Đêm thứ Bảy vừa rồi gần 90,000 ngàn người đã có mặt tại sân banh Cowboys Stadium ở Arlington, Texas, để xem chương trình ca nhạc của Garth Brooks nhạc sĩ bán nhiều dĩa hát hơn cả ban Beatles. Trước đó Garth có đề nghị với chủ đội banh là Jerry Jones cho mở mái sân ra vì âm thanh sẽ hay hơn, nhưng không được phép. Có lẽ vì bên ngoài trời nóng quá. 

Ảnh: ianbui/TRẺ   

Sinh trưởng ở Oklahoma, Garth Brooks kể rằng anh khởi nghiệp tại Dallas. Garth sống trong vùng DFW hai năm và bắt đầu nổi lên sau khi chơi tại những địa danh như Billy Bob’s Texas, Texas State Fair, Reunion Arena (nay đã không còn) vào cuối thập niên 1980. Anh nói mười năm qua gia đình ông Jerry Jones vẫn hay thúc giục anh đến chơi trong sân Cowboys. Nhưng vì Garth quyết định giải nghệ ở nhà nuôi con từ gần hai chục năm nay, nên mãi tới khi cô con gái út lên 18 tuổi anh mới đi tour trở lại.

Nguồn ảnh: Twitter @GarthBrooks

Ai cũng biết Garth Brooks đi hát trở lại vì đam mê và vì fan của anh chứ chẳng phải vì cần tiền. So với các nghệ sĩ lớn khác, vé đi xem Garth Brooks phải nói khá rẻ (nếu bạn nhanh tay mua kịp). Garth chỉ đưa ra một giá vé: $75, bất kể gần xa. Vấn đề là vé vừa được tung ra là bán hết sạch. Ngoài 80,000 vé thường, Cowboys Stadium còn bán thêm một số không nhỏ những vé cực rẻ, $10-$30, cho những ai chịu khó đứng xem. Trong hình là một phía sân đầy những người đứng xếp lớp tại khu vực “standing room only”. Mỗi tầng lầu đều có những khu vực “đứng xem” như thế, và tầng nào cũng kín mít người.

Ảnh: ianbui/TRẺ

Garth Brooks vào đại học Oklahoma nhờ học bổng football, và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Marketing. Do đó ta không lấy làm lạ anh rất biết cách quảng bá thương hiệu của mình. Ví dụ, các món hàng lưu niệm của Garth như áo thun, nón v.v. đều để giá rất rẻ ($25, thay vì $35-40 như những nghệ sĩ lớn khác). Garth quan niệm fan của anh đa số là dân ở các vùng quê, không phải ai cũng dư dả, nên anh không bán mắc nhưng cốt yếu lấy số đông làm lời. Trong hình là một trong nhiều quầy bán đồ lưu niệm tại sân banh, quầy nào cũng đầy người sắp hàng dài dài. Tiền bán áo của Garth đêm đó chắc không thua tiền vé; bao nhiêu chiếc nón đã bán sạch không còn một cái.

Ảnh: ianbui/TRẺ

Đặc biệt đêm hôm đó còn có sự xuất hiện của Trisha Yearwood, vợ (thứ nhì) của Garth Brooks. Cùng với ban nhạc riêng của mình, Trisha Yearwood đã hâm nóng bầu không khí với một số bản nhạc của cô. Ngày xưa, trước khi Garth Brooks thành siêu sao thì Yearwood đã có top hit rồi. Garth Brooks kể hồi anh mới tập tễnh bước vào thế giới showbiz ở Nashville, Trisha Yearwood là người đã góp mặt hát bè trong ít nhất 100 bản nhạc của anh. Cho nên sau này khi hai người lấy nhau, Trisha hay gọi đùa Garth Brooks là Mr Yearwood. Ngoài ca hát ra, Trisha Yearwood còn soạn sách nấu ăn và lập ra một thương hiệu thức ăn cho chó mèo.

Nguồn ảnh: Twitter @TrishaYearwood

Chương trình đêm hôm ấy khá đặc sắc. Garth và ban nhạc không chỉ chơi những bài top hit ai cũng biết mà còn đào sâu vào những dĩa nhạc đầu tiên. Có lẽ vì đây là lần trở lại nơi anh khởi nghiệp cầm ca. Nhiều người trong ban nhạc đã chơi với anh ngay từ những ngày còn trẻ cho tới bây giờ. Đặc biệt hơn nữa là lần này Garth còn giới thiệu với khán giả một số nhạc sĩ trong các album nổi tiếng của anh nhưng chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng. Garth nói anh muốn cho họ thấy và cảm nhận sự đón tiếp nồng nhiệt của khán giả khi nghe những bản nhạc mà họ đã góp phần tạo nên trong phòng thâu. Cảm động nhất là khi anh mời một vị giáo sư dạy đàn ở UT Arlington lên sân khấu và khảy đoạn guitar ông chế ra để mở đầu bài “Friends in Low Places” bất hủ. Tiếp theo là tiếng hát của gần 100,000 khán giả vang khắp cầu trường, thật là một kinh nghiệm không thể nào diễn tả bằng lời.

Ảnh: Allison Slomowitz

Ngoài những bản nhạc quen thuộc, Garth còn chơi nhiều bài do khán giả yêu cầu bằng cách giơ những tấm bảng ghi tên bài nhạc. Có lẽ đây là màn hào hứng nhất trong chương trình, vì không ai biết trước anh sẽ chọn hát bài nào. Sau khi kết thúc phần chính của chương trình với bài “The Dance” tuyệt đẹp, Garth và ban nhạc đã trở lại chơi thêm một màn “encore” dài cả nửa tiếng. Chiếc áo của anh lúc bấy giờ đã ướt nhẹp mồ hôi, nhưng Garth Brooks đúng là dân thể thao thứ thiệt. Anh chạy nhảy không ngừng quanh sân khấu (hình quả banh football) nói chuyện huyên thuyên với khán giả — cứ như họ là bạn thiết vậy. Cho dù bạn là fan của country music hay không, xem Garth Brooks chơi nhạc sống vẫn là một kinh nghiệm khó thể nào quên.

Nguồn ảnh: Twitter @GarthBrooks