Thế Vận Hội Tokyo 2020 đã hạ màn sau hai tuần lễ tranh tài đầy hào hứng và kịch tính. Vào phút chót Team USA đã mang vinh quang về cho nước nhà với số huy chương vàng và tổng số huy chương cao nhất. Nhưng bạn có biết trong đội tuyển Mỹ năm nay có một số lực sĩ là con nuôi?
Trước hết phải nhắc đến nữ lực sĩ môn thể dục dụng cụ Simone Biles, còn được gọi là “The GOAT” — Greatest Of All Time. Sinh năm 1997, Biles sở hữu tổng cộng 32 huy chương Olympics và World Championship, trong đó 7 huy chương đến từ Thế Vận Hội. Nhưng ít ai biết là hồi Simone Biles còn nhỏ, cô và 3 anh chị em bị nhà nước giao cho cha mẹ mướn (foster parents) nuôi vì bà mẹ bị nghiện ngập. Mãi đến năm 2000 ông ngoại của cô là Ron Biles mới hay ra cháu mình đang sống trong foster home. Ông Ron và bà vợ thứ nhì là Nellie Cayetano, khi ấy đang sống ở Houston, bèn nhận Simone và em cô là Adria làm con nuôi. Ðồng thời chị của Ron là Harriet cũng nhận 2 anh em lớn của Simone làm con nuôi. Nhờ vậy nên 4 anh chị em của cô thoát khỏi cảnh sống với tương lai vô định.
Năm lên 6, Simone được chơi thử môn nhào lộn và tỏ ra có năng khiếu. Thế là từ đó cô được ông ngoại, tức bố nuôi trên giấy tờ, cho học gymnastic. Chẳng bao lâu sau Simone bắt đầu thắng các giải nhỏ trong vùng. Từ đó cô được cho học ở nhà (home school) để có thì giờ tập luyện nhiều hơn. Năm 16 tuổi Simone Biles trở thành nữ lực sĩ da đen đầu tiên đoạt huy chương vàng (HCV) toàn phần (all-around) tại giải World Championship. Tại Thế Vận Hội Rio de Janeiro năm 2016, Simone Biles đoạt 1 HCV đồng đội và 3 HCV cá nhân — lần đầu tiên một nữ lực sĩ Mỹ thắng 4 HCV môn Gymnastics trong cùng một giải Olympic. Tại Tokyo năm nay, vì lý do sức khoẻ tâm thần nên Simone Biles quyết định rút tên ra khỏi đội vào phút chót. Cô chỉ tham dự hai tiết mục và thắng hai huy chương — một Bạc, một Ðồng.
Simone Biles cho biết sau khi giải nghệ cô sẽ đi học lại và mong muốn giúp đỡ trẻ em trong hệ thống foster care.
Jordan Windle là lực sĩ môn Diving cho Team USA. Sinh năm 1998 tại Nam Vang, anh được bỏ trong chiếc giỏ và đặt trước một viện mồ côi ở Chom Chao. Các bà vú tại đây gọi anh là Pisay. Vừa 18 tháng tuổi thì anh được một người đàn ông đồng tính từ Mỹ tên Jerry Windle nhận làm con nuôi. Họ sống ở Fort Lauderdale, Florida. Lên 7 tuổi Jordan được bố nuôi cho đi trại hè bơi lội trong vùng. Huấn luyện viên Tim O’Brien liền lập tức nhận ra khả năng thiên phú của Jordan. Tim là con của Ron O’Brien, người từng làm huấn luyện viên cho lực sĩ lừng danh Greg Louganis từng đoạt bốn HCV môn Diving tại Thế Vận Hội 1984 và 1988.
Nhờ sự khuyến khích của Tim O’Brien, Jerry Windle đầu tư vào Jordan, tạo cho anh mọi điều kiện để tiến xa hơn. Sau khi Jordan bắt đầu thắng nhiều giải thiếu niên từ năm 9 tuổi, Jerry quyết định dời nhà từ Florida nắng ấm lên Indiana lạnh lẽo để Jordan có thể luyện tập tại trung tâm USA National Diving Training Center ở Indianapolis. Lên đại học, Jordan chọn trường University of Texas ở Austin. Năm 2019 Jordan thắng giải vô địch đại học NCAA trong tiết mục nhảy từ 10m. Năm 2021, anh thắng giải NCAA với mức nhảy từ 1m. Anh hiện giữ 7 huy chương vàng giải thanh niên quốc gia và 6 huy chương vàng giải thiếu niên quốc gia.
Jordan Windle và bố nuôi Jerry Windle còn là đồng tác giả một quyển truyện cho trẻ em tựa đề “Tôi không còn mồ côi: Câu chuyện có thật về một thằng bé.” Lời bạt cho sách được viết bởi không ai khác hơn Greg Louganis, người được Windle xem như thần tượng. Sau nhiều năm thử lửa, Jordan cuối cùng cũng vào được đội tuyển quốc gia để trở thành người Mỹ gốc Cambodia đầu tiên thi đấu môn Diving trong Thế Vận Hội. Jordan vào đến vòng chung kết nhưng rất tiếc không lên được bục huân chương.
