôi cũng rất thích, tựa là “I Don’t Know How To Love Him”, cũng đến từ nhạc kịch này. Có điều thuở bấy giờ vì mới qua Mỹ, chẳng biết tí gì về Broadway nên tôi cũng thật sự không hiểu nhạc kịch là gì. Thú thật lúc đầu tôi không thấy dĩa này hay ho gì cho lắm vì ngoài mấy bài top hit quen thuộc, số còn lại là những bài nhạc rock chỏi nhịp khó nghe, với nhiều giai điệu lạ lùng, ma quái. Lời lẽ thì tôi nghe tiếng đực tiếng cái nên cũng không hiểu họ hát hò gì. Ngồi trong lớp tôi cứ thắc mắc vì sao ông thầy, từng là tu sinh trong nhà dòng, lại cho học sinh nghe dĩa nhạc lạ kỳ này, và linh cảm nó phải có một thông điệp quan trọng nào đó mà mình chưa nghiệm ra.

Lễ Lá và bài “Hosanna”. Nguồn: Broadway Dallas

Ít lâu sau tôi được xem trên TV cuốn phim dựa theo vở này — làm năm 1972 và có lẽ đã được chiếu ở Sài Gòn trước 75. Nhìn cảnh mấy anh chị hippie tóc dài đóng vai Judas và các môn đệ của Giê-su nhảy múa hát ca tôi lấy làm lạ hết sức. So với những gì tôi tưởng tượng trong đầu về Jesus qua Kinh Thánh thì nhạc kịch này khiến tôi ngạc nhiên và tò mò vô cùng. Tôi bèn vào thư viện của trường mượn dĩa nhạc JCS về nghe. Thời xa xưa chỉ có dĩa nhựa 33 tua, cứ mỗi 15-20 phút phải lật mặt. JCS là dĩa đôi, có bốn mặt cả thảy, dài gần 90 phút. Ðặc biệt nó có kèm theo một quyển sách mỏng chừng 20 trang, ghi chép toàn bộ lời hát cùng tên các nhân vật. Thế là tôi ngồi nghe một mạch, đọc kỹ ca từ và theo dõi diễn biến câu chuyện. Nhờ vậy mà tôi mới hiểu thêm chút ít về nhạc kịch của Âu Mỹ và những gì mà ông thầy mình muốn gửi gắm.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Trước JCS tôi từng xem phim “The Sound of Music”. Tuy cũng là một vở nhạc kịch nhưng nó thuộc loại truyền thống, và khác xa JCS ở chỗ nó có đối thoại. Trong JCS các nhân vật không nói chuyện với nhau một cách bình thường mà tất cả đều hát. Tiếng Anh gọi thể loại nhạc kịch này là sung-through, nghĩa là hát từ đầu đến cuối. Ðối với người Việt, nhất là người mới qua Mỹ chưa rành tiếng Anh như tôi lúc bấy giờ, vở này rất khó nghe vì người mình không có ca kịch hay tuồng hát nào như vậy cả. Ðã vậy nó còn được soạn theo phong cách rock nên không phải ai mới nghe cũng thích, nhứt là nếu đó giờ chỉ quen nghe nhạc pop êm dịu như Lobo hay Carpenters.

Nhưng một khi hiểu được ca từ và cốt truyện, bỗng dưng tôi cảm được cái hay của JCS. Kể từ đó tôi bắt đầu để ý đến nhạc kịch nhiều hơn. Nhưng có lẽ JCS là vở tôi thích nhất, phần vì nó luôn gợi nhớ đến thời niên thiếu ở Việt Nam, phần vì lời và nhạc của nó quá hay, càng nghe càng thấm. Tác giả Andrew Lloyd Webber viết nhạc cho vở này khi mới 21-22 tuổi. Nhà soạn lời Tim Rice khi ấy cũng chỉ mới 26. Cặp bài trùng này về sau sẽ còn soạn nhiều vở khác thành công hơn, nhưng JCS là phát súng khai pháo cho thể loại nhạc kịch họ gọi là “rock opera”.

