Trên thế giới hiện có khoảng 50 đường xe lửa răng cưa vẫn còn hoạt động. Sau đây là vài tuyến đường nổi tiếng.

1. Tuyến đường xe lửa răng cưa đầu tiên trên thế giới là đường lên núi Mount Washington, tiểu bang New Hampshire. Năm 1852, ông Sylvester Marsh nảy ra ý tưởng xây đường xe lửa leo lên đỉnh núi. Ai cũng nghĩ ông bị rồ. Nghị viện tiểu bang cấp giấy phép vì cho rằng ông sẽ thất bại. Marsh kịp khởi công thì dự án bị khựng lại vì chiến tranh. Sau Nội Chiến ông từng bước một thiết kế hệ thống đường sắt và xây các nhà nghỉ dọc đường để phục vụ du khách. Năm 1868 đoạn đường đầu tiên được khánh thành, và năm 1869 chuyến xe lửa răng cưa đầu tiên trèo lên đến đỉnh núi. Tổng thống Ulysses Grant từng là khách VIP trên tuyến đường dài 4.8km này. Ngày nay đường xe lửa vẫn còn hoạt động và là tuyến đường ray với độ dốc cao thứ nhì, sau tuyến Pilatus ở Thuỵ Sĩ.

Xuống núi. Nguồn ảnh: Washington Cog Railway

2. Pilatus Railway là đường xe lửa dốc nhất thế giới với độ dốc trung bình 35%, và tối đa 48%. Kỹ sư Eduard Locher đã phải sáng chế ra một hệ thống răng cưa đặc biệt để giữ cho các toa tàu không bị bung khỏi đường ray khi leo núi vì độ dốc và gió to. Tuyến đường leo núi dài 4.6km này đã mất hơn 3 năm để xây dựng. Khánh thành tháng Sáu 1889, nội trong năm đầu đường xe lửa đã thu hút 35,000 du khách lên đỉnh Pilatus. Năm 1937 đường được thay thế bằng hệ thống điện; các toa tàu kể từ đó được công ty Locher bảo trì và sử dụng cho đến ngày nay.

Xe điện răng cưa leo lên đỉnh Pilatus, Thuỵ Sĩ. Ảnh: George Tr

3. Đường sắt răng cưa cao nhất thế giới không phải ở Âu Châu mà ngay tại nước Mỹ. Khánh thành năm 1891, tuyến đường Pikes Peak vẫn ngày ngày đưa du khách lên đỉnh núi cao 4,300m ở Colorado cho tới bây giờ. Với chiều dài 14.3km, mỗi chuyến xe lửa phải mất 40 phút để leo lên tới đỉnh, và 1 tiếng đồng hồ để bò xuống. Độ dốc trung bình là 12%, và tối đa là 25%. So với các tuyến xe lửa răng cưa khác thì Pikes Peak tương đối “hiền”. Bà con nào có dịp ghé Colorado Springs nên đi thử cho biết.

Colorado nhìn từ toa xe lửa Pikes Peak. Ảnh: Hart Van Denburg

4. Đan viện Montserrat ở Catalonia, Tây Ban Nha, xây vào khoảng năm 1025 AD, ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Từ thành phố Barcelona, du khách có thể đi bằng xe hơi khoảng 90 phút đến chân núi rồi lên xe lửa để leo lên đỉnh. Đoạn đường răng cưa này tuy không dài và chỉ mất 15 phút, nhưng nhờ đi vòng quanh quả núi nên nổi tiếng là đẹp. Tu viện này là nơi có bức tượng Đức Mẹ Đen (Black Madonna), được cho là mang đến nhiều phép lạ. Đến đây, du khách còn có dịp thưởng thức rượu Aromes de Montserrat do các tu sĩ Benedictine tự cất.

Đường răng cưa lên Montserrat. Ảnh: Lauren Norah

5. Một trong những tuyến đường xưa nhất và dài nhất là đường xe lửa Nilgiri ở Ấn Độ. Người Anh đã nghĩ đến việc xây tuyến đường này từ thập niên 1850, nhưng mãi đến năm 1899 nó mới trở thành hiện thực. Từ nhà ga chính ở Mettupalayam đến trạm Coonoor (khoảng 100km), đường sắt dùng hệ thống răng cưa do công ty Abt của Thuỵ Sĩ sáng chế để leo từ độ cao 430m đến hơn 1500m. Nhà ga Coonoor từng xuất hiện trong bộ phim “A Passage to India” (1984) của đạo diễn lừng danh David Lean (“Bridge Over River Kwai”, “Doctor Zhivago”).

Chuyến tàu Marabar Express rời trạm Coonoor trong phim “A Passage to India”. Nguồn: Columbia Pictures

6. Nói đến những đường xe lửa răng cưa nổi tiếng nhất Á Châu, không thể nào không nhắc tới tuyến đường Phan Rang – Đà Lạt do người Pháp mướn kỹ sư Thuỵ Sĩ xây dựng vào thập niên 1930. Từ nhà ga Tháp Chàm, tuyến đường dài 84km băng qua chín nhà ga và 5 đường hầm xuyên núi để lên đến Ga Đà Lạt (độ cao 1550m). Trong những năm đầu của Chiến tranh Đông Dương thứ nhất (1945-1946), đường sắt bị Việt Minh phá hoại thường xuyên, 4 đầu tàu mua của Thuỵ Sĩ bị huỷ hoại hoàn toàn. Dưới thời VNCH, đường được tái sử dụng phần lớn để vận chuyển rau cải trái cây từ Đà Lạt, cho tới khi phải ngưng vì chiến sự. Sau tháng Tư 1975 toàn bộ tà vẹt bị tháo dỡ để dùng xây đường sắt Thống Nhất. Gần đây có tin đồn đường xe lửa răng cưa này sẽ được khôi phục để phục vụ ngành du lịch. Nghe thì nghe vậy, nhưng thấy được hay không là chuyện khác.

Đầu máy HG4/4 0-8-0T của Thuỵ Sĩ chạy thử trên một đoạn đèo Ngoạn Mục năm 1927. Nguồn: Tim Doling/Historic Vietnam