Ở Việt Nam, việc phân biệt đẳng cấp giữa đại gia, nhà giàu (chứ không phải quý tộc) và bình dân, người nghèo thường khác nhau ở một thứ dễ nhận thấy, là trái cây. Nhà giàu chơi trái cây nhập từ phương Tây, Mỹ, bình dân, nhà nghèo cũng chơi trái cây nhập ngoại, nhưng từ Trung Quốc. Mọi thứ có thể cùng chủng loại nhưng lại khác nhau về giá cả một trời một vực.

Trái cây nhà giàu, trái cây nhà nghèo

Một người tên Nguyên, là người chuyên buôn hàng ‘xách tay’ và các loại thực phẩm, rau củ quả cao cấp từ Mỹ về Việt Nam theo một đường dây mà “đặc biệt”, chia sẻ:

– Trái cây nhập cảng từ Mỹ và một số loại thực phẩm xách tay từ Mỹ, những người có thu nhập trung bình không chạm tới được đâu!

– Nghĩa là sao thưa chị?

– Nghĩa là trái cây nhập cảng từ những nơi như Mỹ, châu Âu, có kênh phân phối riêng của nó, khó có chuyện nó vào siêu thị bán với giá vài trăm ngàn đồng một ký lô. Thường thì giới cán bộ và giới kinh doanh giàu có mới dám sờ, chứ còn những trái cây nói là nhập từ Mỹ, châu Âu ở một số cửa hàng bình dân thì không chắc lắm đâu, nếu không muốn nói là hàng đểu.

– Hàng đểu sao được, chúng có nhãn mác, có tem nhập cảng/hải quan và cơ quan chức năng đàng hoàng mà?

– Em chưa thấy đó thôi, cán bộ y tế vào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, chủ yếu là nhận phong bì chứ kiểm kiếc gì. Tôi từng thấy một cán bộ y tế cầm, săm soi một món sản phẩm đã hết date nhưng trên biên bản toàn ghi tốt không à, thậm chí vị trí kiểm tra đầy cứt chuột nhưng vẫn cứ ghi là chuẩn. Khi kiểm tra trái cây nhập, chỉ đưa lên mũi ngửi cầm trái cây đưa lên mũi ngửi, rồi bảo tốt tốt…Toàn đi kiếm ăn cả thôi. Cả một hệ thống cán bộ đông đúc nhưng đồng lương èo ọp nên họ tìm cách kiếm ăn bên ngoài, họ mượn nhãn mác để kiếm ăn thôi!

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 19 tháng 6 năm 2025

– Chuyện nhãn mác, chị vẫn chưa nói rõ lắm …

– Nhãn mác tại Việt Nam đủ loại, nhãn giả có, nhãn thật bị tuồn ra ngoài thị trường cũng có, cứ có tiền thì mua bao nhiêu cũng có. Ngay cả phôi bìa hồng của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà họ còn bán lậu nữa thì nghĩa lý chi mấy cái nhãn mác, bán đầy đường, giới buôn hàng trái cây thì họ rành lắm. Một con số chiếm rất lớn trong thị trường trái cây Việt là trái cây Trung Quốc, và có rất nhiều trái cây dán nhãn mác Mỹ, châu Âu nhưng nó là “đặc sản” Trung Quốc.

Những sạp trái cây với đa phần là trái cây Trung Quốc

– Họ làm vậy vì thị trường ưa chuộng hay vì lợi nhuận?

– Vì lợi nhuận, ví dụ một ký nho kẹo của Trung Quốc có giá không tới 30 ngàn đồng (tương đương $1.2 đô) nhưng khi dán nhãn mác châu Âu, châu Úc hay Mỹ thì giá vọt lên hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng (tương đương $4 hay 5 đô), lãi tới 3, 4, thậm chí 50 lần, sao người ta không làm! Nhiều gia đình buôn trái cây nhập ngoại giàu sụ nhờ kiểu này đây!

– Có khi nào chị bị ác cảm nghề nghiệp rồi nghĩ vậy không?

– Ồ không, tôi là người buôn trái cây đặc biệt, cho giới nhà giàu nên nhìn trái cây là biết nó nhập từ nước nào …

– Như vậy thì người giàu vẫn ăn phải trái cây đểu?

– Ồ không phải vậy, người giàu thực thụ, như dân kinh doanh, dân cán bộ, họ nhiều tiền và họ có nguồn của họ, một trái nho họ ăn có giá tiền bằng cả ký nho của người nghèo. Còn những người nghèo nhưng lại muốn nâng cấp, chấp nhận mua mắc thì thực ra chỉ đụng hàng đểu thôi, tiền mất tật mang!

Người buôn trái cây Trung Quốc nói gì?

Một người yêu cầu giấu tên, chuyên cung cấp trái cây Trung Quốc, chia sẻ:

Xem thêm:   Đua ngựa Sài Gòn

– Trên thị trường hiện nay, trái cây Trung Quốc chiếm đến 90%…

– Em thấy trái cây ngoại nhập khá phong phú, nguồn từ Mỹ và các nước khác cũng khá nhiều mà chị?

