Chữ ‘impeach’ trong tiếng Anh nên dịch là ‘đàn hặc’ hay ‘luận tội’? Xét đây là một đề tài thú vị, xin mạo muội đưa ra vài ý kiến cá nhân. Hy vọng nó sẽ giải đáp được một số thắc mắc của nhiều người.

Buổi điều trần trước Uỷ ban Tư pháp Hạ Viện để chuẩn bị đàn hạch Tổng thống Nixon năm 1974. Nguồn: wikimedia   

Đàn hặc –  – còn đọc là đàn hạch, là một định chế pháp lý đặc biệt dùng để ngăn cản quan chức làm điều sai trái. Ở nước ta, từ đời nhà Lý vào thế kỷ 12 đã có Ngự Sử Ðài có nhiệm vụ hạch tội các quan lại chuyên ức hiếp dân lành. Người đứng đầu, gọi là Quan Ngự Sử, phải là một nhân vật đặc biệt cương trực, liêm chính, đủ dũng cảm để can gián cả nhà vua. Người bị đàn hặc sẽ được nhà vua xét xử; nếu có tội, tuỳ mức nặng nhẹ có thể bị cách chức, đánh đòn, bỏ tù, thậm chí … xử trảm!

Luận tội –  – theo tự điển Thiều Chửu có nghĩa là “xử án”. Chữ này xưa nay được dùng một cách rộng rãi, không chỉ dành riêng cho thành phần quan lại. Người dân thường cũng có thể bị luận tội hay xử án, nhưng chỉ có quan chức mới bị đàn hặc.

Impeach là một khái niệm tương tự như đàn hặc, được sử dụng ở nước Anh từ ít nhất thời vua Edward III vào thế kỷ 14. Nguồn gốc chữ này được cho là đến từ chữ La-Tinh cổ ‘impedire’ có nghĩa là ngăn cản. Nghị Viện (Parliament) là cơ quan có quyền hạch tội những quan chức làm sai quấy. Giống như ở nước ta thuở xưa, nhà vua sẽ là người đứng ra xét xử. Hình phạt cho người bị kết tội có thể là bãi nhiệm, phạt tiền, phạt tù, đôi khi còn bị … treo cổ!

Impeachment ở Mỹ, được mượn từ bộ luật của Anh, là một tiến trình đàn hạch ghi trong Mục II, Khoản 4 của Hiến Pháp. Nó gồm có hai phần: hạch tội (impeach) và luận tội (trial). Hạ Viện, giống như Parliament của Anh, có nhiệm vụ điều tra và đúc kết tội trạng. Vì thể chế dân chủ cộng hoà không có vua, Thượng Viện đảm trách việc luận tội, tức xét xử. Ban đầu các vị quốc phụ định trao quyền luận tội cho toà án Tối Cao, nhưng họ e làm như thế sẽ trao quá nhiều quyền lực cho nhánh Tư Pháp nên cuối cùng chỉ có Chánh án Tối Cao Pháp Viện tham gia khi luận tội tổng thống.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 7 tháng 3 năm 2024

Khi một viên chức chính phủ bị hạch tội, Hạ Viện có bổn phận lập một bản Hạch Trạng (Articles of Impeachment) gồm những điều mục được cho là vi hiến, và mở cuộc tranh biện (debate) để biểu quyết. Nếu đa số bỏ phiếu thuận, viên chức ấy coi như “bị đàn hạch” (impeached). Hành động này tương đương với việc người dân thường “bị truy tố” (indicted), chỉ khác ở chỗ ‘impeached’ là thuật ngữ dành riêng cho các quan chức cấp cao.

Bộ trưởng Chiến tranh William Belknap, người bị Hạ Viện đàn hạch năm 1876 nhưng thoát tội. Nguồn: wikimedia

Như người dân thường, tổng thống dù bị truy tố không có nghĩa là họ có tội. Hiến Pháp quy định Thượng Viện sẽ là toà án, Chánh thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ chủ trì cuộc luận tội, và các thượng nghị sĩ sẽ là bồi thẩm đoàn. Hạ Viện đóng vai công tố, với một uỷ ban công tố viên được gọi là ‘impeachment managers’. Nhiệm vụ của uỷ ban “điều hành đàn hạch” này là trình bày các hạch trạng trước toà để thuyết phục bồi thẩm đoàn kết tội bị can.

Một đặc điểm nổi bật của tiến trình luận tội ở Thượng Viện — khác với những phiên toà bình thường, là bồi thẩm đoàn có quyền bác bỏ yêu cầu gọi nhân chứng của bên công tố. Chỉ cần đa số thượng nghị sĩ không chấp thuận là yêu cầu sẽ bị bác. Ðó là lý do tại sao trong cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump lần thứ nhất hồi đầu năm 2020 đã không có nhân chứng nào xuất hiện. Cũng cần nói thêm là Hiến Pháp vẫn cho phép vị Chánh án gởi trát gọi nhân chứng nếu cảm thấy cần thiết.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Trong phiên toà luận tội, mỗi hạch trạng được xét xử và biểu quyết riêng. Tội danh nào không đủ 2/3 bồi thẩm đoàn bỏ phiếu thuận thì tội đó coi như được trắng án (acquitted). Nhưng chỉ cần một hạch trạng được chấp thuận là viên chức ấy sẽ bị kết tội (convicted). Tu Chính Án thứ 14, Mục I, Khoản 3, Ðiều 7 quy định: “Người bị kết tội sẽ bị truất phế, và tước quyền làm việc cho chính phủ Liên Bang trong tương lai.”