Các biệt phái Pharisee. Nguồn: Broadway Dallas

Trước đó vài năm, ban The Beatles vừa sáng tạo ra cái gọi là “concept album” — tức một dĩa nhạc không chỉ là tập hợp những bản nhạc đơn lẻ, rời rạc, mà tất cả đều hướng về một chủ đề (concept) — với dĩa “Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band” (1967). Webber và Rice cũng bắt chước theo phong trào đó. Lúc đầu hai người muốn làm một vở nhạc kịch xoay quanh bảy ngày cuối trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Nhưng hai nhà nghệ sĩ trẻ đã không tìm được ai tài trợ một sản phẩm nặng mùi tôn giáo đầy rủi ro như vầy. Thế nên họ xoay qua làm một dĩa nhạc “concept album” mang tựa đề “Jesus Christ Superstar”, phát hành tại Anh năm 1970.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Các nhà phê bình chấm điểm dĩa nhạc này không cao. Quần chúng Anh có vẻ không mặn mòi lắm với JCS nhưng dân Mỹ lại khoái. Chẳng mấy chốc JCS leo lên đến #1 bảng Billboard trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Với sự thành công bất ngờ ấy, cuối cùng thì JCS cũng tìm được người đài thọ để dựng nhạc kịch trên Broadway. Rất tiếc là Webber và Rice đã không chọn được người đạo diễn theo ý muốn, và vở nhạc kịch đầu tay của họ đã thất bại ê chề. JCS chỉ diễn được 711 xuất thì phải dẹp tiệm và chẳng thắng giải Tony nào.

Dẫu vậy, JCS vẫn có được một lượng fan đáng kể, và sau khi cuốn phim ra đời năm 1972 thì số lượng fan càng tăng thêm. Thế là tưởng đã chết, nào ngờ JCS được vực dậy chẳng khác nào một cuộc phục sinh thật sự. Từ đó đến nay vở nhạc kịch bất hủ này đã được tái dựng trên Broadway mấy lần. Lần mới nhất là chuyến tour kỷ niệm sinh nhật 50 năm hồi năm ngoái, nhưng lại bị gián đoạn bởi đại dịch cho nên mãi đến bây giờ nó mới được ra mắt khán giả vùng Bắc Texas.

Bữa Tiệc Ly. Nguồn: Broadway Dallas

Ðây là lần thứ nhì tôi được xem nhạc kịch này. Phải công nhận so với lần trước cách đây hơn mười năm thì JCS lần này hay và đẹp hơn nhiều. Cách dàn dựng sân khấu hiện đại hơn, có tầng lầu cho ban nhạc ngồi nên khán giả có thể xem trực tiếp các màn guitar hay saxophone solo. Thật tuyệt vời. Phần trang phục cũng được thiết kế theo phong cách đương đại, nhìn nửa giống thời La Mã, nửa giống thập niên 2010. Các màn vũ cũng được biến chế lại với nhiều động tác mới mẻ, mang nhiều hơi hướm một giáo phái. Ðặc biệt là hai diễn viên đóng vai Jesus và Peter thỉnh thoảng vừa đàn guitar vừa hát, làm ta liên tưởng đến một buổi văn nghệ cây nhà lá vườn. Bài “Gethsemane” và “I Don’t Know How To Love Him” thật xuất sắc, nó làm tôi nhớ vô cùng đến Ba tôi và những ngày Tết năm xưa của Sài Gòn một thời.

Xem thêm:   Chó...

Thật mừng là Dallas Summer Musicals (mới đổi tên thành Broadway Dallas) đã kịp mang vở “Jesus Christ Superstar” này từ Broadway đến Dallas đúng vào mùa Lễ Phục Sinh. Bà con nếu có đi coi nhớ tới sớm vì vở chỉ có một màn, hát thẳng từ đầu tới cuối không nghỉ giải lao.

IB