Hiện tại, có thể xem cau là loại nông sản chủ lực của người nông dân miền Trung Việt Nam bởi giá thành của cau rất cao và hầu hết các gia đình ở miền Trung đều trồng cau làm bờ rào, trồng cau trang trí… Thế nhưng chuyện cau tăng giá trở nên bi hài khi các vườn cau chuẩn bị một kế hoạch chống trộm quá dã man mà trộm vẫn cứ lộng hành.
“Cau tặc” lại xuất hiện
Ông Hiển, một nông dân ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, nói về chuyện cau tặc và cách phòng chống cau tặc:
– Nhiều năm rồi, cau tặc nó lộng hành kinh khủng lắm cháu ạ.
– Ăn trộm cau gọi là cau tặc hả chú. Bắt được ai chưa?
– Ừ, dân trộm cau đó, lộng hành lắm. Hồi xưa thì cẩu tặc, giờ là cau tặc, mà cẩu tặc vẫn còn. Cau tặc thì kinh khủng hơn cẩu tặc, vì cẩu tặc dưới đất, nó có thể chạy được nên cùng lắm thì đánh lại mình để thoát thân, chứ cau tặc thì nó không chỉ đánh lại mình để bỏ chạy đâu …
– Họ làm sao, chú?
– Bị phát giác thì nhiều rồi, nhưng chưa có ai bắt được, công an và dân làng kéo tới thì về ngủ được mấy giấc rồi.
– Sao không bắt luôn, đợi công an tới làm gì?
– Bọn nó dùng roi điện, dao găm để chống chế chủ nhà. Còn cau tặc mang cả vũ khí “nóng” theo, vì chúng biết thế của chúng khó thoát, đang trên cây mà, người ta chỉ cần đứng dưới đất là bao vây được. Từng có vụ dân phải chạy có cờ vì chúng bắn từ trên ngọn cau xuống, rồi nhảy xuống thoát thân. Công an tới thì nói đôi điều ba chuyện huề vốn. Họ cũng đâu rảnh đâu mà quan tâm!
– Vậy bó tay thúc thủ sao?
– Trước đây thì rào gốc cau bằng gai tre, rào từ gốc lên tận gần nửa cây cau, nhưng không ăn thua vì trộm nó dùng thang trèo qua khỏi chỗ rào, vậy là dùng điện, kéo dây điện lên ngọn cau, tối lại bật. Nhưng cũng nó trèo lên bị điện giật chết người thì cũng mệt, vậy là dùng lưỡi lam.
– Lưỡi lam là sao?
– Chủ vườn sẽ bẻ cái lưỡi lam làm đôi, dùng kìm nhét nó vào thân cau, đưa bề lưỡi ra ngoài, mỗi cây cau giắt chừng 8 lưỡi, tức 16 miếng. Nếu trộm leo lên, sẽ bị lưỡi lam cắt.
– Nguy hiểm quá. Nếu bị cắt đứt mạch máu nguy cơ tử vong rất cao. Mình có biết chuyện đó không?
– Có chứ, nhưng bây giờ nó lộng hành quá, mà chính quyền, công an không bảo vệ được tài sản cho dân, thì dân biết làm sao đây?
– Giả sử công an có tuần tra chống trộm thì mình sao?
– Nếu có an ninh tốt, chẳng ai muốn làm chuyện đó. Thực sự là đến mùa cau, mọi hy vọng cả một năm trời chỉ dồn vào trái cau, trái cau như chỗ cứu rỗi nhà nông, bán nó thoải mái lương tâm nhất đó cô à!
– Cái gì lương tâm ở đây vậy chú?
– Trong hàng ngàn loại nông sản, chỉ có duy nhất trái cau là nông sản sạch, không dùng phân bón hay thuốc hóa học nào, cứ đến mùa thì trổ hoa thơm ngát, trổ hoa xong thì cho trái, đến mùa thì hái trái, không thuốc trừ sâu luôn. Cây cau có thể dùng được từ gốc tới ngọn, và trái cau mình bán rất sung sướng, vừa có tiền lại vừa nhẹ nhõm lương tâm, không bị áy náy, cắn rứt vì bơm thuốc kích thích hay trừ sâu.
– Như nãy chú nói, nếu chống trộm bằng lưỡi lam, có chấm dứt được nạn cau tặc không?
– Mình phải làm rất nhiều thứ nữa, chứ chỉ lưỡi lam thì nó chặt cây cau xuống hái buồng. Ngay cả cây sưa hàng chục tỉ đồng giữa Hà Nội mà nó còn dám chặt thì nghĩa lý chi ba cây cau.