Dựa theo những định nghĩa nói trên, ta có thể kết luận ‘impeachment’ dịch thành ‘luận tội’ không sai nhưng cũng không đúng hẳn. Luận tội, tức luận bàn xét xử xem có tội hay không, là phần thứ nhì trong quá trình đàn hạch; không những vậy, ý nghĩa của nó không giới hạn cho giới quan chức. Thành thử thay vì hỏi “Ðàn hạch HAY luận tội?” ta nên nói “Ðàn hạch VÀ luận tội.” Như bản “Quy trình và Ðiều lệ cho Phiên toà Luận tội tại Thượng Viện” [1] quy định: “Một khi có người bị đàn hạch, Thượng Viện phải bắt đầu phiên toà luận tội vào 1:00 trưa sau ngày tiếp nhận hạch trạng từ Hạ Viện, trừ phi đó là ngày Chủ Nhật.”

Tít báo sau ngày Bill Clinton bị Hạ Viện đàn hạch ghi rõ “impeached” và “trial” là hai sự kiện khác nhau. Nguồn: News Journal

Hỏi: Quốc Hội có thể nào đàn hạch và cách chức một người đã mãn nhiệm hoặc từ chức?

Hiến Pháp không cấm đàn hạch người không còn tại chức. Trường hợp này đã xảy ra với Bộ trưởng Chiến tranh William Belknap năm 1876. Hai giờ trước khi bị mang ra đàn hạch, ông Belknap từ chức. Nhưng Hạ Viện vẫn biểu quyết đàn hạch ông ta. Tiếp theo đó Thượng Viện đã mở phiên toà luận tội ông cựu bộ trưởng nhưng thiếu vài phiếu để kết tội ông. Năm 1974 Richard Nixon từ chức trước khi Hạ Viện biểu quyết ba hạch trạng; cuối cùng Hạ Viện đã quyết định không tiến hành cuộc đàn hạch vì không có dấu hiệu cho thấy Nixon có ý định quay lại chính trường.

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Hỏi: Người bị kết tội có tự động bị tước đoạt quyền làm việc cho chính  phủ hay không?

Trong số 8 người bị Thượng Viện truất phế xưa nay, chỉ có ba người bị vĩnh viễn tước quyền làm việc cho chính phủ. Steve Vladek, giáo sư môn Luật Hiến Pháp tại đại học Texas-Austin, nói chi tiết này cho thấy khi soạn thảo bản Hiến Pháp, các nhà quốc phụ đã phân biệt giữa hai hình thức trừng phạt và đòi hỏi hai cuộc bỏ phiếu riêng. Không những vậy, 3 trường hợp đó cho thấy Thượng Viện đã bỏ phiếu trừng phạt một người ÐÃ bị cách chức.

Vé vào Thượng Viện để dự khán phiên toà luận tội Tổng thống Andrew Johnson. Nguồn: wikimedia

Hỏi: Nếu bị Thượng Viện truất phế, tổng thống có sẽ mất những quyền lợi của cựu tổng thống hay không?

Ðạo luật ‘Former Presidents Act’ (FPA, 1958) dành cho các cựu tổng thống một số quyền lợi cụ thể như lương hưu, bảo hiểm sức khoẻ, mật vụ bảo vệ, tiền mướn văn phòng và nhân viên v.v. FPA định nghĩa cựu tổng thống là “người từng giữ chức vụ và đã rời nhiệm sở không phải vì bị truất phế bởi  Mục II, Khoản 4 của Hiến Pháp…” — tức đã không bị đàn hạch và kết tội trong lúc tại chức. Nếu đúng như thế thì FPA không thể áp dụng cho trường hợp một cựu tổng thống bị kết tội SAU KHI không còn tại chức. Tuy nhiên đây là một vấn đề khá mù mờ và có thể cần được Tối Cao Pháp Viện làm sáng tỏ.

Hỏi: Trong trường hợp cán cân quyền lực tại Thượng Viện ngang ngửa 50-50, đảng nào sẽ kiểm soát cuộc luận tội?

Ðảng của tổng thống, vì Hiến Pháp quy định phó tổng thống còn là chủ tịch Thượng Viện. Hiện nay đảng Cộng Hoà đang chiếm đa số 51-48. Lãnh đạo Thượng Viện Mitch McConnell cho biết sau khi nhận được hạch trạng từ Hạ Viện ông sẽ khởi động cuộc luận tội theo đúng trình tự. Nhưng Hạ Viện có thể đợi đến sau ngày nhậm chức của Phó tổng thống mới chuyển giao hạch trạng; lúc ấy đảng Dân Chủ sẽ có thêm hai tân thượng nghị sĩ từ Georgia và trở thành đa số. Khi đó trách nhiệm điều hành phiên toà luận tội sẽ được trao cho tân lãnh đạo Thượng Viện là TNS Chuck Schumer của New York.

IB

[1] https://www.govinfo.gov/content/pkg/CDOC-99sdoc33/html/CDOC-99sdoc33.htm