Năm nay FIFA đã bỏ ra 435 triệu USD để tổ chức giải Nữ Túc Cầu Thế Giới — Women’s World Cup, viết tắt là WWC. Tổng cộng tiền thưởng cho các đội cũng được tăng đáng kể – từ $30 triệu vào năm 2019 lên đến $150 triệu! Nhưng nhiều người có thể không biết, cách đây chỉ nửa thế kỷ các liên đoàn quốc gia vẫn không được phép tổ chức giải bóng đá nữ dưới danh nghĩa FIFA. Con đường từ số không to tướng ấy đến nay là công cuộc đấu tranh bền bỉ của phụ nữ trong trường thể thao, và vẫn còn đang tiếp diễn.

Brandi Chastain của Mỹ cởi áo ăn mừng chiến thắng trước Trung Quốc trong trận chung kết năm 1999 (nguồn: FIFA)
Mọi sự khởi đầu vào năm 1970, khi Liên đoàn Bóng đá Nữ Âu châu Độc lập (FIEFF) đứng ra tổ chức một cuộc tranh tài giữa 8 đội tuyển, đa số đến từ Âu Châu và khối cộng sản Đông Âu. Mễ Tây Cơ là nước duy nhất đại diện Châu Mỹ. Giải đấu diễn ra tại 7 thành phố trên nước Ý. Đan Mạch hạ đội chủ nhà 2-0 để đoạt chiếc cúp vô địch nữ đầu tiên trước sự thờ ơ của giới truyền thông. Mễ đã gây bất ngờ khi đánh bại Anh 3-2 để giành huy chương Đồng.

Đội tuyển Ý trước trận chung kết tại Turin (nguồn Internet)
Sau lần ra quân lịch sử ấy, FIEFF tổ chức thêm giải thứ nhì vào năm sau tại Mễ Tây Cơ với 6 quốc gia lọt vào vòng chung kết. Một lần nữa, Đan Mạch hạ đội chủ nhà 3-0 trong trận cuối cùng để đoạt cúp. Mặc dù các trận banh này không được chiếu trực tiếp trên TV, lượng người mua vé đi coi phụ nữ đá banh đã đạt con số kỷ lục. Dù FIEFF bị ngừng hoạt động năm 1972, nhưng các giải vô địch nữ nhỏ hơn, gọi là Mundialito, vẫn tiếp diễn trong hai thập niên 1970 và 1980.

Thủ quân Lis Westberg của Đan Mạch nâng cao chiếc cúp vô địch tại Mexico City, 1971 (nguồn: Internet)
Cuối cùng thì đến năm 1988 FIFA cũng chịu đứng ra tổ chức một giải đấu nữ, gọi là Giải Mời (Invitational). Cuộc tranh tài diễn ra tại Trung Quốc giữa 12 đội, trong đó có đội Mỹ mới được thành lập trước đó không lâu. Dù là một đội banh non trẻ so với các đội Âu Châu hay Nam Mỹ, đội tuyển nữ của Mỹ cũng vào đến được tứ kết trước khi bị loại bởi Na-Uy với tỉ số 1-0. Na-Uy sau đó hạ Thuỵ Điển 1-0 trong trận chung kết. Đây là bước dọ dẫm thử nghiệm của FIFA để xem khán giả có hứng thú xem phụ nữ đá banh hay không.

Poster quảng cáo cho giải mời năm 1988 của FIFA (nguồn: Internet)
Sự thành công của giải mời năm 1988 khiến FIFA đổi ý, chính thức đứng ra tổ chức giải vô địch bóng đá nữ thế giới đầu tiên năm 1991, cũng tại Trung Quốc. Song FIFA vẫn chưa dám sử dụng thương hiệu World Cup mà chỉ gọi nó là “World Championship for Women’s Football for the M&M’s Cup” (M&M là tên hiệu kẹo sô-cô-la của nhà tài trợ Mars!) Thời bấy giờ phụ nữ bị cho là yếu đuối hơn phái nam nên mỗi trận banh chỉ kéo dài 80 phút. Thậm chí có người còn đề nghị cho họ dùng trái banh nhỏ hơn của đàn ông. Rất may điều đó đã không xảy ra!

Lễ khai mạc tại Trung Quốc năm 1988 (nguồn: FIFA)
Ngày 30/11/1991, tại vận động trường Quảng Châu, đội tuyển Nữ của Mỹ đã làm nên lịch sử với chiếc cúp FIFA Túc cầu Thế giới đầu tiên sau khi hạ đo ván đội mạnh nhất xưa nay là Na-Uy với tỉ số 2-1. Trước hơn 63,000 khán giả tham dự, những tên tuổi như Julie Foudy, Mia Hamm, Michelle Akers, Brandi Chastain đã mở màn cho một cuộc cách mạng bóng đá ở Mỹ. Thuật ngữ “soccer mom” ra đời, và chỉ trong vài năm bóng đá trở thành môn thể thao được nhiều trẻ em Mỹ chơi nhất khi tính cả nam lẫn nữ.

Michelle Akers (giữa) nâng cao chiếc cúp vô địch năm 1991 (nguồn: FIFA)
Cuối cùng thì FIFA cũng phải công nhận khả năng đá banh của phụ nữ. Giải đấu năm 1995 được chính thức gọi là FIFA Women’s World Cup, và thời gian thi đấu cho mỗi trận là 90 phút như của đàn ông. Song các nữ cầu thủ vẫn không được trả lương hay tiền thưởng như nam cầu thủ, thậm chí nhiều đội còn không được ở trong khách sạn với phòng riêng mà phải chia sẻ phòng với cả chục người. Dẫu vậy, túc cầu nữ vẫn tiếp tục phát triển mạnh và ngày càng thu hút giới hâm mộ.

Na-Uy đánh bại Đức 2-0 trong trận chung kết tại Thuỵ Điển (nguồn: FIFA)
Trong 8 giải WWC từ 1991 đến nay, chỉ có bốn quốc gia từng thắng cúp vô địch: Mỹ (4); Đức (2); Nhật (1); Na-Uy (1). Trung Quốc tuy là một cường quốc bóng đá của Á Châu từ những ngày đầu tiên nhưng đến nay vẫn chưa thắng giải nào. Trong khi đó thì Nhật dù khởi đầu đá rất dở nhưng sau 20 năm khổ luyện cũng đoạt được chiếc cúp đầu tiên vào năm 2011. Mùa banh 2023 này có đến 8 đội vào được WWC lần đầu, trong đó có Việt Nam và Phi Luật Tân. Tuy cả hai đều đã bị loại sau vòng Bảng, nhưng nếu họ biết noi gương Nhật Bản thì rất có thể ta sẽ thấy họ trở lại trong tương lai.

Vô địch WWC 2011, Nhật Bản (FIFA/Getty
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.