Hàng chục năm qua, dư luận Việt Nam đã xôn xao bàn tán về tình trạng mê hình thức, chuộng hư danh trong xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Tình trạng các ông, bà “tiến sĩ giấy” sản sinh hàng loạt từ các “lò ấp tiến sĩ” tại VN cũng là hệ quả của vấn nạn này!

Con số thống kê của Bộ Giáo dục – Ðào tạo VN cho biết, đến giữa năm 2022, đã có khoảng 24 ngàn tiến sĩ (TS) trên 99 triệu dân, tương đương 0.025%. Tỷ lệ phần trăm số người có bằng TS là một thông số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển của mỗi quốc gia về tri thức. Tuy nhiên, nhìn lại số lượng các vị TS này ở VN sẽ thấy không ít trong số họ dường như đều “có vấn đề”. Chẳng hạn, trong các hoạt động xã hội, phần lớn người dân VN chỉ nghe biết các cá nhân có bằng cấp TS (hay giáo sư) và mặc định đó là người tài giỏi chứ không mấy quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu và kết quả hoạt động khoa học của họ ra sao. Do không chú trọng thực chất mà chỉ quan tâm đến bằng cấp dẫn đến việc có một số người tìm đủ mọi cách để có được học vị, học hàm. Nên lưu ý ở nhiều nước trên thế giới, TS cũng là một “nghề” và nhiều quỹ trả lương cho TS để họ tập trung vào các công cuộc nghiên cứu. Riêng VN hiện nay, không ít người chỉ xem chuyện có được “mác” TS nhằm dễ dàng lên chức, được nhận lương cao, hưởng thêm nhiều bổng lộc!

Đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam rất nhanh và nhiều. Ảnh: tác giả cung cấp

Lại nhắc chuyện ngày xưa và hiện giờ ở xứ người: để có được cho mình tấm bằng TS, cá nhân ấy phải tích cực học tập ngày đêm, phải bỏ nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm. Còn ở VN nhiều năm qua không như thế! Rất đông các ông, bà cán bộ lãnh đạo suốt ngày họp hội, suốt ngày đi khắp nơi chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị, thậm chí không có thời giờ ăn bữa cơm nhà với gia đình, thế nhưng dần dà ông, bà nào cũng có “mác” TS hết.

Bảo vệ đề tài luận án “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. Ảnh: tác giả cung cấp

Vẫn theo số liệu của Bộ Giáo dục – Ðào tạo VN, hiện nay hàng năm nước này có hơn 1,500 TS, hơn 36,000 thạc sĩ được cấp bằng và số liệu này vẫn chưa tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh, quốc tế. Trước tình hình này, dư luận trong nước từng gọi các viện đào tạo TS hệt như những “lò ấp trứng” bởi số TS được đào tạo ra quá nhanh và nhiều. Và phải chăng vì đào tạo quá nhiều, quá nhanh, hãy thử xem qua các đề tài luận án của các ông, bà “nghiên cứu sinh” thì thấy có không ít chuyện tào lao chi địa. Thử hỏi luận án TS mà đề tài cỡ như “nghiên cứu về hành vi nịnh trong tiếng Việt” hay “nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” cùng những đề tài trời ơi tương tự khác. Hoặc có những ông bà đã sẵn tấm bằng TS nhưng thỉnh thoảng lại “thở” ra những câu nói mà người nghe chỉ cảm thấy rất dốt nát và buồn cười.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Dư luận đã “ném đá” khá nhiều về giá trị thực tế của những đề tài luận án cũng như những lời phát ngôn của các ông bà TS này, chẳng cần nhắc thêm. Tuy nhiên, đa số những người phụ trách các cơ quan nhà nước liên quan thường kết luận vấn nạn này là do bệnh thành tích nhưng thật sự không phải thế. Lý do là phía sau những bằng TS tào lao kia đều có đồng tiền chi phối. Viện Hàn lâm Khoa học VN một ngày “sản xuất” được 18 tấm bằng TS, quả là đạt kỷ lục thế giới! Người hướng dẫn đều có “phong bì” nên họ cứ nhắm mắt cho điểm xuất sắc. Bởi cứ cấp bằng là có tiền, mà tiền cũng không ít. Các cơ quan, các trường, các viện thi nhau cấp bằng. Các ông giáo sư tranh nhau hướng dẫn, tranh nhau ngồi ghế phản biện cũng có khoản “bồi dưỡng” đút túi!

Cuối năm 2017, Bộ Giáo dục – Ðào tạo VN còn đưa ra dự thảo duyệt chi 12,000 tỷ VNÐ (tương đương 5.2 triệu USD) để đào tạo thêm 9,000 TS từ 2018 đến năm 2025. Dự thảo này từng gây nhiều phản ứng trái chiều vì dư luận cho rằng, số lượng TS ở VN hiện đã quá nhiều mà “chất” vẫn không xứng đáng với tấm bằng họ được trao. Là cán bộ, công chức nhà nước chỉ cần nâng cao nghiệp vụ, phục vụ người dân sao cho tốt là được, cần chi tấm bằng hữu danh vô thực, lại tốn tiền thuế của người dân? Hay nhà nước VN muốn đạt kỷ lục thế giới đây là đất nước có nhiều TS nhất để tự hào, ngạo nghễ? Bởi thực tế hiện nay ở VN, ông chủ tịch quận huyện, bà chủ tịch phường cũng “sắm” cho mình “mác” TS. VN có lắm TS như vậy nhưng chẳng thấy có công trình nào giúp ích cho đời sống, cho người dân.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Ông Dương Trung Quốc, một trí thức ở VN nhận xét: “Ðể đóng góp cho sự phát triển của xã hội thì cần về phẩm chất chứ không cần số lượng. Trong xã hội, theo tôi nhiều người ở vị trí rất quan trọng không cần bằng cấp mà cần đến năng lực và kỹ năng khác. Trước đây chúng ta đã đào tạo hàng vạn TS nhưng dư luận vẫn rất băn khoăn về chuyện này khi rất nhiều người được đào tạo đã trở nên lãng phí bởi những tri thức ấy không ứng dụng được vào cuộc sống bao nhiêu. Lạm phát TS là dấu hiệu của một nền giáo dục mục ruỗng, hình thức, thiếu thực chất, vô giá trị, luôn chạy theo thành tích và cũng chỉ là nơi để các ông bà quan chức kiếm tiền!”.

“Công trình” và những lời nói gây bão dư luận của một số ông bà tiến sĩ VN. Ảnh: tác giả cung cấp

NS