Cau về đâu?
Nói về thị trường cau tăng giá đột ngột, một người buôn cau tên Trúc, ở Quảng Nam, chia sẻ:
– Quảng Nam và Quảng Ngãi là những vùng trồng cau phẩm chất cao, giá thành cao.
– Giá cau giờ bao nhiêu một kí lô?
– Không lường được, lên xuống giá như vàng vậy, nay xuống, mai lên hoặc ngược lại. Mấy năm trước cau chưa tới 5,10 ngàn đồng một ký lô, mấy năm trước nữa thì chưa tới 10 ngàn, năm ngoái rớt còn 2 ngàn đồng nhưng năm nay cau tăng giá, giá mua tại vườn đã là 7 chục ngàn đồng một ký.
– Em nghe nói có lúc giá tăng lên tới một trăm ngàn, trăm hai chục ngàn một ký lận?
– Đó là giá của đại lý, còn giá của người buôn cau thì chưa bao giờ tới 8 chục ngàn đồng một ký. Giá chung rứa thôi, chứ nhà vườn chỉ bán được giá lắm là bảy lăm ngàn đồng một ký. Mà mình có muốn mua giá 8 chục, một trăm ngàn đồng một ký cũng không được.
– Sao vậy ạ?
– Vì nếu mình mua như vậy, con buôn nó chặn đường đánh cho dập mật, nó cho là mình phá giá.
– Anh có mua giá theo đại lý không?
– Có chứ, mình buôn cau, nhưng có bao giờ mua được như mình muốn đâu! Vì cau trở thành món hàng đắt giá, hàng hot trên thị trường nên người ta xúm vào đặt luật, như luật xã hội đen vậy, cân gian, cân ép ký, mua ép giá, chỉ tội cho nhà vườn. Nếu buôn bán nghiêm túc, sòng phẳng, cạnh tranh lành mạnh thì mình tuy mua giá cao nhưng mình sẽ mua được nhiều cau, lấy công làm lãi, không ép nông dân, phải chia phần từng vườn cau mà mua như bây giờ.
– Chia phần từng vườn cau mua là sao ạ?
– Thì mình chỉ được mua một số vườn quen, vườn khác có người khác mua rồi, mình không được tới, rừng nào cọp nấy, dân buôn cau bây giờ cũng có cả giang hồ, xã hội đen và cho vay nặng lãi xúm vào. Họ mua nhưng không hái, có đệ tử đi hái, thị trường loạn lắm!
Một người buôn cau khác, xen vào:
– Nếu Nhà nước, quản lý thị trường mà làm việc tới nơi tới chốn thì không đến nỗi nào!
– Quản lý cách sao, anh?
– Thì ổn định thị trường, thậm chí tổ chức đại lý, tổ chức quản lý người mua, quản lý giá. Họ có dư người để theo dõi thị trường và thông báo thị trường nhưng thật ra thì cán bộ ngồi chơi xơi nước, chực hờ phạt vạ, hù dọa kiếm ăn chứ có bao giờ họ làm việc một cách đàng hoàng đâu! Nếu chính quyền địa phương, Nhà nước có trách nhiệm đúng thì không có náo loạn như bây giờ. Bởi nó không có lợi ích nhóm.
– Lợi ích nhóm ở trên cao, chứ ba mặt hàng nông sản thì có gì đâu mà lợi ích nhóm?
– Có chứ, trên cao ăn theo trên cao, dưới thấp thì hoành hành dưới thấp! Phần cán bộ thì cát cứ theo kiểu cán bộ, phần bà con, dây mơ rễ má cán bộ thì cát cứ theo cách của bọn nó. Có chừa thứ gì đâu! Nếu Nhà nước không sớm dẹp loạn thì sẽ có loạn.
– Mọi thứ chậm trễ này xuất phát từ đâu ạ?
– Từ cát cứ địa phương cả! Bởi các cán bộ địa phương lâu nay che giấu cái xấu hòng nhằm củng cố ghế quyền lực của họ. Và khi đã thành hệ thống ổn định ở địa phương, tức là cát cứ đã qua mặt được cấp trên và thậm chí có thể đạp luôn cấp trên khi có cơ hội!
– Đúng vậy, nó lê thê và ảm đạm lắm. Nhưng nếu tiếp tục, không phanh phui thì tương lai sẽ rất mù mờ, đen tối, không chỉ loanh quanh ở khu vườn cà vườn cau thôi đâu.
UC