Ít ai biết rằng thế giới đã từng phát rồ về ngành công nghiệp phân. Nó đã từng khiến các quốc gia phất lên, mà chính nó cũng khiến nền kinh tế bị lụn bại.

Năm 1802, nhà thám hiểm khoa học người Phổ (Prussia) Alexander Von Humboldt giong thuyền ngoài khơi bờ biển Peru đã phát hiện thấy những người bản địa thồ từng đống những bao guano về đất liền. Hàng trăm năm trước, người Inca và thế hệ thổ dân đi trước dùng nó để bón cho đất. Ðó là thời kỳ bùng nổ dân số ở châu Âu, đất đai thì dần trở nên bạc màu mà chẳng ai biết nhiều về phân bón, chỉ biết bón thêm xương nghiền, tro, phân bắc, phân xanh… thì cây cối tốt hơn. Các khoa học thời đó vẫn chưa hiểu đây là hợp chất của nitrat amoni, và chỉ biết đơn giản đó là “cứt”. Nhưng sau vài thập kỷ khi Von Humboldt mang guano về châu Âu để phân tích, một ngành công nghiệp “shit” đã bùng nổ trên khắp thế giới theo mô hình của Peru. Từ Caribbe, châu Phi, Trung Ðông và cả Mỹ.

Chẳng loại “cứt” nào bằng guano được thải ra bởi chim cốc trên các đảo ngoài khơi Peru vốn được tích lũy khô cứng lên thành các lớp trầm tích địa tầng dày tới 150 feet. Cũng giống như guano đã khiến các nông trại màu mỡ, nền kinh tế Peru đã tăng trưởng lên chín lần. Phân là ngành công nghiệp nghiêm túc, và chim cốc được coi là “loài chim tỷ phú”, giá của phân guano ở sàn giao dịch hàng hóa New York vào những thập niên 1850s lên tới $75/pound gần bằng 1/4 giá bạc ($284/pound).

Sự thịnh vượng của Peru không được bền vững. Các nhà hóa học đã khám phá rằng nitrate là thành phần của guano. Và diêm tiêu, hợp chất của nitrate, thì đầy rẫy dưới lớp cát của sa mạc Atacama ở Chile – hơn thế diêm tiêu ngoài việc làm phân bón, còn dùng để làm thuốc nổ. Ngành công nghiệp diêm tiêu “vàng trắng” của Chile đã độc quyền kiểm soát và xuất cảng trên toàn thế giới.

Bên kia bán cầu, Ðệ Nhất Thế Chiến đã khiến Chile giàu to và vị thế địa chính trị nổi bật bởi nguồn diêm tiêu gần như vô hạn. Ðức, bị quân Anh cô lập đường hàng hải tiếp cận, đã buộc phải xây dựng và vận hành lỗ lã nhà máy ammonia, sản xuất các hợp chất nitrate cho thuốc nổ và phân bón. Khác với khai thác chi phí càng lúc càng lớn, việc tổng hợp và phát triển nitrate càng lúc càng rẻ hơn theo sự tăng trưởng quy mô. Kể từ đó, mỗi ngày trôi qua thì các thị trấn Chile trên sa mạc Atacama lại trở thành “ghost cities”. Ngành công nghiệp diêm tiêu sụp đổ và không may cho Chile đó cũng là thời kỳ Ðại khủng hoảng Great Depression của thế giới. Họ đã đi theo vết xe đổ của chính Peru khi không còn tư bản để tái chuyển đổi mô hình kinh tế. Hàng trăm thị trấn nhỏ biến mất, thành phố Humberstone và Santa Laura giờ là những thành phố ma. Và cũng như Peru, phải mất nhiều thế hệ Chile mới có thể bình ổn trở lại.

Thế kỷ 21, những “ghost towns” của Chile chỉ còn là những điểm du lịch, và phân guano được khai thác ở Peru chỉ được dùng cho những nông trại hữu cơ organic lẻ tẻ trên thế giới. Chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Ngành công nghiệp “cứt” đã thay đổi diện mạo của Peru và Chile, và chính sự lệ thuộc này cũng kéo sụp nền kinh tế. Ðiều cần phải học được là “đừng bao giờ bỏ tất cả trứng vào trong một giỏ”, đặc biệt khi đó là những giỏ phân!

S