Suni Lee, cô gái người H’mong đã được báo Trẻ giới thiệu cách đây hai năm [*], vừa đoạt HCV môn gymnastic toàn phần. Suni Lee tên thật là Sunisa Phabsomphou, sinh năm 2003 tại St Paul, Minnesota. Mẹ cô, bà Yeev Thoj, là người tị nạn từ Lào, sinh sống trong cộng đồng H’mong tại Minnesota. Năm Suni lên hai tuổi, bà Yeev Thoj cặp bồ với ông John Lee khi đó đã có 2 đứa con riêng. Tuy không kết hôn, họ sống với nhau và có thêm 3 đứa con chung, tổng cộng là 6 đứa con cả thảy. Dù John Lee là cha nuôi nhưng ông thương Suni như con ruột. Và để đáp trả tình thương đó, Sunisa quyết định đổi họ từ Phabsomphou sang họ Lee.
Từ lúc Suni còn nhỏ, John Lee đã phát hiện năng khiếu nhào lộn của cô con nuôi. Ông tự làm lấy xà ngang cho Suni tập balance beam. Cây xà này hiện vẫn còn ở sau nhà, và chắc chắn sẽ được giữ gìn như một hiện vật vô giá sau khi Sunisa Lee chiến thắng vẻ vang với một Huy Chương Bạc đồng đội, một Huy Chương Ðồng cá nhân trên xà ngang, và một Huy Chương Vàng cá nhân toàn phần all-around tại Tokyo. Nhưng chiến thắng này không phải đến dễ dàng. Cách đây hai năm, vài ngày trước khi Sunisa lên đường sang Ðức dự giải World Championship, John Lee té thang khi giúp hàng xóm cưa cây và bị liệt nửa người. Suni đã tính không đi thi đấu, nhưng từ trong bệnh viện John Lee thuyết phục cô phải quyết chí vì cơ hội này không phải lúc nào cũng đến.
Tại Stuttgart, Suni Lee cùng đội nữ Mỹ thắng lớn, và đó là huy chương vàng giải thế giới đầu tiên của Suni Lee. Nó chứng tỏ ngoài tài năng và thể lực cô còn có khả năng tập trung cao độ cũng như tinh thần thép. Và mới đây nhất một lần nữa Sunisa Lee đã xác định bản lãnh khi Simone Biles bất ngờ rút ra khỏi đội. Sunisa ngay lập tức bước vào thay thế chỗ trống của Simone và làm nên lịch sử.
Nhưng trong tất cả các câu chuyện con nuôi tại Tokyo 2020 có lẽ không có chuyện nào thần kỳ bằng chuyện của Ðỗ thị Thuý Phượng. Cô sinh năm 2003 tại làng Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 2004, khi Thuý Phượng mới 14 tháng tuổi, cha mẹ cô vì lý do gia đình cản trở đã quyết định tự sát và mang đứa con theo xuống tuyền đài. Họ gài mìn trên người và đặt cô ở giữa. Rất may là Thuý Phượng dù bị sức ép tống văng cả chục mét ra khỏi căn chòi nhưng vẫn không chết. Tuy nhiên, để cứu mạng cô bác sĩ đã phải cưa cụt hai chân từ đầu gối xuống.
Ðến cuối năm 2004 Thuý Phượng được hai vợ chồng người Mỹ tên Rob và Shelley Shepherd từ Carthage, Missouri, nhận làm con nuôi mặc dù họ đã có 6 đứa con. Họ đặt tên cho cô là Haven, nghĩa là chỗ an trú. Từ nhỏ Haven là một đứa bé năng động, thích thể thao. Thấy thế vợ chồng Shepherd cho cô học bơi lội. Chẳng mấy chốc cô bắt đầu thắng các giải thiếu nhi trong vùng. Ðược khuyến khích, cô càng bỏ công luyện tập và được đi khắp nơi để tranh giải, đạt nhiều thắng lợi.
Hôm tháng Sáu vừa rồi Haven Shepherd đã lọt vào đội tuyển quốc gia để sang Tokyo thi đấu trong giải Thế Vận Hội cho người khuyết tật — gọi là Paralympic Games. Haven Shepherd sẽ tranh tài trong các tiết mục bơi sải (50m), bơi ngửa (100m), bơi bướm (100m), bơi ếch (100m) và hỗn hợp cá nhân (200m). Paralympics sẽ khai mạc ngày 24 tháng 8, và các giải bơi bắt đầu từ ngày 25.
Với cá tính lạc quan yêu đời, Haven Shepherd hay nói: “Nhờ mất hai chân tôi mới có cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới!”
IB
[*] https://baotreonline.com/giai-tri/vui-la-the-thao/tu-simone-den-sunisa.baotre
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.