– Mình là người buôn hàng chuyến, mua trái cây từ Trung Quốc về, khu vực miền Trung và Tây Nguyên hầu như của mình bỏ mối cả đấy chị ạ! Ngoài mình ra có vài người nữa cũng buôn trái cây Trung Quốc giống mình. Ví dụ như khu vực A chẳng hạn, mình bỏ mối cho họ vài chục thùng nho, rồi vài trăm thùng hồng, lê, cam, quýt… Thế rồi đùng một cái, họ dán nhãn mác lên nho của mình rồi đem bỏ mối với giá nho Mỹ, mình biết ngay nhưng không nói được.

Chuối Việt được bày bán dạo trước chợ Vĩnh Điện

– Sao chị không nói?

– Người ta đủ sức qua mặt quản lý thị trường, qua mặt cơ quan chức năng thì đương nhiên thế lực của họ chẳng đơn giản chút nào, mình đụng vào là mình chết trước. Mình mà phanh phui, không những mất mối làm ăn mà còn đứt đường làm ăn luôn. May là họ lấy hàng của mình để dán nhãn mác chứ không phải hàng trôi nổi.

– Hàng trôi nổi là giống gì nữa chị?

– Ở các cửa khẩu Việt  Trung, có những cửu vạn, họ sang bên Trung Quốc mua trái cây về bán, mà mấy loại đó thì nguồn không rõ ràng, dư lượng thuốc trừ sâu không biết đâu mà lần.

– Vậy trái cây có nguồn gốc mà chị buôn sẽ có lượng thuốc trừ sâu thấp?  Chị dựa vào đâu để tin được?

– Thật ra cũng khó nói, nhưng ít nhất là mình mua từ nguồn chính thống bên Trung Quốc, mình tự tin hơn thôi, chứ bên họ thì nó đánh giá, kiểm định chất lượng ầu ơ, lèng mèng giống như Việt Nam thôi.

– Ở Việt Nam mình việc đánh giá, kiểm định như thế nào vậy chị?

– Họ chọn ra 5% ngẫu nhiên trong một lô hàng để kiểm tra chất lượng. Đương nhiên kiểm tra cho có vậy thôi chứ mình thấy họ có làm gì đâu, lấy mẫu, phần lớn là ngửi thôi, chủ yếu là lấy phong bì rồi duyệt tuốt.

Xem thêm:   Một ngày ở đảo Thiềng Liềng

Chúng tôi tiếp tục tìm đến một đại lý trái cây, gọi là đại lý A, tức sau nhà buôn hàng chuyến từ Trung Quốc về, người buôn hàng chuyến sẽ bỏ mối cho đại lý A, từ A sẽ bỏ tiếp cho các đại lý A1, sau đó B, và C là người trực tiếp bán trái cây. Chị Huyền, chủ đại lý A cười nói:

– Trái cây Trung Quốc 100%, chị buôn bán theo cách trung thực, của Trung Quốc thì nói Trung Quốc, nhưng các đại lý bên dưới thì họ muốn nói gì họ nói. Nếu muốn khoe nhập từ Hỏa Tinh về cũng chịu, không thể nói gì được….

– Thường thì loại trái cây nào bị hô biến nhiều nhất hả chị?

– Nho, chủ yếu là nho xanh, nho kẹo, nho ngón tay và nho đen … rồi táo nè, lê nè đều dời từ Trung Quốc sang tận Nam Phi hoặc Mỹ, Nhật… đáng sợ hơn cả là ở các siêu thị.

– Siêu thị mà cũng không sạch sao chị?

– Trái cây Trung Quốc, rau dùng thuốc hóa học trong đó nhiều lắm. Nhưng họ chơi nhãn mác sạch hết. Nhờ vậy cán bộ thị trường mới giàu được, chung chi nhau cả. Chỉ tội cho người nghèo, người bình dân, dân lao động… nhiều người dành tiền, ăn nhín uống nhịn để mua sắm ở siêu thị cho an toàn, nhưng rốt cuộc thì chỉ tốn tiền vô ích thôi!

Táo “Mỹ” với giá vài chục ngàn đồng mỗi ký, Cam “Mỹ” với giá tương tự

Kết

Một vòng quẩn bẩn thỉu nên không khó hiểu tại sao người ở Việt Nam bệnh tật ngày càng nhiều, đủ loại bệnh, nhiều nhất là ung thư, tỉ lệ ung thư tăng vùn vụt, đáng thương nhất là những con bệnh còn rất trẻ, họ từng là rường cột của gia đình. Bệnh tật vẫn chưa đủ, khi nhập viện, họ lại phải xì phong bì để rồi có thể nhận được thuốc đểu, loại thuốc được những quan chức y tế cấp cao, cao lắm, nhập đểu!

Bài và hình UC