Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết mỗi năm Việt Nam cần khoảng 2 triệu đơn vị máu dùng điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật hoặc những người mắc các bệnh cần truyền máu. Tuy nhiên thực tế ngành y tế nước này chỉ đáp ứng được chừng 70-75% nhu cầu. Do đó nguồn máu dự trữ ở các bệnh viện luôn nhờ tới đội ngũ những người “cho” máu. Nói là “cho” nhưng trong đó không ít người chủ yếu đi “bán”. Họ gồm đủ lứa tuổi, thành phần xã hội và dĩ nhiên hầu hết là người nghèo.

Sài Gòn có 3 nơi thường xuyên tiếp nhận nguồn máu là bệnh viện Truyền máu huyết học (quận 5), bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Quân y 175 (Gò Vấp). Còn Hà Nội là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Theo quan sát của chúng tôi, ngày nào những nơi này cũng có người túc trực chờ được “cho” máu. Thông qua “thổ địa” ở đây là anh Hùng xe ôm, tôi làm quen một trung niên đang ngồi chờ trước Trung tâm truyền máu bệnh viện Chợ Rẫy. Anh tên Thoại (42 tuổi), bán kem dạo ở Thủ Ðức. Thoại mù một mắt bẩm sinh nhưng khoe có “thâm niên” cho máu liên tục suốt 2-3 năm qua. Anh tâm sự: “Chút nữa vô đó người ta xét nghiệm mình phải thật sự khỏe mạnh mới được cho máu. Ðể nhanh chóng vượt qua vòng xét nghiệm ít nhất trước 2 ngày đi tới đây không được nhậu nhẹt, ngủ đủ giấc, ăn nhiều rau muống, mắm tôm cho tiểu cầu lên nhiều. Không ăn các loại nhiều dầu mỡ, không hút thuốc lá, không uống nhiều trà, cà phê…”

Nhu cầu về máu điều trị luôn cao hơn mức cung ở VN

Cạnh đó là thanh niên tên Liêm (25 tuổi, quê An Giang) lên Sài Gòn hơn 4 năm, hiện làm bảo vệ ở quận 3. Liêm cho biết hàng tháng cậu ta vẫn đến bệnh viện này “cho” máu để kiếm thêm tiền xài chứ lương bảo vệ hơn 5 triệu VNÐ/tháng rất khó sống ở Sài Gòn!”. Vẫn theo lời Thoại tâm sự: “Kiểu như này là mình kiếm tiền cấp thời, chứ làm lâu dài cũng không bền. Tuy nhiên khi đi cho máu mình vừa có tiền vừa được xét nghiệm miễn phí, có thể biết được mình mắc bệnh gì không. Chứ tự nhiên muốn đi xét nghiệm máu cũng tốn nhiều tiền lắm!”.

Hiến máu hay “cho” cũng được “tiền bồi dưỡng” như nhau

Thông tin chúng tôi ghi nhận, ngành y tế VN quy định người hiến máu với nam giới phải nặng trên 45kg, tuổi từ 18-60, nữ giới trên 40 kg, tuổi từ 18-55. Nam giới không được cho máu quá 4 lần/năm và nữ không quá 3 lần/năm. Lượng máu cho tối đa mỗi lần bằng 1/13 lượng máu cơ thể (khoảng 4-5 lít máu) hoặc từ 5-7ml/1kg thể trọng sẽ an toàn. Tuy nói vậy nhưng nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, cần tiền vẫn sẵn sàng phớt lờ hoặc cố ý lèo lách những quy định này.

Các “cò” máu xuất hiện nhan nhản ở trước các bệnh viện

Liêm nói mỗi lần cậu ta “cho” 450ml (tương đương 1.8 đơn vị máu) sẽ được cơ sở y tế trả 380 nghìn VNÐ tiền mặt “bồi dưỡng”.  Tương tự nếu 1.4 đơn vị máu (350ml) là 320 nghìn VNÐ và 1 đơn vị máu (250ml) là 260 nghìn VNÐ. Ngoài ra các bệnh viện còn bồi dưỡng hiện vật (bánh bao, đường, sữa…) cho người hiến máu quy ra tiền có 3 mức là 140 nghìn VNÐ (1 đơn vị máu), 200 nghìn VNÐ (1.4 đơn vị máu) và 260 nghìn VNÐ (1.8 đơn vị máu). Song có một điều là nhu cầu máu dùng cho điều trị của các bệnh viện thường khá lớn. Một khi lượng máu dự trữ không đủ đáp ứng cho cấp cứu và điều trị, các bệnh viện vẫn phải vận động người thân bệnh nhân tham gia hiến máu. Dĩ nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có người thân sẵn sàng “hiến” vì vậy vô tình tạo ra “đất làm ăn” cho đám “cò” mua bán máu. Cũng thông qua Hùng xe ôm, chúng tôi liên lạc một “cò” tên Sơn, chuyên móc nối với những người bán máu. Khi tôi vờ ngỏ lời đang cần máu truyền, Sơn nói ngay: “Chú Hai cần máu hay tiểu cầu? Loại máu nào? Mấy đơn vị? Chú Hai bồi dưỡng em 50 nghìn VNÐ là em tìm ngay cho!”.

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

Thấy tôi còn ngơ ngác, Sơn giải thích: “Một đơn vị máu cỡ 250 – 300 ml, người nhà chú cần bao nhiêu? Ví dụ một đơn vị máu O giá 1.4 triệu VNÐ, lấy nhiều hơn được giảm 100 nghìn VNÐ cho mỗi đơn vị máu. Chú Hai phải đặt cọc tiền cỡ 30% để em gọi điện thoại bảo người bán máu đến đây rồi mình vô viện làm thủ tục luôn. Còn chú Hai tạm giữ căn cước công dân của em để làm tin cũng như kêu người nhà mang giấy tờ cần truyền máu tới…”. Sơn cho biết thêm mọi thủ tục liên quan tới chuyện mua bán máu anh ta đều nhờ các cán bộ y tế của một phòng khám gần đó chuyên về vấn đề này làm. “Cò” Sơn còn khẳng định, người mua đợi tối đa 2-3 tiếng đồng hồ sau sẽ có máu chứ nằm chờ trong bệnh viện có khi…cả ngày cũng chưa có!”

Máu sau khi hiến

Tôi làm bộ chê đắt so với giá “nhà nước” thì Sơn bĩu môi: “Giá vậy được quá rồi chú! Bây giờ chú thử chờ máu trong bệnh viện coi có liền hay không trong khi tính mạng người thân mình đang ngàn cân treo sợi tóc? Người ta đi bán chứ có phải hiến đâu mà theo giá “nhà nước?”. Cũng theo người này tiết lộ, thông thường giá “mua” một đơn vị tùy loại máu từ người bán đã trên dưới 1 triệu VNÐ. Sau đó, “cò” phải trả công cho người bán, cho bên xét nghiệm và cuối cùng “cắt phế” cho mình nên còn chừng 200-300 nghìn VNÐ thôi! Chúng tôi cũng thử thăm dò ở những người “bán” máu, được biết tùy loại máu thông thường hoặc nhóm máu hiếm, người bán sẽ được “cò” mua từ 700 – 800 nghìn VNÐ cho 1 đơn vị máu. Những người theo “cò” làm ăn một tháng có thể “bán” máu vài ba lần, chỉ việc để lại số điện thoại và về nhà nằm chờ. Mọi chuyện tiếp theo sẽ được “cò” tìm cách sắp xếp chu đáo…

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

NS